Cuộc họp kéo dài ba mươi năm

Thanh Tịnh, nhà thơ của xứ Huế mộng mơ, từ một thi sĩ lãng mạn tiền chiến đã trở thành nhà thơ chiến sĩ. Sinh thời, ông đã từng là chủ nhiệm Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, mang quân hàm Đại tá.

Ông là tác giả của Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn 1943), Quê mạ (truyện ngắn 1941), Chị và em (truyện ngắn 1942), Xuân và Sinh (truyện ngắn 1944), Sức mồ hôi (ca dao 1954), Thơ ca (thơ 1973), Đi giữa mùa sen (truyện thơ 1980)…

Ông là người khai sinh ra thể tấu - kể chuyện trong kháng chiến chống Pháp. Ông có lối nói vần vè rất lý thú và ý tứ hóm hỉnh.

Xa quê Huế từ năm 1945 đến năm 1975 thống nhất đất nước, ông mới trở lại gặp gỡ gia đình, người thân.

 

Ông nói:

- Tôi đi họp hội nghị, cuộc họp kéo dài ba mươi năm, xong mới về được.

Nghe rất có lý. Vì, số là năm 1945, trong tư cách Trưởng ban Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung bộ, ông được triệu tập ra Bắc họp một hội nghị quan trọng. Kháng chiến bùng nổ. Ông ở lại miền Bắc nhận công tác mới và xa quê từ đó.

Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân. Ông mô tả cuộc sống của mình như vậy và nhớ về quê hương, ông nói: Thống nhất sớm tôi về Văn Lâu/ Thống nhất lâu tôi về Văn Điển. Sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước kết thúc, 1975 ông đã được trở về quê. Đến năm 1988 ông mất, phần mộ ông được táng tại núi Thiên Thai, phía Tây Thành phố Huế.


Bài liên quan:
HOÀNG AN