"Cuộc gọi nhỡ" hay là ma lực của công nghệ

LTS: Xu thế “mềm hóa” trong phát âm tiếng Việt rõ rệt trong cách phát âm của Hà Nội và Bắc Bộ. Do đó, lỡ đã thành nhỡ. Miền Trung, miền Nam vẫn giữ lỡ. Hai xu thế này đan xen nhau, tranh chấp nhau trong tiếng Việt. Chúng tôi mong các nhà ngữ học và bạn đọc góp ý kiến để vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt được thuận lợi, kết quả.

Trong tiếng Việt hiện nay tồn tại song song hai từ “lỡ” và “nhỡ”. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng, 2008) định nghĩa “lỡ” ở đây là động từ có nghĩa “để cho điều kiện khách quan làm việc tốt nào đó qua mất đi một cách đáng tiếc. VD: bị lỡ tàu…”. Từ điển này xác định “nhỡ” là cách nói khẩu ngữ và chỉ là biến thể nên được chỉ dẫn sang “lỡ”.

Trước đó, hàng loạt từ điển tiếng Việt khác cũng xác định “nhỡ” chỉ là biến thể nên được cắt nghĩa ngắn hơn nhiều so với “lỡ”, chẳng hạn các từ điển có uy tín: Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai trí tiến đức, Việt Nam tân từ điển (1952) của Thanh Nghị, Việt ngữ chánh tả tự vị (1959) của Lê Ngọc Trụ, Từ điển tiếng Việt (1967) của Văn Tân, Tự điển Việt Nam (1972) của Lê Văn Đức...

Vẫn biết rằng lịch sử ngữ âm tiếng Việt có sự chuyển biến từ tổ hợp phụ âm đầu “ml-” thành hai phụ âm đầu “l-”, “nh-” và trong nhiều trường hợp cả hai dạng sau cùng song song tồn tại, chẳng hạn “mlầm” chuyển thành “lầm” và “nhầm”, “mlạt” chuyển thành “lạt” và “nhạt”... Sự chuyển biến này được ghi nhận bởi các tài liệu thành văn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ XVII, trong Từ điển Annam – Bồ Đào Nha – Latin (1651), A. de Rohdes đã chỉ ghi nhận mục từ “lỡ” (trang 420) chứ không có mục từ “nhỡ”. Đến Tự điển Annam – Latin (1838) của Taberd cũng chỉ có mục từ “lỡ” (trang 270) mà không có mục từ “nhỡ”. Điều đó chứng tỏ tiếng Việt từ các thế kỷ trước đã xem “nhỡ” là cách nói không chuẩn.

Về cách ký âm chữ Nôm, trong Từ điển truyện Kiều (1974), Đào Duy Anh cũng ghi nhận 13 lần xuất hiện của âm tiết “lỡ”, trong khi âm tiết “nhỡ” không được ghi nhận. Từ điển truyện Lục Vân Tiên (1989) của Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Khắc Thuần cũng ghi nhận 4 lần từ “lỡ” xuất hiện mà không có từ “nhỡ” nào.

Thế nhưng, khoảng 10 năm nay, khi điện thoại di động trở nên phổ cập khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam, thì cách nói “Cuộc gọi nhỡ” đã trở nên vô cùng phổ biến. Hàng chục triệu người Việt Nam bất chấp chuẩn nói năng của tiếng Việt để học theo cách nói vốn bị xem là lệch chuẩn này. Đặc biệt, nếu như từ “nhỡ” xuất hiện trong phong cách khẩu ngữ ở miền Bắc thì miền Nam xưa nay hoàn toàn không dùng từ này. Vậy mà khi sử dụng điện thoại di động với hệ điều hành tiếng Việt, ngay cả những người miền Nam khó tính nhất cũng không mấy khó chịu mà sẵn sàng chấp nhận và học theo cách nói “Cuộc gọi nhỡ”, xem đây như là một loại biệt ngữ. Điều này chỉ có thể giải thích bằng ma lực của công nghệ trong hoàn cảnh lạc hậu về kỹ thuật của xã hội Việt Nam đương thời.

Tuy nhiên, đó là tình trạng của hơn 10 năm trước ở Việt Nam. Còn bây giờ, khi máy điện thoại di động không còn là cái gì cao xa đối với đại chúng, thì chúng ta có đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi lệch chuẩn của cách nói “Cuộc gọi nhỡ”, và cách nói “Cuộc gọi lỡ” trở thành yêu cầu của công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Lê Công Lý