Đây không phải là chuyện đời thường, nhưng lại là chuyện thần thoại, mà là thần thoại Tây phương. Chuyện kể từ thời xa xửa xa xưa, mặt đất chưa có bóng người xuất hiện, vị thần ngự trị cõi trời là Jupiter sau cuộc chiến tranh tàn khốc chống bọn Khổng lồ được sinh ra từ Trái đất lại không ghi công cho người tài trí siêu việt là Prométhéenhưng xô chàng xuống Mặt đất hoang vu.
Sống đày đọa dưới cõi trần, Prométhée vẫn giữ vững được tính cách thần linh của mình, đặc biệt là tính sáng tạo, nên đã lấy tảng đất sét nặn nên con người. Người là linh vật có óc thông minh, có tài khám phá cái đẹp của vũ trụ này và có trí lực chế ngự thiên nhiên. Nữ thần Minerva, tượng trưng cho sự thông minh, lấy làm thán phục về kiệt tác này bèn đưa Prométhée dạo khắp cõi trời để kiếm những gì có thể giúp ích thêm cho linh vật. Con người sáng suốt và biết lo xa là Prométhée chỉ đánh cắp một tia sáng trên xe Mặt trời rồi giấu trong lòng của một chiếc roi để đem về cho con người.
Biết được việc này, Chúa Trời tức giận tột cùng. Bởi vì có lửa, con người sẽ có tất cả, có thể vượt trên thần thánh để mà tồn tại. Để trừng trị kẻ phạm tội, Trời bèn ra lệnh cho gã Vulcain gấp rút chế tạo một người đàn bà. Có lẽ trong sự phục thù, Chúa Trời đã nghiên cứu kỹ, và biết linh vật được chế tạo nên bằng thứ đất sét dưới trần chỉ là đực rựa. Tưởng nên nói rõ Chúa Trời cũng rất bê bối nên có nhiều vợ và gã Vulcain là con của cụ với thần Junon.
Sau một thời gian hì hục trong lò, Vulcain – thần của nghề rèn và là thần linh của lửa – đã đúc được một sinh vật tuyệt đẹp đến mức mới nhìn từ xa các thần đã ngẩn ngơ rồi. Dầu sách thần thoại không ghi chú rõ, nhưng chắc có đôi vị thần phải lấy tay đè lên ngực sợ tim nhảy vọt ra ngoài. Ai cũng công nhận đây quả là một báu vật, đáng trao tặng những phần thưởng quý giá trên cõi nhà trời. Đầu tiên, thần Minervachoàng lên vai linh vật một chiếc áo trắng sáng ngời, phủ lên tóc nàng một khăn the mỏng trên có đai miện bằng vàng, rồi ban cho trí thông minh và dạy cho đủ mọi ngành nghệ thuật. Sau đó, thần Vénus –tượng trưng cho sắc đẹp – phủ lên bao vẻ óng ả, mỹ miều; thần Mercure – vị thần của hoàng hôn, của thương nghiệp, của hùng biện và du hành – ban cho khả năng thuyết phục con người, rồi đến thần Duyên Dáng cùng các thần khác đều trao tặng vật. Vì vậy, người đàn bà đầu tiên có tên là Pandore, trong tiếng Hy Lạp Pan có nghĩa là tất cả và dore là tặng vật.

|
Nhưng theo thần thoại, người đàn bà được chế tạo là để thực hiện sứ mệnh của Trời. Vì vậy, khi nàng diện kiến Jupiter, nàng được Trời ban chiếc hộp đậy kín và truyền đem xuống cõi trần trao lại cho Prométhée.
Anh chàng được gọi là rất sáng suốt và biết lo xa đã không chịu tiếp Pandore. Nàng phải tìm đến người em của chàng, có tên là Epiméthée – được gọi là kẻ dại dột – vì dầu đã được báo trước không nên tiếp nhận bất cứ tặng vật nào của Trời, đã bị vẻ đẹp Pandore quyến rũ, và đã lấy nàng làm vợ.
Ngày hôn lễ của hai người, họ cùng trịnh trọng mở chiếc hộp kín, tặng vật của Trời. Nắp hộp vừa mở, nhiều đám mây đen tỏa ra mịt mù, mặt đất như tối sầm lại, từng đàn ác điểu bay lên, tiếng kêu quang quác vang rền. Con thì kêu rằng: “Ta là dối trá”, con thì “Ta là kiêu ngạo”, con là “nông nổi”, là “hẹp hòi”, là “thô bạo”, là “điên cuồng”… cùng biết bao điều xấu xa khác nữa. Trong cái màn đen hoảng loạn và u minh ấy, hai người lạc nhau, mỗi người một ngả. Từ đó, họ mới nếm biết thế nào là sự phụ phàng, là nỗi chia ly. Và cũng từ đó họ mới hiểu nỗi giày vò của những kiếp sống lứa đôi trên mặt đất này.
Nhưng trong cõi mịt mù ấy, cả người đàn ông và người đàn bà đều nghe có một mùi hương kỳ lạ phảng phất đâu đây. Trong bóng đêm mờ của sự cách xa và niềm đau khổ, họ cùng lần theo hướng của mùi thơm huyền hoặc, và hai mái đầu của họ lại chạm vào nhau khi cùng cúi xuống nhìn vào lòng hộp. Nơi đó, một cành hoa nhỏ hương thơm ngào ngạt đang lớn dần lên – cành hoa Hy vọng.
Đến đây, chuyện Trời báo hận vẫn chưa chấm dứt. Trong các sách xưa, thần thánh đều rất hẹp hòi nên rất thù dai. Chàng Prométhée lại bị trừng phạt vì vụ trộm lửa, bị xích vào núi Causaseđể cho một con đại bàng từ trời sà xuống, lấy mỏ phanh ngực, rồi suốt ngày đêm rỉa nát lá gan. Mỗi khi đại bàng ăn hết, lá gan lại được mọc ra để bị rỉa nữa, và cứ liên tiếp như vậy trong vòng 30.000 năm. Nhưng ta sẽ không kể tiếp chuyện này, vì nó không còn liên quan đến Người đàn bà đầu tiên. Chỉ có một điều đáng được ghi nhận, là qua sử sách thần thoại Tây phương chúng ta mới thấy không ai bê bối và sống tồi tệ như các… thần thánh.
* * *
Còn về các sách nói về đàn bà, đã được phổ biến từ xưa, ta lại thấy rõ điều này: tác giả nhất định phải là đàn ông. Vào thời mẫu hệ, khi giới phụ nữ nắm quyền quản lý gia đình và coi nam giới như con số không – thời mà đàn bà cưới chồng và con cái mang họ mẹ – có lẽ chữ viết chưa được xuất hiện nên các chị em không ghi chép được những điều thê thảm của giới mày râu. Mà nếu có ghi chép được thì đến giai đoạn phụ hệ, các anh đàn ông cũng sẽ đốt sạch, phi tang. Sau đó họ mới viết đủ thứ trên đời để tự đề cao và trút hết mọi tội lỗi ở trên dương thế vào người phụ nữ. Đại khái các luận điểm này quanh quẩn như sau: Khi chưa xuất hiện đàn bà trên thế giới này thì bọn đàn ông chung sống rất là vui vẻ, êm đềm, nhưng khi đàn bà có mặt là có ghen ghét, có vu cáo, có bạo loạn, có chiến tranh. Rằng lòng dạ đàn bà là vô cùng độc hiểm (tối độc phụ nhân tâm), rằng nhan sắc đàn bà dễ làm chìm đắm con người – và con người đây nhất định là lớp đực rựa – hơn cả sóng gió ngoài khơi (sắc bất ba đào dị nịch nhân). Tóm lại, nếu phải kể hết các điều vu khống phụ nữ thì một quyển sách ngàn trang chưa chắc ghi đủ.
Có thể nhận định tổng quát rằng một đặc điểm khá lớn trong nền văn học chính thống của thế giới này, suốt mấy ngàn năm, là sự nói xấu đàn bà. Không phải chỉ ở bên ta hay là bên Tàu mới có những câu kết luận hồ đồ như trên, mà ở khắp nơi – gọi là văn minh – từ xưa của nhân loại này đều có nhan nhản những nền văn hóa – gọi là cực lớn – phát biểu tương tự. Triết gia Anaxilas khẳng định: “Hùm beo, rắn độc, quái vật, bao nhiêu thứ ấy là gì? Chẳng là gì cả trước cái giống loài đàn bà gớm ghiếc”. Plutarque thì nhẹ nhàng hơn nhưng cũng chứa đầy khinh thị: “Khi các ngọn nến được thổi tắt rồi thì mọi đàn bà đều xinh đẹp cả”. Hoàng đế Napoléon thì cụ thể hơn: “Phụ nữ là linh hồn của mọi âm mưu, do đó nên đẩy họ vào bếp núc. Các phòng khách của chính quyền nên gài chặt cửa, đừng để họ vào”. Còn các nhà văn, kể cả văn hào, thôi thì khỏi nói. Nổi tiếng như Somerset Maugham, như Goethe cũng có những câu xúc phạm phụ nữ. Như người cha đẻ của Don Quichotte, là Cervantes, đã viết: “Giữa tiếng có và tiếng không của người phụ nữ chẳng còn khoảng trống cho một cây kim”. Ở đây không thể nào ghi hết các lời sỗ sàng như thế, vì lòng tôn trọng – và cả sợ hãi – đối với chị em.
Bấy nhiêu cũng là quá đủ để ta nhìn thấy về sự chịu đựng phi lý của người đàn bà trong suốt mấy ngàn năm qua. Từ trong lĩnh vực văn học, tư tưởng đến cả muôn mặt cuộc sống thường ngày, phụ nữ đã phải chịu đựng muôn vàn những nỗi đắng cay. Kẻ tội phạm chính, tên là đàn ông, thường vội phủi tay sau tội lỗi mình. Dẫu sao cũng phải ghi nhận chị em thật là cao thượng. Mấy ngàn năm qua, không phải là không có dịp để họ nói về những nỗi thiệt thòi đã phải gánh chịu, nhưng tuyệt nhiên không thấy họ dùng những lời lẽ phỉ báng đực rựa.
Thần thoại trên đây, dầu là câu chuyện thuộc về thế giới huyền hoặc, vẫn không tránh được sai lầm đã có ngàn đời là sự đổ lỗi cho người đàn bà. Bởi lẽ đàn bà được phái xuống trần với cái sứ mệnh phi lý là sự trả thù. Dẫu sao, so với khá nhiều tác phẩm nói về phụ nữ, thần thoại trên đây vẫn có giá trị hơn nhiều, bởi chừng nào đó đã biết đề cao phụ nữ, thấy họ là một quà tặng của Trời mang nhiều giá trị mà giới đàn ông đành phải chào thua. Thêm nữa, đàn ông chỉ được nặn bằng đất sét, ở chốn phàm trần, còn đàn bà thì được đúc bằng thứ kim loại – chắc là loại xịn – trong lò Thượng đế. Về nỗi đau khổ ở trong đôi lứa, dầu là u ám bao nhiêu, vẫn không bế tắc, nếu vẫn yêu nhau, hiểu nhau, thật lòng tìm đến với nhau với niềm Hy vọng đổi thay được cảnh ngộ mình. Và hoa Hy vọng muôn đời vẫn là loài hoa ngào ngạt hương thơm.
Tưởng nên thêm rằng, nếu có những người bảo câu chuyện kể trên đây chỉ là huyền hoặc, hoang đường thì xin hãy nhìn vào thực tế lịch sử của dân tộc này để hiểu thêm về phụ nữ, và là phụ nữ Việt Nam. Hẳn trên thế giới không dễ gì có những nữ anh hùng như Hai bà Trưng, bà Triệu, những nữ danh tướng như bà Lê Chân, như Bùi Thị Xuân, hoặc có được lòng yêu nước và sự kiên cường như là đội quân tóc dài, và ta có thể nhắc lại câu nói của một cô nông dân, tên là Út Tịch, rằng dầu còn mỗi một cái lai quần cũng quyết quét sạch bè lũ ngoại bang xâm lược. Mỗi khi dân tộc cần đến thì người phụ nữ Việt Nam cho thế giới này thấy rõ sức nặng và cả chiều cao của trí lực mình.
Và nếu tìm hiểu xa hơn thì chúng ta thấy được rằng trước khi bị sự ô nhiễm của thứ văn hóa ngoại xâm thì người Việt ta đã có truyền thống tôn trọng phụ nữ có thể xếp loại số 1 trên thế giới này. Những câu “Nhất vợ, nhì trời”, “Lệnh ông không bằng cồng bà” vẫn còn được giữ trong lòng dân tộc.