Diễn viên “n trong 1” – báo động một nền sân khấu bị nghiệp dư hóa

CÁT VŨ

Vở kịch Kẻ nói dối đa tình do nghệ sĩ trẻ Ngọc Trinh bỏ vốn sản xuất vừa ra mắt tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, 5B Võ Văn Tần đã có một thời gian trên sàn tập kỷ lục: 7 tháng. Chẳng phải vì vở kịch quá dài, quá khó hay người dàn dựng quá kỹ mà bởi vì diễn viên đến với vở như bắt cóc bỏ dĩa, những ai được mời đều nhận lời tham gia nhưng cứ đến vài buổi rồi đi…

Khi sân khấu trở thành quán trọ…

* Vở kịch Kẻ nói dối đa tình do nghệ sĩ trẻ Ngọc Trinh bỏ vốn sản xuất vừa ra mắt tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, 5B Võ Văn Tần đã có một thời gian trên sàn tập kỷ lục: 7 tháng. Chẳng phải vì vở kịch quá dài, quá khó hay người dàn dựng quá kỹ mà bởi vì diễn viên đến với vở như bắt cóc bỏ dĩa, những ai được mời đều nhận lời tham gia nhưng cứ đến vài buổi rồi đi. Sau khi vở được phúc khảo lần thứ nhất, “bà bầu” Ngọc Trinh bất ngờ nhận được lời mời sang Mỹ trong một chương trình giao lưu một tháng, đến khi về toàn bộ các diễn viên, kể cả người trợ lý đạo diễn cũng đồng loạt xin rút lui vì bận đi… đóng phim. Vậy là phải bắt tay tập lại từ đầu với ê kíp diễn viên mới. Tính ra, bà bầu Ngọc Trinh (đảm nhận một vai trong vở) đã phải tập với tất cả 25 diễn viên khác nhau khi vở chỉ có 8 nhân vật.


Kịch Kẻ nói dối đa tình

* Cũng tương tự, nữ đạo diễn Minh Nguyệt, khi bỏ tiền dựng vở Cánh đồng bất tận do chính chị viết kịch bản, đã “điên đầu” vì không gom nổi diễn viên. Ngoại trừ nghệ sĩ Thanh Thủy (đóng vai cô gái điếm tên Sương) là bền bỉ ngay từ buổi lên sàn đầu tiên, tất cả các diễn viên khác lần lượt được mời đều lần lượt xin rút. Trong quá trình dàn tập, vở đã thay đổi đến bốn nhóm diễn viên, và ê kíp cuối cùng đọng lại đã chạy bở hơi tai quên ăn quên ngủ trong 4 ngày đêm liền mới kịp lịch phúc khảo.

* Vở hài kịch Tiền ơi tiền của Sân khấu Phú Nhuận ra mắt dịp Tết Kỷ Sửu cũng là một cuộc chạy đua hộc tốc với thời gian. Lịch tập đã lên từ lâu nhưng sau khi đưa ông Táo về trời thì diễn viên cũng bóng chim tăm cá, lặn mất tiêu theo vô số các chương trình thu hình Tết, khiến đạo diễn Minh Nhí cầm kịch bản trong tay mà mắt cứ ngóng ở cửa ra vào xem diễn viên nào tới. Theo đạo diễn Minh Nhí, lẽ ra đây là vở hài kịch được dàn dựng “hoành tráng”, đóng vai trò chủ lực cho sân khấu mà anh vừa được giao trọng trách Phó giám đốc trong dịp đầu xuân, cuối cùng đã phải tập “dập dập” cho kịp lịch diễn, khiến hiệu quả không như anh mong nuốn.

Rút kinh nghiệm vở Tiền ơi tiền, khi dựng vở Người tình của mẹ (Sân khấu Kim Châu, 15 -17 Nguyễn Thái Bình, Q.1), đạo diễn Minh Nhí đã dõng dạc “phán” trước một dàn “sao” anh vừa mời vào vở rằng nếu ai cảm thấy không thể sắp xếp để tập nghiêm túc, đầy đủ thì cứ việc từ chối. Một khi đã nhận lời, phải tuân thủ kỷ luật, nếu không sẽ cắt vai. Thái độ cương quyết của anh đã khiến cho tất cả diễn viên luôn có mặt đúng giờ và tập luyện cật lực trong suốt cả tháng trời và kết quả đã cho ra mắt một vở diễn khá chất lượng.

* Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang khi mới vào dựng vở ở TP.HCM đã cảm thấy rất khó chịu và nản lòng trước kiểu làm việc “chuồn chuồn đáp nước” của diễn viên trong Nam. Suốt mấy chục năm làm nghề ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, anh đã quen với cung cách do chính anh đặt ra: khi vở lên sàn tập, 100% diễn viên phải có mặt, người này tập thì người khác ngồi theo dõi chăm chú, không ai được mở điện thoại di động. Một vở kịch thường tập ngày tập đêm, có khi ăn ngủ ngay tại sân khấu cho đến khi hoàn thành mới thôi.

Vào Sài Gòn, mặc dù rất thích thú trước một nền sân khấu năng động, nhạy bén, có công chúng song anh không thể chấp nhận chuyện diễn viên vừa tập kịch vừa nói chuyện điện thoại, không thuộc lời thoại; vừa tập vừa nhấp nhổm chạy cho kịp đến phim trường và thường không mấy khi có mặt đầy đủ, cứ phải nhờ người tập thay. Lịch tập vì thế ít khi đúng tiến độ, luôn kéo dài hơn dự kiến và ông đạo diễn đắt hàng này thường phải bay ra Bắc trước khi vở được phúc khảo.

Báo động một nền nghệ thuật ngày càng nghiệp dư hóa

Một trong những lý do khiến các sàn diễn sân khấu những năm gần đây bị động là do diễn viên ngày càng trở nên “đa năng”. Họ có thể vừa diễn kịch, vừa đóng phim, lồng tiếng, vừa làm người dẫn chương trình truyền hình, tham gia các chương trình Tổ chức sự kiện... Họ không chỉ là 2 hoặc 3 trong 1 mà là “n” trong 1, có thể làm được rất nhiều việc. Đó chính là con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng thì đó là thế mạnh, nhưng nếu quá lạm dụng, nó sẽ quay lại tự bào mòn, làm thui chột chính năng lực của chủ thể, chưa kể việc gây nên hậu quả là biến nền nghệ thuật mà họ đang dự phần trở thành nghiệp dư hóa.

Một nền nghệ thuật được đánh giá cao là một nền nghệ thuật có tính chuyên sâu. Ở các nước phát triển, ít có tài năng lớn nào được nhìn nhận kiểu “2 trong 1”, kể cả trong hai lĩnh vực mà nghệ thuật diễn xuất tưởng như ít nhiều có tính tương đồng như sân khấu và điện ảnh.

Ở nước ta trước đây, các diễn viên cũng hoạt động mang tính chuyên sâu. Diễn viên sân khấu được biên chế và làm việc theo kế hoạch của từng đoàn hát, ban ngày ở sàn tập, ban đêm ở sàn diễn. Một bộ phim truyện nhựa thường được làm từ một đến hai năm, các diễn viên điện ảnh cũng phải dành trọn từng ấy thời gian cho vai diễn của mình.

Thế nhưng, hiện nay ở TP.HCM, hầu hết các sân khấu đều là của tư nhân và không sân khấu nào làm hợp đồng độc quyền diễn viên mà việc quản lý hoàn toàn dựa trên tình cảm. Không có gì ràng buộc về mặt pháp lý nên diễn viên hoạt động tự do, thích thì đến, không thích thì đi. Trong khi đó, làn sóng phim truyền hình nhiều tập nở rộ những năm gần đây nên rất cần diễn viên.

Và những diễn viên sân khấu được đào tạo bài bản về diễn xuất chính là lực lượng chủ lực được nhắm đến đầu tiên nhằm lấp đầy khoảng trống rất lớn này. Khoảng trống ấy không những đã “vét” sạch các diễn viên sân khấu mà còn “gom” cả những người còn xa lạ với nghề diễn như người mẫu, ca sĩ, ... Khó có một diễn viên sân khấu nào đủ sức quay lưng với sức thu hút của tiếng tăm và tiền bạc mà phim truyền hình đem lại.

Vì một suất diễn kịch nhiều nhất có khoảng ngàn khán giả nhưng một bộ phim khi phát sóng sẽ được cả triệu người xem. Cát sê một vai trong phim có khi gấp trăm lần một vai ở sân khấu. Nhưng sân khấu lại là nơi học nghề, làm nghề, nâng cao kỹ năng diễn xuất, vì vậy, diễn viên đa số thường muốn đứng được cả “hai chân”, ban ngày đóng phim, ban đêm diễn kịch.

Có dạo, khi Thành Lộc và một số nghệ sĩ sân khấu IDECAF được mời tham gia phim Mùi ngò gai, anh đã thỏa thuận với đoàn phim, tất cả các cảnh có diễn viên của anh chỉ quay ban ngày. Và trong suốt thời gian đó, sân khấu IDECAF không dựng vở mới. Ở các sân khấu khác, diễn viên mạnh ai nấy chạy, không thể có được sự đồng thuận như vậy nên các vở tập thường không khỏi bị động.

Hầu hết các diễn viên có chút ít tiếng tăm đều tỏ ra quá tải với lịch làm việc dày đặc. Khó ai còn sức sáng tạo với một lịch làm việc dày đặc như thế này: 6 giờ sáng đến sân quay, tối 7 giờ rời sân quay đến nhà hát, trên đường vừa đi vừa ăn tối vừa hóa trang, diễn xong ở lại tập vở mới cho đến 2, 3 giờ khuya, về nhà ngủ đến 6 giờ ngày hôm sau lại tiếp tục đi quay…

Không phải vòng xoáy này chỉ dành cho các nghệ sĩ thành danh mà không ít các “nghệ sĩ tương lai” cũng bị cuốn theo vòng xoáy của phim ảnh thị trường. Để tìm những gương mặt mới một cách nhanh chóng và ít tốn kém nhất, các đạo diễn phim luôn “rà soát” trước tiên ở các trường nghệ thuật bởi những ai được vào học nơi này đều đã qua vòng tuyển lựa gắt gao.

Có sinh viên mới vào năm thứ nhất chưa kịp học gì nhưng may mắn lọt vào mắt đạo diễn thì ngày một ngày hai đã trở nên nổi tiếng. Ai biết suy nghĩ về sự nghiệp lâu dài thì còn xin bảo lưu điểm để có ngày còn trở về học, nhưng phần lớn đã bỏ học vì bị lóa bởi ánh hào quang trước mắt. Hiểu rõ được điều này, hai nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như đồng thời cũng là hai giảng viên khoa sân khấu Trường Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM đã tuyệt đối không cho phép sinh viên của mình đi diễn liên tục bởi theo họ, chưa nạp vào thì sao có thể đem ra cho, chưa có kiến thức, kỹ thuật thì lấy gì thi thố!

Bởi chưa nạp được gì đã phải đem ra cho nên phần lớn các diễn viên trẻ khi vào vai, họ chỉ phô bày bản năng dẫn đến hệ quả vai nào cũng na ná nhau. Nhiều đạo diễn sân khấu tâm huyết hiện nay đã không khỏi “đau đầu” khi muốn tìm một vài gương mặt trẻ cho những vai diễn có sức nặng, vì lượng thì nhiều nhưng chất không bao nhiêu. Đó là hệ quả tất yếu của việc thu hoạch quá sớm những quả non.

Có một nền sân khấu chuyên nghiệp nào lại được đặt trên nền tảng của những diễn viên có trình độ nghiệp dư như vậy. Diễn viên thường được ví như những “ông hoàng bà chúa” trên sân khấu, những người có trọng trách mang thông điệp của vở đến với người xem thông qua nhân vật thủ diễn. Nhưng với diễn viên “n trong 1” ôm đồm một lúc quá nhiều công việc như vậy chắc chắn không thể là một diễn viên chuyên nghiệp.


Một cảnh trong vở Romeo và Juliet đêm 5/5/2009

Vừa qua, các nghệ sĩ của hai nhà hát của Vương quốc Anh và Hàn Quốc đã đến biểu diễn và giao lưu tại TPHCM (vở Romeo và Juliet và vở Kẻ nói dối đa tình) đều cho biết, họ chỉ diễn kịch và sống nhờ tiền diễn kịch. Vở Romeo và Juliet đã đưa các nghệ sĩ Anh đi khắp thế giới, còn các nghệ sĩ Hàn Quốc đã có đến trên 4.000 suất diễn với vở Kẻ nói dối đa tình. Điều đó liệu có làm cho những người đang làm sân khấu của chúng ta suy nghĩ?