Dân tộc Tày và đồng dao

TRIỀU ÂN

Nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, cùng xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Ngoài dân tộc chủ thể người kinh, ta có 53 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 13% số dân cả nước, trong đó dân tộc Tày có số dân đông hơn cả.

Địa vực cư trú của dân tộc Tày ở miền núi phía bắc nước ta, phân bố ở các thung lũng thuộc lưu vực sông Bằng, sông Kỳ Cùng, sông Gâm, sông Lô, sông Chảy, thượng nguồn các sông Cầu, sông Thương…

Người Tày sống quây quần thành xóm bản.


Thiếu nữ bên cây đàn Tính.

Khi gặp trẻ em người Tày đang vui chơi tập thể, ta sẽ được nghe các em vừa chơi vừa xướng lên những bài ca vui. Những bài có vần có điệu ít nhiều, tuy không chặt chẽ lắm, do các em tự đặt lời. Hoặc có những bài do các bậc cha mẹ, anh chị đặt lời để các em ru em… Đa phần những bài đồng dao ấy biểu thị tình cảm của tuổi thơ với thiên nhiên, với loài vật… Nếu để tâm sưu tầm, có thể đến mấy trăm bài đồng dao.

Đang nắng, gió nổi, mây đen bay ngang thung lũng, trời sắp mưa; trẻ em Tày đứng trên sàn trước cửa (nhà sàn) hò reo thật vui vẻ, hứng khởi. Các em nhảy nhót, rung vách, rung cả sàn nhà, miệng thì hò reo, cùng xướng ca bài đồng dao “Roọng phân” (Gọi mưa).

Phạ ơi, phân cải
Mác lại vần lai
Mác cai vần xỏi
Co cuổi lồng lừa
Rườn nưa khai khẩu
Rườn tẩu khai pia
Tu ma háu lảng
Tua ngoảng goảng đông
Vỏ nồng xẻ pản…

Bài dịch:

Trời ơi, mưa lớn
Cho muỗm quả sai
Quả lai trĩu cành
Chuối xanh buồng trổ
Nhà trên bán gạo
Nhà dưới bán cá
Con chó sủa nhà
Con ve hát vang
Người Nùng xẻ gỗ…

Khi có vài hạt mưa lác đác rơi, các em càng reo hò, hào hứng chìa bàn tay ra đón những hạt mưa, tưởng tượng rằng những lời gọi mưa của mình đã được ông trời nghe thấu mà chiều lòng cho cơn mưa rào.

Không chắc chờ ai dạy, các em tự nhận ra tác dụng của mưa đối với cây quả, với nông nghiệp, ngư nghiệp, với muôn loài… các em sống giữa thiên nhiên rộng lớn, xung quanh là cây muỗm (xoài), cây lai, khóm chuối, con chó, ve rừng… khi đón những hạt mưa, chúng đều như vui mừng. Có mưa người ta mới làm được ruộng, đi đánh bắt cá…

Nét nổi bật toát lên từ bài đồng dao là tâm hồn dân tộc rộng mở, gọi mưa là cho thiên nhiên, cho muôn loài, mưa cho mọi người được hưởng, mưa để có sinh sôi và kết quả là cuộc sống ấm no… Bài đồng dao của các em rất ngây thơ đã nuôi dưỡng tâm hồn người Tày từ nhỏ lớn lên thành lòng vị tha cao quý.