Dạy cho học sinh biết cách tư duy độc lập, sáng tạo

Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục gồm nhiều nội dung, trong đó có vấn đề đổi mới phương pháp dạy và học. Thiển nghĩ đây là vấn đề rất cơ bản và then chốt. Đổi mới chương trình và sách giáo khoa cũng rất cơ bản, rất quan trọng thể hiện đường lối giáo dục của một nước nhưng nếu không đổi mới được phương pháp dạy và học thì đó chỉ là sản phẩm giấy tờ. Đổi mới thi cử chỉ là sự đánh giá kết quả của đổi mới phương pháp dạy và học tuy nó có tác dụng rất tích cực.

Đổi mới phương pháp dạy và học là hai khái niệm, hai nội dung: thầy dạy, trò học, tuy khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ với nhau nên cần được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ cả hai mặt. Hiện nay ta mới chú trọng về đổi mới phương pháp dạy của thầy, chưa thực sự quan tâm đúng tầm chỉ đạo xây dựng phương pháp học của trò mà ở đây muốn nói đến phương pháp tự học cá nhân ở gia đình.

Về đổi mới phương pháp dạy, vấn đề đã được đề ra từ lâu nhưng với Nghị quyết 29 “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” thì vấn đề lại được đẩy lên một tầm cao mới với sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, sát sao hơn của các cấp lãnh đạo giáo dục.

Là nhà giáo có lẽ ai cũng biết đổi mới phương pháp dạy là phải lấy học sinh làm trung tâm, phải phát huy tính tích cực của học sinh nhưng nhận thức cho đầy đủ và thực hành cho tốt thì không phải không còn những vấn đề cần bàn.

“Học sinh là ngọn lửa cần thắp sáng chứ không phải là cái bình chứa kiến thức” cho nên phải tránh cái lối dạy thụ động thầy dạy trò chép, dạy nhồi nhét kiến thức; trái lại phải dạy thông minh, không phải chỉ tăng cường phát vấn trong các giờ giảng là đủ mà phải dạy cho học sinh biết cách tư duy, có tính độc lập trong suy nghĩ, có tính tìm tòi phát hiện, sáng tạo. Phải thiết lập được cơ chế hai chiều giữa thầy và trò, khuyến khích, động viên học sinh phát biểu, nêu thắc mắc, những vấn đề khó chưa giải đáp được thì sẽ nghiên cứu thêm. Ở những lớp lớn, trò được phép trình bày những quan điểm, lập luận theo ý chủ quan, có thể khác với thầy nhưng nếu chưa xác đáng thì sẽ được thầy giải đáp. Đối với những vấn đề tiêu cực trong xã hội, phải giáo dục cho học sinh biết hướng thiện, phê phán, lên án cái xấu, cái sai trái, có ý thức và trách nhiệm tìm những biện pháp khắc phục, xây dựng nhân cách cho học sinh. Muốn vậy người thầy phải là người có phẩm chất, có đạo đức, gương mẫu trước học sinh.

Việc xây dựng cơ chế hai chiều như trên là cách thức dạy mới, dân chủ nên cần giải thích cho phụ huynh vì nhiều bậc cha mẹ hiện nay chưa quan niệm được như vậy, sợ con trái ý thầy, hỏi lại thầy sẽ bị quy kết là hỗn láo, sẽ bị hạ hạnh kiểm. Mặt khác cũng cần giáo dục thái độ đúng mức của học sinh, tránh những lời lẽ, thái độ vô lễ trong quan hệ hai chiều. Thái độ của thầy cần cởi mở, thân thiện, không thành kiến với học sinh.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng, được coi là cốt lõi: Đổi mới phương pháp dạy là phải cố gắng đạt được yêu cầu học sinh thích học, ham học, dẫn đến say mê môn học; không làm được như vậy thì việc đổi mới không có ý nghĩa. Ngược lại, dạy mà học sinh chán học, không thích học thì lại là phản đổi mới. Do đó để đổi mới có hiệu quả, người thầy phải tự trau dồi nâng cao kiến thức, năng lực sư phạm để kiến thức giảng dạy được phong phú, bài giảng sinh động, dễ hiểu, cuốn hút học sinh. Việc tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường là không thể thiếu. Việc giảng dạy phải sát thực tế, cho học sinh đi quan sát, tìm hiểu thực tế ở đồng ruộng, nhà máy, xí nghiệp… cần được chú trọng.

Đổi mới phương pháp giảng dạy là rất quan trọng nhưng việc quan tâm xây dựng phương pháp tự học cá nhân cho học sinh ở gia đình cũng quan trọng không kém. Không xây dựng được phương pháp tự học tốt thì dù đổi mới phương pháp dạy tiến bộ đến đâu cũng mới thành công được một nửa. Đổi mới phương pháp dạy phải xây dựng song song với đổi mới phương pháp tự học. Phương pháp học tốt của học sinh là ngoài việc học tập tích cực ở lớp còn phải tích cực học tập cá nhân ở nhà, đào sâu, suy nghĩ, tìm tòi, không tiếp thu bài giảng một cách thụ động, hời hợt, liên hệ với thực tế, nêu thắc mắc để thầy giải đáp; học đi đôi với hành, tham khảo thêm tài liệu, nhất là ở những lớp lớn. Học như thế thì mới nhớ lâu, mới thông hiểu cặn kẽ, mới tiếp thu kiến thức của thầy thành kiến thức của mình. Có một câu danh ngôn: “Sở dĩ người ta ít nhớ những điều đã đọc được chính là vì người ta suy nghĩ quá ít”. Nhưng nhớ được cũng chưa thể coi là tri thức vì tri thức còn phải chờ kết quả của sự tìm tòi, khám phá của hành động. L. Tolstoi nói: “Tri thức thực sự được coi là tri thức khi đó là kết quả của sự tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ”.

Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 của Đảng khóa 8-1996 đến Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11-2013 đều đặt vấn đề phải phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, tự học của người học, rèn thành nền nếp, phát triển mạnh phong trào tự học. Luật giáo dục của nhà nước cũng ghi: giáo dục phổ thông phải bồi dưỡng “phương pháp và năng lực tự học của học sinh”. Như vậy đủ thấy vấn đề tự học quan trọng đến mức nào. Thật đáng tiếc, việc tự học của học sinh hiện nay đang đi ngược chiều: tự học cá nhân thì ít, hời hợt, ít chịu suy nghĩ, học vẹt, đối phó, nặng về đi học thêm tràn lan, liên miên, không còn thời giờ nghỉ ngơi, tham khảo tài liệu mà chỉ ỷ lại vào việc học thêm. Thật chẳng khác thầy học hộ. Không ai phủ nhận tác dụng của việc học thêm đúng mức nhưng học thêm như trên đã làm thui chột tính độc lập, đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Còn bố mẹ thì càng cho con học thêm nhiều lại càng yên tâm. Vì thế để khắc phục tình trạng trên, nhà trường cần giải thích cho phụ huynh tác hại của việc học thêm quá mức, vừa tốn tiền vừa làm các em thêm quá tải, vừa không có lợi; mặt khác phải quan tâm xây dựng nền nếp tự học cho học sinh, có kiểm tra, đôn đốc, chứ không chỉ nhắc nhở suông. Vấn đề thật nan giải vì chính thầy giáo (dạy những môn cơ bản) lại năng nổ trong việc dạy thêm thì làm sao xây dựng cho học sinh nền nếp tự học cá nhân ở nhà.

Để đào tạo được một thế hệ thanh niên năng động, sáng tạo đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mong các cấp lãnh đạo giáo dục, các nhà giáo trong việc đổi mới phương pháp dạy và học cần quan tâm hơn nữa tới việc chỉ đạo, xây dựng nền nếp tự học cá nhân ở nhà cho học sinh để phát huy tốt nhất tiềm năng dồi dào của thế hệ trẻ, đồng thời có nhiều biện pháp hơn nữa hạn chế việc dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay.

 

_____

* Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội

TRẦN HÀNH*