Dân ca ơi, rồi sẽ ở đâu?

Trong ca khúc Thăng Bình hai tiếng ru nôi có đoạn thế này: “…Quê hương em ruộng đồng bát ngát/ Thẳng cánh cò, lúa mượt xanh/ Đêm xa nghe câu hò ai hát/ Gợi tình quê bao kẻ đi về…”, thế nhhưng bây giờ có lội khắp đồng cạn đồng sâu trên cả đất nước Việt Nam ta cũng khó lòng tìm thấy ở đâu bỗng dưng văng vẳng trong đêm một giọng hò.

Họa chăng là có “lão bợm” nào đó đang ngất ngưởng trong quán rượu đầu xóm rồi… “nhớ bài lai” hò mấy câu làm… mồi, hoặc có thể là chương trình dân ca nhạc cổ trên ti vi nhà ai đó đang mở vô-luym hết cỡ. Thời buổi này ở làng quê mấy ai còn nhớ nổi một câu hò, một điệu lý, một khúc hát ru…?

Thực ra nếu tổ chức thi hát dân ca thì mỗi địa phương vẫn có người tham gia. Nhưng đó là dân ca của sân khấu, của các đội văn nghệ không chuyên, giống như chim hót trong lồng, hoa trồng trong chậu kiểng. Dân ca cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác chỉ có ý nghĩa tồn tại thật sự khi nó được nuôi dưỡng và sống hồn nhiên trong sinh hoạt của những cộng đồng cư dân đã sản sinh ra nó.

Hầu hết các thể loại, các làn điệu dân ca người Việt đều gắn liền với không gian nông thôn, nông nghiệp. Thế nhưng không gian đó đã đổi thay khá nhiều trong tất yếu của thời đại. Những phương thức lao động, những tập quán sinh hoạt thời xưa đã dần dần thay hình đổi dạng hoặc biến mất kéo theo sự suy biến của các hình thái văn hóa cộng sinh.

Làm sao có thể Hò giã gạo khi đang đổ thóc vào bồn trong tiếng… máy xay reo ùng ục? Có chàng công tử nào lại “đưa nàng về dinh” trên chiếc Toyota đời mới rồi ngân nga ừ ứ í a hát bài Lý ngựa ô? Rồi nào Hò tát nước, Lý bình vôi, Hát nhân ngãi, Hát sắc bùa, Trống quân, Quan họ… biết tìm đâu ra đất sống khi cảnh cũ người xưa không còn nữa?

Dẫu kho tàng dân ca của chúng ta chưa phải đã mất hẳn bởi vẫn còn những bộ sưu tập đồ sộ trong các thư viện, vẫn có một số bài được đưa vào giảng dạy trong bộ môn âm nhạc ở trường phổ thông, nhưng dân ca được “nuôi” trong những môi trường đó cũng có thân phận hẩm hiu giống như các cụ già neo đơn được đưa vào… viện dưỡng lão, thỉnh thoảng cũng có người đến hỏi han, nghiên cứu, và suy tôn lên thành bản sắc dân tộc nhưng vĩnh viễn không được trở về với mái nhà xưa.

Lớp hậu sinh bây giờ cũng không mặn mà lắm với dân ca. Ở trường các em được dạy hát Cò lả, Hò khoan, Lý kéo chài nhưng về nhà xem ti vi các em chỉ hâm mộ các ca sĩ hát pop/rock, rap/hip hop. Ngay cả các em học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số khi được hỏi cũng không không nhớ nổi một câu dân ca nào của dân tộc mình.

Quy luật nghiệt ngã của nền văn minh nhân loại khi chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp tất yếu sẽ dẫn đến kết cuộc như vậy. Nhưng so với các quốc gia khác, nền âm nhạc dân gian Việt Nam dường hơi… sốt ruột được “hưởng” sớm hơn sự tác động của các quy luật đó.

Hiện nay (2011), 60% dân số nước ta còn ở nông thôn, nhiều nơi vẫn chưa có điện. Con trâu cái cày vẫn còn nhiều. Hình ảnh cắm đầu cấy hái trên rẫy ngoài đồng phải còn lâu mới lùi vào quá khứ. Thế nhưng sự cực nhọc giữa thời đại này là điều vạn bất đắc dĩ, không còn là mặt bằng chung của toàn bộ nền kinh tế nên không ai tự hoan lạc khi lội bùn mà hát “… lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…” (Đi cấy, dân ca Thanh Hóa).

Do đó, người nông dân không thể bằng lòng với phương thức lao động thủ công vất vả của mình là điều hiển nhiên. Họ hằng mơ ước một cuộc sống khác ít lao lực hơn, sung túc hơn và đang tìm cách thay đổi tập quán canh tác truyền đời từ cha ông mình. Vậy thì còn lý do gì khiến họ phải dành tâm huyết đi bảo tồn cái không gian của Hò với Lý, của Ghẹo với Xoan?

Trở lại với số phận của dân ca. Ngoài những thể loại, những hình thức sinh hoạt ca nhạc dân gian có cơ may được gìn giữ dài lâu bởi được công nhận là di sản văn hóa thế giới như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, và sắp tới có thể là Hát Xoan Phú Thọ và Đờn ca tài tử Nam bộ, còn lại hàng trăm thể loại với hàng vạn bài bản khác chưa biết sẽ đi về đâu nếu không có những mô hình bảo tồn bền vững. Xin nhấn mạnh cụm từ này. Đó là phương thức bảo tồn sống các hình thái văn hóa cổ truyền ngay trong dòng chảy của xã hội đương đại.

Hô hát bài chòi trong Đêm phố cổ Hội An

Có lẽ trên đất nước ta, thành phố Hội An là nơi tiên phong triển khai khái niệm này với không gian Đêm phố cổ, trong đó có mô hình Trò diễn hô hát Bài chòi. Cho đến nay, sau 13 năm Đêm phố cổ không những đã chứng tỏ được khả năng tồn sinh của nó mà còn là một trong những sản phẩm du lịch của thành phố này.

Tất nhiên không thể một lúc nghĩ ra được mô hình bảo tồn bền vững cho tất cả các thể loại dân ca, dân nhạc cổ truyền. Cần phải có một chiến lược lâu dài với sự chọn lọc ưu tiên cho từng đối tượng khác nhau. Chẳng hạn một thể loại đang có nguy cơ bị lãng quên cần có biện pháp bảo tồn khẩn cấp, đó là Hát ru.

Ngày nay các cháu bé dường như không còn được nghe những bài hát ru dịu dàng bên vành nôi. Đã qua rồi cái thời sau lũy tre làng xa vọng tiếng mẹ ru con man mác nao lòng: “Gió mùa thu, mẹ ru (mà) con (ơ) ngủ, năm canh chày, thức đủ vừa (ơ) năm…”. Các bà mẹ trẻ ngày nay không thể hát những lời ru êm đềm đẫm chất nhân văn đã được chọn lọc từ bao đời như thế nữa.

Thay vào đó có thể là những câu hát thời thượng hơn: “… Tình là tình nhiều khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không…”, hay những ca khúc được cài đặt sẵn bên vành nôi… điện, phát đi phát lại nhiều lần cho đến khi đứa trẻ nghe… chán rồi đành phải ngủ.

Ở làng tôi có một nữ nghệ nhân thường gọi là bà Tám có khả năng ứng tác những khúc giao duyên (ở miền Trung gọi là hát nhân ngãi) trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng nay bà Tám đã trên 80, răng không còn cái nào nên không hát được nữa. Bà muốn truyền lại cho con cháu nhưng chẳng ai muốn học, ức lắm. Thế là trong làng không còn một ai có thể nhớ và hát được thể loại này.

Đó là số phận chung của dân ca. Hy vọng may ra vẫn còn những ai đó xót xa, tâm đắc với mảng văn hóa này để nghĩ ra những mô hình bảo tồn mới có tính khả thi, có thể cứu vãn được mười phần lấy một cũng đã đáng trân trọng biết bao!

Phan Văn Minh