Cuộc đọ sức giữa fast-food(1) và street-food(2) ở Việt Nam

Một bữa ăn sáng kiểu Ănglê ở The Kafe có giá 80.000 đồng Việt Nam tức là bằng hai lần giá tiền một bát phở ăn trong một cửa hàng phở nằm cách đấy một khối nhà. Thực đơn gồm nhiều món, trong đó có món bánh bột chiên nhân chuối ăn với một thứ sốt ngọt chan rượu vang hâm nóng do một đầu bếp người Úc tự tay chế biến. Giá cả khá cao, nhưng vào những chiều thứ bảy cuối tuần bàn nào cũng kín khách ăn, không còn một chỗ trống. Tưởng như là đang ở Brooklyn bên Mỹ hay Bangkok bên Thái Lan, nhưng thật sự thì quán ăn này tọa lạc trên phố Điện Biên Phủ ở Hà Nội. Những quán ăn sang trọng kiểu mới đang là một hiện tượng thời thượng ở Việt Nam, thu hút rất nhiều thanh niên nam nữ thuộc giới trung lưu ở các thành phố lớn. Những sản phẩm của văn hóa ẩm thực nước ngoài du nhập vào Việt Nam dễ dàng hơn trước nên ai cũng háo hức tranh nhau nếm thử. Giới trẻ Việt Nam vừa ăn vừa tán gẫu trong một khung cảnh mô phỏng tự nhiên mang chút ít hơi hướm của trường phái nghệ thuật minimalism. Được khai trương từ năm ngoái, The Kafe là một địa chỉ mà giới trẻ Việt Nam thường khoe trên trang Facebook là họ đã có nhiều dịp đặt chân đến rồi, đến một mình hoặc cùng đến với bạn bè. Cách đây ít lâu, công ty McDonald’s đã mở cửa hàng thứ nhất của mình ở TP Hồ Chí Minh và ngay trong hai ngày đầu tiên đã phục vụ cho một số khách ăn đông đến 20.000 người. Chị Anh Đào, một phụ nữ 30 tuổi tốt nghiệp đại học ở Singapore, là một blogger chuyên bàn về ẩm thực và cũng là chủ nhân của quán The Kafe mở ở Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái, đã giải thích: “Thế hệ mới ở Việt Nam gồm những người trẻ từ 18 đến 24 tuổi thuộc giới trung lưu rất thích những cái mới. Không phải chỉ thích fast-food không thôi mà còn đua nhau mua sắm những sản phẩm nước ngoài, đua nhau để lấy tiếng, để tự khẳng định mình và để chia sẻ sở thích của mình với bạn bè”.

Trong năm 2014 này, hãng bia lớn nhất thế giới - hãng Anheuser Busch Inbev - sẽ thiết lập một nhà máy bia ở Việt Nam. Công ty Dairy Queen chuyên về những sản phẩm làm từ sữa cũng vừa khánh thành cửa hàng bán những thực phẩm sữa đầu tiên và dự định sẽ mở thêm 60 cửa hàng nữa trong vòng 5 năm sắp tới.

Nếu cái xu hướng mới về ẩm thực cho thấy giới trẻ Việt Nam bắt đầu có một cách nhìn khác hơn, ít chấp nhất hơn, mở rộng hơn đối với thế giới bên ngoài thì nó cũng là, ở một mức độ nào đấy, một trong nhiều tác nhân đưa đến sự bùng nổ gần đây của sức tiêu thụ của người tiêu dùng trong đời sống kinh tế Việt Nam. Theo GfK Asia, cơ quan nghiên cứu thị trường của đảo quốc Singapore, thì con số bán những điện thoại thông minh ở Việt Nam hồi năm ngoái đã tăng đến 156%. Trong sáu tháng đầu năm 2013 đã có hơn 206.000 máy tính bảng được bán ra với số tiền là 67 triệu euro, một con số nhảy vọt đến 233% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tuy ở Việt Nam thẻ tín dụng tương đối ít được dùng nhưng theo một nghiên cứu thăm dò của công ty Visa Card thì hiện nay có khoảng 9.500.000 người Việt Nam sẵn sàng dùng đến loại thẻ ấy.

Như giáo sư Jonathan London ở Đại học Hồng Kông đã nhận xét: “Trong nhiều thập niên qua Việt Nam sống trong tình trạng cô lập, cắt đứt với thế giới bên ngoài và nhân dân Việt Nam đã phải chịu cảnh nghèo nàn thiếu thốn”. Suốt một phần lớn của thế kỷ 20, từ năm 1959 đến 1975, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã tàn phá đất nước. Trước đấy còn có những năm kháng chiến du kích, hết chống lại quân đội Nhật tràn sang Đông Đương đến đánh nhau với thực dân Pháp. Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ mới mở cửa tiếp nhận mô hình kinh tế thị trường kể từ năm 1986 trở đi. Nhưng sự ổn định về mặt chính trị và sự tăng trưởng kinh tế đều đều từ bấy đến nay đã làm nảy sinh một tầng lớp trung lưu có khả năng lựa chọn và mua sắm một số mặt hàng càng ngày càng nhiều và đa dạng.

Những mạng xã hội cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến triển này. Anh Minh Đỗ, Tổng biên tập trang blog Tech in Asia ở Hà Nội, cho biết: “Việt Nam là một trong những nước trên thế giới mà mạng Facebook phát triển nhanh nhất. Bảy tháng trước đây có 13 triệu người dùng Facebook, hiện nay con số ấy đã lên đến 20 triệu người”. Theo anh, có khả năng mua sắm những món hàng “hiệu” của nước ngoài đối với người Việt Nam là một sự tăng điểm của họ trên bậc thang thể diện. Người Việt Nam đặc biệt ưa thích những sản phẩm của phương Tây. Họ tin cậy những thương hiệu nước ngoài hơn những thương hiệu trong nước.

Sự xuất hiện của McDonald’s ở Việt Nam và sự tiếp đón nồng nhiệt và ồ ạt mà người tiêu thụ Việt Nam đã dành cho công ty thức ăn nhanh này có vẻ như là dấu hiệu của một sự xích lại gần nhau của hai nước Việt Nam và Mỹ 39 năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc bằng một cảnh tháo chạy hoảng loạn với những trực thăng cất cánh từ sân thượng của Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn ngày 29-4-1975.

 

 Cửa hàng McDonald’s ở đường Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM

McDonald’s dự định sẽ mở 100 cửa hàng khắp Việt Nam trong 10 năm sắp tới. Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua đã có một cửa hàng McDonald’s thứ hai được mở ở đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Công ty Burger King, một công ty thức ăn nhanh khác của Mỹ, cũng đã mở một cửa hàng đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh hồi tháng 12-2011 và cho đến bây giờ những cửa hàng Burger King ở đây đã lên đến con số 29 cửa hàng. Hồi tháng 2-2013 ở TP Hồ Chí Minh chỉ có mỗi một quán cà phê Starbucks, bây giờ đã có 3 quán như thế. Việc mở thêm nhiều quán nữa đã được Starbucks lên kế hoạch từ từ vì họ không muốn làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất cà phê của Việt Nam. Điều này chứng tỏ là sự tham gia của các thương hiệu fast-food nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng bị giới hạn phần nào vì Việt Nam vốn có một truyền thống ẩm thực với bản sắc độc đáo. Do vậy ở Việt Nam các công ty ăn uống nước ngoài chưa thể chiếm được hết thị phần. Những cửa hàng của người Việt Nam như The Kafe, như chuỗi hiệu ăn Wrap and Roll có những món ăn chất lượng cao phục vụ cho khách ăn trong một khung cảnh rất “branché”(3) với giá cả phải chăng cũng đang thu hút nhiều khách ăn sành điệu, nhất là giới trẻ. Nhưng bên cạnh đó cũng có những tô phở bốc khói thơm phức của loại street-food Việt Nam vừa gọi đã được bưng đến ngay chứ không phải đợi lâu như những thức ăn nhanh của Big Mac và chỉ có giá 40.000 đồng.

 

 Món ăn Việt Nam

Chị chủ quán The Kafe cho biết thêm: “Khi Burger King đến Việt Nam, những ngày đầu tiên khách ăn đông nghẹt nhưng mấy tháng sau thì thưa thớt dần rồi vắng hẳn. Sự vồ vập, ham thích giảm nhanh theo thời gian. Tôi nghĩ rằng những thức ăn đường phố của Việt Nam rất ngon mà giá lại rẻ hơn sẽ là một đối thủ đáng gờm của những thức ăn nhanh của phương Tây”.

Còn theo bếp trưởng người Canada đang sống và có một cửa hàng ăn ở Hà Nội, anh Cameron Stauch, thì “món fast-food phương Tây đúng ra chỉ được khách ăn người Việt Nam chiếu cố đến trong những dịp lễ lạc, ăn mừng đặc biệt thôi. Sự vồ vập ban đầu là do người ta tò mò muốn biết những món mới lạ ấy nó mới, nó lạ và nó ngon ở chỗ nào. Trở ngại chính yếu là giá quá cao. Các gia đình Việt Nam họa hoằn một năm đưa nhau đi ăn ở McDonald’s và Burger King đôi lần là nhiều. Tôi không dám hy vọng là fast-food sẽ thắng trong cuộc đọ sức này. Nền tảng của văn hóa ẩm thực Việt Nam quá vững chắc, lung lay được nó không hề là chuyện dễ dàng”.

(Theo báo Le Courrier International, Pháp)

_____
(1) Thức ăn nhanh.
(2) Thức ăn đường phố.
(3) Branché: tạm dịch là “rất nhạy với trào lưu mới”.

(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 60)

Minh Minh