Gã thổi sáo

Có nhà xuất bản nhờ tôi viết cho một cuốn truyện để in vào dịp đầu năm. Tôi nhận lời và cùng lúc nhận được một khoản tiền ứng trước. Nhưng tôi không ngồi viết ở nhà như những lần trước đây bởi vì không khí trong nhà tôi dạo này ồn ào quá.

Tôi thu xếp một ít quần áo, giấy bút cho vào một chiếc túi xách tay rồi đáp xe đi vào tận miền núi Hy Mã Lạp Sơn. Tại đấy, tôi thuê được một căn nhà nhỏ biệt lập trên một sườn đồi. Cảnh vật thật tĩnh mịch và thơ mộng. Từ trong cửa sổ có thể nhìn thấy những đỉnh núi cao ngất mấy tầng trời, có tuyết bao phủ quanh năm.

Ngày đầu tiên, tôi sững sờ trước vẻ đẹp thiên nhiên nên ngắm không biết chán cảnh núi rừng trùng điệp. Cảnh đất trời hùng vĩ có sức gợi hứng lạ lùng! Các chi tiết về những việc tôi định kể cứ kéo đến một cách dễ dàng và chẳng mấy chốc tôi đã có ngay trong đầu một cái cốt truyện vừa thành hình sẵn.

Sáng hôm sau, tôi ngồi vào bàn, đinh ninh sẽ viết được vài chục trang ngay một mạch. Trước mắt tôi, một vùng thung lũng trải dài thoai thoải và lấp lánh dưới ánh nắng mai vàng rực. Một con chim, không biết ở đâu, cất lên ba tiếng hót thật trong. Những con chim khác, lần lượt hót theo ríu rít. Như thế trong một lúc, rồi thì đâu đấy bỗng nhiên im bặt làm như tất cả khoảng thiên nhiên đều ngừng lại để lấy thêm hơi thở.

Sau đó, những tiếng xào xạc, líu lo lại nổi lên, rung động tựa như làn ánh sáng đang nhảy múa, và lần này, trọn một vùng đồi núi tràn ngập những tiếng ve sầu. Tôi thích quá. Trước đây, chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu đời và sẵn sàng làm việc như ngày hôm ấy.

pic
Minh họa: Hoàng Ly


Nhưng khi tôi vừa cầm bút, sắp sửa viết thì một loạt những âm thanh vừa chát chúa vừa rên rỉ bỗng nổi lên. Có ai đó thổi sáo và thổi rất tồi. Thật khó chịu! Tôi ngồi bật dậy, nhìn ra cửa sổ thì thấy, ngay trên bãi cỏ trước thềm nhà, một gã chăn dê to béo, mặt mũi thô lỗ khó coi đang phùng mang thổi tận lực vào một cây sáo trúc.

Tôi gọi:

- Này anh kia! Đi hộ nơi khác cho tôi nhờ. Sao lại đến thổi sáo ở đây kia chứ?

Thay vì trả lời, gã thổi sáo tiếp tục phun ra một tràng inh ỏi đến nhức cả tai. Tôi giận quá, vừa hét vừa giơ nắm đấm:

- Đi nơi khác mà thổi! Có đi không?

Hắn vẫn tảng lờ, điềm nhiên đưa cây sáo lên môi làm như không nghe thấy gì. Mãi một lúc sau hắn mới nhìn tôi và nói:

- Tại sao tôi lại phải đi nơi khác? Đây có phải là đất của anh đâu! Anh có quyền gì để đuổi?

Mà quả như thế thực! Tôi không có quyền gì đuổi hắn đi đâu cả. Cánh đồng cỏ nơi hắn đang ngồi thổi sáo là đất của một nông trang tập thể. Tôi đuối lý, đành ngẩn tò te trong khi tiếng sáo lại cất lên đắc thắng.

Mãi một lúc, không chịu được nữa, tôi bảo gã chăn dê:

- Này, nếu anh bằng lòng đi nơi khác tôi xin biếu anh bốn anna(1).

Hắn nheo mắt, mỉm cười:

- Được rồi… Đưa xem nào…

Tôi móc túi lấy mấy đồng anna, quẳng về phía hắn. Hắn nhặt lên nhìn thật kỹ, đưa lên miệng cắn thử để xem có phải là tiền giả không rồi mới chịu lững thững bỏ đi.

Tôi quay lại, ngồi vào bàn viết, nhưng nguồn hứng tắt tịt, không nặn được câu nào. Tôi đành vớ lấy cái mũ, đi chơi loanh quanh một lát cho đỡ bực mình. Đã vào tận Hy Mã Lạp Sơn mà vẫn không tránh được sự ồn ào, quấy nhiễu.

Hôm sau, lúc tôi còn ngủ thì tiếng sáo đã nổi lên, xoáy buốt vào tai. Tôi tức uất cả người, mở toang cửa sổ, hét:

- Thực là khốn nạn! Có cút đi không?

Gã chăn dê chẳng thèm đáp lại nửa lời. Hắn ngồi chồm chỗm trên bãi cỏ, mải miết thổi vào ống sáo một cách say sưa như người suốt đời chỉ sống bằng âm nhạc.

Biết không hơn hắn được, tôi bèn đấu dịu:

- Tôi lại biếu anh bốn anna như hôm qua. Nhưng xin anh cút ngay cho!

Tưởng nói thế là hắn sẽ bằng lòng. Té ra hắn vẫn ngồi ì và tiếng sáo của hắn cứ lại đều đều, the thé.

Làm thế nào đây? À, thử thuyết phục, thử kêu gọi cái điểm lương tri trong người hắn xem sao! Tôi nhoài ra cửa sổ, cố nói bằng một giọng thật nhẹ nhàng:

- Này bạn ơi! Sao bạn lại quấy rầy tôi? Tôi đang có công việc phải làm đây. Bạn nên biết hộ cho tôi như thế.

Vô ích! Lời kêu gọi của tôi là một lời kêu gọi trong sa mạc! Hay là dùng đường lối bất bạo động với thằng cha này vậy? Cuốn truyện, tôi hãy tạm để đấy, không cần viết vội, kỳ cho đến lúc nào hắn mệt, không thổi sáo nữa hẵng hay. Thử xem giữa hắn và tôi, ai gan lì hơn ai cho biết!

Ý định ấy tôi thực hành ngay. Một ngày trôi qua. Rồi hai ngày, rồi ba ngày, rồi bốn… Hắn vẫn bướng, tiếp tục thổi sáo một cách dai dẳng, kiên trì. Tôi đến phải chịu thua hắn mất!

Ngày thứ năm, không còn nhẫn nại được nữa, tôi nhượng bộ, đổi sang giọng van lơn:

- Này bạn ơi! Tôi là nhà văn và đang cần yên tĩnh để viết tiểu thuyết. Tiếng sáo của bạn làm tôi khổ tâm lắm. Bạn nên thương tôi, mang ống sáo đi thổi ở một nơi nào khác. Nếu bạn không chấp thuận lời yêu cầu này của tôi thì có lẽ tôi đến phải bỏ cả nghề cầm bút.

- Ơ, nói lạ nhỉ! Anh bỏ nghề hay không bỏ, cái ấy mặc xác anh. Có can dự gì đến tôi! Mà anh vừa bảo là viết gì? Viết tiểu thuyết?

- Phải! Viết tiểu thuyết… hay là viết truyện thì cũng thế…

Tôi chưa kịp nói dứt câu thì gã chăn dê đã bật lên một tràng cười dài, cười sằng sặc, cười lăn lộn. Tôi ngạc nhiên:

- Ồ, có gì mà bạn cười ghê thế?

- Ha ha… (hắn cố ghìm cơn cười lại để trả lời tôi) ha ha… Tưởng là anh viết những gì hiếm hoi, quý báu… Hóa ra là anh viết truyện. Chỉ có thế mà cũng ra cái điều... ha ha… nhảm thật!
Rồi hắn lại tiếp tục nâng ống sáo lên miệng, để mặc tôi đứng tần ngần, tức tối.

Chủ trương thương thuyết và bất bạo động cũng không mang lại kết quả gì. Với con người ương ngạnh, cố chấp, hẹp hòi, thiển cận, độc đoán như thế thì những cam ngôn mỹ từ cũng chỉ là thừa. Làm sao để kẻ sát nhân có thể hiểu được tấm lòng nhân đạo? Làm sao đứa quen tính báng bổ có thể cảm nhận được sự huyền bí thiêng liêng? Những giống ở trong hang chỉ biết có lê la trong bóng tối và sử dụng luật lệ của thú rừng.

Tôi bảo hắn:

- Xin biếu anh gấp đôi. Tám anna vậy… Hắn nhảy cỡn lên, chìa tay nhận tiền và đi thẳng.

Kể từ đấy, để mua sự yên tĩnh, ngày nào tôi cũng lót tay hắn một rupi(2). Tôi tức điên lên. Rõ ràng là mánh khóe đòi tiền! Tệ hại hơn nữa là mặc dù mua được sự yên tĩnh đấy nhưng nào tôi có viết lách được gì! Mỗi sáng tôi đều mất hơn một giờ đồng hồ để cò kè, bớt một thêm hai với hắn, và như thế còn gì là hứng văn chương!

Thế rồi một hôm, tôi bỗng nảy ra một ý kiến thần sầu. Tôi mừng quá, tự mắng mình sao bấy lâu nay lại có thể lú lấp đến độ một việc giản dị như thế mà không nghĩ ra được. Sáng hôm sau, khi tiếng sáo quái ác vừa bắt đầu thổi lên, tôi vội vàng chạy đến bên cạnh gã chăn dê và bảo hắn:

- Bạn ơi, tiếng sáo của bạn thật tuyệt vời. Nghe mãi tôi đã đâm ra nghiện. Kể từ nay trở đi, nếu không được nghe tiếng sáo, có lẽ tôi chết mất.

Hắn kinh ngạc, nhìn tôi:

- Tôi cứ tưởng là anh không thích…

- Trước kia thì có như thế thật. Nhưng bây giờ thì khác. Tôi mê nó làm sao! Mê đến mất ăn mất ngủ. Xin bạn cứ tiếp tục thổi. Xin bạn cứ thổi nữa đi. Tôi van bạn đấy. Từ nay, mỗi ngày xin biếu bạn một rupi để sáng nào bạn cũng cho nghe độ hai giờ như thế…

Hắn bằng lòng, nhưng tôi nhận thấy sau khi đút túi tờ giấy bạc một rupi của tôi, hắn chỉ chơi có một giờ ba mươi phút.

Hôm sau, hắn phàn nàn rằng một rupi là rẻ quá. Trước đây, không thổi gì cả mà hắn cũng được bằng số tiền ấy nữa là… Cuối cùng hắn quyết định là tôi phải trả hai rupi nếu muốn nghe tiếng sáo tuyệt vời của hắn. Tôi nói:

- Thôi cũng được. Tôi đã nghiện tiếng sáo của bạn quá mất rồi. Bạn hứa với tôi nhé, sáng nào cũng đến đây thổi cho tôi nghe đấy nhé. Bạn thổi hay lắm! Đời tôi, không có tiếng sáo của bạn, không biết rồi nó sẽ ra sao?...

Hắn phổng cả mũi:

- Đến thế kia à? Ấy vậy mà cái con mụ ngu ngốc nhà tôi cứ nhất định bảo là giống tiếng lợn kêu eng éc…

Tôi trợn tròn mắt, bất bình:

- Chết, chết… sao lại nỡ bảo như thế được? Tuyệt nhất trần đời đấy bạn ạ. Tiếng sáo cung tiên không chắc đã sánh bằng!

Hôm sau, hắn chỉ thổi cho tôi nghe có một giờ.

Hôm sau nữa, tôi bảo hắn:

- Bạn ơi, thú thực với bạn là tôi đã hết nhẵn cả tiền. Nhưng vẫn còn mê tiếng sáo. Từ nay trở đi có lẽ bạn phải miễn phí cho tôi.

- Miễn phí? Sao lại có thể có chuyện như thế được. Tôi không thừa hơi đi thổi không công… Thôi, từ giã…

- Trời ơi! Tôi van bạn đấy… Bạn đừng đi đâu cả… đừng đi… Để cho tôi còn được nghe tiếng sáo thần tiên của bạn.

- Anh xem tôi là thằng ngốc chứ gì? Chẳng miễn phí miễn phèo gì cả.. Anh phải hiểu cho như thế…

Tôi khóc nức, nghẹn ngào:

- Trời ơi! Bạn nhẫn tâm đến thế ư? Bạn bỏ đi thật ư? Khốn khổ thân tôi… Tôi còn sống làm gì nữa hở trời? Hu hu…

Kể từ hôm ấy cho đến lúc viết xong cuốn truyện tôi không gặp lại gã thổi sáo lần nào nữa.

NGUYỄN MINH HOÀNG dịch 



* Ranjee Shahani là nhà văn Ấn Độ, sinh năm 1904, mất năm 1968

(1), (2) Đơn vị tiền tệ Ấn Độ

Ranjee Shahani* (Ấn Độ)