Dư An bây giờ ở đâu?

LTS: Khi nói về bài thơ của Nguyễn Xuân Thâm tặng Dư An: “…Bà con mình sống bên tê tuyến/ Lửa đốt trong lòng đã chín năm”, chúng tôi đã đặt một “câu hỏi tu từ” như thế(*). Chẳng ngờ, cô văn công Dư An đi chiến trường và đã hy sinh. Đoạn văn dưới đây của nhà thơ Vân Long, một người bạn của Nguyễn Xuân Thâm, cho chúng ta biết điều đó.

Tôi vừa được đọc hai trang thơ của anh Nguyễn Xuân Thâm do Hồn Việt giới thiệu. Lời giới thiệu trân trọng do GS Mai Quốc Liên viết, có một câu hỏi khi giáo sư đọc một bài thơ của anh Thâm tặng Dư An: “Cô ấy bây giờ ở đâu?”. Câu hỏi đó khơi dậy một kỷ niệm thời trai trẻ của chúng tôi, khi hai đứa đều chưa vợ con gì. Anh Thâm thấy tôi hằng ngày vẫn vào khu văn công Cầu Giấy, hòa tập trong dàn nhạc Giao hưởng và dàn hợp xướng có đến dăm sáu chục cô gái. Một ngày nghỉ, hai chúng tôi đạp xe về phía Cầu Giấy, anh Thâm gợi ý: Vân Long đưa mình vào nơi cậu vẫn tập luyện được không? Tôi nhớ có lần hẹn với Thâm sẽ giới thiệu anh với mấy cô bạn khá thân của tôi bên dàn hợp xướng. Các cô ở tập thể, đang giai đoạn cấp tập học chuyên gia Triều Tiên, chuẩn bị buổi ra mắt ở Nhà hát Lớn nay mai, nên chủ nhật cũng ít khi về Hà Nội. Nguyễn Xuân Thâm làm quen với Dư An vào dịp đó. Hai người nhanh chóng hợp chuyện nhau, và sau đó khi đã thân hơn, Thâm chẳng cần phải vào Cầu Giấy mới gặp được Dư An… và họ nhận nhau làm anh em kết nghĩa. Dư An thích tính tình chân thật của Xuân Thâm, còn anh thì tất nhiên cuộc sống đơn lẻ của chàng trai miền Nam tập kết như được thăng hoa.

Nhưng chiến tranh… đã tung chúng tôi đi mọi phương trời: Dư An tình nguyện xung vào đoàn văn công đi B, tôi được điều xuống Hải Phòng tăng cường cho giới văn nghệ Hải Phòng cả về nhạc và thơ… Ít lâu sau thì Nguyễn Xuân Thâm cũng nhận nhiệm vụ sang Angola dạy học. Hai chúng tôi đều có thơ tặng Dư An. Nguyễn Xuân Thâm có bài Em đi công tác ở miền trong có những câu da diết tình cảm với quê hương hòa lẫn tình cảm với người em gái: “Em nhớ hôn giùm anh nấm đất/ Uống giùm anh bát nước quê hương”. Tôi chỉ viết được khi sau này bất ngờ giở cuốn kỷ yếu của một đơn vị bộ đội, gặp một trang ảnh có cô gái đội mũ tai bèo đang đứng hát, phóng lớn, choán cả trang sách ảnh mở rộng, tôi giật mình: đúng là Dư An! Dòng chú thích cho biết tôi không nhầm. Trước đó, tôi đã nghe tin Dư An không còn, thương cho em và tiếc mình không giữ được tấm ảnh nào, hôm nay cô ấy thiêng, đã cho mình gặp lại!

Trong bài thơ tôi viết sau đó, có câu: “Với em, chiến tranh không đi qua/ Ở một góc hồn anh cũng vậy”. Và tôi hạ hai câu kết:

“Người con gái hát biến thành tượng đài

Cùng nỗi lòng anh hóa đá!”.

 

_____

(*) Hồn Việt số 80 (tháng 4-2014)

VÂN LONG