Con sông vắng bến phà

Có thể vào một dịp nào đấy tôi sẽ còn viết về những bến phà ở Việt Nam. Về chuyện, theo lời khuyên của các bạn bè Xô viết của tôi đang làm phóng viên tại Hà Nội, tôi đã đo đếm những đoạn đường trong mỗi chuyến đi không phải bằng kilômét mà bằng số lượng các bến phà như thế nào... Về chuyện trên con sông Gianh, cùng với những người chở phà, tôi đã dùng tay níu lấy sợi dây tam cố được bện từ ba sợi dây leo ướt sũng nước và trơn tuột ra sao. Và về chuyện tôi cùng với Lê Sơn, một chàng trai tuyệt vời vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm quốc gia Moskva, ngồi uống trà trong túp lều tranh của bác sơn tràng Nguyễn Viết Đông nằm giữa vạt rừng thưa nhiệt đới trong lúc đợi phà qua sông Nhật Lệ. Vâng, thể nào tôi cũng sẽ có dịp viết về những bến phà ở Việt Nam, bởi lẽ chính ở đây, trên chuyến phà, trong không khí nhộn nhạo chen chúc giữa những chiếc ô tô và những con người với vẻ mặt lo lắng bận bịu đến công việc thường nhật của mình, trong cảnh xô bồ chật chội với những xe đạp, xe ba gác, với những thúng mủng đầy gạo, sắn..., trong sự đa dạng phong phú của những khuôn mặt nam phụ lão ấu, những chiếc mũ cối và những chiếc nón lá, trong những cuộc làm quen bất chợt và những giây phút trò chuyện ngắn ngủi, tôi đã ngẫu nhiên phát hiện ra nhiều nét đáng yêu về tính cách của dân tộc phi thường này.

Còn bây giờ, tôi muốn kể về một dòng sông không có bến phà. Có lẽ nó là một con sông duy nhất như vậy trên khắp đất nước Việt Nam, mặc dầu ở đây có một cây cầu kiên cố mà ta ít thấy trên những con sông khác ở Việt Nam. Song le, cây cầu này không nối liền mà ngăn cách hai bờ sông Bến Hải, bởi lẽ con sông này là giới tuyến chia cắt đất nước Việt Nam ra làm hai phần và chính ở phía bên kia sông đang diễn ra những cảnh đầu rơi máu chảy mà mấy tấm hình trên tờ tạp chí Life của Mỹ đã ghi lại.

Cây cầu Hiền Lương đã được toàn thế giới biết tới... Thú thật, tôi đã chờ đợi một cái gì thật khác thường, nhưng té ra mọi thứ rất bình dị.

Ở phía sau thị trấn Hồ Xá của huyện Vĩnh Linh là một con đường cái quan rất đỗi bình thường. Hai bên đường là ruộng lúa xanh rờn, những người nông dân lội đến tận đầu gối đang làm cỏ cho lúa, những chú bé cưỡi trâu cổ truyền. Và cột cây số cho biết từ đây đến Huế còn 97 kilômét.

Và mặc dầu biết rõ rằng cố đô Huế nay đã thuộc địa phận miền Nam Việt Nam, tôi vẫn không thể nào bứt ra khỏi ý nghĩ rằng 97 cây số chẳng qua chỉ là một đoạn đường đi mất hai tiếng đồng hồ sau khi vượt qua cầu Hiền Lương...

Nhưng trước cây cầu là thanh barie, và đứng gác cạnh đó là một chiến sĩ Công an nhân dân. Còn ở phía đầu cầu bên kia là một người lính trong bộ quân phục lạ mắt. Tôi không hiểu ngay rằng đó là người lính của Ngô Đình Diệm – chỉ cách chúng tôi mấy chục mét. Anh ta chỉ cần tiến thêm vài bước nữa là đặt chân lên phần bờ bắc của sông Bến Hải, nhưng anh ta không làm thế mà quay lại, rời khỏi nửa phần cầu sơn màu đỏ để trở về với nửa phần cầu sơn màu xanh lục của mình thuộc bờ nam, nơi vẫn con đường cái quan quá bình thường ấy tiếp tục uốn lượn giữa cánh đồng lúa ngập nước, nhưng bay phất phơ trên cây cột cao ở bên đó là lá cờ màu vàng với ba sọc đỏ.

Thế đấy, tôi bỗng nhớ tới người lính của Ngô Đình Diệm khi xem những tấm hình trên tờ Life. Có phải chính người lính này đầu đội chiếc mũ sắt sùm sụp che lấp đôi mắt đang đi giữa ngôi làng rừng rực cháy? Có phải chính anh ta với vẻ mặt đắc thắng đang chĩa khẩu súng máy vào lưng một em bé vốn có mối liên hệ, như tờ Life khẳng định, với những người du kích miền Nam Việt Nam? Cũng có thể là anh ta, nhưng ai mà biết được, bởi lẽ những nhà đương cục của chính quyền họ Ngô luôn luôn thay đổi những tốp lính gác bên cầu Hiền Lương vì sợ họ chịu ảnh hưởng của lối “tuyên truyền cộng sản”...

Song le, tôi vẫn cứ muốn hỏi người lính đó: liệu anh ta có ý thức được rằng anh ta đang châm lửa đốt nhà của ai và kẻ nào xúi bẩy anh ta làm việc đó?

Liệu anh ta chí ít có một lần suy nghĩ xem tại sao những chiếc máy bay Mỹ lại bay lượn trên vùng đất của anh ta và thả bom napan thiêu đốt mọi sinh vật? Và tôi còn muốn nói thêm với anh ta rằng đằng nào thì cuộc sống cũng sẽ bắt anh ta suy nghĩ về tất cả những điều ấy và chẳng chóng thì chầy anh ta sẽ cúi đầu chịu tội trước nhân dân mình, và sự sám hối của anh ta sẽ rất cay đắng...

Tôi đã gặp những người như vậy. Ngồi trước mặt tôi là một thanh niên mặc áo màu xanh nhạt với mái tóc rủ xuống trán. Anh ta tên là Phan Tuyên, từng phục vụ trong tiểu đoàn số 7 vốn nổi tiếng là một đơn vị trung thành với Ngô tổng thống. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa rõ liệu anh ta có thành khẩn nói về sự tỉnh ngộ của mình hay không, nhưng tôi ngắm nhìn anh ta và nghĩ đến chuyện, như tôi đã được nghe kể, chỉ trong vòng một năm vừa qua có tới 5.000 binh lính và nhân viên của chính quyền Ngô Đình Diệm đã chạy sang hàng ngũ nhân dân. Như vậy là vẫn có một cái gì đó mạnh hơn thứ kỷ luật dùi cui và trò mị dân chống cộng, và thậm chí mạnh hơn cả sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vốn ngày càng gia tăng...

Tấn bi kịch của miền Nam Việt Nam là vết thương nơi trái tim của cả dân tộc. Một vết thương ứa máu, không ngậm miệng.

Vĩ tuyến 17 chạy ngang qua hàng ngàn số phận con người, chia cắt làng xóm, gia đình, bứt trẻ thơ ra khỏi mẹ hiền, bứt vợ ra khỏi chồng, làm tan đàn xẻ nghé bao đôi lứa uyên ương. Tôi đã được nghe kể hàng chục câu chuyện bi thương như vậy, bởi thế tôi rất thấu hiểu nỗi đau mà những người bạn của tôi, những nhà văn Việt Nam, nói về tình trạng đất nước mình bị chia cắt. Đó là Tố Hữu đầy nghị lực, một trong những nhà thơ hiện đại lớn nhất của Việt Nam; đó là Nguyễn Đình Thi trầm tư và trữ tình, một cây bút văn xuôi điêu luyện, người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam; đó là Nguyên Hồng, tác giả thiên truyện Bỉ vỏ rất nổi tiếng ở trong nước; đó là Hoàng Trung Thông, một nhà thơ xuất chúng, người từng dịch Majakovski và Tvardovski; đó là những nhà văn trẻ ở Vĩnh Linh đã tặng tôi tập thơ Bên cầu Hiền Lương...

... Tôi đi men theo bờ sông bên thôn Tùng Luật. Mặt trời đã gác non đoài, hoàng hôn ngắn ngủi ở phương Nam đã buông xuống. Ở mé bên trái, hình bóng những cây dừa và ngôi thánh đường Thiên Chúa giáo trông giống như một trong những chiếc lô cốt của Pháp trước đây mà ta bắt gặp nhan nhản ở khắp nơi, in rõ trên nền trời nhá nhem tối. Còn ở mé bên phải, sát cạnh tôi, ngay sau cánh đồng lúa, dòng sông Bến Hải hơi bị che phủ bởi màn sương chiều, đang lặng lẽ trôi. Ở phía bờ bên kia, cũng như ở đây, thật tĩnh mịch. Nhưng không hiểu sao, chính vào giây phút này, tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng cả sự tĩnh mịch dễ đánh lừa ấy lẫn dòng sông hiền hòa vốn đang ngăn cách miền đất của hòa bình và lao động với miền đất của chiến tranh, bạo lực và bóc lột – có lẽ đây là một dòng sông duy nhất trên đất nước Việt Nam không có bến phà, mặc dầu có một cây cầu kiên cố bắc qua – chứa đầy tính bi kịch biết bao...

Hà Nội - Moskva

Juri Barabash