Tôi đã từng lang thang rất lâu, cũng đã từng chứng kiến các du khách quốc tế và trong nước dường như không muốn rời chân bước ra khỏi khu vườn tượng dân gian sống động ở Trung tâm Du lịch văn hoá và Sinh thái DaRuCo (Buôn Đôn, Đăk Lăk).
Đi sao được khi mà những bức tượng gỗ như đang khóc cười, đang say ngất ngư bên ché rượu cần, hay nét mặt vừa hãnh diện, vừa tê tái của người đàn bà mang bầu, sự hả hê với con cá dường như đang quẫy trên đầu ngọn giáo, nụ cười méo xẹo của hai người đàn ông khuyết tật răng sứt cõng nhau… cứ như trêu ghẹo, như đang trò chuyện cùng du khách.
Tháng 11/2007, trong khuôn khổ lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Công ty Cao su Đăk Lăk đã làm được một việc thật tuyệt vời, khi mời về tham gia Trại điêu khắc dân gian Tây Nguyên, 18 nghệ nhân của 6 dân tộc trên sườn đông dãy Trường Sơn - Tây Nguyên (Êđê, Jrai ở Đăk Lăk; Sê Đăng ở Kon Tum, Bâhnar ở Gia Lai, Cơ Tu ở Quảng Nam và Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế) hội tụ về dưới bóng cổ thụ rừng Buôn Đôn, thỏa sức cho những ngón tay đầy chai sần tài hoa nhảy múa trên từng thớ gỗ.
Nói là tuyệt vời, bởi đây là trại sáng tác lần đầu tiên, mà cũng độc nhất vô nhị chỉ gồm toàn các nghệ nhân người dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên (có một nghệ sĩ chuyên nghiệp duy nhất là Đinh Rú, tuy sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng anh cũng là người Chăm Hroi quê ở Phú Yên). Tôi cũng dám đoan chắc rằng khó có thể tổ chức lại một lần như thế nữa.
Bởi để có được một trại sáng tác như thế, điều đáng quý không chỉ là sự trân trọng của Công ty Cao su Đăk Lăk với văn hoá truyền thống Tây Nguyên, đã không tiếc kinh phí để lưu giữ một trong những đặc trưng nghệ thuật tạo hình quý báu của vùng đất này là tạc tượng mồ; mà còn cả tấm lòng của những người làm văn hóa (Sở VHTT-DL), văn nghệ (Hội VHNT) tỉnh Đăk Lăk, bằng mọi nỗ lực, mời cho được các nghệ nhân chân đất vượt đường xa, qua cả đỉnh lũ trong những ngày mưa bão dồn dập ở miền Trung về dự trại.

3 trong 30 bức tượng gỗ trong Trại điêu khắc dân gian Tây Nguyên.
Ảnh: LNNĐ.
30 bức tượng gỗ tròn làm nên một quần thể vườn tượng thật độc đáo giữa núi rừng, ghi thêm một địa chỉ văn hoá đáng chiêm ngưỡng không ở đâu có, cho du lịch Đăk Lăk. Tôi không thể quên hình ảnh các nghệ nhân từ các tỉnh, chỉ có một chiếc túi nhỏ, đựng vài chiếc rìu hay đục, với một bộ quần áo, đôi dép cũ, hỉ hả quấn điếu thuốc rê ngồi trò chuyện cùng nhau bên những người đàn ông, đàn bà, con rắn đầu gà gỗ… đang dần có hình hài.
Những ai đã từng yêu mến văn hoá dân gian truyền thống Tây Nguyên, đều không thể không biết đến khái niệm tượng mồ của các nghệ nhân tài hoa của buôn làng, đã khiến cho những bức tượng đơn sơ, hoang dã bỗng trở nên sống động, thấm đẫm linh hồn của đời sống để sẻ chia, bầu bạn cùng người đã khuất. Những rừng tượng nhà mồ ở các vùng Jrai, Bâhnar, Sê Đăng thuở nào làm ấm cả không gian hoang lạnh giữa rừng già. Đó không chỉ là biểu hiện tâm linh của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” hoang sơ, mà còn phản ánh một trong những nghề thủ công độc đáo của các tộc người thiểu số bản địa miền cao nguyên đất đỏ.
“KHO BÁU” CỦA NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TÂY NGUYÊN
Việc khôi phục nghề tạc tượng gỗ Tây Nguyên đã không dễ bởi sự chuyển đổi tín ngưỡng; thì việc chuyển biến được ý thức của các nghệ nhân tạc tượng từ chỗ chỉ có sự hiện diện ở không gian nhà mồ, đến trở thành những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian truyền thống, là cả một quá trình vận động lâu dài mà trại sáng tác điêu khắc dân gian DaRuCo là một trong những việc làm thiết thực.
Nhìn xa hơn, lễ hội Huế đã từng dự kiến tổ chức một trại sáng tác tương tự, nhưng không mời được nghệ nhân dân gian, nên chỉ tập hợp được những cơ sở mỹ thuật gỗ. Tại một số khu du lịch ở Gia Lai (Đồng Xanh), Đăk Lăk (Thác Bảy Nhánh)… có dựng một số tượng gỗ lẻ, do các nghệ nhân thực hiện. Tổ chức Hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân gian (CEEVEN) đã từng tài trợ mở 2 lớp truyền dạy tạc tượng gỗ Êđê và Sê đăng, Công ty cao su mở một lớp dạy tạc tượng gỗ Jrai tại Dăk Lăk… Nhưng có quy mô và tập trung thành một vườn tượng thì mới chỉ có một ở Trung tâm Du lịch văn hóa và Sinh thái DaRuCo.

Tượng nhà mồ ở Tây Nguyên.
Năm 2009, trong khuôn khổ của Tuần văn hoá du lịch Đăk Lăk, Công ty Cao su lại tổ chức tiếp một trại sáng tác điêu khắc, nhưng lần này toàn các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cũng với chất liệu gỗ, những cô gái Tây Nguyên, trái bầu, chàng dũng sĩ… hoàn thành, được đặt rải rác trong khuôn viên văn phòng Trung tâm tại Buôn Đôn, điểm xuyết cho không gian cỏ cây, hồ nước thêm phần hấp dẫn du khách.
Là người ngoại đạo, tôi không dám bình luận về tác phẩm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, cũng có khi tôi quá yêu Tây Nguyên của mình mà cực đoan chăng; nhưng quả thực trong mắt tôi, mà chắc chắn là với nhiều du khách khác, vườn tượng gỗ dân gian thô nhám, vô cùng hồn nhiên kia mới thật sự sống động làm sao, so với sự mượt mà thậm chí đến bóng bẩy của những bức tượng gỗ chuyên nghiệp.
Nếu Trung tâm Du lịch văn hoá sinh thái DaRuCo có nơi nghỉ dưỡng (spa) giữa thiên nhiên với hơn 1.200 ha rừng, cùng với những dịch vụ cưỡi voi, đi thuyền độc mộc… na ná như mọi khu du lịch khác trong khu vực Buôn Đôn, thì vườn tượng gỗ, “kho báu” của nghệ thuật tạo hình dân gian Tây Nguyên ấy mới là điểm độc đáo nhất, mà không nơi nào có được.
Mới đây, một người bạn vong niên, cũng nghe tôi “quảng cáo” về vườn tượng, mà lặn lội từ tận Việt Bắc xa xôi tìm vào xem, lúc gặp lại không ngớt lời ngợi khen. Anh gọi đấy là “của độc Tây Nguyên”, bởi các dân tộc phía Bắc chưa có được nghệ thuật tạo hình này. Anh hỏi tôi “Có cách nào xử lý những bức tượng để tránh mối mọt của thiên nhiên không? Cứ để mặc thế thì phí lắm”. Tôi trấn an anh rằng hồi tổ chức trại, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm phương pháp ngâm tẩm chống mối mọt rồi. Anh cũng thảng thốt hỏi tôi:
- Nghe nói họ định phá bỏ hình thức vườn tượng tập trung như hiện tại, mang các bức tượng đặt rải ra trong rừng. Thế thì tiếc quá bạn ạ. Không phải khi nào, ở đâu, cũng có được một “kho báu” như thế đâu…
Nghe bạn nói tôi cũng băn khoăn, nhưng rồi lại hy vọng: những người có tấm lòng yêu mến văn hoá truyền thống Tây Nguyên như lãnh đạo Công ty Cao su Đăk Lăk, chắc chắn biết rõ mình đang giữ trong tay một trong những báu vật nằm giữa “Không gian văn hóa cồng chiêng” đã được quốc tế vinh danh là “Di sản văn hoá của nhân loại”, thì không lẽ nào lại thờ ơ với việc bảo vệ “nó”. Huống chi, đó còn là một trong những điểm nhấn đặc biệt đã và đang thu hút du khách đến với Trung tâm?
Bạn ơi, yên tâm nhé và hãy cứ đến mà chiêm ngưỡng sự tài hoa hồn nhiên của các nghệ nhân chân đất ấy.