Ghi nhận ở Hội thảo Hội An

LTS. Trong hai ngày 4 và ngày 5/8/2009 tại Hội An (Quảng Nam), Hội đồng Lý Luận Phê Bình Văn Học, Nghệ Thuật Trung Ương đã diễn ra cuộc hội thảo về “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng đã đến dự và phát biểu. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung Ương Đảng, Chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Phê Bình Văn học, Nghệ thuật Trung Ương đã khai mạc và kết luận Hội thảo.

Dưới đây, chúng tôi xin lược ghi, trích đăng một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, của các văn nghệ sĩ tham dự Hội thảo.

Nhà điêu khắc Nguyễn Quân: Trước làn sóng tượng đài tưởng như không gì ngăn cản nổi, có anh bạn đùa với tôi: Nước ta ra ngõ gặp anh hùng. Không nhẽ mỗi ngõ ta làm một tượng đài giá từ 3 tỷ tới 200 tỷ.

Hiện nay, ta đã là nước nhiều tượng đài nhất thế giới rồi! Về chính trị, tượng đài là hình thức tuyên truyền giáo dục của Liên Xô cũ, thịnh hành nhất từ 1930-1980. Ta học theo lối này, kém hơn họ nhiều mà vẫn tiếp tục mặc dù ngày nay Nga cấm không làm tượng đài nữa, Trung Quốc cũng vậy.

Các cấp của ta cho rằng, tượng đài là cách duy nhất để làm nghệ thuật tuyên truyền nhưng không phải như vậy. Thời chiến, ta tuyên truyền cực giỏi mà không cần tượng đài. Trong khi tranh cổ động thời đó nay đang được các nhà sưu tập săn lùng! Mấy nghìn năm dựng nước giữ nước, cha ông ta rất giỏi vận động nhân dân, cũng không cần làm tượng đài tốn kém, kềnh càng, phá hỏng môi trường.

Tôi chỉ xin với các vị lãnh đạo rằng, có nhiều cách để tuyên truyền giáo dục hay hơn, hiệu quả hơn. Mỗi nhiệm kỳ muốn ghi dấu bằng một hay nhiều tượng đài không phải là cách hay. Về kinh tế, đó là sự lãng phí lớn, là cơ hội xảy ra tham nhũng (đã có người đi tù vì tượng đài). Ai cũng có suy nghĩ nếu những chục tỷ, trăm tỷ đó được chuyển tới gia đình người có công hy sinh, cho con cháu họ được học hành… hoặc xây các công trình văn hóa công cộng để dân được hưởng thụ văn hóa thì có nhân nghĩa hơn nhiều.


Quang cảnh buổi hội thảo ở Hội An. Ảnh: TTXVN.

PGS-TS Nguyễn Văn Dân: Trong lĩnh vực văn hóa tôn giáo, tự do tín ngưỡng cũng đang được lợi dụng để nạn mê tín dị đoan hoành hành và phát triển chưa từng thấy.

Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, do lối tư duy giáo điều, cộng với điều kiện lịch sử khó khăn, việc lễ bái đã bị hạn chế. Sự việc đó đã gây ức chế cho người dân trong một thời gian dài. Đến thời đổi mới, sự ức chế tích tụ lâu ngày liền bung ra như nước vỡ bờ. Trên toàn cõi Việt Nam, đâu đâu cũng thấy lễ bái, nhà nào cũng lễ bái. Mọi thành phần người dân đều lễ bái.

Đi lễ nhiều thì phải có hội. Thế là các lễ hội cũ được phục hồi, lễ hội mới được sáng tạo thêm. Có những cuộc vui chỉ mang tính chất liên hoan, thi tài, nay cũng được xếp vào phạm trù “lễ hội” (như lễ hội pháo hoa, lễ hội thả diều…). Người ta đã tổng kết, chỉ riêng trong tháng Giêng, cả nước đã có 1.000 lễ hội, trong đó có 65 lễ hội cấp quốc gia, còn tính cả năm thì nước ta có tới khoảng 9.000 lễ hội thuộc đủ các loại và các cấp (Theo Đài tiếng nói Việt Nam ngày 2/3/2009).

Lễ hội diễn ra triền miên, hết ngày này sang ngày khác, có lễ hội diễn ra hàng tháng trời, có lễ hội kéo dài cả mùa xuân, như lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Yên Tử, lễ hội chùa Bái Đính… Tất nhiên, vui chơi là một nhu cầu chính đáng. Nhưng vui chơi triền miên là một sự lãng phí tiền của và thời gian mà hầu như ít xảy ra ở các nước phát triển.

Vì thế trong thời đại hiện nay, với sự phát triển ồ ạt của hệ thống đền chùa, cái ưu điểm hòa hợp với thiên nhiên tưởng chừng như rất phù hợp với quan điểm phát triển bền vững hiện đại, lại đang bộc lộ một nguy cơ phát triển phản bền vững: Người ta tàn phá, hủy hoại, làm ô nhiễm thiên nhiên để phát triển văn hóa tôn giáo - du lịch.

Ngoài ra, lợi ích kinh tế của lễ hội văn hóa tôn giáo – du lịch đang làm cho người ta không tính đến những hậu quả tiêu cực của loại hình văn hóa cộng sinh tôn giáo – du lịch này: Xuất hiện ngày càng nhiều xu hướng cầu lợi trong lễ bái, thói mê tín dị đoan như xin lộc, hầu bóng, bói toán… trở nên phổ biến và cho đến nay đã phát triển đến mức không thể kiểm soát.

Rõ ràng, loại hình văn hóa lễ hội đang bị biến dạng. Ban đầu, ở cả phương Đông lẫn phương Tây, lễ hội là một loại hình tín ngưỡng. Ngày nay đã xuất hiện xu hướng thế tục hóa lễ hội. Trong thời đại kinh tế thị trường, xu hướng này còn bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Tất nhiên, việc tạo ra giá trị gia tăng cho văn hóa là một xu hướng hợp lý. Tuy nhiên, người ta đang lợi dụng và đầu cơ văn hóa để trục lợi.

Có những lễ hội mang tính dã man và vụ lợi đến vô nhân đạo: Chọi trâu. Chọi xong, trâu thắng trâu thua đều bị xẻ thịt đem bán để “phát lộc”! Theo truyền thuyết, chọi trâu xong, trâu chọi được mổ thịt để khao quân. Nay người ta xẻ thịt trâu chọi (và trộn lẫn cả thịt trâu thường) để bán với giá ngất ngưởng (từ 300.000 đến 700.000 đồng/kg). Tất cả được công khai bày bán mà không gặp bất cứ sự kiểm soát nào.

Chúng tôi muốn kết luận lại là, trong số các nguyên nhân bên trong và bên ngoài, thì rút cục nguyên nhân về trình độ dân trí là nghiêm trọng hơn cả. Sự tiến bộ xã hội đang góp phần nâng cao đời sống của người dân. Nhưng cái tâm lý a dua, phi lôgic đã làm cho người ta lãng quên cái gốc của mình khi tiếp thu các giá trị văn hóa bên ngoài, dẫn đến việc tiếp thu không phân biệt, không tính đến sự phù hợp và tương thích giữa các giá trị bên ngoài với cơ sở văn hóa bên trong.

Cái tâm lý a dua đó còn hạn chế sự tiếp thu một cách đồng bộ các mặt của đời sống văn hóa để nâng cao dân trí. Sự kế thừa và tiếp nhận các giá trị văn hóa thường thiên về tính kinh tế - vật chất đã làm gia tăng phong trào a dua lễ bái cầu may, cầu lợi, mà không biết vô tình hay cố ý đã quên mất một truyền thống rất đẹp của người Việt Nam cũng đã được thể hiện trong ca dao từ bao đời nay: “Tháng Giêng chân bước đi cày / Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng”.

Rõ ràng, khắc phục những hạn chế và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một công việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự phát triển trí tuệ cho con người và xây dựng một nền văn hóa hiện đại, văn minh.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh (Hội Nhà văn Việt Nam): Các nhà thơ sinh ra sau năm 1975, càng ngày càng đông đảo, sung sức. Ít nợ nần với quá khứ, lại được trang bị đầy đủ về văn hóa, ngoại ngữ và công nghệ thông tin, các bạn bước vào cuộc hội nhập nhẹ nhàng như bước vào ngôi nhà dành sẵn cho mình. Đó là cái may của một thế hệ và cũng là cái hồng phúc của cả dân tộc, sau hơn 30 năm ra khỏi chiến tranh.

Các bạn rất tự tin, luôn làm chủ được mình, nhưng lại vô cùng nôn nóng. Đôi khi thảng thốt và bất an, trong khi cần phải tạo dựng những giá trị văn hóa và tinh thần chắc chắn, vững bền.

Các bạn đến thẳng với cái điều mình mong muốn, không nhân nhượng với ai, cũng không chờ đợi ai, kể cả chính mình, để lại khoảng trống vắng phía sau và ít nhiều ngơ ngác cho bạn đọc.

Các bạn quyết tâm làm mới mình, phá vỡ hết thảy những chuẩn mực cũ, bẻ vụn câu thơ lục bát, gia tăng yếu tố văn xuôi và điện ảnh vào thơ, làm cho trang thơ bề thế, ngổn ngang, phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Còn về giọng điệu và cấu trúc thơ, thì gần với bản dịch nghĩa thơ chữ Hán ra thơ chữ Việt, đã có ở Việt Nam từ nhiều chục năm nay. Cái đó không phải là ngoại lai. Vẫn rất văn hóa, rất truyền thống, rất dân tộc, dù đâu đó, vẫn thấy các bạn chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhiều hơn là văn hóa phương Đông, vốn rất quen thuộc với thế hệ cha ông mình.

Cái đó các bạn không có lỗi. Cũng có thể, đó là khuôn mặt tương lai của thơ Việt Nam, nếu các bạn chinh phục được đông đảo bạn đọc, được đông đảo bạn đọc ủng hộ và lựa chọn.

Tôi nghĩ là các bạn có trách nhiệm phải đổi mới cả nền văn học này và các bạn có quyền làm như mình mong muốn. Có điều, nội lực của các bạn, cái Lò cừ nung nấu sự đời, như cụ Nguyễn Gia Thiều xưa từng nói, chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh, để biến tất cả những thứ mình làm thành nghệ thuật. Bởi thơ là sự chiết xuất cuộc sống và sự từng trải, với sự điểm chỉ của tâm hồn nhà thơ vào từng câu chữ của mình.

Nhà văn Xuân Đức (Hội Nhà văn Việt Nam): Văn học nghệ thuật là một bộ phận của văn hóa, lại là bộ phận tinh túy, nhạy cảm nhất của văn hóa. Đối với văn hóa, phương châm của chúng ta là bảo tồn và phát huy những giá trị tiêu biểu nhất của bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của nhân loại. Tôi biết có một vài người rất ghét khẩu hiệu đó, họ cho rằng nói thế là bảo thủ, là cách nói của một thể chế chính trị bảo thủ hoặc của những người không có chút kiến thức nhân loại hiện đại.

Tôi xin đặt trở lại một câu hỏi, nhân loại hiện đại nhất là ai, Liên hiệp quốc có phải là một tổ chức lớn nhất đại diện cho tất cả các quốc gia hiện đại không? Vậy trong lúc Liên hiệp quốc kêu gọi toàn cầu hóa về kinh tế, tổ chức ra sân chơi chung cho thế giới về thương mại, đầu tư; thì đối với văn hóa khẩu hiệu của Liên hiệp quốc là gì? Có phải bảo tồn và phát huy giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc không?

Không chỉ là khẩu hiệu mà UNESCO còn bỏ ra hàng trăm tỉ đô la giúp đỡ các quốc gia, các dân tộc để trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa, bảo tồn các di sản thế giới, sưu tầm và phục dựng các giá trị di sản phi vật thể, các không gian văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Liên hiệp quốc cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới chưa hề đưa ra khẩu hiệu đồng nhất văn hóa, xóa hết dấu vết dân tộc. Có thể thấy rõ ước muốn của nhân loại cho tương lai một thế giới đại đồng là các quốc gia hội nhập, có một nền kinh tế tương đồng với trình độ để hợp tác kinh doanh với nhau, có một không gian chung về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và có một vườn văn hóa đa sắc, đa màu, đa thanh để làm phong phú cho nhau. Không ai lại ước muốn một thế giới đồng nhất một màu văn hóa, vì như thế là tiêu diệt văn hóa.


Duyên dáng điệu múa dân tộc.

Nguyễn Thị Minh Châu (Nhà nghiên cứu âm nhạc): Tính thời đại trong nhạc cổ cũng như tính dân tộc trong nhạc mới đều liên quan trực tiếp đến sức sống của âm nhạc nước nhà. Song cái quyết định sự trường tồn của tác phẩm âm nhạc nói cho cùng không hẳn vì nó rất dân tộc hay rất thời đại, mà đơn giản ví nó… hay!

Cái hay phụ thuộc vào tài sáng tạo cá nhân và cái tôi không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật, luôn mang dấu ấn dân tộc và thời đại là không gian bao bọc và nuôi dưỡng cái tôi ấy. Vì thế, giải pháp cho vấn đề lớn lao “dân tộc – hiện đại” hóa ra lại bắt đầu từ cách nhìn nhận vai trò cá thể sáng tạo. Chỉ khi những cái tôi nghệ sĩ được tôn trọng thực sự và được khích lệ kịp thời, mới mong có ngày nở hoa kết trái cho nền âm nhạc nước nhà trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Muốn thấy rõ tính dân tộc và tính thời đại trong âm nhạc, thì ít nhất cũng phải biết giới nhạc sĩ đã làm được gì, hiệu quả âm thanh vang lên thế nào, vậy thù lao được bao nhiêu để có sản phẩm chất lượng, chất lượng được bao nhiêu để dựng nên chương trình hấp dẫn, chương trình hấp dẫn có bao nhiêu để nghe, nghe được bao nhiêu để hiểu, hiểu được bao nhiêu để yêu để say?

Phân tích, phát hiện, đánh giá, đúc kết và dẫn giải cái hay cái dở trong sáng tạo để gợi mở cho người nghe và khích lệ người viết là nghề của các nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp, nhưng sao họ cứ lảng tránh vai trò đồng hành cùng sáng tác? Mấy ai hiểu cho họ vì những lẽ rất đời thường: Nói ở đâu khi không có diễn đàn, viết làm gì nếu không đâu đăng tải, đăng làm gì với nhuận bút chất xám quá rẻ mạt?

Phan Hồng Cẩm (Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật Quảng Ninh): Trước dòng phim thị trường của Hàn Quốc, phim dã sử Trung Quốc, phim hành động Mỹ, phim tình ái phương Tây, chúng ta đáp lại bằng “Giờ vàng – phim Việt” ít ỏi về số lượng, yếu ớt, kém hấp dẫn về chất lượng.

Các phim truyền hình nhiều tập của chúng ta phần lớn là mua bản quyền kịch bản phim nước ngoài, sau đó “Việt hóa” một cách vội vã, sống sượng và cẩu thả, rất nhiều ý kiến phát biểu trên các phương tiện truyền thông về chất lượng của “Giờ vàng - phim Việt” thậm chí nhiều ý kiến yêu cầu dừng phát sóng những phim đang phát như Những người độc thân vui vẻ

Lĩnh vực âm nhạc cũng có rất nhiều vấn đề cần phải làm… Ngoài những thành tựu mà bất cứ báo cáo nào cũng có thể kể ra, ngoài những ca sĩ, nhạc sĩ được lăng xê thành những ông hoàng, bà chúa (những số lượng tác phẩm mà họ sáng tác và biểu diễn hình như không đi được vào trong công chúng) thì chúng ta có gì? Chúng ta thừa nhận rằng, rất nhiều nhạc phẩm của các nhạc sĩ đương đại có ảnh hưởng bởi nhạc Hàn, nhạc Thái, nhạc Hoa, nhưng chúng ta có bao nhiêu bài hát được dịch ra tiếng nước ngoài?


Đồng chí Tô Huy Rứa tại hội nghị.

TS Nguyễn Thành Đức: Hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật Múa dân tộc Việt Nam hiện đại là kết quả của quá trình lịch sử, liên tục hội nhập các loại ngôn ngữ nghệ thuật múa tinh hoa của dân tộc và ngôn ngữ nghệ thuật múa tinh hoa thế giới.

Việt Nam là vùng đất ngã tư đường giao lưu của thế giới; dù muốn hay không thì văn hóa thế giới cũng cứ tràn vào và dù muốn hay không cũng cứ phải đón nhận. Đó là điều đáng mừng. Vấn đề còn lại là nghệ sĩ múa chúng ta, thế hệ con cháu của tổ tiên hôm qua và là cụ ông cụ bà của con cháu tương lai sẽ phải làm công việc tuyển chọn phát triển như thế nào, để nghệ thuật Múa Việt Nam ngày càng giàu thêm, phong phú thêm, làm tốt trách nhiệm của nghệ thuật Múa trong đất nước đang tiến vào thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hòa nhập vào toàn cầu hóa.

Chúng ta không thể quá vọng cổ hay quá vọng ngoại, mà phải trung dung để tồn tại và phát triển. Đây là một thử thách khắc nghiệt đòi hỏi các nghệ sĩ Múa Việt Nam thích ứng và vượt qua, để: “Ta vẫn là Ta, trong Ta có Thế giới và trong Thế giới có Ta góp phần”. Cơ sở của sự quyết định cách làm nào còn là tinh thần biết ta, biết người, biết quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai.

Trước mắt, các nghệ sĩ sáng tạo Múa vận dụng các loại ngôn ngữ nghệ thuật Múa một cách sáng tạo có chọn lọc, để sáng tạo thử nghiệm nhiều tác phẩm nghệ thuật Múa mang nội dung đương đại, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại. Đồng thời, đó cũng là từng bước tích cực thể nghiệm xây dựng hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật Múa Việt Nam hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.