GEISHA, nàng là ai ?

Từ trước đến nay nhiều người cứ nhầm tưởng Geisha là một loại "gái bán dâm" (gái điếm) tại Nhật bản, nhất là ấn tượng nầy đã đập vào mắt khi nhìn thấy những cô gái người Nhật mặc Kimono bu quanh lấy đám lính Mỹ từ các căn cứ quân sự trên khắp nước Nhật rủ nhau ra phố rong chơi, nhậu nhẹt vào mỗi cuối tuần sau khi thế chiến thứ hai kết thúc.

Thực ra họ là những cô gái tuổi đôi mươi (từ 15-20 tuổi), con nhà nghèo nhưng có nhan sắc và tài năng (năng khiếu) được cha mẹ gửi gắm cho các Okiya (nơi nuôi nấng và đào tạo Geisha-  "Nghệ giả" theo âm Hán Việt) vào học các "nghề" truyền thống như Thư đạo, Cầm (đàn), Ca, Múa, Cắm hoa, nghệ thuật tiếp khách (nói chuyện và chuốc rượu...) từ khi còn nhỏ, mà bước đầu là phụ việc nhà (làm oshin) cho  bà chủ (Okami). Nghề làm Geisha chỉ được công nhận sau khi trở thành Maiko (Vũ công)  cho đến tuổi 20, đồng thời đã theo học những môn nghệ thuật nói trên khoảng chừng 5-6 năm đến mức độ nhuần nhuyễn và điêu luyện.

pic

Hanamachi (Kyoto - Phố Geisha)

Tiền thân của Geisha bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ 9 khi các tướng quân (samurai) hay lãnh chúa chiêu đãi, ăn chơi tuyển phụ nữ trẻ đẹp, có tài vào phục vụ mua vui nhưng khi xã hội phong kiến phát triển, lớp người thị dân hình thành vào thế kỷ 11 thì Geisha dần dà được tổ chức theo từng hội phường qui cũ. Nội dung của Geisha ngày xưa cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nghề làm Kỹ Nữ thời nhà Minh của Trung quốc(*), vì vậy phố Geisha được gọi là Phố Hoa (Hanamachi), phát triển rất nhanh vào thế kỷ 17, hiện vẫn còn ở Kyoto hay Tokyo.

pic

Ở  khu phố cổ Gion (Kyoto), chiều chiều khoảng chừng 18 giờ người ta thấy những nàng Geisha (ở Kyoto gọi là GEIKO) môi đỏ, trang điểm phấn trắng trên mặt, búi tóc thật cao cài hoa rất đẹp, chân đi guốc gỗ, xúng xính bộ Kimono rực rỡ, rón rén đi về hướng có O-Chaya (tiệm trà nhưng thực chất là những quán ăn sang trong theo kiểu thuần túy Nhật Bản) hay Ryotei (restaurant có sân vườn kiểu Nhật, ngồi trên chiếu), Ryokan (lữ quán) để phục vụ khách đã đăng ký "đặt chỗ" trước.

Nếu hôm ấy trời mưa thì cảnh những nàng Geisha mỹ miều che chiếc ô đỏ rực càng làm cho du khách ngẩn ngơ, đắm mình tình tứ trong cảnh vật cổ kính, nên thơ. Khách đến những nơi  gọi là Yakata (Trung tâm điều phối Geisha) hay qua Okami (bà quản lý) quen biết  mời Geisha để được phục vụ theo yêu cầu của người sành điệu, gồm múa, hát, đàn samisen (đàn 3 dây) hay diễn trò mua vui cho khách theo một thời lượng nhất định được do bằng một cây nhang (hương) đốt cháy với chi phí "Hương Hoa" rất cao (khoảng 400-500 đô la/cuộc). Khi Maiko hay Geisha xây dựng gia đình thì họ bắt buộc phải rời khỏi nghề nầy, có khi trở thành "gái bao" của những ông chủ giàu có.

pic

Trước khi Nhật bản ra luật cấm hành nghề mãi dâm (1958) thì tệ nạn "trá hình" này  đã làm hoen ố hình ảnh nghệ thuật và văn hóa của Geisha, nếu năm 1970 số Geisha hoạt đông khoảng 17,000 người thì ngày nay chỉ còn khoảng trên dưới 1000 người, tập trung ở những thành phố lớn để phục vụ khách du lịch nước ngoài hay những buổi liên hoan của công ty, chính khách, thương gia giàu có.

Cuộc đời  kỹ  nữ của Geisha nhiều khi là thân phận của Nàng Kiều, rất mong manh và đau khổ như tập hồi ký của Sayuri, tên của  nàng Geisha trong câu chuyện có thật của bộ phim "Hồi ký của một Geisha"(dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Arthur Golden) do hai nữ nghệ sĩ Trung quốc Chương Tử Di và Củng Lợi đóng.

________

(*) Thời nhà Minh Trung quốc nghề kỹ nữ chốn thanh lâu đã phát triển rất cao khi lớp thị dân,thương gia thành lập những khu phố sầm uất, kỹ nữ thời nầy đã thoa phấn trắng khắp mặt để trang điểm che dấu  mặt thật cũng như khiếm khuyết trên mặt,biết múa hát, làm thơ, đánh đàn... điệu nghệ vì vậy đã lan truyền sang Nhật bản tạo ra hình ảnh Geisha ngày nay.

(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Quỳnh Nga (Tokyo)