Họ Nguyễn Huy Trường Lưu (Can Lộc) và họ Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân) là hai dòng họ nổi tiếng về văn hiến ở xứ Nghệ, trong giai đoạn thế kỷ XVIII-thế kỷ XIX.
Cả hai dòng họ này đều sản sinh nhiều bậc hiền tài, có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của lịch sử dân tộc trên nhiều phương diện, nổi bật nhất là lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Đặc biệt, cả hai dòng họ này đều có truyền thống trước tác phong phú, đa dạng, để lại cho đời những tác phẩm đỉnh cao như Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Đoạn trường tân của Nguyễn Du. Và điều thú vị nhất, có ý nghĩa nhất là giữa hai dòng họ này, ngoài quan hệ thông gia, còn có quan hệ tương tác về văn hóa- giáo dục, về văn chương trước thuật qua nhiều thế hệ.Về quan hệ thông gia thì hai người con gái của Toản Quận công Nguyễn Khản là Nguyễn Thị Bành và Nguyễn Thị Đài đều gả cho Nguyễn Huy Tự. Kết quả của mối lương duyên này là sự sinh thành danh sĩ Nguyễn Huy Hổ (con trai thứ Nguyễn Huy Tự do bà Nguyễn Thị Đài sinh ra), tác giả Mai đình mộng ký. Về quan hệ văn hóa- giáo dục thì Nguyễn Khản từng là học trò của Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm và các con cháu Nguyễn Nghiễm thời niên thiếu cũng có không ít người sang đọc sách, thụ giáo tại Phúc Giang thư viện và Trường Lưu học hiệu của Nguyễn Huy Oánh.
Về quan hệ văn chương thì giữa Hoa Tiên và Đoạn trường tân thanh có sự tương tác sâu sắc trong quá trình sinh thành và truyền bản danh tác. Người đóng vai trò quan trọng trong quá trình tương tác này là danh sĩ Nguyễn Thiện.
Nguyễn Thiện, tên chữ là Khả Dục, đạo hiệu là Thích Hiên tiên sinh, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm Quý Vị, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24, đời vua Lê Hiển Tông (1763) tại phường Bích Câu, Thăng Long. Ông là con trai trưởng của Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều và phu nhân họ Bùi, con gái Đoan Quận công Bùi Thế Đạt, một võ tướng cao cấp đời Cảnh Hưng. Nguyễn Thiện là cháu nội Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, cháu gọi Toản Quận công Nguyễn Khản bằng bác, gọi thi hào Nguyễn Du bằng chú và là em con chú của hai bà vợ của Nguyễn Huy Tự (Nguyễn Thị Bành và Nguyễn Thị Đài). Thân phụ ông, Nguyễn Điều, thi Hương đậu Hương cống nhưng thi Hội ba lần chỉ trúng Tam trường, sau cải sang võ chức làm đến Đốc đồng, được phong tước hầu.
Vì là con một võ quan cao cấp, cha ông lại có nhiều huân công với triều đại, nên từ bé Nguyễn Thiện đã được ấm phong là Hoằng Tín đại phu, Phó Trung uý Đại Nhạc hầu. Năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784), ông thi Hương đỗ Tứ trường (đời Lê gọi là Hương cống, đời Nguyễn gọi là Cử nhân), nhưng vì vào năm đó có loạn kiêu binh ở kinh đô Thăng Long, thời cuộc trở nên rối loạn nên ông không ra làm quan(1). Chẳng bao lâu nhà Lê mất. Sau khi Nguyễn Du định trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh nhưng không thoát, bị Trấn tướng Tây Sơn ở Nghệ An là Nguyễn Thận bắt giam ba tháng mới thả, hai chú cháu ông đã trở thành một đôi bạn tâm tình (Nguyễn Du tuy là chú nhưng lại thua cháu đến 2 tuổi, sinh năm 1765) trong cảnh chim lồng cá chậu ở quê nhà. Năm 1802, sau khi hoàn toàn lật đổ thế lực nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, xuống chiếu lục dụng cựu thần nhà Lê. Lúc bấy giờ, trong số chú cháu, anh em của Nguyễn Thiện, có không ít người ra làm quan với nhà Nguyễn. Hàng chú, có Nguyễn Nễ, Nguyễn Du, Nguyễn Ức, Nguyễn Trừ; hàng anh em cùng vai, có Nguyễn Thảng (con Nguyễn Khản), Nguyễn Tán (con Nguyễn Nghi), Nguyễn Thích và Nguyễn Trù (con Nguyễn Trừ). Riêng Nguyễn Thiện và em ruột ông, danh sĩ Nguyễn Hành, trước sau như một, bất hợp tác với nhà Nguyễn. Ông ở lại quê nhà, vui với văn thơ, đạo thuật và mất năm 1818. Ông có tất cả 9 người con, 6 trai và 3 gái.
Theo Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, Nguyễn Thiện có để lại một tập thơ mang tên là Đông phố thi tập, và theo Vũ Đại Vấn, người đã nhuận sắc lại truyện thơ Hoa Tiên vào năm 1828, thì Nguyễn Thiện là người đầu tiên nhuận sắc Hoa tiên nguyên tác của Nguyễn Huy Tự. Trong các thư tịch hiện còn, tiểu sử, hành trạng và sự nghiệp trước tác của ông chỉ thấy chép đơn giản có bấy nhiêu. Tập thơ Đông phố hiện tại vẫn chưa tìm thấy. Như thế, công lao lớn nhất của Nguyễn Thiện đối với văn hoá dân tộc mà đến nay người ta còn có thể khẳng định được là việc ông nhuận sắc truyện Hoa Tiên, một truyện thơ Nôm bác học ra đời tương đối sớm và có giá trị đánh dấu sự trưởng thành của nền văn chương tiếng Việt. Hơn thế, Nguyễn Thiện, trong khi nhuận sắc Hoa Tiên, còn là nhân mối quan trọng để tạo nên ảnh hưởng qua lại giữa hai danh tác của hai dòng họ lớn vốn có quan hệ thông gia với nhau, góp phần tô đậm phong khí của “Hồng Sơn văn phái”.
Trước hết, Hoa Tiên là một truyện Nôm được Nguyễn Huy Tự phóng tác từ ca bản Hoa Tiên ký của người Trung Hoa thời nhà Minh. Một mặt, cả lam bản bên Tàu và truyện thơ Nôm bên Việt đều thuộc vào loại hay, với nội dung ca tụng tự do yêu đương nên nó có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà Nho trẻ, các công tử, tiểu thư của các thế gia lệnh tộc đương thời. Mặt khác, Phúc Giang thư viện của họ Nguyễn Huy lại vừa là một tàng thư chứa hàng vạn quyển sách quý vừa là một trường học có uy tín trong cả nước, nên đó cũng là điểm đến hấp dẫn của các nho sĩ trong vùng. Trong thời gian bị giam lỏng ở quê hương, sau vụ Nguyễn Du bị bắt giam vì tội trốn theo Gia Long, Nguyễn Thiện đã cùng ông chú tài hoa, phóng túng của mình nhiều lần vào chơi làng Trường Lưu, ví hát và đọc sách, trong đó có Hoa Tiên truyện nguyên tác của Nguyễn Huy Tự. Với những chứng tích gần đây các nhà Kiều học đã đưa ra, đây là giai đoạn Nguyễn Du có nhiều thời gian nhất để tiếp tục sáng tác, hoàn thiện Đoạn trường tân thanh. Chắc hẳn, Hoa Tiên đã được Nguyễn Du tham khảo nhiều về nội dung tư tưởng cũng như thi liệu. Ảnh hưởng ấy, thể hiện khá rõ ở rất nhiều câu thơ Truyện Kiều. Chúng tôi thống kê có khoảng trên 18% số câu thơ Truyện Kiều có dấu vết Hoa Tiên nguyên tác. Ví dụ:
Hoa Tiên nguyên tác Đoạn trường tân thanh
- Bụi hồng dứt nẻo đi về chiêm bao
- Cơn mây sớm, ngọn đèn khuya
- Trà tiêu bụi khát, hương chia mùi sầu
- Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao
- Bẽ bàng, mây sớm đèn khuya
- Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Về cấu tứ, tình điệu ở một số đoạn trong Đoạn trường tân thanh như Kim Kiều thề nguyền, Trở lại vườn Thuý, Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng khá rõ nét những hồi như Thệ biểu chân tình, Phục vãng Tràng Châu của Hoa Tiên nguyên tác. Đó không phải là sự bắt chước một cách nô lệ của một tác giả non tay mà là sự tiếp thu có chọn lọc của một thiên tài và trên cơ sở ấy, Nguyễn Du đã phát triển và sáng tạo nên những sắc thái mới, tươi đẹp, chân thực và hấp dẫn hơn. Mặt khác, do chính Nguyễn Thiện biết rõ quá trình tương tác đó và khi đọc kỹ bản Đoạn trường tân thanh đã hoàn chỉnh của chú mình, ông dễ dàng nhận ra những chỗ còn đơn sơ, thô vụng trong Hoa Tiên nguyên tác và đã tiến hành nhuận sắc nó.
Ngày nay, đọc Hoa Tiên nhuận chính tân biên và Hoa Tiên nguyên tác, chúng ta mới thấy được công sức đóng góp của Nguyễn Thiện cho danh tác của ông anh rể như thế nào.
Việc nhuận sắc của Nguyễn Thiện không chỉ là về mặt câu chữ, hình thức mà quan trọng hơn là ông đã có những điều chỉnh về nội dung của nguyên tác Hoa Tiên.
Về nội dung tư tưởng, Nguyễn Thiện đã tô đậm thêm quan niệm trung hiếu, tiết nghĩa của nguyên tác. Để làm được việc đó, ông đã viết hẳn lại phần mở đầu. Khi viết Hoa Tiên truyện, Nguyễn Huy Tự đã bám sát ca bản Hoa Tiên ký của Trung Quốc, mở đầu tác phẩm bằng cách tả đêm thất tịch, đối chiếu chuyện Ngưu Lang -Chức Nữ trên trời và chuyện tình duyên con người dưới trần rồi chuyển qua hoài niệm người xưa mà vào truyện. Trái lại, Nguyễn Thiện bắt đầu Hoa Tiên nhuận chính bằng hai chữ “Trăm năm” và một đoạn luận đề nhấn mạnh vào chủ đề ca ngợi sự chung thủy trong câu chuyện tình sắp kể, để đến lúc kết thúc câu chuyện ông sẽ nhắc lại dưới một hình thức diễn đạt khác nội dung triết luận ở phần mở đầu. Sự mở đầu và kết thúc Hoa Tiên nhuận chính của Nguyễn Thiện như vậy rõ rang là đã chịu ảnh hưởng đậm nét sự mở đầu và kết thúc của Đoạn trường tân thanh.
Đi sâu vào câu chuyện, ông đã cố gắng nêu rõ một số đạo lý Nho gia, như trách nhiệm của đấng nam nhi đối với bậc quân vương; bổn phận thủ tiết, chính chuyên của người phụ nữ, tư tưởng thiên mệnh,… những điều mà trong Hoa Tiên nguyên tác còn được biểu hiện khá mờ nhạt. Ví dụ như hồi Phục ngộ Vân Hương, khi nghe Phương Châu tỏ ý muốn được dẫn tới phòng riêng của Dao Tiên, nhân vật Vân Hương trong nguyên tác đã trả lời:
Hương rằng: Dạy sỗ sàng thay!
Hội đào rước bạn tiên vầy là chơi?
Chịu lời cũng muốn cắt lời,
Bên sông trót đã lỡ mồi buông câu.
Vực sâu còn đợi dò lâu,
Thuyền trăng bỗng rắp nỗi đâu nhường này?
Nguyễn Thiện đã sửa hẳn lại những câu đối thoại ấy và đưa vào tác phẩm nhuận sắc tư tưởng định mệnh, lòng tin ở Trời:
Hương rằng: dạy dễ dàng thay!
Sự trăm năm phải một ngày nên ru,
Hãy coi vào số phong lưu,
Ấy nhân duyên biết là đâu chăng trời?
Chấp lời, trót đã chịu lời,
Thử xem con tạo chiều người hay không…
Tuy có những chỗ điều chỉnh hoặc tô đậm đáng kể về nội dung, nhưng nhìn chung, sự nhuận sắc của Nguyễn Thiện thiên về hình thức nghệ thuật. Ông thay sửa lại hầu hết những từ ngữ cổ, quá mộc mạc, chất phác, thô sơ, thậm chí quê kệch –những dấu vết chưa tiến hoá còn khá rõ trong ngôn ngữ văn chương Bắc Hà nửa đầu thế kỷ XVIII. Ông đã bỏ đi nhiều tiếng thô mộc, dân dã như gùn ghè, rập rành, khèm (cửa khèm), bước sá,…và thay vào bằng những từ ngữ giàu tính ẩn dụ, được gọt giũa tinh tế, bóng bẩy phù hợp hơn với một câu chuyện phong tình chốn lầu son gác tía. Do đó, câu văn nhẹ nhàng, thanh thoát, êm tai và trang nhã hơn. Ví dụ, lời Bích Nguyệt cự Phương Châu trong hồi Bích Nguyệt thu kỳ, ở bản nguyên tác:
Tấc mây đố bợn gương Hàn,
Bớt lời xin chớ loan đan lắm lời!
Phụng phà, miệng nói chán đời,…
Nguyễn Thiện chữa lại là:
Tấc mây đâu bợn gương Hàn,
Trăng hoa phải sự nên bàn mà chơi?
Vùng vằng, miệng nói chán đời…
Để đạt được mục đích tu sức lại lời văn Hoa Tiên cho sang trọng, ý đẹp lời hay, Nguyễn Thiện đã đưa vào Hoa Tiên những câu mang phong cách hoa mỹ, phảng phất giống câu thơ Kiều, như:
Giợn quyên sơ diễn mặt doành.
(Hoa Tiên nguyên tác, câu 45)
Tà tà bóng ngả in doành
(Hoa Tiên nhuận chính, câu 45)
Tà tà bóng ngả về tây
(Kiều, câu 45)
Thậm chí, có chỗ, ông dùng hẳn nguyên câu Kiều như lối tập Kiều sau này:
Đã gần chi có điều xa.
(Kiều, câu 1365; Hoa Tiên nhuận chính, câu 427)
Khi cần, ông cắt bỏ hẳn một đoạn trong nguyên tác và thay vào đó bằng một đoạn do mình sáng tác cả lời lẫn ý. Ví dụ, cảnh gặp gỡ khá thô bạo, sỗ sàng giữa Phương Châu và Dao Tiên trong Hoa Tiên nguyên tác:
Chặn ngang sinh đã trước kề,
Cật chừng ghé đất, rụt rè ghé xiên.
Chán chường bên liếc, bên nhìn,
Nhìn bên càng mặn, liếc bên khi gầy.
Có lẽ do không thể sửa được nữa, nên Nguyễn Thiện đã viết mới lại cả đoạn:
Cố tình ép liễu nài hoa,
Nàng về sinh đã dạo ra bên tường,
Nước thu sóng sánh một làn,
Môi đào e ấp, vẻ lan dạn dày.
Tuy chỉ có một số ít câu mượn nguyên câu thơ Kiều, nhưng phong độ nhân vật, dáng dấp câu thơ, lối tu sức từ ngữ thì từ khuôn Truyện Kiều mà ra. Phương Châu của Nguyễn Thiện hào hoa, phong nhã “dạo ra bên tường” chứ không trắng trợn “chặn ngang” và “ghé xiên” như của Nguyễn Huy Tự. Cái liếc của nhân vật Dao Tiên, qua tay Nguyễn Thiện, cũng rất tình tứ “sóng sánh” tình yêu còn e ấp ngượng ngùng của một tiểu thư khuê các. Rõ ràng, ở đây, Nguyễn Thiện đã mang cái chất thơ tinh diệu, uyển chuyển của buổi đầu gặp gỡ Kim Kiều mà trang sức lại cho hai nhân vật của Hoa Tiên nguyên tác.
So với Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện đã rất coi trọng việc mô tả con người bằng cả hai quá trình: ngoại hiện hoá và nội tâm hoá. Bởi thế, về mặt tả lòng, trong Hoa Tiên nhuận chính, Nguyễn Thiện đã để lại những dấu ấn sáng tạo khá rõ nét. Trong khi ở Hoa Tiên nguyên tác, Nguyễn Huy Tự dùng cả một đoạn dài 8 dòng (câu 479-486), thuật lại lời của Phương Châu ghi ơn Vân Hương đến “bia vùi đá rêu” rồi lại hỏi rõ tên nàng,…thì trong Hoa Tiên nhuận chính, Nguyễn Thiện chỉ diễn đạt vẻn vẹn trong hai dòng:
Chợt nghe sầu, chợt dở vui,
Ơn này biết trả đến đời nào xong?
Trong quá trình nhuận sắc, Nguyễn Thiện đã chú trọng đến “ngôn ngữ thiên nhiên” (khái niệm của Phan Ngọc dùng để phân tích phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều) để ngoại hiện hoá tâm trạng nhân vật. Đây là một trong những biện pháp đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Ví dụ, ông đã thêm vào Hoa tiên nhuận chinh, đoạn Dao Tiên theo cha lên kinh thành, một đoạn tả cảnh thiên nhiên để ngoại hiện hóa tâm trạng nhân vật; cảnh hiện lên là bức hoạ tám cảnh Tiêu Tương với những nét tiêu sơ, đượm buồn để khéo léo diễn tả tâm trạng thất tình của nàng thiếu nữ.
Việc nhuận sắc của Nguyễn Thiện đối với Hoa Tiên nguyên tác không chỉ diễn ra ở mặt nội dung tư tưởng và ngôn từ, câu chữ, mà ông còn can thiệp sâu vào kết cấu tác phẩm. Trong khi Nguyễn Huy Tự trung thành với kết cấu ca bản Hoa Tiên ký của Trung Hoa thì Nguyễn Thiện đã linh hoạt chuyển đổi vị trí một số hồi để câu chuyện được kể một cách tự nhiên, mạch lạc và hợp lý hơn. Ví dụ, trong Hoa Tiên nguyên tác, sau hồi tả họ Lưu bức hôn con gái, liền chuyển qua hồi Lương Sinh nghị kế cùng tướng sĩ để giữ vững trận địa trong vòng vây kẻ thù rồi mới kể đến việc Ngọc Khanh vì cùng đường phải nhảy xuống sông tự trầm để bảo toàn danh tiết. Nguyễn Thiện đã chuyển hồi Lương Sinh nghị kế xuống dưới hồi Ngọc Khanh tự trầm. Quả tình, trật tự các hồi được đảo lại như vậy là rất hợp lô-gic câu chuyện.
Như vậy, Nguyễn Thiện đã nhuận sắc Hoa Tiên nguyên tác về cả hai mặt nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Vì thế, về dung lượng, bản nhuận sắc của ông dài hơn nguyên tác của Nguyễn Huy Tự khoảng 200 câu (chiếm khoảng 13% so với số câu thơ của nguyên tác). Về chất lượng nghệ thuật, bản nhuận sắc của ông cũng được nâng lên nhiều hơn so với Hoa Tiên nguyên tác. Nguyễn Thiện đã làm cho câu chuyện trong Hoa Tiên nhuận chính trở nên tự nhiên và mạch lạc, làm cho cảnh sắc thiên nhiên thêm sinh động và hấp dẫn; đặc biệt, ông đã làm cho tâm lý nhân vật được hiện lên một cách chân thực, thấu tình đạt lý hơn. Do đó, nhân vật trong bản nhuận sắc của ông bộc lộ cá tính rõ nét hơn.
Chúng ta kỳ vọng rằng, một ngày gần đây, sẽ phát hiện thêm được nhiều tư liệu về ông, tập thơ Đông phố sẽ tìm lại được, để soi tỏ nhiều khuất khúc trong tiểu sử, hành trạng của ông, phác hoạ được một cách rõ ràng hơn chân dung văn học của ông. Nhưng chỉ bằng việc nhuận sắc để nâng cấp nghệ thuật danh tác Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, chúng ta cũng đã thấy được phần nào học vấn, tư tưởng và tài năng văn chương của ông. Hơn thế, việc nhuận sắc Hoa Tiên còn hé mở cho chúng ta thấy một khả năng rất có thể đã xảy ra là ông có góp phần vào việc giúp chú mình trong quá trình sáng tác Đoạn trường tân thanh cũng như nhuận sắc khi tác phẩm này đã hoàn chỉnh.
Bên cạnh Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ, Nguyễn Du, Nguyễn Nghi, Nguyễn Hành thì Nguyễn Thiện là một danh sĩ mà khí tiết và tài năng đã và sẽ không bị khuất lấp trong lớp bụi vô tình của thời gian. Ông xứng đáng được tôn vinh là một danh nhân văn hoá.
Chú thích:
(1). Theo Hoàng Xuân Hãn, trong La Sơn phu tử (NXB Minh Tân, Pari, 1953) thì sau khi nhà Lê sụp đổ hoàn toàn, Nguyễn Thiện cùng với anh con bác là Nguyễn Chung (con Nguyễn Khản) có tham gia làm việc ở Viện Sùng chính của nhà Tây Sơn một thời gian.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Quang Ái, Họ Nguyễn Tiên Điền, qua gia phả, sử sách và tư liệu điền dã, NXB Nghệ An, 2011;
2. Nguyễn Huy Tự - Nguyễn Thiện, Hoa Tiên, NXB Văn hóa, Hà Nội.