Con nhà nông với cổng trường đại học

“Chỉ có học mới đổi đời được con ơi!”. Đó là câu nói thường nghe của những người dân quê chân chất. Vì họ luôn tin rằng, học vấn, tri thức là cánh cửa rộng để cho con cái đổi đời và nhận được cái nhìn nể trọng từ xã hội nhưng đường đến giảng đường của con nhà nông còn lắm nỗi chông chênh.

Đơn cử ở miền Trung Việt Nam, mảnh đất còn nhiều cơ cực với khí hậu khắc nghiệt và điều kiện mưu sinh rất vất vả… Các tỉnh miền Trung đa số là nông dân và ngư dân, nhiều hộ còn nghèo. Quanh năm, cuộc sống của họ phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đến mùa thu hoạch được ít tạ thóc thì phải vắt óc tính toán sao cho đủ ăn, đủ mặc đến mùa giáp hạt, phần còn lại đem bán để có tiền chi tiêu trong gia đình và lo cho con cái ăn học, đó là chưa kể những năm mất mùa do thiên tai, dịch bệnh; ngư dân thì năm nào biển động nhiều, mất mùa cá, ghe nằm bờ thì năm đó nỗi lo cặp sách đến trường của con cái thêm nặng trĩu trên đôi vai họ… Nhiều gia đình một năm thu nhập không quá mấy triệu đồng nhưng ước mơ cho con vào đại học không bao giờ tắt.

Ở nước ta, đa số các trường đại học lớn và chất lượng đều ở các thành phố lớn.

Cuộc sống đô thị với mức chi tiêu cao nên nhiều sinh viên nghèo phải thắt lưng buộc bụng thì mỗi tháng cũng mất gần một triệu đồng tiền trọ cộng với tiền học và sinh hoạt phí.

Vậy, với mức thu nhập khiêm tốn ở nông thôn hiện nay thì làm sao một gia đình nông dân đủ tiền nuôi một đứa con học đại học chứ chưa nói đến 2 hay 3 đứa…

Do đó, sự lao động cật lực của cả gia đình cũng chỉ dư 500.000 – 700.000 đồng/tháng để gửi cho con ở thành phố ăn học, phần còn lại nhiều sinh viên phải tự xoay sở, đi làm thêm như dạy kèm, phụ việc nhà hàng, quán cà phê… mong sẽ đủ bù khoản chi phí còn lại. Nhiều sinh viên vì làm thêm nhiều quá, đến lúc lên giảng đường thì ngủ gà ngủ gật, tối về nhà trọ thì chật chội, nóng nực, ồn ào… kết quả học tập tất nhiên sẽ không cao.

Cha mẹ ở quê cố gắng làm lụng để mong có tiền cho con nuôi ước vọng, để mong con cái an tâm học hành và sẽ không quay lại nghề nông cực nhọc, bần hàn… để mong đứa lớn sau khi ra trường có thể nuôi đứa nhỏ hơn ăn học; để các con sẽ đổi đời làm thay ước mơ của bố mẹ…

Ôi! Những giấc mơ tưởng chừng bình thường đó nhưng không dễ thực hiện chút nào. Vì đối với một gia đình khá giả - mỗi tháng chi một đến vài triệu đồng cho con ăn học là chuyện quá ư bình thường nhưng đối với những gia đình nghèo thì đó là cả một quá trình lao động cật lực cùng với khát khao cháy bỏng trong niềm tin Chớ than phận khó ai ơi! / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây… (ca dao Bình Trị Thiên).

Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học tập. Mong rằng, những đồng tiền cho vay, hỗ trợ sinh viên vượt khó sẽ đến được với đông đảo sinh viên nghèo, giúp các em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ và tự tin bước vào đời như bao bạn bè cùng trang lứa; để bố mẹ các em được cười trong hạnh phúc, những giọt nước mắt sung sướng hằn sâu trên từng nếp nhăn đôi bàn tay sần sùi, chai sạn ôm các em vào lòng trong ngày tốt nghiệp sẽ ấm áp biết bao…

Nhưng vừa qua, có cuộc bàn thảo đề án về việc cổ phần hóa đại học và tăng học phí đại học. Nếu việc này thành hiện thực thì đa số các trường đại học công sẽ được tư nhân hóa dần dần, đương nhiên học phí sẽ cao gấp nhiều lần, gánh nặng học phí sẽ tiếp tục đè nặng vai các sinh viên nghèo hiếu học… Và cổng trường đại học với con nhà nông vẫn còn muôn nẻo chông chênh?!

NGUYỄN THỊ THANH