Kính thưa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Kính thưa các vị khách quý,
Kính thưa các vị trong Đoàn Ngoại giao,
Thưa các bạn đồng nghiệp.

Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Thật là có ý nghĩa, trong những ngày mở đầu năm mới 2010, Hội nghị Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ hai được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội đúng vào dịp thành phố kỷ niệm 1000 năm tuổi. Đó cũng là 1000 năm văn học chữ viết của Việt Nam trên cái nền xa xưa và bền vững của văn học dân gian với những viên ngọc sáng thể hiện rực rỡ tâm hồn dân tộc.
Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cám ơn Đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn Giáo sư tiến sĩ, Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Hội nghị. Xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các vị trong Đoàn ngoại giao, đại diện các cơ quan, đoàn thể của Trung ương và Hà Nội, đại diện các cơ quan xuất bản, báo chí đã tới dự Hội nghị. Xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các nhà văn, các nhà dịch thuật văn học, đại diện các nhà xuất bản, các giáo sư văn học, các lưu học sinh từ 32 quốc gia trên thế giới đã đến Việt Nam trong ngày hội giao lưu văn hóa quốc tế đáng nhớ này. Xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài trở về Tổ quốc với sứ mệnh góp phần tô đậm hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các nhà văn đại diện cho các vùng, miền văn học trong cả nước gồm nhiều dân tộc anh em đã về dự Hội nghị.
… Một trong những kinh nghiệm sống quý báu nhất của Việt Nam là từ rất sớm đã coi việc giao lưu với thế giới là một nhân tố của sự phát triển. Mở đầu là sự giao tiếp với các nền văn hoá phương Đông, rồi mở rộng ra phương Tây và toàn thế giới; từ các lĩnh vực tôn giáo, hành chính, chính trị, kinh tế, ngoại giao mở rộng ra các lĩnh vực khoa học, công nghệ và văn học, nghệ thuật. Tiến trình này không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của cuộc sống. Giao lưu văn hóa cũng là một phép ứng xử, và được xem là loại ứng xử tao nhã nhất, thánh thiện nhất vì nó không lấy căn cứ nước lớn hay nước nhỏ, thu thập GDP cao hay thấp mà chính là sự đối thoại giá trị của các nền văn minh tinh thần; và bởi vì cái mà nó muốn đem lại là tình hữu nghị giữa các dân tộc, món quà có sức an ủi lớn nhất trong một thế giới còn nhiều bất hạnh và lo âu của chúng ta. Ứng xử văn hoá ở Việt Nam được xem là vấn đề của đạo đức.
Giao lưu văn hoá, nhất là văn học, có một ý nghĩa sâu sắc mà không một thứ giao lưu nào thay thế được. Nhiều dân tộc trên thế giới có cảm tình nồng hậu với nhân dân Việt Nam vì cuộc chiến đấu lâu dài, quả cảm để giành độc lập, tự do. Nhưng để hiểu được tâm hồn dân tộc Việt Nam, tính cách dân tộc Việt Nam, lòng nhân ái, độ lượng và thế giới tinh thần của Việt Nam, chắc chắn họ phải tìm đến văn học, tấm gương soi chiếu con người, đất nước, soi chiếu hệ giá trị người Việt, nhiều khi, nó là lương tâm và phẩm giá của dân tộc chúng tôi. Hiện tượng Nhật ký Đặng Thùy Trâm được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nước trên thế giới là một thí dụ mới nhất. Khác với các bộ môn khác, có thể đến rồi đi, hay dễ bị lãng quên, văn học có nhiều cơ may ở lại lâu dài, kết bạn với tâm hồn các dân tộc trong một sự đồng điệu sâu xa.
Với sự cống hiến của nhiều thế hệ dịch giả Việt Nam, cho tới nay, hầu như tất cả các nền văn học lớn trên thế giới, những tác phẩm tiêu biểu của văn chương nhân loại đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Quá trình này được tiến hành một cách có hệ thống, liên tục, không hề bị gián đoạn ngay cả trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Theo thống kê chưa thật đầy đủ, tính đến năm 2007 đã có 13.700 tác phẩm văn học của thế giới xuất bản tại Việt Nam. Tính ra trên thị trường sách hiện nay, cứ 100 cuốn sách được bày bán thì có 25 cuốn sách dịch của nước ngoài. Đó là những con số biết nói. Chứng tỏ người Việt Nam khao khát muốn tìm thấy mình và muốn soi mình trong nhân loại như thế nào.
Nếu như văn học thế giới đến Việt Nam là một tiến trình có thành tựu, có truyền thống và ngày càng được mở rộng thì văn học Việt Nam đến với thế giới mới ở những bước khởi động ban đầu. Cũng vẫn theo thống kê trên, cho đến nay mới chỉ có 570 tác phẩm của Việt Nam được dịch ra các ngôn ngữ khác trên thế giới.
… Ý thức rất sớm về vấn đề mang tính chiến lược nói trên, Hội Nhà văn Việt Nam coi giao lưu văn học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và được cụ thể hoá bằng nhiều hoạt động phong phú, sinh động. Năm 2002, Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của 25 dịch giả nước ngoài đến từ 12 quốc gia. Tám năm đã trôi qua kể từ ngày đáng ghi nhớ đó, số lượng các tác phẩm của Việt Nam được dịch và giới thiệu ở nước ngoài tăng một cách đáng kể, trong đó có thêm 4 nước dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp theo là Tổng tập văn học Việt Nam gồm 15 tập xuất bản tại Liên Xô những năm 80, bước sang thế kỷ XXI nhiều tác phẩm của các tác giả cổ điển Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn được giới thiệu tại Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ba Lan, Ý, Thụy Điển… Thực hiện chương trình hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Wiliam Joiner, nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xuất bản tại Hoa Kỳ. Đồng thời nhiều tác phẩm của văn học đương đại của Việt Nam lần đầu tiên được giới thiệu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Phần Lan, Nhật Bản và một số nước ở châu Mỹ La-tinh. Cộng vào những cố gắng trên, nhiều cá nhân và nhà xuất bản ở trong nước, đi đầu là Nhà xuất bản Thế Giới cũng tổ chức giới thiệu nhiều tác phẩm ra nước ngoài. Một sự kiện đáng vui mừng, các dịch giả Ba Lan đến dự Hội nghị lần này mang theo Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ thứ X - Thế kỷ XIX vừa ra mắt tại Vacsava. Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các dịch giả, các nhà xuất bản, các nhà tài trợ đã góp phần rất quan trọng vào các sự kiện nổi bật nói trên. Bằng lao động âm thầm và bền bỉ, các bạn đã góp phần trả lời trước bạn đọc thế giới: Việt Nam là tên gọi của một cuộc chiến tranh đồng thời còn là tên gọi của một nền văn học.

Quang cảnh buổi khai mạc hội nghị.
Trong lịch sử của mình, Việt Nam đã ba lần thay đổi chữ viết, mỗi lần thay đổi là một bước ngoặt của văn học. Với chữ Hán, đó là thời kỳ thơ chữ Hán của Việt Nam đã đạt đến mức độ cổ điển. Với chữ Nôm, đó là thời kỳ ra đời Truyện Kiều của Nguyễn Du, các truyện Nôm của Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Gia Thiều và hàng loạt truyện thơ Nôm khuyết danh có giá trị khác. Với chữ Quốc ngữ, đó là thời kỳ ra đời của truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ Mới.
Dịch thuật là một khoa học và cũng là một nghệ thuật, một thao tác và là một hứng thú; một sáng tạo hoàn toàn mang tính cá nhân nhưng lợi ích lại thuộc về quốc gia, dân tộc. Đứng về mặt hứng thú thì cứ để các nhà dịch thuật tự mình làm lấy công việc của mình. Nhưng đứng về mặt lợi ích thì Nhà nước, đại diện cho xã hội cần giúp đỡ các nhà dịch thuật nhiều nhất trong điều kiện có thể. Đã chín muồi cho việc hoạch định một chính sách vĩ mô đẩy mạnh giao lưu văn hoá với nước ngoài, đầu tư thích đáng cho các dịch giả, hỗ trợ thích đáng cho các nhà xuất bản trong và ngoài nước tham gia vào quá trình này, cần đặt một giải thưởng Nhà nước cho công tác dịch thuật. Cũng giống như văn học, đầu tư cho dịch thuật là đầu tư cho sự phát triển.Và cũng đã chín muồi cho việc thành lập Trung tâm dịch thuật trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là cơ quan có chức năng tham mưu, điều phối và tác nghiệp cụ thể, tập hợp được ba lực lượng dịch thuật, đó là những dịch giả ở trong nước, những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài. Đó là những dịch giả có trình độ chuyên môn sâu về ngoại ngữ, có tầm nhìn xa rộng và năng lực thẩm định tinh tường, vừa có sự hiểu biết kỹ càng về văn học để chọn dịch những tinh hoa trong nước dịch ra nước ngoài, lại vừa chọn được tinh hoa văn học nước ngoài để giới thiệu vào Việt Nam. Một tổ chức chuyên lo về dịch văn học, hiểu biết sâu sắc văn học và văn hoá, làm việc hàng ngày với các nhà văn, thiết tưởng không ở đâu hợp lý bằng, tốt bằng, hiệu quả bằng ở trong đội hình của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trước biết bao vấn đề đang đặt ra cho sự hợp tác và phát triển, một lần nữa chúng ta lại nghe vang lên câu hỏi: cuối cùng thì con người đi về đâu? Câu trả lời có thể là: con người sẽ đi về miền cộng sinh các giá trị văn hoá. Đó là chân trời của đối thoại, tích hợp và giao lưu.
Hà Nội, ngày 28/12/2009
Bài liên quan: