Cuộc “đối thoại” trong phòng ngủ

Có một cô gái mới lấy chồng, cô rất yêu chồng, nhưng mỗi khi chồng ân ái cô rất mắc cỡ, thế là cô giấu giếm hết mọi cảm xúc và cho dù có đạt đến “cực cảm” cô cũng… im như thóc, không hề biểu lộ vì sợ chồng hay biết. Nhưng anh chồng là người lịch lãm, yêu vợ và hiểu điều đó nên anh ta tìm cách tế nhị để… dạy vợ.

Anh nói với vợ rằng: “Mỗi lần vợ chồng mình “gần gũi” nhau cũng giống mình trò chuyện vậy. Dù anh trò chuyện nhiệt tình với em nhưng em cứ im lặng hay giả lơ, chẳng buồn trả lời thì có… tội nghiệp cho anh không?”. Cũng may là người vợ khá thông minh nên cô hiểu được ngay bài học “vỡ lòng” của chồng.

Có thể ví khi vợ chồng quan hệ chăn gối, cũng giống như họ thực hiện một cuộc trò chuyện, một cuộc “đối thoại” bằng ngôn ngữ thân xác, từ một nụ hôn hay vòng tay ôm đến hành vi ân ái để biểu lộ tình yêu, những khát khao say đắm, nâng niu dành cho nhau và đó cũng là thứ ngôn ngữ biểu cảm nhất, trực tiếp hiệu quả nhất chỉ có được giữa hai người yêu nhau.

Khi một đôi vợ chồng có cuộc sống đầm ấm, tâm đầu ý hợp, họ thường trò chuyện sôi nổi, ăn ý và rất hợp nhau, nói ít hiểu nhiều. Còn nếu người này nói mà người kia lạnh lùng, chẳng buồn nghe hoặc trả lời nhát gừng, chiếu lệ thì rõ ràng là giữa hai người có… vấn đề.

Trong chuyện chăn gối cũng vậy, dù ai là người khởi xướng thì người kia cũng phải nồng nhiệt “đối thoại”. Không gì làm người bạn đời nản lòng bằng cung cách “xìu xìu ên ển” của “đối tác”.

Có người không phải không yêu vợ hoặc chồng của họ nhưng vì họ bận rộn, vội vã, một phần vì không biết tổ chức cuộc sống, dành thời gian để thưởng thức hạnh phúc lứa đôi. Có ông chồng lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy không nỡ tắt cuộc điện thoại gọi đến, có người vợ thon thót sợ con… thức giấc, nồi thịt kho bị khét. Vì thiếu tập trung nên lắm khi chẳng “trò chuyện” được gì cho ra hồn.

Cuộc “đối thoại” đặc biệt này cũng cần thực hiện trọn vẹn, giống như một bài… văn nói, phải có đủ ba phần, nhập đề, thân bài và kết luận. Phần nào cũng cần thiết, quan trọng như nhau. Thiếu một phần xem như… hỏng.

Nhưng dường như phái nữ rất coi trọng phần “nhập đề”. Tất nhiên khi “đồng tác giả” có rung cảm sâu sắc, có sự “đầu tư”, có kiến văn rộng rãi, nhất là biết chọn lọc những ngôn từ đẹp dành cho nhau thì càng đạt yêu cầu, để lại ấn tượng đặc sắc. Một kết thúc “có hậu” luôn khiến hai người trong cuộc thỏa mãn.

Ngôn ngữ tình ái cũng giống như ngôn ngữ đời thường, nói lên trình độ văn hóa, tính cách của từng con người. Có thứ ngôn ngữ thanh nhã dịu dàng mà vẫn say đắm; có thứ ngôn ngữ mạnh mẽ hoặc ồn ào, thô bạo, có thứ ngôn ngữ thiên về “trình diễn” chứ nội dung không có gì… Đó cũng là điều khiến người ta muốn lấy vợ lấy chồng cùng một tầng lớp, cùng nhận thức vì không hiếm những cô vợ có văn hóa không chịu nổi thứ “ngôn ngữ phòng ngủ” thô thiển của một ông chồng ít học, thô lậu hoặc ngược lại.

Tương truyền có những phụ nữ sống ở một vài vùng đất nước ta, dù sống ở thành phố văn minh họ vẫn có cách biểu lộ khá dữ dội khi yêu chồng. Chẳng hạn họ la hét, văng tục, chửi thề, thậm chí mắng chồng té tát hoặc cắn vào vai vào cổ chồng đến rớm máu! Có người chồng hãnh diện khoe ra những dấu vết yêu đương nhốm màu… bạo lực ấy nhưng cũng có người chồng cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi, nhất là khi giữa họ có phần khác biệt về văn hóa.

Nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc thường tự cho rằng họ không “tìm thấy ngôn ngữ chung”. Tất nhiên “ngôn ngữ” ở đây bao gồm nhiều phương diện, từ tình cảm cho đến lối sống và có thể bao gồm cả “ngôn ngữ” của chuyện ái ân.

THÚY ÁI