Mua bản quyền từ chương trình truyền hình Báu vật quốc gia của Nga, Giai điệu tự hào bắt đầu phát sóng từ tháng 1-2014, đến nay đã qua được 4 số. Ngay từ lần đầu tiên phát sóng, chương trình đã gây được sự chú ý của công chúng. Đã có nhiều ý kiến góp ý trực diện trên báo giấy, nhiều nhất trên các diễn đàn báo mạng và những trang web cá nhân... Hầu hết đều phản ứng với một số nhân vật khách mời của chương trình.
Không ai phủ nhận đây là một cố gắng lớn của Đài Truyền hình Việt Nam, mục đích để đưa những ca khúc cách mạng đến được với giới trẻ. Với những ai đã từng là những người lính kiên cường, những công dân kiên trung của thời chiến, thấu hiểu tất cả những nỗi đau, nỗi mất mát trong chiến tranh, đã cùng Tổ quốc vượt qua cơn bão lửa để giành độc lập dân tộc thì những ca khúc của một thời tuổi trẻ này chính là máu thịt của họ. Nó vẫn sống mãi bởi vì đó là những ký ức không thể quên. Nhưng với những người trẻ chưa hề biết thế nào là chiến tranh, tất sẽ khó có thể đồng cảm và cảm nhận hết cái hay trong từng ca khúc. Vì vậy, đây là một chương trình tích cực đáng cổ vũ, nhưng để cho nó ngày càng hoàn thiện và thực sự đi vào công chúng, những người làm chương trình nên biết lắng nghe chính tiếng nói của những người trẻ.
Có cần phải gây sốc bằng những bình luận trái chiều?
Cái tên của chương trình đã cho ta hiểu tất cả những ca khúc được đưa lên đều là niềm tự hào của dân tộc. Vì vậy, khi phân biệt hai thế hệ già và trẻ trên ghế nóng bình luận, không có nghĩa là để họ cố tình gây sốc, cốt tạo hiệu ứng câu khách. Điều đó người xem nhìn thấy rất rõ ở những người trẻ như Trang Hạ, Tăng Hà Nam Anh... Nói như tác giả Thái Vũ, đó là kiểu: “Tạo ra “sô”truyền hình để tranh luận giữa những giá trị đã được khẳng định với những suy nghĩ lệch lạc, lý luận nhạt nhẽo, có tính giật gân rẻ tiền là rất khập khiễng…!”(*). Dù không muốn nghĩ đây là một chiêu trò câu khách, nhưng chính biên kịch chương trình Phan Huyền Thư đã quá rõ ràng trong lập luận khi trả lời phỏng vấn trên báo Giadinh.net.vn: “Chúng tôi cũng sẽ không để lỡ những phản ứng quyết liệt hơn, gây không khí hơn của các vị khách mời bình luận, thậm chí họ có thể bất đồng quan điểm và bỏ về ngay khi đang thực hiện chương trình… Tôi thích những hành vi mang tính thái độ, nó sẽ mạnh mẽ hơn cả ngôn từ”.