Tôi làm Phó chủ tịch tỉnh An Giang phụ trách “Tam Nông”, dự hội nghị đóng góp Luật đất đai 1993 và tiếp theo, khi làm Chủ tịch UBND tỉnh thì thực hiện luật 2003. Nói vậy để nói lên hai việc: Các ý kiến đại biểu đóng góp sửa luật khi còn dự thảo không được tiếp thu nên những vấn đề cốt lõi, các từ ngữ, khái niệm và cách diễn đạt vẫn giữ gần như nguyên; từ đó dẫn đến việc thứ hai là thực hiện vô cùng khó khăn và phức tạp - hiểu và làm sai là khó tránh khỏi và “vận dụng” làm bậy thì cũng rất dễ dàng.
Cái cốt lõi của vấn đề là ở chỗ: quyền làm chủ trực tiếp của nông dân (người dân) thì ít và mơ hồ - là “quyền sử dụng”; trong khi Nhà nước (các cấp chính quyền) thì quyền hạn mênh mông, chồng chéo lên nhau, cả 4 cấp và 4 Bộ (Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính - Vật giá) đều có quyền: quyền sở hữu, quyền đại diện và nhất là toàn quyền sử dụng - định đoạt. Đã có đến 700 văn bản dưới luật và hướng dẫn thi hành mà đến nay vẫn còn chưa ổn thì đủ thấy cái rắc rối này như “ma trận”. Một thời gian dài sau nước nhà thống nhất, tính đến 1993 là 18 năm chúng ta quản lý đất nước mà không có “luật về đất” và “luật về nước” là hai thứ tài nguyên cơ bản, sống còn của mọi quốc gia, nếu thiếu nó thì dân tộc và ngay cả con người cũng không tồn tại. Và mọi sự rắc rối giữa con người và các cộng đồng với nhau, thậm chí là chiến tranh cũng xuất phát từ đó. Lý do không có luật là vì ta không chấp nhận kinh tế thị trường.
Năm 1986 bắt đầu “Đổi mới”, chấp nhận kinh tế thị trường nên mới thấy cần có Luật đất đai, vậy mà bàn mãi đến 1993 mới có. Cái khó “trằn trọc” là nông dân có quyền sở hữu hay không đối với đất của họ? Kinh tế thị trường cho dù chúng ta có gắn cái bánh lái “Tư bản chủ nghĩa” hay “Xã hội chủ nghĩa” gì thì các khái niệm, phạm trù, quy luật của nó như: hàng hóa, hàng hóa sức lao động, giá trị, giá trị thặng dư, cạnh tranh, cung cầu… vẫn vận hành theo nó. Dùng quyền lực chính trị, hành chính cưỡng ép nó theo ý muốn là có hậu quả trước mắt hoặc lâu dài là tất nhiên - vì nó là quy luật mà! Trong đó, vấn đề cốt lõi là quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh tồn tại có tính tất yếu của kinh tế thị trường. Hai quy luật này lại chi phối quyền dân chủ và quyền tự do của mỗi cá nhân. Có dân chủ mới có sáng tạo ra giá trị, có tự do mới có cạnh tranh. Giá trị lao động sáng tạo là tài sản, kể cả sản phẩm trí tuệ; người sáng tạo ra nó phải có quyền sở hữu và quyền định đoạt. Thị trường cạnh tranh là cạnh tranh cái sở hữu sáng tạo ấy. Ứng vào đất đai, thị trường bất động sản nói chung thì đất và cả nước do con người đầu tư cho sinh hoạt và sản xuất cũng đều là hàng hóa, cho dù đất đai là hàng hóa đặc biệt đi nữa.

Đất và nước của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân là do tổ tiên của cả dân tộc lao động, chiến đấu, sáng tạo và giữ gìn, là của chung, là sở hữu toàn dân. Đất (từng thửa cho dù hàng trăm hécta) do người khai phá, hoặc do người dùng giá trị lao động cá nhân sáng tạo làm vật ngang giá trao đổi (mua - bán) thì phải là sở hữu của họ, họ có quyền định đoạt và quyền được Nhà nước bảo vệ. Trong quyền sở hữu tư nhân ấy, tất nhiên có sở hữu toàn dân trong đó như quy luật “cái chung có trong cái riêng”. Nhà nước “thu hồi đất” cá nhân vào việc chung, thực chất là mua mới đúng nghĩa, bởi cái của người ta sáng tạo ra thì Nhà nước không thể chiếm đoạt được, chỉ thu hồi đất cho thuê, cho mượn mà thôi. Cái quyền của “cái chung” là Nhà nước có quyền mua lại của “cái riêng” mà người dân bắt buộc phải bán; đó là đương nhiên và cũng là thông lệ của các nhà nước pháp quyền. Ngược lại, đất do Nhà nước quản lý, kể cả đất hoang, hải đảo và vùng biển quốc gia là sở hữu của quốc gia, người dân cũng có quyền sở hữu và quyền bảo vệ như quy luật “cái riêng nằm trong cái chung”.
Trương Hán Siêu nói: Có đức công mới lớn, có người đất mới linh (Bạch Đằng Giang phú). Trong Hịch tướng sĩ, Đức Thánh Trần nói (ý): Khi bị giặc Nguyên-Mông xâm chiếm, chẳng những Thái ấp của ta bị giặc chiếm mà đất đai của các ngươi cũng không còn. Của người là của vua cấp, trong đó có cả những thửa khai hoang của từng người dưới trướng. Lịch sử từ xa xưa, đất đai đã từng có đa sở hữu rồi. Chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn thì rất rạch ròi các loại đất, trong đó có công nhận đất riêng do cá nhân khai khẩn nên mới có động lực tạo ra mảnh đất phương Nam. Về “cái chung cái riêng” trong mối quan hệ sở hữu đất đai, từ xa xưa cha ông ta dù chế độ xã hội khác xa bây giờ nhưng xử lý vấn đề rất nhân bản, hợp lòng dân nên nước mạnh và giữ gìn, mở mang bờ cõi được như hôm nay.

Trước khi viết bài này, tôi đọc lại Luật đất đai 2003 và các văn bản dưới luật của Chính phủ và Bộ Tài nguyên - Môi trường, thật tình là quá rối rắm, hiểu không hết nổi. Cốt lõi của cái khó là nói sao để tránh cái “quyền sở hữu” của người dân nên mới có cấu trúc văn bản phức tạp mà không người nông dân nào hiểu hết khi đọc các văn bản ấy. Quyền sử dụng lâu dài, về thực chất như quyền thuê đất 20 năm mà thôi. Người dân có công cách mạng mà chỉ có 20 năm, trong khi các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài thì 50 năm, vậy có cách mạng và công bằng không? Ngay như điều 105 và các điểm b,c,d của điều 114 quy định các quyền của đối tượng sử dụng đất vì tránh “sở hữu” nên hài ra dài, thiếu và khó hiểu.
Nếu công nhận quyền sở hữu thì đương nhiên là có các quyền ấy rồi. Đất đai nên đa sở hữu và do vậy mới nên cần có luật để điều chỉnh các mối quan hệ sở hữu ấy. Cái cốt lõi của Luật đất đai cần sửa có lẽ là chỗ đó, vừa hợp lòng dân vừa phù hợp với hội nhập quốc tế. Như luật 1993 và 2003 thì đúng ra đó là những quy định về sử dụng đất nên có nhiều chi tiết không phải là luật, các khái niệm, ngôn ngữ phải có giải thích riêng chớ không có thông lệ quốc tế. Trong thực tế, tôi từng chủ trì giải quyết các tranh chấp đất đai, nhiều vụ thành nhưng không phải là ai cũng thỏa mãn, nhiều vụ gay gắt xử hoài không xong, có vụ xử bên nào thắng cũng là đúng…
Đặc biệt, có vụ tranh chấp nhà đất ở huyện Tân Châu năm 1968 giữa vợ một thiếu tá Sài Gòn bên nguyên do Tòa án chế độ cũ xử thì bên bị là gia đình có công cách mạng thắng vì có “quyền lưu cư thâm niên”, tòa của ta xử ngược lại, họ thua mới đau! Nói thế để thấy luật của ta như một rừng chữ, nhưng trong đó có quá nhiều đường quanh, nẻo tắt; người ngay vận dụng là quá khó khăn, kẻ cơ hội, tham nhũng thì tha hồ kiếm chác. Điển hình như chính quyền huyện Tiên Lãng nói: Thu hồi thì cứ thu hồi, còn giao lại cho ai thì chưa tính, đó là quyền của Nhà nước. Mồ hôi, công sức, tiền của của người dân mà nói tưng tửng như vậy thì chỉ có trời mới hiểu, dân không hiểu thì phải “thay trời hành đạo” như trường hợp Đoàn Văn Vươn! Năm 2013 là hết hạn 20 năm có “quyền sử dụng đất” của đại đa số nông dân, rồi vấn đề gì sẽ xảy ra nếu không sửa cái “thời hạn” và cả “hạn điền”?
|
Vấn đề cốt lõi nằm ở luật |
Nhân đây xin được nói thêm về hạn điền và thời hạn “sử dụng đất”. Hạn điền 3 hécta là cấp đất không thu tiền, còn chứng nhận việc sang nhượng, mua sắm mà cũng hạn điền là không lên sản xuất lớn, không cạnh tranh. Nông dân Sáu Đức ở Lương An Trà (An Giang) phải nhờ người đứng tên giùm để mua lại cả trăm hécta sản xuất theo mô hình trang trại; vậy ai dám chắc là sẽ không có chuyện lôi thôi giữa những người đứng tên giùm sẽ tranh chấp với Sáu Đức? Vì thực tế đã từng xảy ra rồi. Còn quy định thời gian (20 năm) và cả 4 cấp chính quyền đều có quyền về đất như hiện nay là kẽ hở cho tham nhũng đầm đìa. Vụ Tiên Lãng là một báo hiệu cho sự cấp bách sửa luật và cũng là một tín hiệu gửi đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XI vừa qua, về sự gắn bó giữa Đảng với dân và sự nguy hiểm của chứng “nan y” quan liêu, tham nhũng, bất tuân pháp luật, cát cứ, vô cảm trong không ít cán bộ, công chức các cấp bộ máy công quyền… đang càng chống càng tăng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua. Đặt vấn đề sửa hiến pháp, sửa Luật đất đai (và các luật quan trọng khác có liên quan tới quyền dân chủ tự do của người dân) thiết nghĩ Trung ương đã rất sáng suốt đặt vấn đề giải quyết trong cái tổng thể “Cải cách thể chế” và phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì.
Long Xuyên, ngày 2/2/2012
* (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)