Câu cửa miệng

LTS: Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số "câu cửa miệng" của người Việt ta xưa nay, được nhà Hán học lão thành Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn "góp nhặt". Bên dưới là vài dòng tâm sự của soạn giả và ba trang sách đầu tiên phần nội dung chính của quyển sách Câu cửa miệng được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học xuất bản năm 2011.

Tiếng nói là bộ máy tự nhiên của nhân loại, ở trong lòng là thần thức, phát ra ngoài miệng là thanh âm. “Tiếng còn dân còn, dân còn nước còn” từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây, nước nào dân nào, cũng khẳng nhận câu đó là đúng.

Tiếng Việt ta thuộc về đoản âm, hay đơn âm cũng thế, tiếng nào nghĩa ấy, nên những câu phương ngôn cách ngôn, tục ngữ thành ngữ, rất vắn tắt mà bao quát đầy đủ, cảm sâu vào tim vào óc người, nhanh chóng không gì bằng. Những bậc có học thức không kể, ngay cả các cụ già hay trẻ em, không biết một chữ nào, gặp việc nói ra để tỉ dụ ngay, vanh vách như có sách cả.

Muốn không để tản mác, trước đây một số tạp chí cũng đã lục tục biên chép. Một số sách của các tác giả lần lượt ra đời nhưng chỉ hiềm chọn lọc những câu phong nhã thanh cao, đến những câu thô bỉ tục tằn, đều giũa bỏ đi cả. Thành thử còn số nhiều những câu cửa miệng nhắc thường xuyên, mà sách thì không có dù nó rất cổ.

Đứng ngoài đóng khung của các vị tiền bối, tôi đây nhớ được, nghe được câu nào, thâu thái bằng hết. Nội dung bố trí của nó bằng xếp thành đối nhau, vần liên châu kéo dài.

Đã gọi là đối, nên cũng rất ít có câu thêm bớt một vài chữ hay cắt từng đoạn cho cân nhau. Đã gọi là dùng vần, nhưng cũng có câu không chuyển vần được, đành phải chịu vậy.

Không bảo toàn được toàn bích, cái khuyết điểm đó tự nhận rất lớn, không tránh khỏi thường cổ hủ của một vài nhà nha gàn khi xưa. Song có như thế mới có xoang điệu tiết tấu, khiến người đọc mới không chán, đã không đâm chán mới thông qua được “tùng đầu triệt vĩ”.

Hoặc có người hỏi: - Khuyết điểm về thêm bớt, hay bỏ vần, bỏ ra như thế đã tận thiện, tận mỹ chưa?

Thành thực trả lời: - Đâu dám tự phụ hoàn hảo được. Ngoài cái khuyết điểm đã biết, lại còn rất nhiều cái khuyết điểm chưa biết tới nữa. Một cây làm chẳng nên rừng! Mong các vị yêu tiếng minh. Sửa chữa và bổ sung cho.

Để xoáy chặt vào nội dung, tập này cho tên là: CÂU CỬA MIỆNG. Xin giới thiệu cùng độc giả.

Làm người phải nghĩ;
Có học mới hay.
Trăm khôn nghìn khéo – đương là thời buổi này (1);
Ba bể chín chu – đâu cũng là trời đất ấy.
Bàn dân thiên hạ;
Kẻ lạ người quen.
Ở lỗ nẻ kẽ cây chui lên;
Từ trên trời đứt dây rớt xuống.
Đủ năm đủ tháng;
Chọn ngày chọn giờ.
Ăm cơm chẳng sớm thì trưa;
Đầu lòng không trai thì gái.
Nghĩ sao cho một vừa hai phải;
Ai cũng chín tháng mười ngày.
Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng rò chơi;
Một khoáy sống lâu, hai khoáy rỗ đầu, ba khoáy chóng chết.
Liêng liêng bà mụ đánh chiêng, cho em biết chững;
Vươn vai chóng dài, chóng lớn, chóng chạy đi chơi.
Hạ hời hơi, hạ hời hơi;
Ầu em ngoan, ầu em giỏi.
Hắt hơi xơi muối;
Ô – huậy (2), dậy mau.
Mặt rỗ tổ ong bầu;
Chân thì mắt cá chuối.
Sáng con mắt, chặt đầu gối;
Tươi nét mặt, sạch nước da.
Bò lê bò la;
Ngủ gà ngủ gật.
Khoanh tay làm gối;
Chổng đít qua đầu.
Tóc để bông roi;
Rốn lồi quả quýt.
Xấu người đẹp nết;
Sấu rốn tốn cơm.
Gối qua tai, vai quá cằm;
Đầu không khăn, đít không khố.
Tránh đầu lại phải cổ ;
Sẩy vai xuống cánh tay.
Đút nút lỗ tai ;
Đi guốc trong bụng.
Há mồm trông thấy họng ;
Được đằng chân lân đến đầu (3).
Chân đăm đá chân chiêu ;
Mắt ngang dồn mắt dọc.
Mặt xám như chàm, đã tham lại độc ;
Búi tóc quả cà, trong nhà có ăn.
Liệu oản đọc canh ;
Gỡ xương lấy thịt.
Giấu đầu hở đuôi ;
Vắng mặt khuất lời.
Chân trong chân ngoài ;
Tay trên tay dưới.
Đầu bù tóc rối;
Mặt bủng da chì.
Con trai sưng dái, con gái sa đì;
Đàn ông lông chân, đàn bà gân mặt.
Một lời nói, một đọi máu ;
Bát cơm bát mồ hôi.
Hàm răng khin khít, tính riết như voi ;
Đít ngồi cong cong, con đông như vịt.


(1)

Những câu có “-” là câu khác chắp vào, cho có liên lạc thành văn.

(2)

Ô-huậy: Do tiếng Ô Hoạch nói chệch ra. Ô Hoạch một người khỏe có tiếng ở đời Châu Vũ Vương, hễ kéo vật gì nặng, người ta thường hò tên hắn (Mạnh Tử)

(3)

Có cách nói khác: Được đằng chân lân đằng đầu.

Nhàn Vân Đình