Giữ lấy nghề truyền thống của cha ông

Dưới bàn tay điêu luyện của nghệ nhân Hồ Văn Việt (thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị), cây đàn Talư (tiếng Pa Kô gọi là Preh) tiếp tục cuộc hành trình góp phần thôi thúc đồng bào vùng khó vươn lên dựng xây quê hương trù phú. Tuy nhiên, nỗi lo về sự mai một nghề truyền thống vẫn luôn làm bận tâm anh Việt và những người tâm huyết bảo tồn, phát triển cây đàn Talư…

Không chỉ yêu nghề

Những cây đàn Talư bằng gỗ đủ kích cỡ từ cây đã hoàn thiện đến cây đang làm dở dang được treo cẩn thận trên vách tường ngôi nhà sàn giản dị của Hồ Văn Việt. Đam mê với nghề chế tác đàn Talư của ông nội và bố từ thời tấm bé, anh không hề thấy nản khi hàng ngày, hàng giờ nghĩ suy làm sao duy trì và phát triển về mặt thẩm mỹ của loại đàn có đặc trưng riêng này một cách phù hợp nhất. Ngồi trên sàn nhà, nâng ly rượu trắng được nấu từ nếp bản và món lạp cá sông vừa câu về ban sáng ra mời khách, Việt say sưa nói về cách làm đàn Talư ngày xưa cũng như việc cách điệu đàn bây giờ.

Đàn Talư có từ hàng trăm năm trước, nó gắn bó với cuộc sống tinh thần của người Vân Kiều và Pa Kô. Đàn ngày xưa được làm chủ yếu từ nguyên liệu tre, dễ làm và không tốn nhiều thời gian. Chỉ cần chọn loại tre già, chắc bằng cổ tay, chặt tre thành một khúc dài khoảng 50-80 cm, khoét thông hai đầu ống. Chọn một mặt của thân tre để tạo nên mặt trên của ống, sau đó khoét một lỗ nhỏ giữa phần mặt trên hai đầu ống. Từ đây, bắt đầu hoàn thiện các phần dây đàn bằng tre (chỉ có 2 dây), dụng cụ điều chỉnh cho căng dây đàn. Thời chống Mỹ, sức mạnh cổ vũ tinh thần của loại đàn đã góp sức cùng bà con nơi đây tiếp lương, tải đạn, đi theo cách mạng. Lúc này, cây đàn được cải tiến to hơn, hình thức đẹp hơn, đàn Talư bằng gỗ vì thế ra đời.

Cầm trên tay cây đàn Talư, anh Việt tiếp tục nói về nhạc cụ mình tâm huyết. Cây đàn Talư bây giờ chủ yếu làm bằng gỗ. Vật liệu chính làm đàn là những cây mớc nhiều năm tuổi, sau đó dùng rựa tạo dáng cây đàn rồi treo trên giàn bếp cho khô. Đàn Talư nhìn bên ngoài gần giống cây đàn măng đô lin (của phương Tây) hay đàn nguyệt của dân tộc Việt nhưng nhìn kỹ lại rất khác biệt, thân đàn có hình bầu dục thon hơn và có 3 dây.

Đàn gồm các phần: bầu dưới (a pôộc), thân trên (proong), phần trên cùng (plo), các cung bậc (kâl lăng), dụng cụ điều chỉnh dây (parviêt), dây đàn (ưm preh). Tùy theo sở thích của từng người mà chế tạo đàn to hay nhỏ. Điều đặc biệt, cây đàn cách tân này vẫn giữ được âm thanh êm ái và trong trẻo như cây đàn Talư nguyên thủy. Thường thì loại đàn nhỏ dành cho phụ nữ, loại đàn to dành cho đàn ông đánh. Thời gian làm một chiếc đàn nhỏ khoảng 6-7 ngày, đàn to khoảng 10 ngày.

Khi chơi nhạc cụ này, đàn được đặt giữa lòng hai bàn tay, chỉ cần dùng 2 ngón tay cái để gãy đàn, các ngón tay khác luân chuyển tùy theo điệu nhạc. Âm thanh đàn phát ra rất trong. Người chơi đàn có thể vừa đánh đàn vừa hát bài hát mình yêu thích. Điều đặc biệt là đàn Talư dễ chơi có thể chơi bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, không phân biệt già, trẻ, trai, gái. Thông qua cây đàn, người Vân Kiều, Pa Kô có thể tỏ tình cảm buồn, vui với nhau. Tiếng đàn còn để giải trí lúc nghỉ ngơi, ru con, giao duyên, cầu mưa thuận gió hòa, mừng lễ hội…

“Đàn Ta Lư là một nhạc cụ không thể thiếu được trong các buổi văn nghệ, lễ hội, nam nữ giải bày tình cảm... của các bản làng người Vân Kiều và Pa Kô. Tại liên hoan dân ca Việt Nam năm 2013 Khu vực Bắc Trung bộ diễn ra tại thành phố Huế, với tiết mục dân ca làn điệu lal lih chủ đề đoàn kết, đoàn huyện Đakrông đã đạt thành tích xuất sắc. Để có được kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của tiếng đàn Talư do nghệ nhân Hồ Văn Việt biểu diễn. Anh không chỉ đam mê giữ gìn nghề truyền thống của cha ông mà còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương”, anh Kray Sức tự hào khi nói về nghệ nhân Hồ Văn Việt ở quê mình.

Nguy cơ mai một

Hiện giờ, số nghệ nhân còn chú tâm làm đàn Talư ở Tà Rụt đếm trên đầu ngón tay. Cả xã chỉ còn 3 người cao tuổi thường xuyên chế tác đàn là các ông: Mai Hoa Sen, Côn Thay và Côn Máy. Những người trẻ tuổi như anh Việt giờ rất hiếm ai cất công dành thời gian và tâm sức để làm đàn Talư.

“Làm ra một cây đàn Talư mất khá nhiều thời gian và phải tỉ mẫn từng đường nét sao cho đúng âm thanh của cây đàn truyền thống. Bình quân mỗi tháng nếu dành nhiều thời gian tôi chỉ làm được khoảng 3- 4 cây. Tôi rất vui khi vừa rồi, anh Kray Sức có ý bỏ tiền túi để đặt tôi làm 5 cây đàn Talư phục vụ cho việc sưu tầm nhạc cụ truyền thống của anh. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các phương tiện giải trí hiện đại, lớp trẻ bây giờ ít ai quan tâm học cách làm đàn. Do đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn, nên phần lớn số đàn của tôi làm ra chỉ dành để tặng người thân hoặc nếu có ai đặt mua thì làm...”, anh Việt có vẻ buồn buồn nghĩ đến số phận sau này của đàn Talư.

Năm nay anh Việt đã 40 tuổi nhưng so với tuổi của các nghệ nhân chế tác đàn Talư ở Tà Rụt thì anh trẻ nhất. Nếu không có những chính sách động viên kịp thời, có giải pháp duy trì và phát triển “thương hiệu” đàn Talư thì liệu trong nay mai còn ai chăm chút giữ lấy nghề truyền thống cha ông như anh Hồ Văn Việt? Liệu cây đàn Talư tiếp tục được duy trì để đi cùng năm tháng như những ca từ đẹp trong bài hát Tiếng đàn Talư (Huy Thục): “Đàn Talư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng mừng thắng trận quê em...”.

Theo báo Quảng Trị