Ở Viện Bảo tàng Quốc gia Tokyo bên Nhật có một bức tranh do họa sĩ Eitoku (1543 – 1590), thời Momoyama, vẽ Sào Phủ đang gò cổ con trâu đi quay ngược lại và phía đằng sau có một cây thông là một thứ cây chịu được sương tuyết lại sống lâu, tượng trưng cho khí tiết của người quân tử sống ẩn dật như Nguyễn Công Trứ đã viết:
Ngồi buồn mà trách ông xanh, Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Giữa trời vách đá cheo leo, Ai mà chịu rét thì trèo với thông. |

Bức tranh ngụ ý nhắc lại câu chuyện của Hứa Do và Sào Phủ, hai bậc ẩn sĩ đời thượng cổ bên Trung Quốc mà Hoàng Phủ Mật, đời nhà Tấn, trong sách Cao sĩ truyện đã kể rằng:
“Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một nhà ẩn dật sống ở trong chằm Bái Trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng là người có tài mới vời đến để nhường cho cả thiên hạ. Hứa Do đã từ chối mà rằng:

Tiêu liêu sào lâm bất quá nhất chi, yển thử ẩm hà bất quá mãn phúc.
(Chim tiêu làm ổ bất quá trong một nhánh cây, trâu đầm uống nước, chẳng qua đầy bụng, ý nói nhường hết thiên hạ cho tôi cũng chẳng làm gì).
Nói rồi lui về ở ẩn tại núi Trung Nhạc, phía Nam sông Dĩnh Thủy. Vua Nghiêu sau lại vời đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng quản cả chín châu. Hứa Do nghe xong lời mời của nhà vua liền ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Ngay lúc ấy, Sào Phủ cũng vừa dắt trâu tới, định cho nó xuống bờ sông uống nước thì gặp Hứa Do, bèn hỏi: -Tại sao bác phải rửa tai như vậy?
Hứa Do thuật lại câu chuyện. Sào Phủ nghe rồi, liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:
- Ta toan cho trâu nó xuống uống nước ở đây nhưng lại sợ bẩn cả miệng nó.
Nói đoạn Sào Phủ dắt ngay trâu ngược lên quãng sông ở phía trên cho nó uống nước”.
Câu chuyện xưa kể lại là vậy, nhưng đời nay làm gì có việc như thế. Lại cũng khó có chuyện Sở vương đã nhường ngôi cho Lục Vân Tiên như Nguyễn Đình Chiểu đã kể rằng:
Trẫm rày phát nguyện qui y, Nhường ngôi Quốc trạng trị vì giáo dân. |
Việc Nguyễn Đình Chiểu để cho Sở vương nhường ngôi cho Lục Vân Tiên mà đi tu cũng là thể hiện ý tưởng của ông, một cao sĩ ẩn dật quyết giữ tròn khí tiết, không chịu ra cộng tác với giặc, không màng danh hám lợi mặc dầu đã được thực dân Pháp cố tình mua chuộc.
Còn Hứa Do sở dĩ không nhận thiên hạ mà vua Nghiêu muốn nhường cho, không nhận làm tổng quản cả chín châu mà vua Nghiêu muốn giao cho vì tự nghĩ mình không có cái thực tài mà nhận lấy cái tài của người làm của mình thì không gì xấu hổ cho bằng. Ông lại thích cuộc sống ẩn dật chứ không ham muốn danh lợi nhưng Sào Phủ vẫn chê Hứa Do rằng:
“Bác đi đâu cho người ta biết bác mà muốn nhường ngôi vua cho bác, ấy là bụng bác vẫn còn danh lợi. Nghe mà rửa, chi bằng giữ vẹn đừng nghe”.
Thái độ ấy có gì tiêu cực quá chăng cũng như việc đi rửa tai hoặc không cho trâu uống nước sợ bẩn miệng trâu cũng có phải là điều ngông cuồng quá chăng?
Nhưng xem bức tranh của Nhật và đọc lại câu chuyện của Trung Hoa cũng là một điều hay cho chúng ta có dịp luận cổ và suy kim mà tìm lấy cho mình một con đường xử thế thích hợp vào thời buổi kinh tế thị trường này.