Dễ vào đại học qua đường liên kết

Dù Bộ GD-ĐT có “siết” chỉ tiêu tuyển sinh của các trường nhưng thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội vào ĐH bằng các chương trình liên kết đào tạo. Để tìm một chỗ ngồi trên giảng đường của các trường tốp trên hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản, nhất là với các thí sinh có học lực trung bình. Tuy nhiên, với các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT), cơ hội vào các trường tốp trên của thí sinh đang rộng mở.

Đàng hoàng vào trường tốp đầu
 

Đáp ứng nhu cầu của thí sinh, năm nay, hàng loạt trường ĐH lớn, nhỏ trên cả nước đồng loạt báo cáo về Bộ GD-ĐT các chương trình tuyển sinh LKĐT. Theo đó, thí sinh không cần có điểm cao bằng điểm sàn của bộ vẫn có thể đàng hoàng trúng tuyển.
 

Theo thông báo của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2011, trường sẽ xét tuyển ĐH công nghệ thông tin dựa trên học bạ phổ thông và điểm thi ĐH khối A, đào tạo toàn thời gian tại trường theo chương trình của ĐH Auckland UT (New Zealand), do ĐH Auckland UT cấp bằng. Bên cạnh đó, trường cũng tuyển sinh bậc ĐH (với các ĐH Mỹ, Úc, Nhật) các ngành quản lý, điện - điện tử, công nghệ thông tin, dầu khí, xây dựng... văn bằng do nước ngoài cấp; thí sinh nếu có nhu cầu sẽ được vay vốn để học.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng sẽ mở các lớp đào tạo đặc thù riêng như tài chính doanh nghiệp tiếng Pháp, quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh, quản trị lữ hành và quản trị khách sạn theo chương trình giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng trong khuôn khổ của dự án giáo dục ĐH Việt Nam – Hà Lan, do Bộ GD-ĐT chủ trì. Điểm xét tuyển bằng điểm sàn của bộ và có thể dưới điểm sàn vào trường cùng khối thi; bằng tốt nghiệp là bằng ĐH chính quy do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cấp. Mức học phí là 13,5 triệu đồng/năm.


Lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội và Trường ĐH La Trobe trao bằng tốt nghiệp
cho sinh viên trong chương trình liên kết đào tạo ngày 13/3. Ảnh: Diệu Linh.

Nhiều cơ hội với bằng cấp quốc tế
 

Không chỉ các trường và ngành “hot” như thương mại, quản trị doanh nghiệp, công nghệ... mới LKĐT với nước ngoài mà các trường khối kỹ thuật cũng đang nở rộ. Năm 2011, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chiêu sinh LKĐT với các trường nổi tiếng nước ngoài như ĐH Troy - Mỹ, Viện ĐH Quốc gia Bách khoa Grenoble (INPG) - Pháp, ĐH Leibniz Hannover (LUH) - Đức, ĐH Công nghệ Nagaoka (NUT) - Nhật, ĐH Victoria Wellington (VUW) - New Zealand… Các ngành đào tạo gồm điện tử viễn thông, kỹ thuật cơ - điện tử, công nghệ thông tin, khoa học máy tính; quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế…
 

Sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo này sẽ được cấp bằng ĐH của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hoặc của trường đối tác nước ngoài. Việc xét tuyển khá đơn giản, chỉ cần thí sinh đạt điểm sàn khối A, D1 và D3 hoặc tham dự đợt kiểm tra đầu vào (toán, lý, hóa) do Trường ĐH Bách khoa tổ chức vào tháng 9-2011, nếu đã tốt nghiệp THPT năm 2011.
 

Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng tiếp tục mở các lớp cầu đường tiếng Pháp theo chương trình hợp tác với các trường ĐH Pháp ngữ (AUF), lớp xây dựng công trình giao thông theo chương trình tiên tiến liên kết với ĐH Leeds (Anh), lớp vật liệu và công nghệ Việt – Pháp theo chương trình liên kết nhóm các trường ĐH mỏ của Cộng hòa Pháp (GEM), lớp xây dựng công trình giao thông Việt - Nhật theo chương trình hợp tác đào tạo với một số trường ĐH và các doanh nghiệp của Nhật Bản dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
 

Trường ĐH Sư phạm Huế cũng công bố tuyển sinh chương trình kỹ sư liên kết với Trường ĐH Val de Loire (Pháp), đào tạo 2 năm ở Việt Nam, 3 năm ở Pháp, bằng do Trường Val de Loire cấp. Đối tượng tuyển là những thí sinh thi khối A đã trúng tuyển (bất cứ ngành nào trong cả nước), có điểm thi cao và tự nguyện đăng ký xét tuyển. ĐH Đà Nẵng cũng tuyển sinh các chương trình đào tạo với Anh, Mỹ, Úc, thời gian tuyển sinh 2 đợt vào tháng 2 và tháng 8 hằng năm.

Theo Người Lao Động

HOÀNG LAN ANH