Sau hơn 50 năm, tôi gặp lại Nguyễn Xuân My, người học trò nức tiếng giỏi Toán của trường Nam Định. Anh học Đại học Tổng hợp Toán (1959-1963), sau đó làm giảng viên khoa Toán Đại học Tự nhiên (1963-1971). Rồi 21 năm trong Quân Đội (1971-1992), và từ năm 1992 đến năm 2007, anh lại về với khoa Toán, bây giờ là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có lẽ 21 năm trong quân ngũ, 21 năm cống hiến cho quân đội và đất nước đã làm anh lỡ một nhịp với những công trình nghiên cứu Toán học…; nhưng dẫu sao, anh đã đi với Toán đến cùng.
Dưới đây, xin trân trọng giới thiệu vài đoạn trong những ghi chép của anh.
THỜI PHỔ THÔNG
Tôi vẫn thường nói với nhiều người: Thế hệ chúng tôi có một hạnh phúc lớn là được học những người thầy tuyệt vời.
Bi kịch của thế hệ chúng tôi theo một nghĩa nào đó có thể như tôi đã nói với các sinh viên khóa 34, khoa Toán - Cơ - Tin học năm 1992: Thế hệ chúng tôi rất có lỗi với thế hệ các em vì đã để các em như hiện nay, nhưng tôi mong rằng thế hệ các em đừng để các thế hệ sau trách như thế hệ các em đã trách thế hệ chúng tôi.
Tôi vẫn thường gặp câu hỏi: Anh nghĩ thế nào về các thầy giáo hiện nay? Tôi luôn trả lời: Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành giáo dục, số lượng thầy cô tài giỏi và đức độ nhiều hơn hẳn so với thời chúng tôi, nhưng chiếm một tỷ lệ thấp hơn rất nhiều trong tổng thể đội ngũ giáo viên.
Thầy giáo đầu tiên của tôi là cụ giáo Môn (Bố của anh Đặng Hồi Xuân, cố Bộ trưởng Bộ Y Tế), dạy vỡ lòng. Lớp học là một nhà từ đường ở xong bên cạnh (làng tôi gọi xong thay vì xóm). Tôi cũng không rõ vì sao tôi biết chữ vì hàng ngày chị tôi dẫn tôi đi học và khi đến lớp tôi ngủ khì, xin lỗi, có khi còn tè dầm. Có lẽ vì thế mà chữ tôi rất xấu.

Về sự học hồi cấp 1, tôi chỉ nhớ một sự kiện. Hồi thi hết cấp 1, đề văn là bình luận câu “Ăn vóc học hay”. Tôi nghĩ vóc là vải vóc nên không biết nên làm thế nào. Cuối cùng tôi vẫn bình luận theo hướng ăn vải vóc nhưng không lý giải được vì sao do đó học lại hay.
Tôi vẫn nhớ được nhiều kỷ niệm thời đó nhưng toàn liên quan đến chuyện chơi đùa. Ví dụ, hồi tôi học cấp 2 trường Nguyễn Khuyến (nay có tên Trần Đăng Ninh), cả trường chỉ có một bàn bóng bàn đặt ngoài sân, nghe thấy kẻng ra chơi là một bầy quỷ sứ chạy ồ ra, tay nhăm nhăm vợt gỗ bâu quanh bàn bóng gõ chan chát, không ai chịu nhường ai. Mỗi lần gặp ông anh rể, tôi vẫn thú vị nhắc lại hồi cấp 2 em chơi bi ăn bi được của anh một hòn bi ve rất đẹp.
Vào cấp 3 (hệ 10 năm gồm các lớp 8, 9, 10), tôi cảm thấy các thầy siêu phàm và tự tôi thần thánh hóa các thầy. Không hiểu sao tôi nghĩ rằng các thầy không làm những việc tầm thường như tôi, chẳng hạn: Không bao giờ vào nhà vệ sinh. Nhìn chung về chuyên môn, khả năng truyền đạt và tình thương học sinh, thầy nào cũng cực kỳ. Có nhiều lần chúng tôi cũng làm các thầy buồn nhưng các thầy rất độ lượng.
Tuy nhiên, các thầy dạy Toán để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm nhất.
Năm lớp 8, thầy Lê Đình Phi dạy Toán và là chủ nhiệm lớp. Thầy là biệt động thành Huế hồi chống Pháp và bị Pháp bắt một thời gian nên thầy không được khỏe. Giọng Huế của Thầy nghe cứ như rót vào tai. Thầy còn dạy cả năm lớp 10. Cuối năm lớp 10, tôi hỏi Thầy: Thưa Thầy, em nên thi vào trường nào? Thầy khuyên: Em nên vào Tổng Hợp Toán. Và tôi theo lời Thầy.
Sau khi chúng tôi tốt nghiệp cấp 3, Thầy chuyển lên dạy ở Sư Phạm Hà Nội. Sau 1975, Thầy vào Sư Phạm Huế và khi về hưu, Thầy vào Thành phố Hồ Chí Minh vì Thầy bị hen. Thầy đã mất.
Thầy Lê Khắc Bảo dạy tôi môn Toán năm lớp 9. Thầy thường kể các chuyện viết bằng tiếng Nga mà thầy đã đọc. Một trong các chuyện đó sau này được dịch ra với đầu đề Một vinh quang vô ích. Đại khái kể về một nữ nông trang viên do thành tích lao động được liên tiếp đề bạt quá mức không phù hợp với phông văn hóa của chị ta và bi kịch trong gia đình đã xảy ra. Thầy kể rất hấp dẫn, sau này khi đọc chuyện do ai đó dịch và in ra tôi thấy không lôi cuốn được như Thầy kể.
Thầy cũng chuyển lên Đại học Sư Phạm Hà Nội cùng Thầy Phi và sau 1975, Thầy vào Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng năm, trường cấp 3 Liên khu Ba cũ vẫn họp mặt luân phiên tại Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình (có một năm làm ở Thái Bình). Chúng tôi vẫn phân công nhau đón các thầy, cô tới dự. Vào những dịp các thầy mất, anh em đều cố gắng báo cho nhau đến vĩnh biệt các thầy.
NGÔ BẢO CHÂU
Trong đợt chống bọn trẻ học giỏi “vô ơn” với đất nước, có một vài bài báo nhắc đến Ngô Bảo Châu (NBC) với lời lẽ mềm mỏng hơn.
Ngẫu nhiên, năm 1973 “thảo dân” ở cùng đơn vị quân đội với anh Ngô Huy Cẩn (NHC), bố của NBC, do đó cũng lai vãng khá nhiều qua nhà anh NHC hồi đó nằm gầm tủ lạnh ở phố Hàng Bài, cạnh hiệu ảnh hình như có tên Hoàng Hải.

Ngô Bảo Châu báo cáo thành tích sau giải Nhất Toán Quốc tế với Tổng Bí Thư Đỗ Mười.
Ngay từ nhỏ, NBC đã được sự chăm sóc chu đáo và toàn diện của đại gia đình nội ngoại.
Cứ chiều chiều, sau giờ tan tầm, NBC vai đeo đàn ngồi sau xe đạp của ông ngoại đi học nhạc. Cậu ruột là cầu thủ bóng đá Thể Công Trẻ, tuy không đủ sức lôi kéo cháu vào nghiệp quần đùi áo số, nhưng cũng cho cháu biết được thế nào là đá hay, đá dở.
Tuy học Toán nhưng qua các bài viết tiếng Việt trên báo, có thể NBC chưa đạt được chín phẩy năm của VTV3 nhưng trên trung bình là cái chắc.
Ngô Bảo Châu học cấp 1 ở trường TN của xếp HNĐ. Do tạng người không hợp với trường, đến cấp 2, anh NHC xin cho NBC vào học trường Trưng Vương sang trọng chếch bên kia đường.
Thoạt đầu, do chưa quen, NBC lạc lõng giữa bầy cao thủ chuyên Toán. May thay, các thầy, đặc biệt thầy Tôn Thân, đã tận tình giúp NBC sớm hòa nhập cùng đồng đội. Đến cấp 3, NBC vào học chuyên Toán Tổng Hợp.
Sau khi kính tặng khối hai huy chương vàng Toán quốc tế, NBC sang tu nghiệp ở Pha-lăng-xa và ở luôn bên đó. Từ 2009, NBC sang Princeton làm việc ở Viện Nghiên cứu Cao cấp của Hoa Kỳ với mức lương cao vời vợi.
Anh NHC nói vui: Nó chơi trò xa luân chiến, mỗi lần tòi ra một đứa lại đẩy đứa lớn về hành hạ ông bà, khi đủ lông đủ cánh lại rước sang đẩy đứa bé hơn về hành hạ tiếp.
Trên trang web: diendantoanhoc, anh em nói vui khi NBC đã là giáo sư của một trường sang trọng của phương Tây, nhà nước Việt Nam chiếu cố cho được đặc cách giáo sư của Việt Nam!
Hiện nay, mỗi năm NBC về nước ba tháng thực thi công việc của một cộng tác viên Viện Toán với lương 4 triệu đồng/tháng. Anh Ngô Việt Trung than thở: Viện muốn trả nhiều hơn nhưng không biết lấy “mần-ni, mấn-nì, mân-ní” ở đâu…
Dư luận cho rằng có khả năng NBC sẽ ẵm được giải Fields danh giá (tương đương giải Nobel) dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi trong Đại hội Toán học Thế giới sắp tới.
TẤT CẢ VÌ HỌC SINH THÂN YÊU!!!
Năm 1997, Luật Giáo dục ghi rõ cấm trường chuyên lớp chọn dưới cấp 3. Vài năm trước đây, sau tuyên bố đầu năm học của trên về ý định xóa bỏ chuyên và thi học sinh giỏi, dư luận trên báo ra sức đả phá trường chuyên!!! May thay, cuối năm học, các cụ lại mở hội thảo củng cố các trường chuyên.
Trong chiến dịch bài trừ bọn giỏi, có những tít báo giật gân về hiện trạng của các học sinh đã được giải trong các kỳ thi quốc tế. Cần chú ý rằng tổ chức UNESCO chỉ công nhận 7 kỳ thi quốc tế cho các học sinh phổ thông trên thế giới: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Thiên văn, Ngôn ngữ học (tạm dịch từ Linguistics). Các thông tin liên quan có thể xem trong trang web http://olimpiads.win.tue.nl/ioi.
Tuy nhiên, ở nước ta, bất kỳ cuộc thi cho học sinh ở nước ngoài cũng đều được xem là thi quốc tế và các thí sinh được giải đều được như nhau về mặt quyền lợi do Bộ Giáo dục quy định.
Dư luận có vẻ bức xúc, khi thấy các em học sinh giỏi, chưa có nhiều cống hiến cho đất nước mà đang “lang thang” khá nhiều ở nước ngoài. Phải chăng các em vô ơn? Câu trả lời không đơn giản.
1. Năm 1995, sau khi nhận huy chương bạc Tin học quốc tế (THQT) ở Hà Lan, Lê Sỹ Quang được theo học lớp tiếng Anh chuẩn bị du học ở Australia. Quang rất chịu khó. Có những buổi tối, “thảo dân” gặp Quang đạp xe trên đường và được biết Quang đi học thêm tiếng Anh. Sau đợt thi cuối khóa học, Quang không đạt nhưng được là dự bị số 1.
Ngày qua ngày, các lớp dự bị 2, 3… đi hết còn Quang còn học ở khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi học xong cao học và làm luận văn với cô Lương Chi Mai, viện Công nghệ Thông tin, Quang được anh Hồ Tú Bảo đưa sang Nhật làm việc trong nhóm và sau đó bảo vệ Tiến sĩ.
Từ đó Quang sang Pháp và hiện nay đang ở Anh. Tuy nhiên vẫn về Việt Nam cưới vợ. Tất cả đều là tự lực.
2. Năm 1996, “thảo dân” đưa đoàn học sinh Việt Nam sang Hungary thi THQT. Thầy trò ở lại thăm thú Budapest một tuần. Em Nguyễn Thùy Dương, học sinh khối chuyên Tổng Hợp đang học bên đó huy động các bạn dẫn đoàn đi chơi.
Cuối tuần, em nói bọn em chỉ có 30$ học bổng hàng tháng nên các anh chị rất thương, thứ Bảy, Chủ nhật cho đứng bán hàng ở chợ. Em kể do lưu học sinh Việt Nam ở lại Hungary nhiều nên hai chính phủ thỏa thuận Việt Nam cấp vé máy bay đi, Hungary cấp vé máy bay về.
Em nói hồi bọn em đi, Bộ không mua được vé nên các gia đình phải tự lo mua lấy bằng tiền túi. Em Dương hiện đang ở Hà Lan cùng chồng - Phạm Việt Thắng, Huy chương Đồng THQT năm 1993.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao giải cho “Quả Cầu vàng” Lê Sỹ Vinh. Ảnh: Tiến Dũng.
3. Năm 1998, Lê Sỹ Vinh được huy chương Vàng THQT ở Bồ Đào Nha. Hồi đó Vinh vẫn được đi thi học tiếng Anh để đi du học Australia. “Thảo dân” nói với Vinh: Em nói tiếng Việt còn khó khăn làm sao địch được các bạn trường AMS (Amsterdam) dẻo mồm.
Quả nhiên, dù được sự đôn đốc nhiệt tình của Bùi Thế Duy (cùng đi THQT với Quang), Vinh vẫn nối gót Quang học khoa Công nghệ thông tin, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Sau khi ở lại khoa công tác, Vinh “ẵm” được học bổng Tiến sĩ ở Đức và sau đó sang Hoa Kỳ một năm. Tất cả vẫn là tự lực.
Sơ sơ như vậy để thấy, các em đều rất hiếu thảo, học hành chăm chỉ, có trách nhiệm với cha mẹ dù sống ở nước ngoài.