Con rồng trong ống kính

Một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp kể:

Có một nhà thiên văn nọ, sáng chế được một viễn vọng kính, ông đặt nó trên mái nhà và hằng đêm lên ngắm nhìn kỳ công của vũ trụ. Ông say mê nhìn ngắm các vì tinh tú trong đêm đến độ quên hẳn những kỳ công ban ngày.

Một đêm nọ, ông bỗng phát hiện một con rồng trên mặt trăng. Con vật có một thân thể màu xanh sáng chói, những cánh của nó đỏ rực và mắt nó lại xanh, điều lạ nữa là con vật này có nhiều chân và đầy lông lá. Con vật nằm bất động giữa mặt trăng. Nhà thiên văn học thích thú đến độ chạy khắp thành phố mời bạn bè đến chiêm ngưỡng khám phá của ông. Từng đám đông kéo đến và xếp hàng chờ đợi đến lượt để xem cho được con rồng trên mặt trăng.

Tất cả những ai nhìn thấy con vật đều tấm tắc khen ngợi tài năng của nhà thiên văn học. Thế nhưng, một đêm nọ trong đám đông những người hiếu kỳ, một nhà thiên văn học kỳ cựu cũng đến để tìm hiểu hư thực, vừa đưa mắt nhìn xuyên qua viễn vọng kính, ông mỉm cười một cách bí ẩn rồi đi đến trước ống kính, ông mở ống kính ra và cho mọi người thấy một con ruồi nhỏ đã chết cứng trong đó, ông khuyên nhà thiên văn học trẻ như sau: “Này ông bạn, trước khi đưa ống kính nhìn lên trời, xin ông bạn hãy kiểm chứng xem nó có sạch không!”.

***

Câu chuyện trên đưa đến bài học hữu ích gì?

Con người dễ có khuynh hướng nhìn người khác theo suy nghĩ và lối sống của mình. Tiêu chuẩn thường dựa vào truyền thống, tập quán, sở thích, trình độ, kinh nghiệm cá nhân.

Khi hướng dẫn người khác, thì cũng có khuynh hướng bắt người khác phải theo cách sống, chọn lựa của mình, thay vì hướng dẫn để họ trở nên tốt hơn. Khi có cái nhìn thành kiến, thì nhất cử nhất động của người khác đều được ta kiểm soát kỹ lưỡng. Ta dễ lôi kéo, gán ghép, liên hệ mọi lời nói, việc làm của họ vào cái khung đã định sẵn. Ta dễ có khuynh hướng chụp mũ, quy chiếu người khác chỉ dựa vào một số thông tin từ lời nói, việc làm, mà không nhìn rõ con người ấy là gì, tình trạng, hoàn cảnh của họ ra sao, nguyên nhân nào lại thế. Thành kiến dễ làm con người xa nhau, cắt đứt nhiều mối tương quan trong cuộc sống; thành kiến làm cho con người cô đơn, héo tàn vì mất đi sức sống của tâm hồn trong những liên hệ tình cảm, tình yêu với nhau; thành kiến làm cho con người trở nên sai lạc, cố chấp, nguy hiểm cho người khác vì quyết định của mình.

Thật vô cùng đáng sợ cho những người đứng đầu, những người nắm giữ các chức vụ quan trọng mà lại có cái nhìn thành kiến. Bởi nó tạo ra xung đột, tranh chấp, ghen tị, bất công, bất mãn, bất hợp tác. Nó sẽ tạo ra xào xáo tinh thần chung, làm cho sức mạnh tập thể bị suy yếu. Chính thành kiến – chứ không gì khác – dễ tạo ra bó buộc, chèn ép, mất tự do. Và khi không được như ý, sẽ dễ sử dụng quyền lực để khống chế, chế tài hay hành hung người khác. Cho nên:

Trước khi xét đoán người khác, hãy tự kiểm mình trước đã.

Trước khi lấy cọng rác trong mắt người khác, hãy lấy cái đà trong mắt mình trước đã.

Trước khi nghi ngờ người khác, hãy suy xét xem mình có nhầm lẫn gì không.

Trước khi trách móc người khác, hãy xem mình có phải hoàn toàn đúng chưa?

Trước khi suy nghĩ tiêu cực về người khác, hãy nhìn lại những yếu đuối lỡ lầm của mình.

Trước khi giúp biến đổi người khác, đầu tiên, hãy sửa đổi chính mình. Trước khi sửa dạy người khác, hãy nghiêm túc với bản thân trước đã.

Trước khi đề phòng người khác, hãy đề phòng thói ích kỷ, ghen tị của mình trước đã.

Trước khi nhận định người khác, hãy cẩn thận với những thành kiến của mình trước đã.

Người có thành kiến giống như con ngựa không dây cương, như thuyền không bánh lái, nó sẽ lao về phía trước mà không có mục đích, vì thế, cả đoàn tàu phía sau cũng bị lôi vào nguy hiểm…

Hiếu Văn sưu tầm