Giữ hồn cốt đô thị-di sản Huế

LTS: Vừa qua, Bộ Chính trị đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế về vấn đề nâng cấp Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thừa Thiên-Huế cần rà soát, bổ sung quy hoạch theo tinh thần quy hoạch phải đồng bộ, phát triển hài hòa.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một người có lòng yêu Huế và có kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng các thành phố loại này, có một số ý kiến đóng góp tâm huyết. Hồn Việt đăng lên và mong sẽ có nhiều ý kiến xây dựng cho Huế thân yêu của chúng ta.

Đối kháng giữa bảo tồn và phát triển

Cũng như hầu hết các thành phố trong nước bước vào nền kinh tế thị trường, Huế cũng đang đối mặt với sự phát triển hỗn độn. Tuy vậy, vấn đề của Huế phải khác, do đây là một đô thị-di sản duy nhất còn sót lại của đất nước, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO xếp hạng. Phát triển Huế không thể cứ cái cũ là thay, nhắm làm sao phục vụ được yêu cầu mới, như kiểu làm các thành phố mang nặng tính kinh tế như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương...

Huế lịch sử-văn hóa phải được bảo tồn và phát huy giống các đô thị-di sản nổi tiếng thế giới như Tây An (Trung Quốc), Roma (Ý), Kyoto (Nhật Bản), St-Petersburg (Nga), Philadelphia (Hoa Kỳ). Kinh qua phát triển mới các thành phố di sản nêu trên cũng từng đối mặt với sự hỗn loạn, nhưng người ta đã tìm được các giải pháp chấn chỉnh, kịp thời khắc phục và phải nói là thành công dung hòa được hai phạm trù đối nghịch tưởng như không thể dung hòa nhau là bảo tồn và phát huy. Thừa Thiên-Huế có thể nào rút tỉa được bài học từ các kinh nghiệm đó để phát triển bền vững?

Vấn đề cấp bách hiện nay là Huế đang cần xác định cho được một định hướng phát triển sáng tạo mới, một phương án quy hoạch xây dựng tổng thể, đi kèm với một chiến lược bảo tồn và phát triển phù hợp. Ưu tiên là bảo tồn và cải tạo cái lõi di sản thành phố Huế, đề ra được kế hoạch bảo tồn với một quy chế quản lý đặc biệt. Chưa có được những cái tiên quyết đó, thì di sản vật thể Huế sẽ tiếp tục bị xâm hại, di sản phi vật thể Huế sẽ sớm mai một, vùng Thừa Thiên-Huế sẽ phát triển hỗn độn.

Hiện nay Thừa Thiên-Huế với diện tích 5000km2, dân số trên 1,1 triệu người, có rừng, có biển, có trung du, đồng bằng, đầm phá, có nhiều khu bảo tồn sinh thái lớn. Nhưng thế mạnh nổi trội của vùng này là đô thị-di sản Huế. Nhưng Thừa Thiên-Huế cũng đang phát triển đa dạng, nào là du lịch sinh thái, y tế chuyên sâu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước.

Kinh thành Huế

Huế là thành phố di sản của Việt Nam có thể nào phát triển đúng hướng với cái hồn lộ rõ là đô thị mới và cũ hòa nhập trong một không gian chung tuyệt đẹp và hài hòa. Nhà Nguyễn đã xây dựng nên kinh đô của mình, người Pháp cũng xây dựng trung tâm bảo hộ cách biệt. Huế hiện đang được phát triển dựa trên cảnh quan đó. Và cái hồn của Huế là hài hòa với thiên nhiên, hiền hòa và bình dị.

Lõi kinh thành Huế hầu như bị hủy diệt sau Tết Mậu Thân 1968, nay Huế cũng đang đối mặt với làn sóng xây dựng xô bồ, có nguy cơ phá nát di sản cố đô. Tôi đã nghiên cứu nhiều bài học “phát triển trong sự tiếp nối”, hài hòa giữa cái cũ và cái mới, của các thành phố di sản nổi tiếng thế giới nêu trên.

Phát triển bền vững nhằm giữ hồn cốt Huế

Trong quy hoạch xây dựng đô thị, nhất là dạng đô thị-di sản như Huế, hai phạm trù bảo tồn và phát triển luôn đối kháng nhau. Tuy vậy, nếu biết ứng xử có văn hóa, đề ra được hướng bảo tồn và phát triển đúng đắn, Huế vẫn có thể phát triển bền vững, dung hòa được việc giữ gìn bản sắc và phát triển.

Đối với toàn vùng Thừa Thiên-Huế, khái niệm “Đô thị di sản trong sự tiếp nối” cũng cần được triển khai, với hạt nhân là thành phố Huế và các đô thị sinh thái nhỏ bao quanh.

Ưu tiên là bảo tồn và cải tạo cái lõi di sản thành phố Huế, đề ra được kế hoạch bảo tồn với một quy chế quản lý đặc biệt. Chính quyền nay dứt khoát phải nói “không” với xây dựng xen cấy, tăng độ cao và phá vỡ không gian cảnh quan đang diễn ra ở bờ nam sông Hương (khu phố Tây), cần tạo lập một chùm đô thị vệ tinh bao quanh thành phố Huế.

Chiến lược phát triển Thừa Thiên-Huế là phải có sự tiếp nối trong phát triển. Đối với cái lõi đô thị trung tâm, cần bảo tồn riêng từng khu đô thị di sản, không chỉ cải tạo để thích ứng với cuộc sống mới, mà vẫn duy trì đặc điểm tổ chức không gian cũ. Quản lý cải tạo ở đây phải có quy chế riêng. Cụ thể là các phường trong kinh thành, các khu Gia Hội, Bao Vinh, các làng Kim Long, Vĩ Dạ, Thủy Biều… thuộc diện này.

Tiếp đến là bảo tồn các vùng cảnh quan hai bên bờ sông Hương, các đồi Vọng Cảnh, Thiên An, vùng đất Thủy Xuân… Tuyệt đối không cho phép xây dựng những công trình phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Đột phá hơn nữa là tạo lập hẳn một chùm đô thị vệ tinh bao quanh Huế. Đó là các khu đô thị mới, công nghiệp hoặc dịch vụ, tập trung và thực sự hiện đại, nhưng phải chú ý tạo những vùng đệm, vành đai chuyển tiếp giữa Huế cũ và Huế mới.

Trước sự kiện chính quyền Huế cứ nhất quyết xây dựng cho bằng được thành phố trực thuộc trung ương mà chạy theo những tiêu chí nặng về kinh tế thì sau này sẽ phải trả giá rất đắt. Theo ý kiến chung giới chuyên môn tham dự cuộc hội thảo phát triển Huế vào cuối năm 2013, Huế nên tổ chức ngay một cuộc thi quốc tế để chọn ý tưởng quy hoạch, tiếp đó phải trưng cầu ý kiến người dân về quy hoạch này, sau đó mới đem ra thực hiện. Nếu tổ chức thi tuyển quốc tế, chắc chắn sẽ có những chuyên gia quy hoạch giỏi tham gia. Họ có cái nhìn tổng quan, có tầm nhìn chiến lược sẽ tư vấn nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững. Lúc đó, Thừa Thiên-Huế sẽ chọn được một phương án quy hoạch phát triển tốt, tránh được tình trạng quy hoạch đô thị rối rắm như ở nước ta hiện nay.

KTS NGUYỄN HỮU THÁI