 |
Bà Lady Borton |
Trong tác phẩm này, Hữu Ngọc thể nghiệm vốn sống của mình trong bối cảnh quốc gia và quốc tế, thể nghiệm qua giao lưu trực tiếp và gián tiếp (sách, báo, thông tin) với những người cùng thời. Hữu Ngọc hiểu Đồng hành cùng thế kỷ (văn hóa - lịch sử Việt Nam) theo quan niệm chủ quan của mình: đó là những người trong nước và ngoài nước sống và hành động khi ông bước vào tuổi có ý thức về cuộc sống xã hội ngoài cái nôi gia đình (tuổi lên 9-10). Đối với ông, cụm từ “những người cùng thời” bao gồm những nhân vật có tên và cả quần chúng, các nhóm xã hội vô danh. Vì tác giả chỉ đề cập đến những giao lưu tiếp xúc bản thân, nên có thể có những nhân vật và sự kiện quan trọng đương thời không xuất hiện trong sách của ông. Thị lực của Hữu Ngọc rất yếu nhưng cái nhìn nội tâm của ông lại rất sâu sắc, đôi lúc hóm hỉnh khi phác họa một chân dung, kể lại một sự việc, nêu lên hay thể hiện một vấn đề. Mong các bạn đọc thích thú tìm thấy ở những người cùng thời một bức tranh lịch sử gần trăm năm với những âm hưởng lan tỏa cho đến ngày nay.
Hà Nội, xuân 2013
Lady Borton - Nhà văn nữ Mỹ
 |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Bạn đang có trên tay một cuốn sách đặc biệt. Cuốn sách của ông Hữu Ngọc. Tôi gọi đây là cuốn sách đặc biệt cũng vì sự đặc biệt của nó. Một cuốn chân dung những người cùng thời với ông Hữu Ngọc và không phải chỉ có những người cùng thời. Một khu rừng văn hóa rậm rạp, phong phú với nhiều màu sắc, vừa bình dị vừa lạ lùng, lại rất hấp dẫn. Cuốn sách khá dày mà đọc không thấy dày.
Lạ thật đấy!
Lạ cũng bởi ông Hữu Ngọc!
Cách đây đã gần chục năm, khi bàn về Hữu Ngọc, tôi có thưa với bạn đọc về một cảm giác rất lạ trong tôi: Nhiều lúc ngắm Hữu Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ có cái cảm giác rợn ngợp như đang đứng trước một con khủng long vừa hiện hình người.
Hữu Ngọc quả là một con khủng long kỳ vĩ.
Ông sinh năm 1918. Khi đó, bố mẹ tôi còn chưa ra đời. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, thuộc lứa tuổi đàn em của ông, giờ cũng đã thành người ở cõi thương nhớ. Cả bố tôi cũng vậy. Ông cụ thọ nhất vùng, vậy mà cũng đã ra đi ở tuổi 93. Thế mà Hữu Ngọc vẫn dẻo dai “sánh bước cùng thời đại”, hay nói như ngôn ngữ của ông, “cứ lang thang như một áng mây giời”.
Kể cũng lạ. Tôi không ngờ một ông cụ đã ngót nghét một trăm tuổi mà vẫn leo núi thoăn thoắt như một con sóc rừng. Hữu Ngọc dường như không có tuổi già. Ông như một bộ cốt đã hóa thạch. Thời gian dường như không thể “đánh” được vào ông. Không biết bí kíp nào đã cho ông cụ một sức lực dẻo dai đến thế? Có lẽ một phần ở chất lượng sống. Mà sống, với Hữu Ngọc, là lao động. Lao động không ngừng. Nói như Xuân Diệu: “Mắt luôn lục lọi, óc luôn kiếm tìm”. Hữu Ngọc lúc nào cũng cuồn cuộn như một dòng sông chảy xiết. Có cảm giác chỉ một tích tắc dừng lại, có lẽ cái cơ thể đã quánh lại thành một bộ cốt sống kia sẽ tan rữa ra như cát bụi…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
* * *
Sau đây Hồn Việt xin trích một đoạn nhà văn hóa Hữu Ngọc viết về Chế Lan Viên.
Anh Chế
 |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc |
Tôi với anh Chế Lan Viên có “duyên - nợ”. Cái nợ anh giả xong đã lâu, cái “duyên” còn mãi mãi.
Món “nợ” thì cách đây hơn nửa thế kỷ, khi trước mặt tôi, gặp ai anh thường cười mà nhắc lại. Nguyên khoảng những năm đầu 1940, tôi và anh cùng dạy trường tư thục Lyceum Việt Anh ở Huế, tôi dạy Pháp văn, anh dạy Việt văn. Thời Pháp thuộc, thập kỷ trước 1945, trường trung học tư thục phát triển mạnh ở Huế, lôi kéo học sinh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Phan Thiết. Các thầy gọi là “giáo sư”, có nhiều loại. Khá đông là chính trị phạm được ân xá sau 1936 như Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt… Hoặc là trí thức, văn nghệ sĩ muốn sống tự do trong cảnh sông Hương núi Ngự như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Đỗ Cung, Hoài Thanh…
Tôi ở trọ gần Đập Đá, Chế cùng vợ con thuê ở Vĩ Dạ gần đó. Lương tháng cũng tạm được, tùy thuộc vào số giờ dạy, ba tháng hè không có lương. Tôi chưa có gia đình, sống cũng thoải mái. Chế bị gánh nặng gia đình, bao giờ cũng chưa hết tháng đã hết tiền. Anh cứ phải chạy sang tôi “giật” tạm ít tiền. Cứ thế đến khi anh rời Huế trước tôi. Chúng tôi giao lưu rất hợp, có lẽ cùng một thế hệ, tuổi sát nhau.
Bẵng đi hàng chục năm sau lại có dịp gặp nhau ở Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô. Trong công tác sách báo đối ngoại, tôi thường thảo luận với anh và Tế Hanh về vấn đề giới thiệu văn học ta ra nước ngoài, đặc biệt khi biên soạn bộ Tuyển tập văn học Việt Nam bằng tiếng Pháp, 2.000 trang, một bộ sách có giá trị lớn về tuyên truyền đối ngoại vào thời chống Mỹ. Lúc nào anh cũng có ý kiến độc đáo và dứt khoát. Còn nhớ có những khi anh đi họp về khuya, ghé vào nhà tôi ở Hàng Than ngủ lại, đó là dịp để chúng tôi bàn tán đủ mọi thứ.
Lần cuối cùng tôi gặp anh Chế là sau khi giải phóng miền Nam. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi được anh Mai Quốc Liên, bạn vong niên thân thiết của Chế đón rồi đi xe thổ mộ(*) đến Viên tĩnh viên, Chế ở cùng vợ con - vợ Chế là nhà văn. Nhà ở ngoại ô Sài Gòn. Đi đường, qua chợ, anh Liên dừng xe, mua con gà xách đi, anh bảo:
- Anh Chế vẫn nghèo như xưa, mang gà đi để có cái nhậu.
Nhà đơn sơ, được có cái vườn, chưa có điện thoại. Hai vợ chồng nhà văn còn nghèo lắm.
Dĩ nhiên cuộc hội ngộ lần ấy để lại cho tôi những ấn tượng khó quên.
Anh Chế qua đời vào tuổi kém một năm thì “cổ lai hy” (anh sinh năm 1920, mất năm 1989). Với tính cách của anh, anh có nhiều người yêu, dĩ chí ngưỡng mộ, và không hiếm kẻ ghét, thậm chí thù. Nhưng không ai không công nhận anh là một nhà thơ Việt Nam hiện đại hàng đầu. Từ 16 tuổi đã có thơ tuyệt tác, rồi cùng Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử thành lập nhóm thơ Bình Định và phái thơ “Loạn”. Anh luôn luôn đổi mới để tự vượt mình. Bản thân tôi thích nhất thơ Chế trước 1945. Thơ cách mạng và kháng chiến của anh sôi nổi, nhưng tôi cảm thấy lý trí hơi át cảm xúc. Phải chăng do ảnh hưởng của Valéry?
Mai Quốc Liên có công bố một số điều riêng của Chế Lan Viên (An Ninh Thế Giới cuối tháng, 4-2003). Tư liệu rất quý để hiểu thêm một tâm tư nhà thơ luôn băn khoăn tìm tòi. Sau đây xin trích dẫn một đoạn:
- Tình hình Hội Nhà văn, sáng tác, tranh luận những năm đó: các cuộc họp Ban Thư ký Hội mà Chế là thành viên, về cái “làng Văn”: “Văn thì nên, chứ làng Văn thì thôi đi”. “Làng Văn thì chỉ có văn là hay thôi, chứ làng thì lúc nào cũng “việc làng” cả”. Sáng tác thì có nhắc, đánh giá Tướng về hưu (tuyệt vời), Bên kia bờ ảo vọng, thơ Hàn Mặc Tử, Hoa ngày thường, Chim báo bão, các sáng tác ở Liên Xô hồi ấy, cả phim Sám hối (khá hay).
- Những ý nghĩ sâu sắc, lạ lùng, cho tới nay chưa ai nghe nói như thế, và tất nhiên còn cần phải ngẫm kỹ xem, nhưng dù sao đó cũng là nhận xét của một người đọc nhiều, nghĩ nhiều (có lẽ đọc nhiều). Chẳng hạn về Đỗ Phủ và Lý Bạch: “Mình đã đọc Đỗ Phủ rồi, đã có ý, vĩ đại, “rất” là đàng khác. Nhưng về thơ thì thua Lý Bạch. Đánh giá theo con mắt hiện đại và Tây phương thì Lý vẫn hơn. Lý có những phần đời của Đỗ. Đỗ không có phần “siêu” của Lý”. Cần lưu ý là hàng ngàn năm nay Trung Hoa, Việt Nam vẫn xem Đỗ hơn Lý. Nguyễn Du viết về Đỗ: “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư” (Văn chương ngàn đời, bậc thầy ngàn đời).
Đánh giá về Nguyễn Trãi và Ngô Thì Nhậm cũng lạ lùng: “Thơ Nguyễn Trãi hay hơn, đời Nguyễn Trãi thâm hơn, nhưng vai trò lịch sử thì Ngô Thì Nhậm lớn hơn”. Vì sao? Có lẽ Chế nghĩ đến công lao cụ thể của Ngô trong việc rút lui về Tam Điệp, trong trận thắng Thăng Long thần tốc, đặc biệt trong chiến dịch ngoại giao tiếp theo, ngăn cản Càn Long động binh 9 tỉnh trả thù!
- Tâm trạng của Chế những năm ấy - những năm Chế làm việc: viết tựa, làm thơ, hoạt động văn học… dữ dội: “lửa cháy phòng bên rồi đạp tháng ngày mà viết”. Vì rằng “Chung quy cũng chỉ là trang giấy. Cái thuyền đó cũng chìm nhưng chậm hơn một chút”. Chế ủng hộ đổi mới, dân chủ, nhưng phê phán cực đoan, “nóng ruột ham ăn” làm hại đổi mới, cho mấy ông “xưa im hơi nay lên tiếng, chửi rủa đề nghị, chứ cũng chưa có tư duy gì mới”. Chế lo cho anh em đi nước ngoài, in sách.
- Những triết lý của Chế về nhân tình, về cuộc đời có một chút gì chua chát trong cái biện chứng về yêu và ghét: “Thường là người yêu nhau mới không dám giúp nhau, còn kẻ đối thủ lại hay cao đạo”.
Chế nóng nảy nên “cừu nhân mãn thiên hạ”, Chế phải chống chọi, nhưng cái “triết lý” này cũng hay: “Khi người ta ném đá ở chỗ mình đứng, mình có ở đó đâu”. Câu thơ trong bài Từ thế chi ca về người yêu, kẻ ghét cũng nằm trong mạch nghĩ đó.
Anh Chế ra đi trong túng thiếu và tật bệnh. Chế có u, cuối cùng phải mổ, phải xin máu. Anh ra đi, để lại một gia tài thơ lớn. Qua thể nghiệm về ứng xử, qua một cuộc đời phong phú, Chế có một nhận xét thực tế mà sâu sắc: “Chuyện gì ở đời cũng là “tương đối luận”; Ở đời nhìn việc gì cũng cứ là đi cũng tốt, mà cũng chưa chắc là tốt, không đi là uổng, mà cũng có khi lại hay…”. Làm hết sức mình, chấp nhận thành bại, không bận tâm đến khen chê.
_____
(*) Thổ mộ: một loại xe ngựa phổ biến ở vùng Sài Gòn - Gia Định.
(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 36)