Sự “nở rộ” của phim truyền hình nhiều tập trong khoảng 5 năm qua đã trở thành một ấn tượng - ấn tượng đối với khán giả cũng là ấn tượng của nhà sản xuất và đội ngũ làm phim, trong đó có tác giả kịch bản. Ấn tượng đẹp thì dễ dàng nhìn thấy, còn những ấn tượng chưa đẹp, ví như một “góc tối” của phim truyền hình thì cũng không khó phát hiện, nhưng lại chưa rõ về nguyên nhân và hiếm người có cơ hội tìm hiểu để lý giải.
1. TÁC GIẢ KỊCH BẢN - KHỞI SỰ CỦA MỌI SỰ…
Trong “làn sóng” ào ạt của kịch bản phim truyền hình hiện nay, ngoài các nhà biên kịch chuyên nghiệp, có thể tạm chia mấy loại tác giả:
- Tác giả kịch bản là những nhà văn, nhà báo. Nhóm này có kiến thức, có vốn sống và chịu khó tham khảo các mô biểu kịch bản phim truyền hình.
- Tác giả kịch bản là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư hoặc hoạt động ở một số ngành nghề khác, được các nhà biên kịch hướng dẫn trực tiếp và cũng có người tự tìm hiểu mô biểu kịch bản truyền hình.
- Tác giả kịch bản là sinh viên mới tốt nghiệp đại học (đa phần là khoa ngữ văn, báo chí) được tuyển chọn và huấn luyện bởi các nhà biên kịch hoặc đạo diễn.
Nhìn vào tổng số đầu phim và tổng thời lượng phim truyền hình của nước ta trong vài năm gần đây, người ta có thể hình dung “cơn khát” kịch bản đang diễn ra thế nào? Chính vì vậy mà kịch bản phim truyền hình là nhu cầu có thật, hoàn toàn không phải là “sốt ảo”.
Nghịch lý ở chỗ nhu cầu về kịch bản là có thật, nhưng nguồn cung cấp kịch bản “có lý lịch gốc” thì quá nhiều phức tạp. Ngoại trừ một vài hãng phim nhà nước đặt hàng hoặc mua kịch bản từ những tác giả tin cậy, còn lại, kịch bản được tác giả “rao bán” hoặc trung gian “chào hàng”.
Thực ra, cách nào cũng được, nếu kịch bản được tác giả “rao bán” hoặc trung gian “chào hàng” đừng rơi vào “tình cảnh” vàng thau lẫn lộn. Có thể điểm vài “tình cảnh” của kịch bản phim truyền hình trong thời gian qua như sau:
* Phổ biến nhất là kiện cáo nhau về quyền tác giả, từ ý tưởng đến nội dung. Chẳng hạn như có một kịch bản nhưng được bấm máy cùng thời điểm trên hai trường quay, có thể hai nhà sản xuất không biết, hai đạo diễn không biết, nhưng hai tác giả của hai kịch bản ấy chắc là biết (?).
Nếu đưa ra tòa thì không biết Hội đồng xét xử cân, đong, đo đếm thế nào? Bởi vì tên nhân vật khác, nơi diễn ra câu chuyện (bối cảnh phim) khác, còn cấu trúc và tình tiết gần như giống hoàn toàn. Câu hỏi đặt ra là tác giả nào “chôm” của tác giả nào? Hay chỉ một tác giả mà “nêm nếm” lại kịch bản để bán cùng lúc cho hai nơi? “Có trời mới biết”!
Còn chuyện kiện tụng nhau về ý tưởng, nội dung kịch bản cũng diễn ra không ít, nhưng hiếm câu chuyện tranh chấp quyền tác giả nào được xử lý đến nơi, đến chốn. Bởi vì việc chứng nhận và bảo vệ quyền tác giả hiện nay cũng chưa thật chặt chẽ và có tác giả cũng chưa thực thi cái quyền này, đến khi “xảy ra chuyện” thì đưa nhau lên báo chí.
Thi thoảng, mới thấy người kiện thắng và được đền bù vài chục triệu. Dẫu sao thì những chuyện ồn ào về kịch bản “xào nấu”, kịch bản “chôm chỉa” thì tác giả cũng được đề tên mình lên kịch bản, lên phim và đã lãnh nhuận bút rồi!!!
* Hiện nay, có một đối tượng tác giả vẫn viết miệt mài, cũng được trả tiền (rất ít) nhưng không hề có tên, bởi phải bán “lúa non” cho “chủ vựa”.
Cụ thể hơn, ai đó nghĩ ra được cái gì thì viết cái ấy, rồi có người thu gom “các cái ấy” thành kịch bản và đứng tên tác giả. Nếu người thu gom có năng lực nghề nghiệp thì “các cái ấy” còn ra hình hài, bằng không, “tác giả” của “các cái ấy” làm ra một “kịch bản”… không ai hiểu nổi!
Có trường hợp, phim đưa đi dự thi, khi Ban giám khảo hỏi: “Sao nhân vật A tự nhiên rớt ra khỏi câu chuyện? A đi xa hay chết hoặc vì lý do gì?”. Nhà sản xuất “hồn nhiên” trả lời: “Là kịch bản viết vậy!”. Có lẽ không cần bình luận gì thêm!!
* Một loại tác giả khác cũng cần phải kể đến là “biến” từ phim nước ngoài thành kịch bản Việt Nam.
Chuyện này cũng lắm bi, hài từ phía nhà sản xuất và tác giả kịch bản, bởi nếu như mua kịch bản và “Việt hóa” thì lại là chuyện bình thường. Nhưng có nhiều trường hợp lấy nguyên của người ta mà chẳng màng gì đến bản gốc. May mà chưa có “nước ngoài” nào phát hiện ra hoặc có thấy mà không biết làm sao để xử lý (?).

Phim Gió nghịch mùa, tác giả kịch bản chép gần như nguyên xi
từ bộ phim Khăn tay vàng của Hàn Quốc. Ảnh: Kiết Tường.
2. “ĐƯỜNG ĐI” CỦA KỊCH BẢN
Lẽ thường “đường đi” của kịch bản chẳng có gì đáng nói, nó từ tác giả đến với nhà sản xuất và trở thành phim trước mắt khán giả. Nhưng ở đây, xin nói về những kịch bản có “đường đi” không bình thường trong trào lưu “xã hội hóa” phim truyền hình!
Do thời lượng phim Việt trên truyền hình tăng mạnh nên nhu cầu về kịch bản cũng tăng theo, nhiều tác giả và nhóm tác giả xuất hiện, và có một số ít tác giả và nhóm tác giả có cơ hội gửi được kịch bản đến nhà sản xuất, còn lại số đông phải đi theo “con đường” trung gian.
Một câu hỏi ngay lập tức được đặt ra là ai sở hữu “con đường” trung gian ấy? Đó là những người nắm bắt được các nhà sản xuất có giờ phim trên sóng truyền hình, biết tìm đến tác giả và nhóm tác giả và làm “cầu nối” cho đôi bên. May mắn cho kịch bản nào chỉ “đi cầu 1 nhịp” như vừa nói.
Trong thực tế, nhiều kịch bản phải “đi cầu đôi, ba nhịp” vì gặp phải trung gian “nối không tới đôi bờ”. Tất nhiên, những kịch bản “đi nhiều nhịp cầu” thì phải chịu nhiều “rơi rớt” hoặc “pha loãng” nội dung, bị ép giá ở “nhịp cầu” khởi điểm.
Có những người bán kịch bản “chuyên nghiệp” đến mức là bán cả kịch bản duyệt rồi, tất nhiên là giá phải cao hơn kịch bản chưa duyệt. Thậm chí, có người bán kịch bản kèm theo điều kiện là phải thuê thiết bị ở đâu và mời nhóm thực hiện nào…
Như vậy, để “hàng hóa” được thông thương, người mua bán kịch bản phải tìm cách, phải có “chiêu”, bởi đặc trưng của thị trường là ở đâu có mua bán, ở đó có cạnh tranh.
Dĩ nhiên, những “đường dây” mua bán kịch bản xuất hiện rất nhanh trong thời “xã hội hóa”. Chủ của các “đường dây” này cũng có đẳng cấp khác nhau, thế mạnh khác nhau. Thậm chí, có vị chủ “đường dây” đưa kịch bản cho nhà sản xuất thực hiện trước, rồi đưa văn bản duyệt sau, để giữ cam kết số lượng kịch bản mua bán của hai bên…
3. AI THẨM ĐỊNH KỊCH BẢN?
Theo nguyên tắc thị trường nói chung, ai mua hàng thì người ấy chọn lựa, và áp dụng vào chuyện sản xuất phim thì các nhà sản xuất sẽ là người thẩm định.
Thực tế, nhà sản xuất có mấy cách chọn lựa kịch bản như sau: đặt hàng cho các tác giả đã có thương hiệu và tin tưởng hoàn toàn, hoặc là đặt hàng cho những người đứng đầu (cũng là người có uy tín) nhóm tác giả, hoặc là mua “trôi nổi”… Người thẩm định cho nhà sản xuất đương nhiên phải thẩm định theo ý của nhà sản xuất, và tất nhiên nhà sản xuất dựa vào gợi ý của nhà Đài.
Nhưng lạ lùng thay, người thẩm định cho các nhà sản xuất phim “xã hội hóa” phần lớn là người không xuất thân từ “nghề phim”. Rất ít nhà sản xuất mời được người thẩm định có nghề phim vì họ đang bận công việc nhà nước, hoặc giá thẩm định rất cao, làm cho chi phí sản xuất lớn!
Những người này đôi khi cũng chẳng đọc kịch bản mà đọc tóm tắt truyện phim, nếu thấy truyện có vẻ hấp dẫn theo kiểu Hàn Quốc và không có dấu hiệu “phản động” là đồng ý. Nhà sản xuất đi trình duyệt nhà Đài những kịch bản đã mua. Tất nhiên, nhà Đài mới là khâu thẩm định kịch bản cuối cùng và quyết định có sản xuất hay không?
Vậy, tại nhà Đài, ai là người thẩm định kịch bản phim truyền hình? Rất ít nhà Đài có người chuyên nghiệp thẩm định kịch bản phim. Điều trớ trêu hiện nay là phần lớn trong số người đọc thẩm định kịch bản phim truyền hình không có nghề.
Có một việc nghe khó tin nhưng rất thật là vừa qua, nói chính xác là trong thời gian dài, nhiều kịch bản được sản xuất thành phim mà không có ai là người của nhà Đài đọc thẩm định kịch bản. Họ chỉ đọc đề cương, mà đề cương thì khoảng 30 đến 40 trang cho bộ phim 30 tập, còn kịch bản thì khoảng 40 trang/1 tập. Có nghĩa là để duyệt cho sản xuất một phim (30 tập) có độ dài kịch bản khoảng 1.200 trang thì người thẩm định chỉ cần đọc tối đa là 40 trang (!!)

Đạo diễn và ê-kíp làm phim đang chuẩn bị cho một cảnh quay
trong phim Gió nghịch mùa. Nguồn: Internet.
4. NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY...
Có một đạo diễn khá quen thuộc trên “đường đua” phim truyền hình “xã hội hóa”, khi được hỏi có phải vị này không đọc kịch bản trước khi bấm máy? Vị đạo diễn này xác nhận, rồi nói: “các đạo diễn khác cũng vậy mà!”, và còn giải thích, đại ý: - Đọc làm gì? Kịch bản đã duyệt, đóng dấu (thực ra là giấy phép cho sản xuất của nhà Đài), Hợp đồng thì ghi rõ trách nhiệm của bên A (Nhà sản xuất), bên B (Đạo diễn)… Cứ vậy mà làm!
Nghe qua thì cũng thấy “buồn nghề”, nhưng sự thật là 100%. Rất nhiều Kịch bản trên trường quay của những phim “xã hội hóa” được duyệt bằng đề cương và hầu như không có dấu tích của người biên tập trên kịch bản. Đạo diễn thì lo phần nghề của mình: quay đúng kịch bản! Nếu có chăm chút vì “thương hiệu” của mình thì đạo diễn cũng chỉ để tâm thêm phần ánh sáng, tạo hình và nhạc…
Một câu hỏi đặt ra là nhà sản xuất có biết đạo diễn “vô tư” như vậy không? Xin thưa! Biết hết! Nhưng nhà sản xuất chấp nhận hoặc làm ngơ là vì mục tiêu chính của họ là “đầu vào, đầu ra” - tức chi phí sản xuất và lợi nhuận từ phim. Họ chấp nhận và làm ngơ cũng vì họ chẳng mất thêm tiền do đã khoán cho đạo diễn, nếu nhà Đài yêu cầu sữa chữa nhiều thì đạo diễn bị… mất tiền.
5. LỜI KẾT
Thực ra, những thực trạng về kịch bản phim truyền hình đã được báo chí nói đến, nhưng chắc khó ai nắm rõ hết những khuất tất bên trong. Cũng có ý kiến cho rằng, “đi” bằng cách nào mặc kệ, miễn kịch bản thành phim là tốt rồi!
Đành là như vậy! Nhưng nếu kịch bản phim truyền hình có một “đại lộ” để các tác giả bình đẳng nhau về mọi mặt và những người mua, bán kịch bản gỡ “chiếc mặt nạ” của mình, hành nghề một cách trong sáng thì chắc rằng những bộ phim nhạt nhẽo, lòng vòng sẽ không có cơ hội làm mưa làm gió trên sóng truyền hình. Bởi rõ ràng, chính vì “đường đi” vòng vèo, khuất tất của kịch bản, đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng phim truyền hình hiện nay…
Bài liên quan: