Danh họa Éduard Manet và bức tranh Olympia khỏa thân

Éduard Manet là một danh họa của nước Pháp và thế giới thế kỷ XIX. Hơn một thế kỷ qua, những tác phẩm của ông đã chinh phục được công chúng mỹ thuật khắp thế giới. Và ngày nay, rất nhiều tác phẩm của ông đã thành vô giá… Thế nhưng lúc còn sống, ông không chỉ rất nghèo khổ về vật chất, mà còn bị dư luận phản đối và khinh miệt. Nhiều năm tháng sống trong tủi hổ, và cuối cùng, ông qua đời trong cảnh khốn cùng và buồn tủi. Những tai ương lớn dồn đến vùi đập ông đều do những tác phẩm hội họa của ông, đặc biệt là bức tranh Olympia tuyệt vời và cũng tai tiếng bậc nhất trong đời sống mỹ thuật châu Âu thế kỷ XIX…

Những năm 50 thế kỷ XIX, É. Manet mới là một họa sĩ trẻ đang tập sự ở một xưởng vẽ. Khi ấy, anh có mong muốn vẽ được những bức tranh chân thực hơn đối với đời sống con người. Bởi vậy É. Manet đã không vẽ những họa phẩm mang tính khoa trương như ông thầy dạy văn hướng dẫn các họa sinh. Kết quả là É. Manet bị ông thầy đuổi khỏi xưởng họa. Chỉ còn mỗi Suzanne, người thiếu nữ yêu quý Manet, nguyện gắn bó trọn đời với É. Manet, và tin tường ở tài năng của anh. Suzanne đã luôn bên cạnh É. Manet, động viên anh sống và vẽ.

Năm 1863, Manet gửi tranh của mình tham gia một cuộc triển lãm hội họa tại Paris. Nhưng họa sĩ đã bị công chúng mỹ thuật chê bai rất cay nghiệt. Đến mức, khi Manet buồn bã rời khỏi phòng triển lãm, ra đến hè đường, còn có những cô gái nhìn thẳng vào anh, rồi nói với nhau: “Gã họa sĩ É. Manet đấy là người chuyên vẽ những cảnh đến là tục tĩu…”. Họ còn thì thào vào tai nhau, rồi phá lên cười.

Việc ấy khiến É. Manet đau đớn. Lòng vô cùng cô đơn, anh thập thững bước đi, và nghĩ đến Suzanne dịu hiền. Nếu không có nàng, chắc É. Manet đã không còn gắn bó được với hội họa… Lòng nghĩ đến Suzanne, nhưng chân anh lại đi đến xưởng vẽ, nơi cô người mẫu Victorine đã được anh bảo đến chờ ở đấy. Đẩy cửa bước vào, É. Manet sững người khi thấy cô người mẫu trần truồng ngủ trên đivăng.

Đời họa sĩ đã bao lần É. Manet nhìn người mẫu khỏa thân, nhưng lần này, thân thể Victorine gợi cho anh tường nhớ đến một kỷ niệm, khiến anh thốt lên: “Giống hệt Venus ở Urbin!”. Cô người mẫu choàng tỉnh, ngơ ngác hỏi: “Ai? Tình nhân của anh hay người mẫu nào?…”. Manet cười, bảo cô người mẫu hãy nằm xuống.

Anh nghĩ đến danh họa Titien ba trăm năm trước với bức tranh khỏa thân đẹp nhất thế giới, mà anh đã ghi chép lại khi đến Florence năm 1856. Và anh bắt đầu phác họa những nét chính. Rồi chẳng mấy lúc, Manet hoàn toàn mê mải với một sáng tạo hội họa mà anh cho là hết sức chân tình, hết sức cần cho đời sống con người…


Bức tranh Olympia.

Đêm đã rất khuya, bỗng một con mèo lớn chui vào xướng vẽ, nhảy lên đivăng, khiến cô người mẫu kêu lên kinh hãi. Đó chỉ là con mèo chuyên làm mẫu cho một họa sĩ hay vẽ tranh về loài vật É. Manet giải thích và nói thêm: “Màu đen của con mèo làm nổi bật màu da trắng của cô. Tôi sẽ vẽ nó thêm vào bức tranh này”. Cô người mẫu giễu cợt: “Sao không vẽ luôn vào đó một chị da đen cho càng nổi bật?”. Không ngờ, É. Manet đã tán thưởng ngay: "Ừ? Trên bức tranh của Titien cũng có mấy cô hầu gái. Tôi sẽ vẽ một cô hầu gái da đen mang hoa đến cho cô…”.

Trong đêm khuya khoắt, cô người mẫu kể lể vẻ cuộc đời mình cho họa sĩ nghe. Cô tên là Victorine Mourend, từng làm nghề thợ giặt rồi đi làm người mẫu. Qua thân thể và hoàn cảnh nàng, É. Manet bỗng nghe vang trong tâm hồn mình những câu thơ của người bạn thân, thi sĩ Baudelaire: “Ở trong tâm não chúng ta phè phỡn một bầy quỷ sứ…”.

Và bỗng cuộn lên trong lòng Manet nỗi khát khao trình bày được hết những vẻ đẹp sinh vật trên một cơ thể huy hoàng. Chàng thấy cần có cái gì ngăn cách thân thể đó với khuôn mặt, như vậy mới diễn tả được chiều sâu tủi hổ trong tâm hồn con người. Và é. Manet đã tìm một sợi nơ nhung đen, thắt quanh cổ cô người mẫu. Họa sĩ bị cuốn hút bởi chiều sâu nội dung từ người mẫu và bởi chính tác phẩm của mình đang dần hiện lên trong khung tranh.

É. Manet đã phải vẽ miệt mài nhiều tuần lễ. Mỗi buổi tối, anh đều nhận được tin nhắn của Suzanne cho anh biết tình hình ở nhà. Phải mất năm tháng, É. Manet mới hoàn thành bức tranh. Anh muốn người bạn thân nhất của mình là thi sĩ Baudelaire, thưởng thức đầu tiên tác phẩm này. Đây là thời gian tập thơ “Hoa ác” của Baudelaire cũng đang bị dư luận phê phán là dâm, thô tục. Baudelaire đã đến ngay, còn rủ theo một nhà phê bình nghệ thuật. Ngắm nhìn bức tranh, thi sĩ nói: “Chưa có họa sĩ nào trước đây đã nói được nhiều về sự khỏa thân như tác phẩm này!”. Và nhà phê bình nghệ thuật tiếp lời: “Phải đặt tên cho bức tranh này. Hiện nay đang có trào lưu hướng về Hy Lạp… Tôi đề nghị đặt tên cho bức tranh là Olympia…”.


Danh họa Éduard Manet.

Một tuần sau, É. Manet đã đưa Suzanne về quê hương Hà Lan của nàng, rồi làm lễ cưới. Có thể nói, may mắn nhất đời của họa sĩ là có được Suzanne, người bạn đời thủy chung, thông minh và luôn cảm thông với số phận của chàng.

Hai năm sau (1865), có một phòng tranh khai trương tại Paris, É. Manet gửi tác phẩm Olympia đến tham dự. Chàng hồi hộp đón chờ dư luận, mong nhận được những lời tán thưởng. Nhưng, dội liên tiếp vào chàng là những lời phẫn nộ: “Loạn rồi!”, “Thật vô liêm sỉ!”, “Quả là tục tằn thô bỉ…?”. Và người xem còn muốn xé bỏ bức tranh, may có những người bảo vệ kịp ngăn lại. É. Manet chạy trốn, ôm mối tuyệt vọng to lớn. Hơn nửa tháng trời, chàng không dám bước chân ra khỏi nhà, đau đớn nghĩ: “Mình chỉ muốn thể hiện ý nghĩa thật trong đáy hồn con người, vậy mà bị lên án!… Người ta lên án tập thơ “Hoa ác” của Baudelaire, mặc dù đó là một tác phẩm thiên tài…”.

Tháng 11 năm 1865, một buổi É. Manet đang ngồi trong một quán rượu bên đường thì thấy một phụ nữ mặt đầy son phấn bước vào, sấn tới, xỉa xói vào mặt họa sĩ: “ông đã làm cho tôi khổ sở đủ điều. Hàng phố khinh bỉ tôi vì đã ngồi làm người mẫu cho ông vẽ bức tranh ấy!…”. Manet bỏ đi, nhưng bị cô ta túm lấy. Victorine quá say rồi, vẫn còn lôi ra một nắm báo chí, chìa vào mặt họa sĩ: “Đọc đi xem thiên hạ nói như thế nào?…”. Manet hiểu rằng báo chí, rằng khắp cả Paris đang chế nhạo mình. Họa sĩ thấy tủi hổ vô cùng.

Trên đường về nhà, É. Manet còn gặp người bạn luôn bênh vực chàng là Emile Zola, nghe Zola tâm sự: “Tôi đã viết trên tờ Thời Báo rằng bức tranh Olympia là một kiệt tác. Nhưng người ta gởi thư về tòa soạn chửi tôi quá thể, đến nỗi chủ báo buộc tôi nghỉ việc…” và hầu như chàng họa sĩ ngã quỵ bởi đòn cuối cùng đó. Rời nước Pháp, chàng sang Tây Ban Nha. Nhưng ở xứ này, chàng cũng thất bại.

Năm 1881, thấm gánh nặng của tuổi tác, É. Manet trở lại Pháp. Tại Versailles, bức tranh Olympia của ông lại bị phản đối quyết liệt hơn bao giờ hết. Họa sĩ suy nhược đến cạn kiệt. Dù được Suzaune chăm sóc tận tình, nhưng chưa đầy hai năm sau, ông qua đời. Bà Suzanne cô đơn nghèo khổ muốn đem bán bức tranh đi.


Tượng thần vệ nữ ở Milo.

Các bạn của É. Manet đã gom được ít tiền mua Olympia để đem tặng bảo tàng Louvres. Cuối những năm 80 của thế kỷ XIX, trên hè phố Paris xuất hiện một bà say rượu, vừa hát nhung nhăng, vừa nói với người qua đường: “Cho tôi ít tiền, các ông các bà. Tôi là người phụ nữ trần truồng, người ta gọi tôi là Olympia. Tôi ở trong Louvres, trong bão tàng quốc gia ấy…”.

Sang thế kỷ XX, người ta bắt đầu nhìn Olympia bằng ánh mắt khác trước. Năm 1915, một lần gỡ bức tranh xuống để chăm sóc, người coi Bảo tàng còn thấy có hai nhát dao rạch vào chỗ gần khuôn mặt nàng Olympia. Đó là sự nguyền rủa cuối cùng đối với bức tranh. Những năm sau đó, tình hình trở nên khác hẳn. Người ta đã nhận ra É. Manet là một họa sĩ lớn của nước Pháp và của thế giới, đồng thời người ta cũng đã hiểu Olympia là một sáng tạo kỳ lạ của họa sĩ!

Ngày nay, Olympia ngự ở Bảo tàng Louvres như một niềm vinh dự cho nghệ thuật Pháp. Hàng năm, có rất nhiều người từ các nước trên thế giới đã đến Paris để… thăm Louvres, và để chiêm ngưỡng Olympia.

ANH CHI