Trí thức tinh hoa (intellectual élite) là một khái niệm mà gần đây thường được nhắc tới trong một số cuộc hội thảo quốc tế về khoa học xã hội. Một lưu ý nhỏ: Từ élite là một từ gốc Pháp được người Anh - Mỹ mượn dùng, cho nên khi viết hoặc in, họ vẫn cố giữ nguyên dấu sắc trên chữ cái e (é), đúng như trong tiếng Pháp, cho dù tiếng Anh vốn không có dấu thanh. Élite thường được các cuốn từ điển Hán - Pháp và Hán - Anh hiện đại, mà gần đây tôi mua được ở Bắc Kinh, dịch sang tiếng Trung Quốc là 精华 (tinh hoa) hay 精 粹 (tinh túy). Một cô “bạn vong niên” của tôi, năm nay 27 tuổi, sắp viết xong luận án tiến sĩ khoa học chính trị về đề tài này - một đề tài mới và khó.
Không ít nhà nghiên cứu cho rằng, trong kỷ nguyên Minh Trị (Meiji Era), từ năm 1867 đến 1912, sở dĩ nước Nhật phát triển nhảy vọt là nhờ sự kết hợp ăn ý của ba lực lượng đầu tàu kéo cả xã hội Nhật tiến theo. Đó là giới cầm quyền tinh hoa (ruling élite), giới trí thức tinh hoa (intellectual élite) và giới doanh nghiệp tinh hoa (business élite).

GS Roland Triay, TS Nguyễn Trọng Hiền, GS Trần Thanh Vân (từ trái sang) trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Đào Tiến Đạt
Đáng buồn thay, mấy thập niên sau, nước Nhật phạm phải một sai lầm “vô tiền khoáng hậu”, khi cùng các nước phe Trục phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ hai mà kết cục là Nhật đại bại, bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử hủy diệt xuống Hiroshima và Nagasaki, rồi lại còn phải bồi thường thiệt hại chiến tranh cho các nước Đồng minh thắng trận! Qua đó, có thể thấy, cái đúng hay cái sai trong đường lối lãnh đạo quốc gia của giới cầm quyền không “tinh hoa” dẫn tới những hệ quả to lớn đến mức nào!
Mặc dù vậy, kinh nghiệm nước Nhật trong “kỷ nguyên Minh Trị” vẫn rất có ích cho nước ta hiện nay, đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng ba tầng lớp tinh hoa của đất nước: giới cầm quyền tinh hoa, giới trí thức tinh hoa, và giới doanh nghiệp tinh hoa.
Trong giới trí thức tinh hoa, thì giới khoa học tinh hoa (scientific élite) đóng vai trò then chốt. Thế mà, như mọi người đều biết, thế kỷ XX là “thế kỷ của vật lý học” với sự ra đời của hai lý thuyết lớn là lý thuyết tương đối và lý thuyết lượng tử, cùng những tên tuổi lẫy lừng sừng sững tựa những ngọn tháp Eiffel, như Albert Einstein, Max Planck, Niels Bohr, Paul Dirac, Werner Heisenberg, Erwin Schrödinger… Có thể nói, những thập niên đầu thế kỷ XXI vẫn còn là những “thập niên của vật lý học”. Vậy nên, trong giới khoa học tinh hoa ấy, thì giới vật lý tinh hoa (physical élite) giữ vị trí vô cùng quan trọng.
Nếu thiếu những thành quả của vật lý học hiện đại, thì chắc chắn nhân loại hôm nay vẫn chưa ra khỏi cuộc sống thời trung đại (chưa nói là thời đại đồ đá), cái thời mà cỗ xe song mã của chàng công tước Andrey Bolkonsky - nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình - đã được coi là phương tiện đi lại vương giả đạt vận tốc cao; và những ngọn nến hoàng cung được coi là phương tiện chiếu sáng lý tưởng. Cây bút lông ngỗng vẫn được nhà đại văn hào Lev Tolstoy hồi thế kỷ XIX dùng khi viết mấy bộ tiểu thuyết-dòng sông (roman-fleuve) như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Sống lại… Lev Tolstoy viết sâu thẳm hơn chúng ta ngày nay ở thế kỷ XXI nhiều lắm, mặc dù ông chỉ dùng bút lông ngỗng! Cũng từa tựa như thế, để tìm tài liệu cho những thiên phóng sự “nổi đình nổi đám”, Ngô Tất Tố chỉ có “phương tiện đi lại” duy nhất là… đôi chân! Ông không biết đi xe đạp! Thế mà ông viết sắc sảo hơn chúng ta giờ đây ngồi ô tô, cưỡi xe máy! Rõ ràng phương tiện làm việc có ảnh hưởng rất lớn, nhưng không phải là yếu tố quyết định đẳng cấp của tài năng, đó là chưa nói tới thiên tài.
Ngày nay, không một ai trên đất nước Việt Nam này không ít nhiều được thụ hưởng những thành quả của vật lý học. Riêng tôi, từng tận mắt thấy mấy cô gái áo chàm huyện vùng cao Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái xài điện thoại di động! Mấy cô đứng dưới chân đèo Khau Phạ, “buôn dưa lê” hằng tiếng đồng hồ với người tình đang thảnh thơi ngồi nghỉ, sau một chầu làm cỏ lúa, trên những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng trời bát ngát mây bay.
Rồi khi phóng mô tô đến đỉnh đèo Khau Phạ, xe chết máy giữa chốn hoang vu không một bóng người, tôi gần như… tuyệt vọng! Nhưng, bỗng nhiên nhìn sang bên vệ đường, thấy một dòng chữ quét vôi trắng xóa nơi gốc cây cà lồ (miền xuôi gọi là cây lim), ghi số điện thoại di động của một anh chàng thợ sửa xe máy nào đó. Gọi cho số di động ấy, chỉ 15 phút sau, anh chàng kia đã xuất hiện, với hộp đồ nghề sửa chữa mô tô, xe máy trong tay. Hú vía! Lúc bấy giờ, tôi bỗng cảm thấy biết ơn vô hạn công nghệ truyền thông không dây, bắt nguồn từ khám phá của vật lý học về sóng radio.
Trước đây 15 năm, tôi vẫn dùng máy đánh chữ để viết báo, viết sách. Mỗi khi cần sửa, dù chỉ là một từ, cũng rất gay go! Nay thì máy chữ xếp xó rồi! Bởi vì đã có máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, tha hồ mà viết viết, xóa xóa, cắt cắt, dán dán, đảo lên, đảo xuống đoạn này, đoạn kia. Rồi dùng máy in laser kết nối với máy tính ngay tại nhà mình, in ngay ra, để dễ soát lại từng chữ, từng cái dấu ngắt câu, dấu thanh cho thật kỹ càng, chính xác. Sướng quá!

GS Lê Kim Ngọc (trái) trò chuyện với GS Jack Steinberger, nhà vật lý giải Nobel từng kêu gọi bỏ cấm vận Việt Nam.Ảnh: Trí Tín
Tôi cũng ít khi phải vào thư viện, bởi lẽ những câu hỏi nho nhỏ có thể dễ dàng tìm lời đáp trong bộ “bách khoa toàn thư mở” Wikipedia (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán), hoặc sử dụng công nghệ tìm kiếm của Google mang lại hiệu quả nhanh như chớp! Gửi thư ra nước ngoài, trước kia, có khi cả tháng trời, chưa nhận được hồi âm. Nay, bấm send một cái, là lập tức email bay sang Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc với vận tốc ánh sáng, 300.000km/s! Và, chỉ ngay sau đó, đã nhận được reply! Kỳ diệu quá! Tiện ích tuyệt vời ấy không thể nào có được, nếu thiếu những thành quả của vật lý học, toán học và tin học…
Vật lý học đang đóng vai không gì thay thế nổi trong cuộc sống hiện nay - kể cả về an ninh, quốc phòng (từ công nghệ định vị toàn cầu, máy bay cường kích, tàu ngầm đến bom nguyên tử, bom khinh khí).
Làm thế nào để giúp các tài năng vật lý trẻ ở nước ta có thể tiếp nhận nhanh chóng những thành quả mới nhất mà cộng đồng vật lý quốc tế vừa đạt được? Đó là điều khiến GS Trần Thanh Vân, một nhà vật lý nổi tiếng của Đại học Paris 11, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp, rất băn khoăn.
Cách đây 20 năm, với kinh nghiệm dày dặn tổ chức thành công nhiều cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois ở Pháp, GS Trần Thanh Vân trở về nước tổ chức Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất, theo lời mời của GS Nguyễn Văn Hiệu.
Tôi còn nhớ, cuộc gặp đầu tiên ấy diễn ra tại nhà khách Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ còn rất kém tiện nghi, ở phố Phạm Ngũ Lão - Hà Nội, tháng 12-1993. Nước ta còn bị Mỹ và một số nước phương Tây bao vây, cấm vận. Việt Nam chưa mở đại sứ quán ở Washington, D.C. Muốn làm thủ tục nhập cảnh vào Hà Nội, các nhà vật lý Mỹ phải ghé qua Paris hay Bangkok, quá là nhiêu khê! Ấy vậy mà, GS Jack Steinberger, Giải thưởng Nobel, người Mỹ gốc Đức, vẫn tới thủ đô Việt Nam; rồi khi trở về, ông gửi một bức điện đến Tổng thống Bill Clinton, đòi dỡ bỏ ngay lệnh cấm vận!
Cũng tại cuộc gặp năm ấy, tôi gặp Đàm Thanh Sơn và Nguyễn Trọng Hiền. Anh Sơn, nhà ở phố Huế, Hà Nội, lúc đó mới 25 tuổi, còn trẻ lắm. Anh Hiền, quê ở Đà Nẵng, thì về mặt tuổi tác, cũng chỉ nhỉnh hơn anh Sơn một chút. Hai anh sắp bảo vệ luận án tiến sĩ ở Nga và ở Mỹ.
Mùa hè năm 1995, Gặp gỡ Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Dinh Thống Nhất, TP.Hồ Chí Minh. Có thêm hai nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel là Norman Ramsey (Mỹ) và Georges Charpak (Pháp) cùng 220 nhà vật lý từ 40 nước và vùng lãnh thổ đến dự. Tại cuộc gặp năm ấy, tôi được “diện kiến” nhà vật lý thiên văn bắt đầu nổi tiếng thế giới Jane Luu (tức Lưu Lệ Hằng) xinh xắn nhưng trông hơi “bụi”. Chị đã 32 tuổi, Phó giáo sư Đại học Harvard, thế mà cắt tóc ngắn như nam, diện quần bò xanh dương bó sát đùi, áo phông vàng chói, đi giày thể thao nổi gân trắng - đỏ, y như một sinh viên đại học năm cuối, không có nét nào “mô phạm” cả!…
Trong những lần Gặp gỡ Việt Nam sau đó, các anh Trịnh Xuân Thuận, Phạm Quang Hưng cũng về dự. Hai anh đều là giáo sư lâu năm tại Đại học Virginia, Mỹ, rất có “tiếng tăm”.
Tháng 8-2013, tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX ở Quy Nhơn, lần thứ hai tôi được gặp GS J. Steinberger đến nước ta. 20 năm đã trôi qua kể từ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất! Giờ đây, nhà bác học người Mỹ gốc Đức ấy đã 92 tuổi. Sức khỏe đã kém, thế mà ông vẫn sốt sắng nhận lời mời của GS Trần Thanh Vân. Trong bức thư trả lời GS Vân, ông viết: “Tôi đánh giá rất cao những gì anh đã làm cho lĩnh vực vật lý của chúng ta và những gì anh đang làm để xây dựng ngành vật lý ở đất nước anh - đất nước đã phải chịu biết bao cuộc tiến công của đất nước chúng tôi, nước Mỹ”.
Cũng tại Quy Nhơn, tháng 8-2013, lần thứ 6 tôi gặp lại hai anh Đàm Thanh Sơn và Nguyễn Trọng Hiền. Hai anh gắn bó với Gặp gỡ Việt Nam, như những người bạn thủy chung, ít khi vắng mặt. Những cuộc gặp vật lý đỉnh cao ấy mang tới cho hai anh niềm vui hòa mình vào bè bạn đồng hương, và tạo thêm nguồn cảm hứng cho sáng tạo khoa học. Anh Sơn nay đã là một nhà bác học nổi tiếng thế giới, là người khám phá ra một hằng số mới trong vật lý học, được gọi là hằng số KSS. Tờ tạp chí danh giá Physical Today (Vật Lý Ngày Nay) của Hội Vật lý Mỹ, đăng ba bài liền trong cùng một số tạp chí, đánh giá rất cao khám phá của Đàm Thanh Sơn. Lý thuyết siêu dây (superstring theory) là một lý thuyết vật lý hiện đại, cực kỳ trừu tượng, đôi khi được coi là “trò chơi trí tuệ” của những nhà toán học và vật lý lý thuyết “tháp ngà”! Lý thuyết này cho rằng không - thời gian có tới 11 chiều, nhưng do 7 chiều bị cuộn lại, cho nên “người trần” không sao nhận thấy, do đó, họ chỉ quen nghĩ rằng không gian có 3 chiều, cộng thêm 1 chiều thời gian, thành ra không - thời gian 4 chiều. Họ không sao tưởng tượng nổi 7 chiều bị cuộn lại!
Cái lý thuyết tưởng chừng hoàn toàn tư biện ấy, mặc dù rất đẹp, nhưng không sao kiểm chứng được bằng thực nghiệm, từ nay, bỗng trở nên có thể kiểm chứng, do công trình đột phá về lỗ đen lượng tử của Đàm Thanh Sơn! Bởi thế, GS-TSKH Nguyễn Văn Liễn, ở Viện Vật lý Việt Nam, rất có lý khi coi Đàm Thanh Sơn là một ứng cử viên sáng giá của Giải thưởng Nobel Vật lý!

GS Đàm Thanh Sơn (thứ ba từ trái sang) tại Quy Nhơn, tháng 8.2013
Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn hiện là những giáo sư hàng đầu về toán học và vật lý lý thuyết ở Đại học Chicago.
Còn anh Nguyễn Trọng Hiền thì đã trở thành một chuyên gia có tiếng của NASA thường đến châu Nam Cực, và “ăn dầm nằm dề” tại đấy, có khi suốt nửa năm trời. Anh khảo sát bức xạ nền của cái vũ trụ Big Bang thuở sơ sinh, khám phá bí mật của những ngôi sao lùn nâu (brown dwarf), sao lùn trắng (white dwarf), dưới vòm trời đen kịt của đêm Nam Cực kéo dài triền miên ròng rã suốt… sáu tháng! Ở đây, trong mùa đông, có thể thưởng ngoạn vẻ diễm lệ lạ lùng của vòm trời sao suốt… 24 tiếng đồng hồ. Anh là người Việt Nam duy nhất trở thành cư dân châu Nam Cực.
Những ngôi sao đó được gọi là “lùn” bởi vì chúng đã già nua, còm cõi, trở nên nhỏ bé như ông lão da bọc xương, không còn đủ nặng, đủ đặc, đủ nóng để phát khởi phản ứng hạt nhân, tạo ra bức xạ nhiệt, bức xạ ánh sáng. Sự hiện diện của những “chú lùn nâu”, “chú lùn trắng” được suy đoán từ quy luật tiến hóa của các ngôi sao, là phần thiết yếu trong lời đáp về vật chất tối (dark matter) hay còn gọi là vật chất không nhìn thấy được (invisible matter), loại vật chất chiếm 90%-98% khối lượng Vũ trụ! Nhưng nó không phát ra ánh sáng hay bất kỳ loại bức xạ nào khác, cho nên ta không “thấy” nó, mặc dù thế, nó vẫn cứ điềm nhiên tồn tại, bất cần đến sự quan tâm của chúng ta, và sự tồn tại ấy được thể hiện rất rõ qua lực hấp dẫn mà nó tác động lên các ngôi sao và các thiên hà vùng quanh.
Chứng minh tường tận sự tồn tại của bức xạ nền vũ trụ (cosmic background radiation) là tạo dựng được một trong hai trụ đỡ chính cho tòa nhà tráng lệ của lý thuyết Big Bang. Lý thuyết này coi Vũ trụ - nơi loài người đã và đang nhọc nhằn tồn tại và mải miết tư duy - không phải nhất thành bất biến, mà có lịch sử của nó, ra đời cách đây 13,7 tỉ năm, từ một Vụ Nổ Lớn. Trụ đỡ chính thứ hai cho lý thuyết Big Bang là hiện tượng dịch chuyển về phía đỏ (red shift) của các thiên hà, tức là hình ảnh các thiên hà ngày càng dịch chuyển ra xa trên phổ ánh sáng bảy màu của kính thiên văn quang học, chứng tỏ trong quá khứ xa xăm, chúng xuất phát từ một điểm. Vũ trụ của chúng ta đã có khởi đầu tất phải có kết thúc. Nhưng ta chưa phải lo, bởi lẽ quá trình kết thúc ấy chỉ diễn ra sau hàng tỉ, hàng chục tỉ năm nữa, khi cháu chắt chút chít của ta cũng chẳng còn hiện diện trên cõi đời này!
Đáng tiếc, đến phút chót, do một việc riêng chẳng lường trước được, chị Lưu Lệ Hằng không thể về nước, và đành trả lại vé máy bay khứ hồi mà chị đã mua sẵn từ ba tháng trước.
Năm 2012 là năm “đại cát” đối với chị. Cùng một lúc, chị nhận được Giải thưởng Kavli ở châu Âu và Giải thưởng Shaw ở châu Á, với số tiền lên tới hàng triệu đôla Mỹ, được coi như hai “Nobel Thiên văn học”. Chính chị và hai cộng sự người Mỹ đã chứng minh được sự tồn tại thật sự của vành đai tiểu hành tinh Kuiper - trước đó chỉ mới là giả thuyết - nằm phía ngoài Hải Vương tinh, gồm khoảng 100 tỉ thiên thể, là nơi khởi nguồn của các ngôi sao chổi với những cái đuôi lộng lẫy tỏa sáng trên vòm trời đêm, dài tới… hàng trăm triệu… kilômét! Họ Lưu của nhà nữ bác học quê gốc ở Nam Định, quê hương của các hoàng đế nhà Trần uy danh lẫm liệt, đã được cộng đồng thiên văn học thế giới đồng thuận đặt tên cho một thiên thể do chị khám phá ra. Đó là tiểu hành tinh 5430 Luu, được gọi như thế để vinh danh chị (The asteroid 5430 Luu is named in her honor - Wikipedia tiếng Anh).
Tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX, anh Nguyễn Trọng Hiền đã đọc bài giảng trong một lớp học về vật lý thiên văn dành cho nhiều phó giáo sư, tiến sĩ trẻ trong nước. Nhà mẹ anh hiện ở sát Ngũ Hành Sơn, bên con sông Hàn vừa có thêm mấy cây cầu mới.
Còn anh Phạm Quang Hưng, quê ở cố đô Ninh Bình - thời Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau tụ nghĩa, dẹp loạn 12 sứ quân - thì suốt mấy năm qua, dành rất nhiều thời gian để chủ trì chương trình vật lý tiên tiến của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Anh được Đại học Huế tặng danh hiệu “giáo sư danh dự” vì đã có công hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam viết luận án tiến sĩ ở Đại học Huế cũng như ở Đại học Virginia. Năm nào anh cũng “rủ rê” được dăm ba giáo sư Mỹ cùng anh tới Huế giảng bài. Anh tâm sự: “Sau bao nhiêu năm trôi giạt khắp bốn phương trời, giờ đây, tôi neo thuyền đậu lại bên dòng Hương Giang…”.
Như báo, đài đã đưa tin: Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX hội tụ hơn 200 giáo sư, tiến sĩ vật lý thuộc 29 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 nhà bác học từng được tặng Giải thưởng Nobel là Sheldon Lee Glashow (Mỹ gốc Do Thái), Klaus von Klitzing (Đức), Jack Steinberger (Mỹ gốc Đức), David Jonathan Gross (Mỹ gốc Do Thái), George Smoot (Mỹ).
Đến Quy Nhơn, còn có GS Rolf Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu, nơi vừa công bố một khám phá mới, gây chấn động thế giới - không chỉ trong giới chuyên môn, mà cả trong dư luận xã hội rộng rãi - về sự tồn tại của hạt Higgs - hay còn được gọi là “hạt của Chúa” - sau gần nửa thế kỷ săn lùng ráo riết! Chính nhờ được trang bị Máy Va chạm Hadron Lớn (Large Hadron Collider, LHC), có năng lực gia tốc hai luồng hạt nặng proton và phản proton, bay ngược chiều nhau, đạt tới mức xấp xỉ vận tốc ánh sáng (tức xấp xỉ 300.000km/s), rồi cho đâm sầm vào nhau, để nghiên cứu những mảnh vỡ vụn bắn tung tóe ra, khám phá bí ẩn trong cấu trúc nội tại của hạt nhân nguyên tử. Do mạnh hơn hẳn cỗ máy gia tốc loại hạt nhẹ electron - positron trước kia, cho nên mới ghi nhận được sự xuất hiện chỉ trong nháy mắt của hạt Higgs.
Rất may, tôi đã có lần được tới thăm Geneva, chui vào lòng đất bằng thang máy, nhìn kỹ cỗ máy khổng lồ ấy, thật ra đó là cả một hệ thống mênh mông, gồm nhiều nhà máy lớn, mà đường hầm dẫn hạt là một đường ngầm hình xuyến, trông tựa như đường tàu điện ngầm ở Moskva hay Paris, nằm sâu 50-150m dưới mặt đất, dài hơn 27km, ở vùng biên giới Pháp - Thụy Sĩ. Xa xa phía chân trời là đỉnh Mont Blanc tuyết phủ trắng xóa…
Nhiều nhà bác học danh tiếng khác cũng có mặt tại cuộc gặp lần này, mặc dù việc đi lại còn trắc trở lắm, bởi lẽ hiện chưa có đường bay thẳng từ thủ đô và các thành phố lớn ở các nước bạn tới sân bay Phù Cát - Bình Định.
Không ít nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng có mặt tại cuộc gặp năm nay, như GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc, GS Đàm Thanh Sơn, GS Phạm Quang Hưng, TS Nguyễn Trọng Hiền… Nhiều nhà vật lý Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau cũng đến dự, như: TS Võ Văn Thuận, TS Nguyễn Anh Kỳ, TS Nguyễn Thị Minh Phương, TS Nguyễn Thị Hồng Vân, TS Trần Ngọc Tiềm, TS Phan Bảo Ngọc, TS Phạm Ngọc Điệp, cùng các nghiên cứu sinh sắp bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý Trần Hương Lan, Nguyễn Như Lê...
Đến dự cuộc gặp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng như Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đều cam kết rằng Chính phủ ta sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn việc phát triển các ngành khoa học cơ bản.
Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX cũng như Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành vừa khai trương ở Quy Nhơn, tháng 8-2013, là những đóng góp rất đáng ghi nhận vào việc xây dựng giới vật lý tinh hoa, một bộ phận của giới trí thức tinh hoa nước ta, đội ngũ trụ cột của công cuộc chấn hưng Tổ quốc Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc, mở rộng giao lưu quốc tế mà vẫn giữ được những nét đẹp riêng, truyền thống của dân tộc mình.
Để kết thúc bài viết, tôi muốn nhắc lại lời tâm sự chân tình của GS James Cronin (Mỹ), Giải thưởng Nobel Vật lý, người đã giúp ngành vật lý nước ta rất nhiều, khi ông sang Việt Nam dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ VI tại Hà Nội, năm 2006: “Rất không may giữa hai nước chúng ta đã từng xảy ra chiến tranh! Ngay từ đầu, tôi đã kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh ấy! Sau khi chiến tranh kết thúc, tôi muốn làm được một việc gì đó để góp phần sửa chữa lỗi lầm của đất nước chúng tôi. Nay tôi đã 75 tuổi [tính đến năm 2006]. Tôi sẽ nhẹ nhõm trong lòng trước lúc nhắm mắt xuôi tay nếu như được trông thấy ngày khoa học Việt Nam cất cánh. (…)
Việt Nam là một nước dân đông tới 86 triệu [số liệu năm 2006], đất rộng xấp xỉ các nước Nhật, Pháp, Anh… Tại sao các bạn không mơ ước nước mình sẽ trở thành một cường quốc khoa học? Không nên cho rằng, đối với một nước đang phát triển, thì chỉ cần chủ trọng nghiên cứu ứng dụng, chứ chưa cần tham gia nghiên cứu cơ bản.
Các bạn nên nhớ rằng, khoa học cơ bản là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa. Thiếu hiểu biết về khoa học cơ bản tức là thiếu đi một mảng lớn của văn hóa, và như thế, các bạn chưa phải là những người trí thức lý tưởng, đúng không các bạn?”.
Quả đúng vậy! Khoa học cơ bản là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa. Chừng nào mà chúng ta - trước hết, tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp trẻ, rất thân thiết của tôi, đang viết văn, làm báo - còn thiếu những hiểu biết về các ngành khoa học cơ bản như triết học, toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, tin học, tâm lý học hiện đại, thì chừng đó cái nền tảng văn hóa của chúng ta còn thiếu nhiều mảng lắm! Vậy thì, làm thế nào chúng ta có thể thấu hiểu tường minh giới trí thức tinh hoa của nhân loại văn minh đang nghiền ngẫm, trăn trở, suy tư, kiếm tìm, thử nghiệm, khám phá những gì? Làm thế nào các tác phẩm văn chương và báo chí của chúng ta thật sự mang được “hơi thở” của nhân loại văn minh, nắm bắt được cái “thần”, cái “hồn” kỳ diệu của thời đại công nghệ nano, lý thuyết dây, không - thời gian 11 chiều, siêu dẫn nhiệt độ cao, viễn tải lượng tử…?
Thời đại chúng ta đang sống là thời đại đổi thay cực kỳ mau lẹ, chưa từng thấy trong lịch sử! “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”(*) - đó là điều mà riêng tôi hằng ngày vẫn luôn nghiêm khắc tự nhắc nhở mình, cốt giữ sao cho khỏi lạc lõng, lỗi thời. Đó là chuyện “phản tỉnh” của riêng tôi thôi. Chứ tôi chẳng dám khuyên ai cả! Hay nói đúng hơn, may ra chỉ có thể gợi mở đôi điều cho các bạn trẻ hiện là học sinh trung học, sinh viên, nghiên cứu sinh suy ngẫm, theo cái cách “lời quê chắp nhặt dông dài”
_____
(*) Tăng Tử, học trò của Khổng Tử, nói rằng: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vi nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ?” (Tôi mỗi ngày phản tỉnh ba điều: Lo việc cho người đã làm hết mình chưa? Làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín chưa? Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập chưa?” (Luận Ngữ)