Nhà văn Tiệp Khắc Julius Fucik bị mật thám bắt giam ngày 24-2-1942 và hy sinh ngày 8-9-1943 tại nhà lao Plốtxenzi (Berlin, Đức).
1. Gửi Gustina yêu quý của anh,
Một hy vọng rất mỏng manh là sẽ có lúc chúng ta được dắt tay nhau như những đứa trẻ cùng đi dạo trên bờ sông có gió thổi lồng lộng và có mặt trời tỏa nắng. Và cũng một hy vọng rất mỏng manh là sẽ có lúc anh còn được ngồi lại trong cái khoảng yên tĩnh, với sự tiện nghi, vây quanh bởi mối tình của sách vở để có thể viết nên những điều chúng ta đã cùng nhau trao đổi, những điều đã dày vò trong anh suốt hai mươi năm qua và đã chín muồi. Một phần cuộc đời anh đã bị hủy diệt khi bọn chúng chôn vùi những sách vở của anh.
Nhưng anh không muốn đành phận, anh không muốn cam chịu cho phần đời còn lại kia tiêu tan đi mà không giữ được một mảy may gì, một dấu vết gì trong cái xà lim trắng 267. Bởi vậy trong khoảnh khắc mà anh giành giật được của cái chết, anh viết mấy nhận xét này về văn học Tiệp Khắc. Em đừng bao giờ quên ơn người sẽ trao lại cho em những giấy tờ anh viết đây, chính người ấy đã làm cho anh hầu như được sống lại hoàn toàn. Mẩu bút chì và trang giấy người ấy mang đến cho anh, đối với anh cũng rạo rực như mối tình đầu và giờ đây nó làm anh cảm xúc nhiều hơn là suy nghĩ, mơ mộng nhiều hơn là tìm lối diễn đạt và sắp xếp câu văn…
… Em biết đấy, anh yêu thiên nhiên, yêu mặt trời và mây, gió biết chừng nào, anh mong muốn biết khi nào được trở thành tất cả những gì sống trong đó: được làm chim hoặc cây cỏ, được làm áng mây bay hay người lữ khách. Và giờ đây, những năm tháng ròng rã anh đang sống, dưới mặt đất với số phận của những rễ cây. Những rễ cây thầm lặng, úa vàng, bị trùm lên bởi bóng tối và sự mục nát – nhưng nó cố giữ cho cây đời trên mặt đất. Không có một cơn gió điên cuồng nào lật đổ được thân cây một khi rễ nó bám chặt, chính ở chỗ này là niềm kiêu hãnh của rễ cây. Và cũng là niềm kiêu hãnh của riêng anh. Anh không còn ân hận gì điều đó, anh không ân hận một mảy may. Với tất cả nghị lực trong anh, anh đã hoàn thành và hoàn thành một cách sung sướng. Nhưng ánh sáng, anh đã yêu ánh sáng, anh đã hằng mong muốn mọc vươn thẳng lên cao, mong muốn đơm hoa và kết thành một thứ quả ngọt lành.
Thế đấy.
Trên cây, cây mà chúng ta đã từng giữ và giữ cho nó đứng vững được, trên cây ấy sẽ lớn lên, sẽ đơm hoa và kết quả – quả đó là các thế hệ của những con người mới, các thế hệ xã hội chủ nghĩa của những công nhân, của những nhà thơ, và của cả những nhà phê bình văn học và những nhà viết sử, mà sau này, tuy là muộn hơn nhưng họ lại sẽ nói tốt hơn những điều mà anh đã không thể nói lên được. Và thế là những quả chín của anh chắc chắn sẽ chín ngọt, sẽ đầy đặn thịt da, mặc dầu trên những ngọn núi của anh khi ấy tuyết sẽ không bao giờ rơi xuống nữa.
Tại xà lim 267, ngày 28-3-1943
2 … Ở một góc tường của xà lim anh có một chú nhện nhỏ tí xíu và phía ngoài cửa sổ anh có một đôi chim sơn ca đến làm tổ. Anh được nghe những tiếng chim con dịu dàng và thơ dại ngay sát bên tai, gần lắm. Giờ đây đôi chim ấy đã dẫn con bay đi rồi nhưng vẫn còn là sự chăm sóc đối với thế hệ mai sau. Về phần anh, trong lúc này anh đang hồi tưởng là em diễn đạt những tiếng kêu thơ dại đó của bầy chim thành ra ngôn ngữ của con người. Em yêu quý của anh, suốt hàng giờ đồng hồ anh đã trò chuyện với em trong tâm tư, trong ý nghĩ và anh chờ đợi, anh hy vọng sẽ được gặp lại em để trò chuyện trực tiếp. Chúng ta đã nói với nhau bao nhiêu là chuyện! Em yêu quý của anh, em hãy dũng cảm và có nghị lực.
Anh ôm em và hôn em thật nồng nhiệt.
Bauzen, 8-6-1943
(Dương Tất Từ dịch)