Vì thế để xã hội ổn định, phát triển, quyền lợi của mọi người dân được tôn trọng, một quốc gia phải có “Quốc pháp”, nếu không tất cả sẽ trở nên hỗn loạn. Ngay cả một cộng đồng nhỏ hơn cũng có phép tắc riêng, được hình thành tùy theo bản sắc, tập quán, tín ngưỡng, nhu cầu của cộng đồng đó, miễn là không đi ngược lại với quốc pháp. Ngày xưa, một cộng đồng nhỏ như làng xã cũng có những phép tắc riêng, rất thiêng liêng mà quốc pháp cũng không “đụng” tới, kiểu “phép vua thua lệ làng”.
Với mỗi gia đình cũng vậy, tùy theo nhận thức, trình độ văn hóa, đẳng cấp, lối sống mà mỗi gia đình có “gia pháp” riêng, dù bất thành văn nhưng vẫn được mỗi thành viên trong gia đình tôn trọng, gìn giữ vì nó tạo được một cách sống đẹp, một nếp nhà đáng được trân trọng, nhiều người muốn làm theo.
|
Ảnh mang tính chất minh họa |
Như gia đình ông bà Quang đều đã ngoài 70, họ có 4 người con, cô con út mới tốt nghiệp đại học Y- Dược, còn tất cả đều tốt nghiệp đại học, cao học, ba người con lớn đều đã lập gia đình. Cách đây vài năm họ mua được một khu đất khá rộng ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, xây lên một khu nhà gồm một trệt và 4 tầng lầu, đủ chia cho 4 gia đình nhỏ, phần đất còn lại làm sân vườn, trồng hoa và sân chơi cho bọn trẻ. Nhiều người bảo ở vậy là không sáng suốt, ở “chung” sẽ sinh ra “đụng”, và dễ mất đoàn kết…
Thế nhưng nhờ “gia pháp” chặt chẽ và cách sống mẫu mực của ông bà nên từ khi còn ở một ngôi nhà chật chội, gia đình ấy vẫn yên vui, hạnh phúc. Những “điều lệ” của bản “gia pháp” ấy theo họ, cũng rất bình thường, chỉ là sống biết “kính trên nhường dưới”, “đi thưa về trình” hay “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” v.v… Vì thời trẻ ông bà không được học tới nơi tới chốn, nên “luật” mà họ thêm vào bản gia pháp của mình là con cháu, dâu rể tốt thiểu phải tốt nghiệp đại học, tất nhiên là “thực học” chứ không phải thứ “hư khoa”, thi cử bằng quay cóp hoặc “chạy”, mua bằng cấp…
Vợ chồng chị Ngân định cư đã khá lâu ở Canada nhưng mới đây, khi dẫn các cô con gái về thăm họ hàng, quê hương thì ai cũng ngạc nhiên khi thấy các cô con gái của họ rất thùy mị, nết na và siêng năng khéo léo khi vào bếp mà ngay cả nhiều cô gái “nội địa” cũng không bằng. Hỏi chị có “bí quyết” gì, chị bảo chẳng có bí quyết nào cả, chỉ là chị dạy con, dù ở đâu, học vị cao đến mức nào thì phụ nữ Việt vẫn phải là phụ nữ Việt và đưa ra những điều cấm cụ thể, để con gái mình không biến thành…Tây.
Như con gái phải nhún nhường, khiêm tốn trước người khác phái, biết nấu nướng, ăn mặc kín đáo và không được lấy chồng… ngoại, chồng phải hơn tuổi vợ, nhất là không được lấy người khác tôn giáo, không được có con trước khi… lấy chồng và nêu thêm những cấm đoán khác của chị. Ai nghe cũng le lưỡi, bảo chị “khó”quá.
Nhưng thực tế, chị khá thành công trong việc điều hành gia đình, dù chị là hiệu trưởng của một trường trung học, rất bận rộn, còn chồng chị là một nhà khoa học, với anh toán học là lẽ sống nhưng gia đình mới là niềm hạnh phúc nhất của anh. Một câu nói của chị khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Tất cả sẽ được thực thi nếu mình biết chích ngừa cho con từ sớm!”.
Khi con ra đời, những người cha người mẹ trẻ đều biết cho con đi chích ngừa để tránh những căn bệnh nguy hiểm như lao phổi, ho gà, uốn ván v.v… Thế nhưng khi trẻ lớn lên hay khi bước vào tuổi yêu đương, kết hôn… Ít bậc cha mẹ nào biết “chích ngừa” để con có thể tránh được những nguy hiểm về sau. Không ai muốn con mình rơi vào cờ bạc, nhậu nhẹt, nghiện ngập, nợ nần hay sống phụ thuộc vào người khác nhưng nếu gia đình chớm có những “thú vui” này thì khả năng “nhiễm bệnh” ở trẻ là rất cao.
Nhiều gia đình gặp khó khăn về tiền bạc là lập tức nghĩ đến việc nhờ vả, xin xỏ người thân và bạn bè mà không tự thân vận động để vượt qua, vươn lên hoặc cha mẹ không biết phê phán lối sống tầm gởi ấy thì con cái họ dễ rơi vào căn bệnh chây ì, thích nương tựa vào người khác mà không có khả năng tự lập. Đặc biệt trong chuyện tình yêu, hôn nhân, lắm bậc cha mẹ té ngửa khi thấy con 13, 14 tuổi đã có người yêu, hoặc một cậu con trai 21, 22 tuổi dám yêu một bà chị đã ngoài 30, hay một cô con gái mới đôi mươi định kết hôn với một người đàn ông đáng tuổi cha chú…
Có cô bé mới 18, 19 dám quan hệ với người đàn ông đang có vợ; lại có những đôi trẻ yêu đương, sống chung như vợ chồng với anh em họ hàng trong vòng ba đời, điều mà pháp luật cũng không cho phép… Khác biệt tôn giáo là chuyện tế nhị, người ta kết bạn, thân thiết, ngưỡng mộ với người khác tôn giáo, nhưng đi đến hôn nhân là một vấn đề khác. Không ít gia đình cấm con mình kết hôn với người khác tôn giáo nhưng lại không nói ra. Vì không tôn giáo nào có chủ trương như thế cả.
|
Ảnh mang tính chất minh họa |
Khi giữ mục “Gỡ rối tơ lòng” cho một tờ báo, tôi từng gặp rất nhiều thư tâm sự về chuyện này kiểu như “Tôn giáo nào cũng dạy người ta làm điều tốt, sao ba mẹ cháu lại cấm cháu kết hôn với người mình yêu chỉ vì khác tôn giáo?”. Và phía sau lá thư đó là cả một bi kịch. Chưa kể là có những bậc cha mẹ có những thành kiến về ngoại hình, thành phần xuất thân, quê quán. Loại “địa phương thành kiến” nhiều khi rất vững chắc khiến cha mẹ lẫn con cái đều khổ, rất khó phá bỏ nhưng nếu con cái biết cái “cổ thành” này trước để tránh bước vào “vùng đất cấm” thì vẫn tốt hơn.
Vợ chồng ông Bảo thuộc loại khó tính, họ thuộc hàng đại gia và cũng… đại thành kiến. Có nhiều điểm có thể họ cực đoan nhưng nhờ biết “chích ngừa” cho con nên vẫn an toàn. Khi cậu con trai duy nhất, đẹp trai, thành đạt đưa cô bạn gái của mình về, chỉ cần nhìn qua, ông bà đã hài lòng vì cô không nhuộm tóc, ăn mặc đẹp nhưng không cầu kỳ, đua đòi, trông rất nền nã…
Vài lần gặp gỡ, tìm hiểu, ông bà biết cô này sắp tốt nghiệp đại học, cha mẹ cô không giàu nhưng có học vấn, sống tử tế, gia đình êm ấm, nhất là có gốc gác xuất thân cùng một miền đất với ông bà, cùng tôn giáo, kém con trai họ chừng 8 tuổi… Vì theo quan niệm của họ, sẽ dễ hóa đồng một phân số khi có cùng mẫu số chung! Và đó là những điều cơ bản ông dặn con khi tìm bạn gái.
Ông bà ta có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”, nói theo ngôn ngữ tin học thì cha mẹ phải “cài đặt” sớm những chuẩn mực, những giá trị sống hợp lý để con trẻ có thời gian suy nghĩ, chọn lựa, phản biện và tiếp nhận. Ngày nay con cái lớn lên thường tự quyết định về sự nghiệp, lối sống, tình yêu lẫn hôn nhân của chúng, thế nhưng cha mẹ vẫn cần định hướng một cách sáng suốt, thuyết phục để con khỏi đi lộn hoặc đi lạc đường. Được “chích ngừa” từ bé thì người ta sẽ đỡ bệnh tật, và khi xây dựng được nền gia pháp đúng, mỗi gia đình sẽ bớt đi những tổn thương hay đổ vỡ, giúp xã hội bớt rối ren và hỗ trợ rất nhiều cho quốc pháp.