Chiều ngày 18/10 tôi có mặt tại gia đình ông Nguyễn Văn Hiển xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, thì gặp cảnh một ông già 82 tuổi ôm chân bàn đặt chiếc tiểu sành đựng hài cốt liệt sĩ con trai, nghẹn khóc: “Họ bảo tui cứ ký vào văn bản, tưởng họ cho đưa con vào nghĩa trang, ngờ đâu họ lừa tôi…”
Nối lời ông già, mấy người phụ nữ trong gia đình khóc thảm thiết. Tôi xem kỹ văn bản thì thấy chứa đựng bao nhiêu điều phi lý. Xin trích lại nguyên văn một số đoạn sau đây:
“Biên bản kiểm tra hài cốt quy tập từ Campuchia:
Hôm nay lúc 8h00 ngày 18/10/2011, tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước, chúng tôi gồm có:
1. Đại diện sở LĐTB&XH bà Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Sở.
2. Đại diện Đội quy tập mộ liệt sĩ K72 – Bộ CHQS tỉnh Bình Phước: ông Nguyễn Văn Bình – Đại tá, Đội trưởng K72.
3. Đại diện gia đình thân nhân liệt sĩ ông Nguyễn Văn Hiển.
4. Đại diện Công an huyện Đồng Phú: ông Hoàng Văn Tuấn – cán bộ đội an ninh.
Cùng gia đình tiến hành kiểm tra bộ hài cốt được quy tập từ Campuchia đựng trong một chiếc tiểu sành. Sau khi kiểm tra bên ngoài các dấu niêm phong vẫn còn nguyên vẹn. Khi tiến hành mở nắp tiểu sành, ở trong rất nhiều đất và hai gói di vật. Một gói di vật có một huy hiệu tròn, trên có ngôi sao có ký hiệu CA. Một gói di vật có một miếng sành 2x3cm và một số sỏi.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Đoàn làm việc có ý kiến như sau:
1. Ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Bình: Qua nhiều năm đi bốc mộ ở Campuchia, thì đây không phải là mộ liệt sĩ. Huy hiệu công an nếu chôn cất sau 30 năm thì không còn độ sáng như vậy…
2. Ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà: Qua kiểm tra, Đoàn kết luận đây không có cơ sở là mộ liệt sĩ.
Qua đợt này thì gia đình cùng với Nhà nước tiếp tục tìm kiếm mộ liệt sĩ”.
Các con ông Hiển phẫn nộ miêu tả lại hành vi của Đoàn kiểm tra đã moi toàn bộ phần hài cốt mà gia đình bỏ trong tiểu sành, xới xáo làm khối đất có hình cái sọ người đã bị vỡ vụn nát bét (!).
Sáng ngày 19/10, Thiếu tá Nguyễn Đăng Phong – Đội trưởng – Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng 855 đưa chúng tôi qua biên giới Campuchia xem xét hiện trường khu vực khai quật mộ. Biên bản “Xác nhận khai quật hài cốt liệt sĩ” được ghi lúc 11h30 ngày 16/10/2011 rất chi tiết.
Ngoài những người trong gia đình thì có 3 cán bộ Biên phòng Đồn 855, đó là: Đại úy Lê Tuấn Dũng – Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Thiếu tá Nguyễn Đăng Phong – Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Thượng úy Nguyễn Văn Hải – Trinh sát viên. Phía Campuchia có ông UnBon – Phó chủ tịch phường Prasat thành phố Bàvét, tỉnh Soài Riêng, ông UnSờPhip – Chốt trưởng Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới X8 vương quốc Campuchia và một thành viên là ông Mia Soc Tha.
Sự việc này còn được nhiều bà con sở tại chứng kiến. Còn thêm một văn bản cam kết, ghi tên 13 thành viên gia đình ông Hiển, khẳng định: Đây là hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh mà chúng tôi đã tìm kiếm hàng chục năm nay mới thấy.
Vậy mà trong văn bản của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Bình Phước ngồi viết cách nơi khai quật hơn 100 km của một người mang danh là Đội trưởng Đội quy tập, không có mặt tại hiện trường, không làm nhiệm vụ khai quật… chỉ ra tay phá niêm phong hài cốt mà gia đình khâm liệm, được hai Đồn Biên phòng niêm phong. Ông ta bới tung phần máu thịt của người đã hy sinh biến hóa thành mùn đất. Những mẫu răng mà gia đình nhặt được trong hộp sọ đã bị phong hóa thì ông cho rằng là những hòn sỏi. Ngôi sao trên mũ Hải quân thời trước, ông ta nghi ngờ là Huy hiệu Công an… (!). Tất cả sự “giám định” vội vàng đó, đã “mở đường” cho bà Giám đốc Sở kết luận liều: “Đây không có cơ sở là mộ liệt sĩ”.
Thưa bà Giám đốc! Một liệt sĩ nằm tại Phum Prasat – phường Prasat thuộc thành phố BàVét, tỉnh Soài Riêng – Campuchia, cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng hơn 1 km về phía đông, đã 32 năm dưới lòng đất ẩm ướt. Khi Nguyễn Đức Lĩnh dẫm phải mìn chỉ còn lại một phần trên của thân thể, được một ông già thương tình đào một hố khoảng hơn nửa mét vùi vào lòng đất không một manh chiếu khâm liệm.
Bằng nhiều kênh thông tin, hơn 32 năm nay gia đình đã tìm đến, cùng 6 nhân viên của hai Đồn Biên phòng tiến hành khai quật. Những gì lấy được dưới phần mộ dẫu “Đoàn kiểm tra” xới xáo làm vụn nát nhưng ngôi sao trên đầu của người chiến sỹ Hải quân ấy dưới lòng đất vẫn sáng ngời cũng bị nghi ngờ, bác bỏ. Thậm chí, nhân viên của bà Giám đốc còn cho rằng, đây là hài cốt lính Pôn Pốt…
Thưa bà! Phải chăng Đồn Biên phòng của hai nước đã lập văn bản khống? Hàng chục người trong gia đình suốt bao nhiêu năm trèo đèo lội suối, vượt nghìn cây số đi tìm thân nhân đều cả tin và dốt nát?
Các chiến sĩ Biên phòng còn cho biết thêm: Trước đó, Đồn này cũng đã cất bốc hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Như Mỹ sinh năm 1954, quê quán thị trấn Chương Mỹ, Hà Tây cũ, hy sinh ngày 23/5/1975, hài cốt không được nhiều như hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh. Di vật trong mộ còn một đầu đạn…Đồn Biên phòng này cũng lập biên bản như liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh, gia đình đưa về Hà Tây đã được địa phương chấp nhận và đưa vào nghĩa trang.
Vậy mà di cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh - một người con của Bình Phước - lại bị Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước không thừa nhận. Sự việc này có khiến linh hồn liệt sĩ phải “chết” lần thứ hai!?

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Lĩnh.
Hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh bị Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước khước từ, ngày 22/10, mấy người em của anh đành khởi hành đưa anh về quê gốc Hà Tĩnh, với hy vọng sẽ được chấp nhận cho vào nghĩa trang quê nhà. Ngờ đâu, chiếc ô tô bốn bánh lăn theo đường Hồ Chí Minh ra Bắc vượt chặng đường gần 1.400 cây số chưa kịp đến nhà thì tờ “Biên bản kiểm tra hài cốt…” rất chủ quan, võ đoán đầy quyền lực của bà Giám đốc Sở Bình Phước đã đi theo con đường điện fax rất nhanh về nằm trên bàn Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh…
Họ tìm cách ngăn cản phần xương tan thịt nát của một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi đã chiến đấu quên mình vì Tổ quốc, không cho vào nghĩa trang quê nhà! Biết chăng đã làm linh hồn liệt sĩ chết lần thứ 3!?
Linh cảm biết có sự đồng hành cản trở, gia đình đã lặn lội lên tận Cửa khẩu Cầu Treo nhờ Trung tá Võ Trọng Hải – Đồn trưởng Đồn Biên phòng của Hà Tĩnh đã từng giúp đỡ, tiếp tục gọi điện can thiệp thêm, để gia đình trình đơn xin cho liệt sĩ được làm người vô danh vào nghĩa trang một thời gian với niềm tin còn mấy chiếc răng, nếu giám định trung thực thì liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh, vẫn được yên thân trong nghĩa trang, để khỏi lâm vào hoàn cảnh: “Một lần chết ba lần chôn” như những hài cốt của một số liệt sĩ trước đây được đưa từ chiến trường về bị ép chôn vào nghĩa trang của dòng họ, sau đó khi được cấp trên chấp nhận lại phải bới lên để đưa vào nghĩa trang Nhà nước.
Tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc trao cho tôi bản fax từ Bình Phước ra cùng với công văn số 919 “V/v thí điểm giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” của Cục người có công ban hành ngày 4/10/2011 do Phó Cục trưởng Lê Hồng Sơn ký. Đọc những dòng chữ ấy, chúng tôi ngẫm thấy: Trường hợp liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh không hề thiếu thông tin pháp lý…
Chẳng qua, bà Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước vô cảm cố tình ngăn cản đến tận cùng. Tại đây, tôi đã có một cuộc tranh luận nhỏ với ông Lê Tiến Dũng:
“Thưa ông! Qua bao cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đất nước phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn và ngư lôi trên đất liền cũng như ngoài biển. Hàng vạn chiến sĩ đã hi sinh không còn một mẩu thi thể. Có những người thuộc Đoàn tàu không số và các chiến sĩ đặc công nước chiến đấu trên 3.000 cây số bờ biển và hàng nghìn cây số trên sông ngòi, mất xác…Những người hi sinh trên đất liền dưới sức công phá của bom đạn, hầu hết là những thanh niên trong độ tuổi 19-20, khi được chôn cất không có một mảnh chiếu bọc thân, suốt 40 năm nay còn đâu là xương cốt để cho ngành LĐTB&XH giám định ADN?
Nhiều gia đình thân nhân nghèo khổ họ không đòi hỏi tiền…, khi tìm ra chút tro cốt, là nắm đất của người thân mang về, chỉ cần có một chỗ cho người thân yên nghỉ trong các nghĩa trang cùng đồng đội là chính đáng… Vì lý do gì mà nhiều người trong ngành cố tâm ngăn cản? Nên chăng lấy tiền đầu tư vào các công trình giám định, cho mở rộng thêm nghĩa trang để mỗi liệt sĩ có một phần mộ nơi quê hương để ấm lòng những người đang sống và đỡ tủi cho vong linh những người đã khuất…, thì có tốt hơn không?”.
Sau lời trần tình của chúng tôi thì bất ngờ nhận được một sự đáp trả: “Các gia đình cứ đưa hài cốt về làm theo thủ tục của công văn 919… đến khi Nhà nước và gia đình không còn khả năng tìm nữa thì Nhà nước sẽ có lời xin lỗi nhân dân…”.
Nghe nói vậy, tôi chỉ đủ sức đáp lại: “Thưa ông! Xương cốt của liệt sĩ chứ đâu phải sỏi đá mà cứ xếp trong xó… trên đất ngồi chờ…”. Nay gia đình phải đem chôn cất ở trong vườn hoặc nghĩa trang dòng họ rồi “dài cổ” nằm chờ giám định ADN… đợi đến khi có kết quả … thì đào lên mà chôn lại?
Câu nói cuối cùng của Phó Giám đốc Sở: “Chúng tôi phải làm theo công văn của cấp trên”.
Hóa ra, bà Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước cũng là cấp trên của Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh?
Nghĩ đến vậy, tôi cảm thấy lạnh người, bàng hoàng không biết nói gì hơn. Hai phụ nữ em liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh đi cùng đã bật khóc. Trên đường về, tôi có cơ hội đọc kỹ hơn công văn 919 “V/v: Giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin”. Ngẫm ra: Toàn bộ hồ sơ và hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh đã quá đủ thông tin. Nếu thiếu một cái gì đó… Không nói ra bằng lời, chỉ riêng bà Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước biết…?
Đất nước đã nếm chịu bao tổn thương về “Những cuộc thí điểm”. Nay mong Cục người có công đừng lấy vong linh và xương cốt của những người đã hy sinh vì nước đưa ra mà thí điểm?
Xin thắp một nén nhang tạ lỗi với vong linh liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh. Chúng tôi đã không làm được điều tâm nguyện cuối cùng của vong hồn liệt sĩ: được vào nghĩa trang.
Nghĩa trang Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước rộng 13,4 ha, có sức chứa khoảng 15.000 phần mộ. Nhà nước đã xây dựng được 7.000 ô, gần 5.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về đây trong đó có liệt sĩ Nguyễn Đức Tịnh quê xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nghĩa là ở đây còn hơn 2.000 ô bỏ trống… Liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh – anh trai của liệt sĩ Tịnh, hi sinh ở chiến trường Campuchia lúc mới ngoài 20 tuổi. Sau 32 năm nằm dưới lòng đất lạnh đã được gia đình và các chiến sĩ Biên phòng tìm về. Ý nguyện của liệt sĩ cũng như gia đình muốn được đưa anh vào nghĩa trang này, để được nằm gần người em ruột… tạo điều kiện cho người cha, đã 82 tuổi, ở cách đó khoảng 17 km tiện đến thăm viếng. Vậy mà động cơ nào đã cản đường phần xương tan thịt nát của liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh không cho vào nghĩa trang Đồng Xoài… Đến khi đành đưa di cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Lĩnh về quê gốc, họ còn lôi bè kéo cánh để cản đường không cho liệt sĩ này vào nghĩa trang Núi Nầm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh? |

Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Xoài. Bình Phước.
Theo Văn nghệ trẻ.