Có người tỉnh táo hơn, ôn hòa hơn, cho là giải Nobel thường lấy phương Tây làm trung tâm nên văn học châu Á ít được quan tâm. Đối với Trung Quốc mà nói, chữ vuông Trung Quốc rất kén người dịch nên người phương Tây ít biết về văn học Trung Quốc, cộng thêm sự khác biệt về văn hóa và hình thái ý thức cũng là trở ngại để phương Tây hiểu được Trung Quốc.
Trước ngày công bố giải Nobel văn học 2012, có nhiều dự đoán khác nhau về người được giải. Danh sách đề cử thì có nhiều, nhưng ý kiến tập trung vào ba người sau đây: nhà văn Israel Amos Oz, nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami và Mạc Ngôn của Trung Quốc. Trong ba nhà văn ấy thì dư luận cho Haruki Murakami - nhà văn có tiểu thuyết Rừng Na Uy nổi tiếng thế giới - là hy vọng nhất. Thế nhưng đến phút chót, Ủy ban Nobel lại tuyên bố tặng cho Mạc Ngôn, người có thứ văn chương “hiện thực huyền ảo pha trộn những câu chuyện dân gian, lịch sử và hiện đại”.
Khi Ủy ban Nobel công bố tin vui đó thì Mạc Ngôn đang ăn cơm tối tại nhà ông ở Cao Mật Sơn Đông. Vì tập trung vào bữa ăn, con gái ông không cho mở ti vi nên ông không biết, sau đó có người gọi điện báo ông mới biết. Ngay hôm 11/10/2012, lúc 9 giờ tối có cuộc họp báo ngay tại nhà ông. Phóng viên hỏi cảm tưởng của ông sau khi biết tin này.
Mạc Ngôn đáp: “Nghe được tin này tôi rất vui, nhưng tôi thấy được giải không tiêu biểu cho cái gì. Trung Quốc rất nhiều nhà văn ưu tú, tác phẩm của họ đáng được thế giới tiếp nhận và thừa nhận, tới đây tôi sẽ dồn hết tâm lực vào tác phẩm mới”. Phóng viên hỏi vì sao tác phẩm của ông thuyết phục được Ủy ban Nobel? Mạc Ngôn đáp: “Tôi nghĩ đó là tố chất văn học trong tác phẩm của tôi. Đây là giải về văn học, lý do được giải phải là văn học. Tác phẩm của tôi là văn học Trung Quốc, cũng là một phần của văn học thế giới. Tác phẩm của tôi thể hiện cuộc sống của nhân dân Trung Quốc, thể hiện văn hóa và phong tục dân tộc độc đáo của Trung Quốc, đồng thời tiểu thuyết của tôi cũng miêu tả nhân tính theo nghĩa rộng, tôi luôn đứng ở góc độ con người để tả con người, vượt qua giới hạn địa lý và chủng tộc”!
Cũng trong đêm ấy, nhân viên của Ủy ban Nobel từ Thụy Điển gọi điện về phỏng vấn Mạc Ngôn. Nhân viên hỏi, nhận được tin vui ngài có cảm giác thế nào? Mạc Ngôn trả lời: “Vừa nghe được tin ấy, tôi rất kinh ngạc, vì tôi cảm thấy giải Nobel văn học còn cách xa tôi lắm”.
Sau khi chúc mừng nhà văn, nhân viên hỏi tiếp rằng, sau khi ngài được giải, rất nhiều sinh viên trên thế giới sẽ háo hức tìm đọc tác phẩm của ngài, vậy xin ngài hãy giới thiệu những cuốn nào hay cho họ đọc. Mạc Ngôn đáp: “Tôi mong trước tiên hãy đọc Sống đọa thác đầy (Sinh tử bì lao), Nhà xuất bản Thụy Điển vừa in, bởi cuốn sách đó khá toàn diện tiêu biểu cho phong cách sáng tác của tôi và tiêu biểu cho sự tìm tòi của tôi về nghệ thuật tiểu thuyết, rồi sau đó sẽ đọc Cao lương đỏ(1), Mông to vú nở (Phong nhũ phì đồn)”… Nhân viên lại hỏi, ngài ăn mừng việc đoạt giải Nobel như thế nào? Mạc Ngôn đáp: “Chẳng có gì để ăn mừng cả, ngày mai tôi cùng gia đình làm một mẻ ‘bánh chẻo’(2) ăn, mong muốn nhất của tôi là ăn một bữa ‘bánh chẻo’”.
Qua hai lần phỏng vấn ta thấy Mạc Ngôn được giải rất vui, nhưng vẫn cảm thấy ái ngại vì ở Trung Quốc còn nhiều nhà văn cũng đáng được giải. Ông quý giải thật, nhưng cũng không coi đó là cái gì ghê gớm quả phải tôn sùng. Và ông cũng thấy cần phải cố gắng hơn nữa để khỏi phụ lòng bạn đọc trong và ngoài nước.
Ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam ta cũng vậy, có người thích và có người không thích Mạc Ngôn. Đây là chỉ nói chuyện nghệ thuật, chưa nói chuyện chính trị. Nhưng đây chỉ là chuyện “thị hiếu”, và ta cũng không vì ông được trao Giải Nobel mà đề cao quá mức. Chuyện Giải Nobel xưa nay có lắm vấn đề, ta đã biết. Mong bạn đọc, đọc Mạc Ngôn và tự mình lắng nghe mình, thích cái gì và không thích cái gì, tùy thích… H.V |
Con đường văn học của Mạc Ngôn không phải là thuận chèo mát mái như nhiều người tưởng mà là quanh co, trắc trở. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, 12 tuổi đã phải bỏ học về quê lao động. Năm 20 tuổi (1976) ông rời quê nhập ngũ, được lên chức tiểu đội trưởng, rồi làm cán sự tuyên truyền, giáo viên chính trị. Hồi nhỏ ông thích đọc truyện, ước mơ đến ngày nào đó có thể viết lại những câu chuyện xảy ra ở quê hương. Thế là ở trong quân đội ban ngày luyện tập, đêm chong đèn viết lách. Ông gửi đi nhiều nhưng chẳng báo nào chịu đăng. Mãi đến năm 1981 ông mới được đăng một truyện ngắn đầu tiên có tên là Mưa đêm xuân. Tác phẩm ấy mô phỏng một truyện ngắn của nước ngoài chứ chưa phải là sáng tạo của riêng ông. Sau đó ông được gọi vào học ở Học viện Nghệ thuật quân giải phóng, rồi sang làm nghiên cứu sinh ở Viện Văn học Lỗ Tấn và đoạt bằng thạc sĩ ở đấy. Những kiến thức học được ở hai viện trên đã giúp sự nghiệp sáng tác văn học của ông thăng hoa. Truyện vừa Cao lương đỏ là mốc son trên chặng đường văn học của ông, sau đó được đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu dựng thành phim và được giải Con gấu vàng ở Liên hoan phim Berlin 1998. Từ đấy trở đi tên tuổi của Mạc Ngôn nổi như cồn. Nhưng tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Trên văn đàn Trung Quốc, Mạc Ngôn được khen cũng nhiều và chê cũng lắm.
Người khen thì cho rằng, Mạc Ngôn đã sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ đượm sắc thái quê hương rất phong phú, rất mê hồn; ông đã sáng tạo ra vùng quê vừa hiện thực vừa kỳ ảo. Quê hương Cao Mật dưới ngòi bút của ông chỉ tồn tại trong tưởng tượng, đó không phải là mảnh đất lịch sử hoặc hiện thực, nhưng nó lại hấp dẫn sinh động hơn và được người ta thừa nhận là hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc. Ông đã phản ánh được sức mạnh của sinh mệnh, ý chí mãnh liệt của người Trung Quốc. Do tuổi trẻ Mạc Ngôn sống ở nông thôn đầy truyền thuyết dân gian nên ông đã thể hiện được trạng thái “ma mị” của cuộc sống dân gian ấy. Điều đó làm cho tác phẩm của Mạc Ngôn có sắc thái cá tính rất mạnh.
Còn người chê, họ chỉ ra trong một số truyện vừa như Hoan lạc, Châu chấu đỏ, Đạo chó, thậm chí ngay cả những tiểu thuyết dài được độc giả đọc nhiều nhất như Tửu quốc, Mông to vú nở, Đàn trương hình cũng thể hiện quan điểm mỹ học không lành mạnh(3). Họ cho rằng Mạc Ngôn có cái nhìn lệch lạc, biến cái xấu bẩn, thối tha thành cái đẹp đẽ, thơm tho. Họ nói ông phô bày tất cả cái xấu xa, bỉ ổi mà từ khi ông sinh ra đã nhìn thấy, nghe thấy, trải qua, có khi tưởng tượng ra để kích thích, để nguyền rủa, chửi bới, kể cả mảnh đất Cao lương đỏ mà ông đã từng ca ngợi. Ông dùng những cái xấu xa ở nhân gian để đùa cợt và lấy đó để vui thích. Cái u-mua (humour) đen mà chủ nghĩa hậu hiện đại hay dùng đó của ông là trái với truyền thống và không hợp gu với nhà cầm quyền nên ông bị phê phán là cái chắc.
Tiểu thuyết Mông to vú nở in lần đầu tiên vào năm 1995, sau đó bị phê phán và bị cấm lưu hành một thời gian. Một trong những lý do là trong cuốn này kể chuyện có hai anh em nhà nọ lựa chọn con đường chính trị khác nhau: một người gia nhập Đảng Cộng sản, người kia chọn Quốc dân đảng. Thế nhưng người thứ hai này lại tốt hơn, đáng yêu hơn nhiều so với người anh em của anh ta. Ý tưởng này cũng là thể hiện tư tưởng phủ định của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong tác phẩm có hình ảnh chú bé Kỳ Đồng rất kỳ dị, từ bé đến lớn không thể xa rời được bầu vú của người mẹ. Trong bài Mạc Ngôn trả lời phỏng vấn tạp chí Lire (Pháp) tháng 4/2004, ông giải thích: “Người ta có thể tìm thấy ở tình yêu của con người Trung Hoa đối với tổ quốc của mình, nhưng tất nhiên đó cũng là một sự phê phán về sự lệ thuộc của những người đàn ông, như các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc không có khả năng rời bỏ Đảng, hay những nhà buôn không có khả năng từ bỏ các vụ áp phe”.
Cũng ở bài trên, khi nói về hiện tượng ăn thịt người ở trong tiểu thuyết Tửu quốc (1993) Mạc Ngôn nói: “Về nạn ăn thịt người, đó là một chủ đề truyền thống ở Trung Quốc. Nhưng tất nhiên nó mang ý nghĩa ẩn dụ trong cuốn sách của tôi, nó chỉ ra sự áp bức của hệ thống chính trị và tình trạng sách nhiễu dân lành, cũng như nạn biến chất tha hóa: một số quan chức đồi bại đến mức nghiến ngấu tất cả, kể cả những đứa trẻ con”.
|
Tác phẩm "Ếch" của Mạc Ngôn dịch ra tiếng Việt |
Với lối viết phóng túng mà ông gọi là “phi mã hành không”, từ bỏ phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, gần gũi với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Mỹ la tinh, cộng thêm những lời phát biểu “nghịch nhĩ” cùng với những lời “bất kính” đối với lãnh tụ rải rác ở trong các trang sách của ông đã gây khó khăn không ít cho ông.
Đối với những người chỉ trích cũng như những lời khen, ông đều cám ơn vì nó đều giúp ích cho ông. Ông lặng lẽ, không nói (Mạc Ngôn) âm thầm “thâm canh” trên cánh đồng “cao lương đỏ” quê nhà và đến nay ông đã có được 11 bộ tiểu thuyết dài, 30 truyện vừa, 100 truyện ngắn, 5 tập tản văn, 9 kịch bản phim, 2 kịch bản kịch nói. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đoạt nhiều giải trong và ngoài nước.
Sau một thời gian, có lẽ do bầu không khí chính trị thông thoáng hơn, dễ thở hơn, giới phê bình cũng đỡ khắt khe hơn và cũng do ngòi bút của Mạc Ngôn có sự điều chỉnh nên đã tạo được dư luận đồng thuận nhiều hơn. Tiểu thuyết Con ếch mới nhất của ông vừa được giải văn học Mao Thuẫn 2010 và đến năm 2011 ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Vinh dự hơn, ông được một số trường đại học trong nước tặng bằng tiến sĩ và phong là giáo sư danh dự. Xưa nay trong sách giáo khoa bậc phổ thông, ông chưa bao giờ có tên. Giờ đây, sau khi được tin ông đoạt giải Nobel, Bộ Giáo dục Trung Quốc bắt đầu lựa chọn tác phẩm của Mạc Ngôn để đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Có lẽ truyện Củ cà rốt trong suốt được lựa chọn vì nó phản ánh lòng dũng cảm, tính ngoan cường, khắc phục mọi khó khăn của người dân Trung Quốc.
Giải Nobel văn học năm nay xóa tan thành kiến của Ủy ban Nobel xưa nay vì quá thiên vị châu Âu. Trong một thập kỷ qua, có đến 8 nhà văn châu Âu được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh; năm ngoái, giải được tặng cho nhà văn Thụy Điển Tomas Transtromer. Giờ đây người phương Tây không còn coi văn học đương đại Trung Quốc là một “bãi rác” nữa, họ bắt đầu thừa nhận “Trung Quốc là nước lớn về văn học”. Người Pháp coi Mạc Ngôn là “đại thụ” trong khu rừng của văn học Trung Quốc. Người Đức hết sức ca ngợi Mạc Ngôn. Họ nói “Trên bầu trời sao văn học có thêm một ngôi sao sáng”. Nhiều người còn so sánh Mạc Ngôn với Kafka, Faulkner, J.Heller. Có điều cách đánh giá của họ hơi thiên về việc Mạc Ngôn đã tả được nhược điểm nhân tính của xã hội Trung Quốc, phản ánh được mặt đen tối của nền chính trị và phơi bày phê phán mạnh mẽ cái xấu xa, kệch cỡm của xã hội.
__________
1. Cao lương đỏ (Lê Huy Tiêu dịch) được giải thưởng truyện vừa toàn Trung Quốc năm 1985-1986. Dịch giả Trần Đình Hiến nói đó là kịch bản phim là không đúng.
2. Bánh bột mì hấp có nhân thịt.
3. Xem bài Xu hướng mỹ học trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn in trong cuốn Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa của Lê Huy Tiêu, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2011.