Trưa ngày 17-8-2013 tôi nhận được điện thoại của NSND - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân báo tin: “Cô ơi, cô Bạch Diệp đã từ trần hồi 9g45 sáng nay rồi cô ạ”. Tôi bần thần không nói được với cháu câu nào, bởi tôi cứ tưởng tôi vẫn còn được gặp chị. Mới đây, ngày 24-7 năm nay, tôi có dịp ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 65 năm Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, tôi đã đến thăm chị tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Gặp tôi và các bạn đồng nghiệp đến thăm chị mừng lắm, vẫn nói chuyện rất sôi nổi về điện ảnh mặc dù chị yếu và đi lại khó khăn, đau đớn sau những đợt vào thuốc hóa trị. Chị nói, nếu chân chị đỡ đau (chị bị viêm đa khớp) chị sẽ làm phim, đạo diễn Khải Hưng vẫn để dành kịch bản cho chị…
Chị Bạch Diệp với tôi có rất nhiều kỷ niệm, kỷ niệm từ khi cùng học lớp đạo diễn - diễn viên khóa đầu tiên năm 1959. Chị là nữ đạo diễn duy nhất ở khóa học ấy. Lúc đó chúng tôi còn trẻ lắm, chúng tôi phục chị vì biết chị hoạt động cách mạng từ lúc 15-16 tuổi, chị từng là cán bộ phụ nữ cấp tỉnh, rồi làm ở báo Nhân Dân. Chị đi nhiều, tiếp xúc nhiều với nhiều tầng lớp nhân dân, chị đọc nhiều, trình độ học vấn cao… nên khi ở trường, các tiểu phẩm do chị dựng rất sâu sắc… Vốn sống quý báu ấy đã giúp chị thành công trong các phim với nhiều đề tài khác nhau sau này. Phim Hải Dương quê tôi là bộ phim tài liệu dài đầu tiên của chị. Những bộ phim truyện như: Trần Quốc Toản ra quân, Người về đồng cói, Ai giận ai thương, Người chưa biết nói v.v… là những đề tài từ các không gian sống, không gian văn hóa khác biệt được chị thể hiện một cách tinh tường và sáng tạo. Với tôi, mãi tới năm 1975 mới được chị mời đóng phim Ngày lễ Thánh. Từ đó, tôi với chị gắn bó với nhau qua nhiều phim nữa: Người chưa biết nói, Trừng phạt, Huyền thoại về người mẹ và sau cùng là phim truyền hình: Nguyễn Thị Minh Khai, tôi đóng vai vợ của Dương Bạch Mai – người nuôi con cho chị Minh Khai đi hoạt động cách mạng.

|