Câu chuyện NGUYỄN DU đi hát phường vải - Từ giai thoại dân gian đến “huyền thoại” khoa học

LTS: Vấn đề ai là tác giả các bài thơ "Thác lời trai phường nón" và "Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu" là một vấn đề quan trọng. Hồn Việt mong nhận được ý kiến thảo luận.

Năm 1924, Phó bảng Phan Sĩ Bàng và Giải nguyên Lê Thước trong cuốn Truyện cụ Nguyễn Du đã viết: “Cụ [Nguyễn Du]… sinh tiền thời giao du với những người có học vấn uyên bác như hai anh em người xã Trường Lưu là cụ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Quýnh. Mỗi khi thư tín vãng phục, chữ Hán có, chữ Nôm có. Tôi xin lục ra sau nầy một bài vãn(1) của cụ Nguyễn Du phúc lại cho cụ Nguyễn Huy Quýnh để độc giả xem cho biết buổi ấy các cụ cũng sính thư từ bằng tiếng Nôm cho nên văn chữ Hán đã hay mà văn Nôm cũng lão luyện”.

Năm 1943, học giả Hoàng Xuân Hãn trong Nguồn gốc văn Kiều: hát phường vải Trường Lưu trên tạp chí Thanh Nghị số 47 ngày 16-10-1943, tr.23, viết: “Nay nhân ngày giỗ cụ, tôi xin nói về một nguồn gốc khác của văn cụ: lối văn hát phường vải; và tôi sẽ sao lục một vài bài mà tục còn truyền lại cho là cụ làm từ lúc còn trẻ”.

Cũng trong năm 1943, học giả Đào Duy Anh, trong sách Khảo luận về Kim Vân Kiều, tuy không trực tiếp thể hiện quan điểm ủng hộ chủ kiến của Hoàng Xuân Hãn nhưng cũng ghi nhận rằng, Thác lời trai phường Nón là của Nguyễn Du(2). Thậm chí, ngay từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, câu chuyện Nguyễn Du đi hát phường vải đã đi vào giáo trình văn học sử trong nhà trường đại học(3).

Trong giới nghiên cứu văn học miền Bắc lúc bấy giờ, ngoài những người phụ họa thuyết Nguyễn Du đi hát phường vải, thậm chí còn tìm cách “vẽ rắn thêm chân”, vẫn có những người tìm cách nói khác đi ít nhiều. Đó là trường hợp bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu của GS Trương Chính, viết vào năm 1969(4). Tuy nhiên, GS Trương Chính mặc dù đã dành gần một nửa bài viết để chứng minh là Nguyễn Du không thể có cơ hội đi hát phường vải vào thời trai trẻ để có một câu chuyện tình thực tế như trong bài Văn tế, nhưng ông vẫn cố kiến giải rằng, Nguyễn Du đã hư cấu nên câu chuyện tình dân dã đó trong bài Văn tế của mình.

Sau cùng, GS Trương Chính đã đi đến kết luận rằng “Như vậy là bằng nhiều nguồn khác nhau, chúng ta biết bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu là của Nguyễn Du làm thật”(5). Tuy nhiên, những căn cứ mà nhà nghiên cứu đưa ra cũng không lấy gì làm chắc chắn. Trong sách Truyện cụ Nguyễn Du, hai soạn giả Lê Thước và Phan Sĩ Bàng không nói gì đến bài văn tế này, còn thông tin mà GS Trương Chính nói rằng nghe cụ Lê Thước “nói lại” là “...ông Tời (tức là cụ Nguyễn Phụ, cháu 4 đời của Nguyễn Du) có nhắc đến bài văn tế sống trên kia nhưng không nhớ” (Trương Chính, tlđd, tr.417) thì trong bài viết Vài mẩu hồi ức về việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều của GS Lê Thước cũng không thấy được nhắc lại. Còn như Trương Chính phỏng đoán rằng, khi đăng bài Văn tế này trên Nam Phong Tạp Chí số 13, tháng 11-12 năm 1928, “Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong, thấy nói chuyện trai gái, không hợp đạo đức phong kiến, nên y bỏ tên (Nguyễn Du) đi và đề là vô danh” thì cũng chỉ là đơn thuần suy diễn.

Ngoài những căn cứ ngoại suy nói trên, GS Trương Chính còn củng cố chủ kiến của mình bằng một lập luận khác: “...nếu đã nhận bài Thác lời trai phường nón là của Nguyễn Du, thì không lý gì gạt bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu ra, vì hai bài này cảm hứng giống nhau. Có những câu cùng một ý” (Trương Chính, tlđd, tr.417). Và ông trích dẫn những câu diễn đạt “cùng một ý” của cả hai bài văn Nôm này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một sự chứng minh dựa trên một tiền đề chưa được chứng minh. Việc trùng ý giữa hai bài văn Nôm chỉ có thể gợi ý cho ta tạm tin một điều là chúng có thể cùng một tác giả chứ không đủ căn cứ để ta tin rằng Nguyễn Du là tác giả của chúng.

Có lẽ, GS Trương Chính cũng như không ít nhà biên khảo khác tin bài Thác lời trai phường nón là của Nguyễn Du là vì bài văn có giọng điệu, câu chữ phảng phất thơ Kiều, lại thêm, các địa danh được nói đến trong bài văn Nôm này, đều nằm trên con đường từ Tiên Điền vào Trường Lưu. Vả chăng, điều dễ để tin nhất chính là mối quan hệ thông gia giữa hai họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Trường Lưu(6). Song le, việc bắt chước giọng điệu một tác phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều (một dạng nhại Kiều) đối với người bình dân còn có thể làm được, huống chi đây có thể là bài văn Nôm của kẻ có học.

Vậy, Nguyễn Du có thể là tác giả bài văn Nôm Thác lời trai phường nón không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại phải xét xem ai là tác giả bài Thác lời gái phường vải Trường Lưu. Học giả Hoàng Xuân Hãn trong bài viết Nguồn gốc văn Kiều: hát phường vải Trường Lưu mà chúng tôi đã dẫn ở trên cũng tỏ ra lúng túng khi xác định tác giả bài Thác lời gái phường vải... Ông băn khoăn về việc sách Truyện cụ Nguyễn Du cho rằng bài này là của Nguyễn Huy Quýnh (1734–1785). Vì Nguyễn Huy Quýnh hơn Nguyễn Du đến những 31 tuổi và cụ Nghè Quýnh mất ở Thuận Hóa khi Nguyễn Du mới 21 tuổi. Mặt khác, Nguyễn Huy Quýnh chỉ có thời gian khoảng 3 năm về quê cư tang mẹ (1781-1784), nhưng lúc này cụ đã ngoài 50 tuổi, vả lại mắc việc tang nên không thể nhập cuộc chơi thù tạc đó được. Khó tin vào thuyết Nguyễn Huy Quýnh là tác giả bài Thác lời gái phường vải, Hoàng Xuân Hãn phỏng đoán rằng có thể là Nguyễn Huy Hào (con Nguyễn Huy Quýnh, sinh vào khoảng 1769-1770) hoặc Nguyễn Huy Phó (1765-1838), hai người này đồng trang lứa với Nguyễn Du nên có thể là tác giả bài Thác lời gái phường vải. Trăn trở mãi cũng không có căn cứ nào rõ ràng để xác định, rốt cuộc, Hoàng Xuân Hãn đành phải “...tạm nhận tác giả bài kia là cụ Nghè Nguyễn Huy Quýnh” (Hoàng Xuân Hãn, tlđd, tr.18).

Mặc dù, thời đó, Hoàng Xuân Hãn còn băn khoăn về tác quyền Thác lời gái phường vải như vậy, nhưng sau này, Lại Văn Hùng, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huy Mỹ, Võ Hồng Huy, Vũ Ngọc Khánh, Thái Kim Đỉnh(7)... đều “chúng khẩu đồng từ” mà nhận rằng, bài văn Nôm đó là của Nguyễn Huy Quýnh. Tuy thế, nhưng một số tác giả như Ninh Viết Giao, Võ Hồng Hải, Trần Huy Tảo(8) lại có một hướng xác định hợp lý hơn và cho rằng, tác giả Thác lời gái phường vải... phải là Nguyễn Huy Phó.

Căn cứ vào tờ chiếu của vua Gia Long phong cho Nguyễn Du tước Du Đức hầu vào ngày 19 tháng 5 năm Ất Hợi (tức là ngày 25-6-1815) được Trần Trung Viên chụp lại trong Văn đàn bảo giám (sau đó được in lại trong Chân dung Nguyễn Du, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1960 và Nguyễn Quảng Tuân, Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều, NXB Khoa Học Xã Hội và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, TP.HCM, 2000, tr.35-46) để xác nhận rằng, Nguyễn Huy Quýnh không phải là tác giả bài Thác lời gái phường vải... mà còn gián tiếp phủ nhận tác quyền bài Thác lời trai phường nón... của Nguyễn Du. Sở dĩ ta có thể khẳng định như vậy là vì, trong bài Thác lời gái phường vải... có câu “Tảng mai hầu trở ra về...”. Từ trước đến nay, các nhà biên khảo đều nhất trí rằng chữ “hầu” ở đây là chỉ tước của Nguyễn Du. Thế nhưng, mãi đến năm 1815, Nguyễn Du mới được phong hầu, trong khi đó, Nguyễn Huy Quýnh đã mất từ năm 1785. Vậy chỉ còn một khả năng, bài Thác lời gái phường vải... là của Nguyễn Huy Phó. Tuy vậy, cũng khó mà khẳng định điều này. Vì lúc ấy, cả Nguyễn Huy Phó và Nguyễn Du đã ngoài 50 tuổi, không còn cái tuổi có thể vui chơi, hát xướng với cánh trẻ. Vả chăng, vào thời gian này, Nguyễn Du được thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ, bận làm quan ở kinh đô cho đến năm 1820, chuẩn bị đi sứ thì mất; chắc chắn đại thi hào không có thời gian về quê để tham gia hát xướng và làm những bài văn như thế.

Có điều cần nói thêm, sau khi bài viết của Nguyễn Quảng Tuân công bố trong sách Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều (năm 2000) với một số lượng xuất bản khá lớn (1.000 cuốn) nhưng hàng chục năm sau, các nhà biên khảo vẫn không chịu hồi cứu, vẫn nghiễm nhiên xem Thác lời gái phường vải... là của Nguyễn Huy Quýnh và Thác lời trai phường nón... là của Nguyễn Du(9).

Xét về ngôn ngữ bài Văn tế, Trương Chính viết: “Và đặc biệt là trong cách sử dụng tiếng Nghệ [trong bài Văn tế]. Nguyễn Du, mẹ người Bắc, thủa nhỏ sống ở Bắc, cho nên khi sáng tác rất ít dùng tiếng xứ Nghệ. Trong Truyện Kiều, nhiều lắm cũng chỉ tìm được dăm ba tiếng xứ Nghệ. Ngay cả những người xứ Nghệ khi viết văn, cũng ít ai dùng tiếng xứ Nghệ, trái lại cố tránh đi, thỉnh thoảng tìm thấy dăm ba tiếng là do vô ý, chứ còn thì viết tiếng Kinh cho lời văn được nhã. Nhưng ở đây, từ đầu chí cuối, nhà thơ toàn dùng tiếng Nghệ, làm cho bài văn có một phong vị riêng, người nơi khác đọc trúc trắc khó hiểu, chỉ riêng người xứ Nghệ mới lấy đó làm thú vị...”(10). Quả đúng như vậy. Một người, sinh ra và lớn lên ở kinh đô Thăng Long, kẻ chợ, lối nghĩ, lối cảm, lối nói kẻ chợ đã ăn sâu vào máu thịt, đến quá nửa đời người mới về quê mà ngay từ những năm đầu đã có thể viết một bài văn tế từ đầu chí cuối “rặt” một thứ tiếng kẻ quê, lại sử dụng rất sành điệu thì thật vô lý. Vả lại, trong đại gia đình nhà Nguyễn Nghiễm, chỉ có hai bà Đặng Thị Dương (chính thất) và Đặng Thị Thuyết (á thất) là người Hà Tĩnh nhưng đã ra Kẻ Chợ sống cùng chồng từ thời trẻ. Bản thân Nguyễn Nghiễm thì bận việc quan quanh năm nên rất ít có thời gian gần gũi con cái. Lại thêm, trong một gia đình có nhiều bà vợ với nhiều dòng con, nói như Trương Chính, bà nào bà nấy “mẹ con bìu ríu lấy nhau” nên phong tục, tập quán, tư duy, ngôn ngữ của con cái chủ yếu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ người mẹ.
Mặt khác, lúc bấy giờ, giao thương giữa các miền còn rất khó khăn, nên ngôn ngữ và văn hóa của trung tâm Kẻ Chợ và ngoại biên nhà quê như Thăng Long và xứ Nghệ là rất cách biệt. Trong điều kiện như vậy, một anh dân kinh kỳ chính hiệu đã gần nửa cuộc đời như Nguyễn Du, mới chân ướt chân ráo về quê mà đã viết được một bài văn tế đậm đặc thổ ngữ như vậy là điều không tưởng. Đó là chưa nói, như Trương Chính đã thừa nhận, “ngay những người Nghệ khi viết văn, cũng ít ai dùng tiếng xứ Nghệ”. Cho nên, dẫu tác giả có cố tình dùng thổ ngữ để tạo ra “phong vị riêng” cho bài Văn tế… thì trên bất cứ phương diện nào cũng là sự bất khả thi.

Xét về nghệ thuật Văn tế… bộc lộ khá nhiều chỗ vụng về, nhiều chỗđối không chỉnh, các vế câu trong cặp lệch số chữ; nhiều đoạn thất luật, thất niêm, thậm chí không khớp vần:

- Tiếng tăm chi đó mặc ai,

Ngày tháng còn dài đó đã.

- Ở sao mà quên ta cho đành,

Nói thế mà lấy chồng thực ru tá.

- Thế thời mách chúng ta vậy ru,

Ừ thôi kính hai ả cho rồi cả,

- Đã làm chi thế vội vàng,

Thôi chẳng lo gì thong thả.

- Dẫu có ai trẻ mỏ lớn lên,

Là những chốn xưa nay chẳng bạ.(11)

Câu vụng chữ dại đã là dấu hiệu của một thứ phẩm không phải của bậc thi hào nhưng cái tình người, lòng nhân ái mới là vấn đề quan trọng. Dù viết đùa hay viết thật, bài Văn tế… đã bộc lộ sự tầm thường về đạo đức, tư cách. Một con người có “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” như Nguyễn Du không thể có cách nói như vậy. Trong bài Văn tế có nhiều câu tục tĩu, thô thiển:

Phụt ngọn đèn trước mắt, đếch sự đời, chẳng phải đứa tiểu tâm,

Đùng tiếng lói sau nhà, đù mẹ kiếp, bỗng có thằng đại phá.

Chúng ta biết rằng, Nguyễn Du không chỉ là một nhà nhân văn vĩ đại mà ông còn là một Phật tử. Hơn ai hết, ông tin rằng viết ra như thế, nói ra như thế là đã tạo nên khẩu nghiệp.

Vậy nên, chúng ta không thể tin được đây là văn của người đã viết ra Truyện Kiều, viết ra Văn tế thập loại chúng sinh.

Nguyễn Du tạo nên một văn nghiệp lẫy lừng như vậy, ngoài một tâm hồn thơ mãnh liệt, ngoài tài năng trác việt trời cho, điều quan trọng nhất là ông đã biết thâu thái tinh hoa của đời từ cổ chí kim, từ dân tộc đến khu vực, từ bác học đến dân gian. Và cái nền văn hóa dân gian đối với ông vô cùng quan trọng, nó là mảnh đất màu mỡ để sự nghiệp văn chương của ông bén rễ xanh cây. Ông từng bộc lộ quan điểm văn chương một cách rõ ràng trong việc học tập văn hóa dân gian:

Thôn ca sơ học tang ma ngữ,

Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.

(Tiếng hát nơi thôn xóm (làm cho ta) bước đầu học được tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai,

Tiếng khóc nơi đồng nội (làm cho ta) nghe được âm thanh sát phạt của chiến tranh).

Nguyễn Du gắn với nhân dân, với cuộc đời gió bụi nhưng ông là một nhân cách đa văn hóa mà cái gốc ban đầu vẫn là văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long. Ông gắn với quê cha đất tổ qua truyền thuyết, huyền thoại của dòng họ, quê hương, nhưng đó là sự gắn bó trong cõi tâm linh, tuy lỏng mà lại rất chặt.

Không đi hát phường vải, không sáng tác những bài văn Nôm như Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu thì Nguyễn Du vẫn là niềm tự hào lớn lao của quê hương, xứ sở. Ngược lại, nếu chúng ta tùy tiện gán câu chuyện đi hát phường vải và tư cách tác quyền hai bài văn Nôm nói trên cho Nguyễn Du, thì nói như chính thi hào, rằng: “Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”.

Tóm lại, theo chúng tôi, tư cách sáng tác các bài văn Nôm đó của Nguyễn Du chỉ là một giai thoại văn nghệ dân gian. Ngoài việc làm căn cứ để lập thuyết về một văn phái, nhiều bậc cao minh vì thấy tiểu sử cuộc đời Nguyễn Du có khá nhiều khuất khúc, nên đã cố tình biến giai thoại này thành sự thật để lấp khoảng trống. Và thế là từ giai thoại, câu chuyện đi hát phường vải của đại thi hào đã nghiễm nhiên trở thành một “huyền thoại” khoa học.

Việc biến một giai thoại thành một luận cứ khoa học như trường hợp nói trên không chỉ phương hại đến giá trị của đối tượng nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra một tiền lệ xấu trong nền học thuật nước nhà: chấp nhận tình trạng làm khoa học cẩu thả, không chịu khảo cứu một cách nghiêm túc, chỉ nói theo nhau kiểu “dĩ hư truyền hư”!

 

_____

* Phó tổng biên tập tạp chí Văn Hóa Hà Tĩnh.

(1) Tức là bài Bài văn cụ Nguyễn Du trả lời chi cụ Đốc thị Nguyễn Huy Quýnh (về sau thường gọi là Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi các cô gái phường vải Trường Lưu) trong sách Truyện cụ Nguyễn Du của Phó bảng Phan Sĩ Bàng và Giải nguyên Lê Thước, NXB Mạc Đình Tư, Hà Nội, 1924, tr.26-27.

(2) Đào Duy Anh, Khảo luận về Kim Vân Kiều, Quan Hải Tùng Thư xuất bản, Huế, 1943, in lại trong Đào Duy Anh: nghiên cứu văn hóa và ngữ văn, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2005, tr.91.

(3) Lê Trí Viễn - Phan Côn - Đặng Thanh Lê - Phạm Văn Luận - Lê Hoài Nam, Lịch sử văn học Việt Nam (tập III), bản in lần thứ năm, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1978.

- Hoàng Hữu Yên - Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1962.

- Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX), tái bản lần thứ hai có chỉnh lý, bổ sung, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1997, tr.301.

- PGS-TS Lã Nhâm Thìn, PGS-TS Vũ Thanh (Đồng chủ biên), Giáo trình Văn học Trung đại Việt Nam, tập 2, NXB Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội, 2015, tr.167.

(4) Tuyển tập Trương Chính, tập 1, NXB Văn Học, Hà Nội, 1997, tr.415-432.

(5) Tuyển tập Trương Chính, tập 1, NXB Văn Học, Hà Nội, 1997, tr.417.

(6) Con gái Nguyễn Khản (1734-1786) là Nguyễn Thị Bành và Nguyễn Thị Đài, cả hai chị em đều là vợ Nguyễn Huy Tự (1743-1790).

(7) Lại Văn Hùng - Trần Thị Băng Thanh, Tìm hiểu quan niệm và sự hình thành dòng văn trong văn học Việt Nam (thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX), NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr.128.

Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính, Nguyễn Du - niên phổ và tác phẩm, NXB Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội, 2001, tr.476-486.

Võ Hồng Huy - Thái Kim Đỉnh - Vũ Ngọc Khánh, Tiếng Kiều đồng vọng đất non Hồng, NXB Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội, 2010, tr.28, 41.

(8) Ninh Viết Giao, Văn hóa làng Trường Lưu, tạp chí Văn Học, số 4-1994, tr.4.

Võ Hồng Hải, Bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa đại thi hào Nguyễn Du và làng Trường Lưu, tạp chí Văn Hóa Hà Tĩnh số 78+79, tháng 2-2005.

Trần Huy Tảo, Phải chăng Giải nguyên Nguyễn Huy Phó là tác giả bài thơ Nôm “Thác lời gái phường vải Trường Lưu gửi trai phường nón Tiên Điền”, tạp chí Văn Hóa Hà Tĩnh số 128, tháng 3-2009.

(9) Nguyễn Huy Mỹ (Chủ biên), Các tác giả dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu - cuộc đời và tác phẩm, NXB Lao Động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2012, tr.65, 66, 68.

(10) Tuyển tập Trương Chính, NXB Văn Học, Hà Nội, 1997, tr.423.

(11) Vương Trọng, Nguyễn Du không như thế, tuần báo Văn Nghệ ngày 25-8-2007, in lại trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh xuất bản, 2008, tr.363-364.

ThS PHẠM QUANG ÁI*