Dê hoa vằn trên núi Hoa Mơ

Ông Giàng Pao Ly kể rằng, núi Hoa Mơ giáp biên có con dê dị thường lắm. Dân bản gọi tên nó là dê xồm hoa vằn. Nó chỉ có một sừng nhọn hoắt như mũi dùi. Giữa trán nó có một cái xoáy lông trắng bồng lên trông như bông hoa mơ nở. Và, mình dê lông màu vàng nâu nhưng mỗi bên vai có hai dải lông đen hình lưỡi liềm giống vằn con hổ. Vậy là lưng dê có vằn, đầu dê có hoa nên dân gọi nó là dê hoa vằn cho dễ nhớ. Ông già người Mông còn nói vui, dê hoa vằn oai lắm. Nó cai quản dê vùng núi Lao Táo, Tả Ngải Chồ, Lũng Phúng này đấy. Dê hoa vằn từng lập được một “kỳ tích” làm rạng rỡ cho nòi giống dê nhà nó. Trẻ con các bản đang đua nhau chặt gỗ pơ mu tạc tượng nó để trước cửa nhà lấy vía.

Cho đến bây giờ người dân vùng biên này cũng không biết dê xồm hoa vằn trú ngụ ở núi nào, chỉ thấy thỉnh thoảng nó lừng lững xuất hiện như trên trời rơi xuống. Nó tìm mô đá cao nhất đứng lên trông oai vệ như thần núi. Nó nghếch mỏ lên, chĩa sừng nhọn, vểnh râu xồm, mắt nhìn ra bốn hướng vẻ quyền thế, kiêu hãnh. Giọng nó khàn khàn, đục đục “be be, be be e e...”. Nghe tiếng kêu đó những con dê đực trong vùng bủn rủn, nháo nhác tìm đường lẩn trốn. Còn lũ dê cái cả dê rừng lẫn dê nhà ở các bản đều vểnh tai, ngoáy mông hớn hở ra mặt. Chúng mừng rỡ rên “ư ử, e e...” rồi lục đục kéo nhau đến tí tởn với dê xồm hoa vằn.

Hết đợt ở núi này, dê hoa vằn lại “lưu động” sang ngọn núi khác. Nó lại đứng trên một mỏm đá cao kêu: “be be, be be e e...”. Lũ dê cái ở đó lại rộn ràng như “trẩy hội” đến với nó. Xong “phiên tuần”, dê hoa vằn lại sang núi khác. Ông Giàng còn kể rằng những lúc dê xồm hoa vằn “gọi tình tìm bạn” như thế thì cả thú lẫn người phải tránh xa. Nếu nó nhìn thấy con vật, con người lảng vảng gần đấy thì xông đến “gây hấn” ngay và chỉ có chết nẫu như cải muối dưa với nó. Ông Giàng nói mẹ ông đẻ ông bên cửa bếp, ông làm nương trên cửa trời, ông đã phát rừng bằng như gấu áo mà chẳng sợ bất kỳ cái gì ở vùng núi này. Vậy mà ông phải kiềng nể con dê hoa vằn một sừng đấy.

Theo tài liệu di cư của loài dê rừng, các nhà cổ sinh vật học và di truyền học cho biết rằng, tổ tiên của chúng xa xưa ở tận miền Trung Đông. Đầu kỷ băng hà (120-80 ngàn năm trước) rất có thể nó di chuyển từ dãy núi Alpes đi qua miền Nam nước Pháp vào khu vực Pyrénées (dãy núi phía tây nam châu Âu, đường biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha) khoảng 18 ngàn năm trước. Tuy nó có khác vài chi tiết với loài dê hoang sống ở Tây Ban Nha nhưng chúng có thể cùng nguồn gốc rồi từ đó dê hoang di chuyển theo triền núi đến các châu lục. Dê thuộc loài động vật có vú, bộ móng chân, bộ phụ nhai lại và thuộc họ sừng rỗng. Nòi giống loài dê hay có những biến động dị thường. Ở Ấn Độ có con dê lông trắng chỉ có một mắt. Con mắt kỳ quái ấy nằm ngay giữa đỉnh trán. Sau khi nghiên cứu, người ta cho rằng con dê mắc chứng rối loạn gien. Ở một nơi khác có con dê kỳ dị hơn. Dê mang khuôn mặt người. Loài dê rừng có bản năng liều lĩnh đến hung dữ để bảo vệ nòi giống trong cuộc sinh tồn. Một con dê con bị báo đốm tấn công, dê mẹ đã dùng cặp sừng sắc nhọn lao vào đánh nhau suốt buổi với báo để cứu con. Dê mẹ đã buộc con báo đốm phải bỏ mồi tháo chạy với nhiều vết thương trên mình. Báo cam chịu ngồi nhìn mồi thèm thuồng mà liếm vết thương loét to đến... chết. Loài dê còn có trí nhớ tốt. Người ta đã thử trí nhớ của chúng bằng cách cho chúng kéo đòn bẩy mở nắp lấy thức ăn là trái cây trong một chiếc hộp ra. 12 con dê 10 tháng tuổi thực hiện trò thử này thì có tới 9 con chỉ mất 2 phút đã mở nắp gọn gàng lấy trái cây ra ăn, 3 con còn lại chỉ hơi lúng túng.

Điều đặc biệt đáng nói nhất ở loài dê là nó cực kỳ mạnh mẽ về mặt “dê”. Không biết có phải “trời ưu đãi” nòi giống nó “khoản ấy” không? Hay hằng ngày nó rủ nhau tìm ăn các loại cây lá trong bài thuốc “linh đơn thần dược” để bồi bổ về “khoản ấy”. Đó là quả dâu, lá dâu, quả sung... Những vị thuốc có hàm lượng kẽm cao, kiểm soát hoócmôn Testosterone sản xuất ra nhiều tinh trùng, có lợi cho chức năng sinh dục. Quả sung có nhiều vitamin A, B1, B2, canxi, sắt, phốt pho, natri, cali, mangan... giúp con dê tăng cường khả năng kích thích.

Trong văn học cổ của ta, Cung oán ngâm khúc đã nói đến chuyện ấy: “Xe dê lọ rắc lá dâu mời vào”. Ngày xưa vua vào với cung nữ thường đi xe do con dê dắt. Dê vào cung nào thì vua theo dê cùng vào cung đó. Nên các cung nữ đã “khôn ngoan” rắc lá dâu trước cửa để nhử dê vào dắt xe vua vào theo. Con dê cường tráng cái “khoản dê” như thế, ông cha ta xưa chắc đã tìm mãi mà không có con vật nào để “đấu” với nó. Cuối cùng các cụ đã đưa “ngài Thái thú Nhâm Diên” ra. Chỉ 4 năm cai trị quận Cửu Chân, Thái thú Nhâm Diên đã lấy hơn 2.000 người vợ. Những đứa con đều phải đặt họ tên... Tàu (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 69, kỷ nguyên thuộc Tây Hán).

Từ những thế kỷ trước, con người đã thuần phục được loài dê rừng, đưa nó về làm vật nuôi trong nhà. Loài dê ít bệnh tật, dễ thích nghi với thời tiết đổi thay, khắc nghiệt. Dê là loài vật rất tạp ăn. Nó cần mẫn đến liều lĩnh leo lên tận các mỏm núi đá cheo leo, trèo được cả lên cành cao như chim để vặt lá xanh, hái quả chín. Dê ăn được nhiều loại lá cây, kể cả lá xoan ta xem là rất độc. Ông Giàng Pao Ly nói rằng dê ăn lá ngón đen, ngón vàng ngon lành như ăn cỏ. Trong khi con ngựa, con trâu chỉ ăn mấy lá là đã lăn ra chết; con người chỉ nhai vài ba lá là mặt mày tím tái, sùi bọt mép. Các cụ ta ngày trước ở vùng núi giải độc cho những người ăn phải lá ngón thì mổ con dê lấy buồng gan cho họ ăn và đốt lông dê lọc lấy nước cho họ uống.

Loài dê vào tuổi trưởng thành sớm. Chừng bảy tháng tuổi, 35kg dê đã vào thì... mạnh mẽ. Di truyền của nòi giống nó rất “mắn”. Cứ 2 năm dê cho ra lò đều đặn, liên tục 3 lứa, mỗi lứa 3 con. Mồ hôi dê có mùi... hôi kỳ lạ, kỵ với muỗi, ruồi vàng, ruồi trâu; kỵ với loài côn trùng hút máu. Con dê đứng đầu gió thì những loài côn trùng ấy dưới gió... bay xa.

Từ thuở xa xưa, ông bà ta đã truyền lại thịt dê đứng đầu bảng ngon và bổ. Thịt dê được xem là “sư phụ” tiếp thêm năng lực đặc biệt, mau chóng phục hồi sức mạnh cho giới mày râu. Chất dinh dưỡng trong sữa dê thì hiếm có loại sữa nào sánh bằng. Sữa dê nhiều chất đạm, chất béo, protein, vitamin A, B1, B6... giúp tiêu hóa tốt và đặc biệt có lợi cho người bị bệnh tim mạch, tiểu đường. Sữa dê cũng giúp cánh má hồng có làn da mịn, nõn nà.

* * *

... Ông Giàng Pao Ly kể tiếp về chuyện con dê hoa vằn. Dạo ấy dân bản đã xong mùa làm nương, đến mùa làm khách. Phong tục của người Mông thu hoạch mùa lúa xong là nghỉ tròn 1 tháng để ăn tết và đi “làm khách” thăm nhau. Dịp ấy chợ Xín Cái cũng vào phiên Tết. Người các bản xa, người bên kia biên giới che dù xanh, dù đỏ đẹp như hoa rừng về bán hàng, ăn chợ. Con dê xồm hoa vằn ngày đó cũng đến kỳ về thăm thú núi Hoa Mơ. Từ sáng sớm, trời còn đằm mây, đằm sương dân bản đã nghe rõ tiếng “be be, be be e e...”. Con chim nồng chay(*) lông xanh cổ vàng mỏ đỏ vừa cất tiếng hót gọi ngày thì ông Giàng đã thấy một người lạ, mặt mày tái xanh như xoa chàm chạy từ lưng núi xuống. Anh ta thở cứ như gió lò trong khe núi. Miệng anh ta méo xệch như chảo gang vỡ, kêu: “Cứu với. Cứu với. Người Việt Nam hảo hảo nhiều. Cứu với... Hai đứa nguy thật rồi...”. Hỏi ra thì biết bọn người đó bị dê xồm hoa vằn húc. Anh ta nói với dân bản rằng bọn họ là “thương gia” từ bên kia biên giới theo đường tiểu ngạch mang hàng sang phiên chợ. Người dân bản Lũng Phúng, Lao Táo, Tả Ngải Chồ gọi nhau chạy lên núi Hoa Mơ. Bà con gõ thùng tôn, đánh mõ, thổi tù và, reo hò xua dê hoa vằn để tìm cứu các “thương gia” vượt biên. Đến lưng núi thì bà con nhìn thấy hai xác người nằm gục trên thảm rừng. Máu chảy thành vũng thấm đỏ đất. Một người bị dê hoa vằn xốc sừng nhọn từ hông xuyên ngực thấu đến cổ. Một người nữa chắc là đang bỏ chạy, bị dê đuổi theo đâm sừng nhọn từ lưng xuyên phổi, thủng ngực. Nhìn xác hai người đàn ông béo ụ, tay chân nung núc thịt, cổ to bằng mặt, bà con người các bản Mông đã nhận ngay ra chúng. Đó là hai tên trùm thổ phỉ nổi loạn năm xưa. Hai tên này đã nối giáo cho giặc cướp, dẫn chúng về bắt ngựa, bắt trâu, bắt con gái, đốt nhà, giết người Mông. Bị dân tiễu trừ truy đuổi, chúng theo giặc chạy sang bên kia biên giới lẩn trốn. Chúng đã thay tên đổi họ “mai danh ẩn tích” lâu nay...

Trong các đẫy hàng chúng mang theo có nhiều loại thuốc cao đơn hoàn tán giả và thuốc phiện. Ông Giàng Pao Ly nói rằng bây giờ nhiều nhà dân các bản có tượng con dê xồm hoa vằn đặt trước cửa để trừ tà, đuổi ma. Lúc nhà có việc không lành, bà con cắm cành lá xanh vào đầu nó để cấm cản người lạ vào. Từ chuyện dê xồm hoa vằn ấy, con trai con gái bản Hoa Mơ đã lưu truyền câu hát lúc lên nương về chợ như câu dân ca của người Mông:

“Mùa xuân tới

Con bướm mặc váy hoa xòe đón mùa sâm mới

Ta hát chuyện con dê

Đâm đứa hại dân đi theo kẻ ác, mò về

Ta hát chuyện anh là cái kim em là sợi chỉ

Đôi ta khâu tấm áo vải lanh

Chăm luống pà (kê) tốt trồng nương ngô xanh.

Giữ rừng yên bản ấm

Ta hát đến ngày con dê gỗ đứng trước nhà, chân lấm

Biết mọc sừng kêu be be chạy lên núi Hoa Mơ...”

 

______

(*) Chim hót ở bản Mông lúc trời sáng.

TRẦN HỮU TÒNG