Giàn khoan Hải Dương 981 và Viện Khổng Tử

Nữ Giáo sư Anne Trình (Anne Cheng) (ảnh) là con gái của Viện sĩ Hàn lâm Pháp: nhà thơ, nhà thư pháp gốc Hoa François Trình (tên tiếng Hoa là Trình Bão Nhất). Bà vốn là Giáo sư Học viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông (Paris) trước khi được bầu làm Giáo sư Collège de France năm 2008. Nhân sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại biển Đông, tạp chí La Revue (xuất bản tại Paris, Pháp) số tháng 6-2014 có bài phỏng vấn bà. Chúng tôi xin trích và lược dịch một số đoạn trong bài Giáo sư Anne Trình trao đổi với nhà báo, học giả Juliette Morillot, cũng là một nhà Đông phương học chuyên về Hàn Quốc, quyền Tổng biên tập tạp chí ấy.

Juliette Morillot (JM): Có vẻ như dạo này Trung Quốc rất quan tâm nghiên cứu các nhà tư tưởng chính trị học tư sản, như Alexis de Tocqueville(*) chẳng hạn?

Anne Trình (AT): Đủ thứ bà rằn. Không chỉ nhà chính trị học Pháp Tocqueville mà cả triết gia Do Thái Leo Strauss, nhà lý luận luật học Karl Schmidt thời Đế chế III của Đức (Đức quốc xã, 1933-1945) đến các vị sáng lập nước Hoa Kỳ như Thomas Jefferson chẳng hạn. Song song với những diễn từ luôn nhấn mạnh “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa” để khỏi phải nói về dân chủ, các ê kíp lãnh đạo Trung Quốc ngày nay sử dụng cả một đội ngũ trí thức uyên thâm chuyên khai thác, luận bàn và cung cấp tư liệu giúp họ tham bác các trào lưu lý luận tư sản phương Tây.

JM: Rõ ràng Trung Quốc đang trên con đường trở thành cường quốc số 1 thế giới, vượt qua Mỹ…

AT: Câu chuyện ấy chủ yếu do báo chí phương Tây nêu lên và nhấn mạnh. Đâu chỉ có kinh tế thôi là đủ. Không thể có tham vọng trở thành cường quốc phát triển hàng đầu thế giới mà không quan tâm các vấn đề xã hội - chính trị và địa - chính trị. Hiện nay Trung Quốc thường tìm cách nấp sau lưng Hoa Kỳ để khỏi phải có ý kiến về các sự kiện quốc tế nóng bỏng. Họ thận trọng bởi họ biết, nếu bày tỏ lập trường minh bạch thì sẽ tác động tiêu cực ngay đến ổn định xã hội của họ, điều kiện không thể thiếu để phát triển kinh tế vững bền.

JM: Vậy phải chăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao là biểu trưng hợp pháp duy nhất của lãnh đạo Trung Hoa đương quyền?

AT: Đúng, và đó cũng chính là tử huyệt của Trung Quốc ngày nay. Chúng ta chớ nên quên sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hồi đó vốn cho mình là phụ mẫu của dân lại đang tâm điều xe tăng, xả đạn vào thanh niên Trung Hoa biểu tình đòi dân chủ. Rồi sau đó họ tìm mọi cách giấu nhẹm, coi như chuyện “chưa bao giờ xảy ra” trên đời này. Hãy đi hỏi giới trẻ Trung Hoa thì rõ. Tịnh không có một bạn trẻ nào từng nghe đến câu chuyện ấy bao giờ. Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 không có trong lịch sử Trung Hoa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức rõ, muốn giữ ổn định tỷ lệ tăng trưởng cao thì cần phải gạt sang bên mọi vấn đề xã hội. Tập Cận Bình biết điều đó lắm cho nên ông ta đang áp đặt một kỷ nguyên cơ bắp mạnh hơn nhiều so với thời các vị tiền nhiệm của ông.

JM: Như thế hóa ra họ quay trở lại tuyên truyền chính trị theo lối cũ, thời Cách mạng văn hóa?

AT: Quả vậy. Chúng ta thấy hiện lên rất rõ, qua giọng điệu của các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, hình ảnh một anh lính Lôi Phong tiêu biểu cho chủ nghĩa Mao một thời, nhìn vào bất kỳ đâu cũng gặp sừng sững Lôi Phong. Trung Quốc hiện đang phải đối đầu nhiều vấn đề xã hội lớn: các vụ bê bối liên tiếp về thực phẩm, tham nhũng, sập nhà sập trường học hàng loạt khi có động đất do xây dựng ẩu, rút ruột công trình, rồi các vấn đề sắc tộc Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ (Ouighours), Mông Cổ. Những sự việc mà nhà cầm quyền Trung Quốc khẳng định là do “các phần tử khủng bố” gây nên chẳng qua phản ánh nỗi tuyệt vọng của người dân nước Trung Hoa. Khi những người Ouighours mang bom tự chế từ Tân Cương đặt vào giữa lòng thủ đô Bắc Kinh, sự kiện ấy hẳn phải nói lên một điều gì.

JM: Vậy giáo sư nghĩ sao về “giấc mơ Trung Hoa”?

AT: Đó không phải là giấc mơ của người Ouighours hay người Tây Tạng. “Giấc mơ Trung Hoa” vốn có từ các triều đại phong kiến xa xưa, triều đại nào ở Trung Hoa cũng ôm mưu đồ mở rộng cương thổ “thiên triều”, thâu tóm và khuất phục các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines cùng nhiều nước khác nữa, đó chính là “giấc mơ Trung Hoa”.

JM: Giáo sư có ý kiến gì về việc Khổng Tử đang tái hiện tại Trung Quốc, nhìn về đâu cũng thấy tượng Khổng Tử?

AT: Nước Trung Hoa cộng sản ra đời từ cuộc Ngũ Tứ vận động (4-5-1919) với nội dung bài bác Khổng giáo, đề cao các giá trị của tuổi trẻ, phục hưng văn hóa quốc gia... Trong suốt 50 năm, Khổng giáo bị hạ bệ triệt để. Đến những năm 1980, tại châu Á xuất hiện bốn con rồng mới nổi là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore. Các học giả, phần lớn tại phương Tây, nhìn thấy ở đó một mô hình kinh tế Á châu được xây dựng trên cơ sở những giá trị Khổng giáo: tôn vinh cái thiện trong lao động, đề cao vai trò gia đình, sử dụng quyền uy... Vậy là Trung Quốc từ bỏ luôn chủ nghĩa Mao để quay về với Khổng Tử.

JM: Đây cũng lại là “đặc sắc Trung Hoa”?

AT: Đúng. Và đó lại là một nghịch lý nữa. Có thể nào hình dung một chế độ do đảng độc quyền lãnh đạo theo đường lối Mác-Lênin đến một ngày nào đó lại tuyên bố: “Chúng tôi là môn đồ đức Khổng phu tử, thầy học của muôn đời”? Vậy mà quá trình ấy đã xảy ra và đang tiếp diễn. Thời của ê kíp Hồ Cẩm Đào, ông ta đã giương cao ngọn cờ “xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa”. Hài hòa ư? Thêm một nghịch lý nữa hoàn toàn trái ngược với lý thuyết của Max Weber vào những năm 1916-1920, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa ra đời, Weber cho rằng Khổng giáo là nhân tố có tính quyết định cản ngăn Trung Quốc tiếp cận chủ nghĩa tư bản. Vậy mà đến những năm 1980 thì hoàn toàn ngược lại: Ở Trung Hoa người ta viện dẫn Max Weber để nói với bạn: “Các giá trị Khổng giáo là nhân tố thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển”.

JM: Theo tôi được biết, tại Hàn Quốc không có gián đoạn trong việc tôn thờ Khổng Tử, học thuyết Khổng Tử vẫn ngự trị ở nước ấy cho dù nhiều giá trị đã nhanh chóng tiêu vong trong quá trình Tây phương hóa nhanh hơn cả ngựa phi nước đại. Xin giáo sư cho ý kiến: Ở Trung Quốc thì sao?

AT: Tất cả các đô thị lớn tại Trung Quốc ngày nay đều đã dựng lại Khổng miếu rập theo mô hình Hàn Quốc, trong bối cảnh mọi di sản liên quan đến Khổng giáo ở vùng lục địa này đều đã bị đập phá tan tành thời Cách mạng văn hóa.

Hiện nay, các nhà cầm quyền đang ra sức đề cao chữ hiếu, coi trọng gia đình, nhưng tôi hoài nghi: với hậu quả của chính sách mỗi gia đình chỉ được phép có một con, lấy ai mà hiếu đối với cha mẹ, ông bà lúc về già?

JM: Giáo sư có vẻ hơi quá khắt khe với các Viện Khổng Tử. Ở nước Pháp ta hiện chẳng đã có bao Viện Khổng Tử rồi đó sao?

AT: Các Viện Khổng Tử được giới thiệu có chức năng tương tự Viện Alliance Française của Pháp, Viện Goethe của Đức… thành lập tại nước ngoài. Tuy nhiên, theo tôi được biết, các Viện Alliance Française, Viện Goethe… không có nước ngoài nào cho phép đặt bên trong các trường đại học của họ cả. Tại Pháp, Viện Khổng Tử hiện đã có mặt ở nhiều trường đại học tổng hợp: Đại học Paris 7 Diderot, Đại học Paris 10 Nanterre, Đại học Aix-en-Provence, Đại học Toulouse... Một “quốc gia ánh sáng” như Pháp tại sao lại bắt các vị chủ nhiệm Khoa Trung Hoa học phải kiêm nhiệm luôn Giám đốc Viện Khổng Tử? Trong khi các Viện Khổng Tử do Trung Quốc xây nên thực chất là những tay súng đi đầu của tuyên truyền Trung Hoa về một thứ vẫn được coi là soft power [tiếng Anh trong nguyên bản], mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ như các Viện Khổng Tử chỉ lo bàn về ngôn ngữ tượng hình, cổ văn, thơ Đường, từ Tống, thư pháp, tranh thủy mặc...

Do ngân sách hạn hẹp, Chính phủ Pháp không cấp đủ kinh phí cho các trường đại học của mình hoạt động, buộc các trường phải trông cậy vào nguồn tài chính viện trợ từ nước ngoài để làm khoa học. Với đà này, rồi Trung Quốc sẵn sàng đổ tiền ra mua gọn toàn thế giới cho mà xem.

 

_____

(*) Alexis de Tocqueville (1805-1859): nhà lý luận nổi tiếng với tác phẩm Chế độ cũ và Cách mạng (tạm dịch), phân tích cuộc Cách mạng Pháp và nền dân chủ tư sản. Cuốn sách này hiện nay đang bán rất chạy tại Trung Quốc, sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường có lời khuyên các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nên tìm đọc, và từ đó cũng làm dấy nên nhiều ý kiến bình luận rất khác nhau của các nhà lý luận và trên các mạng xã hội ở Trung Hoa (Chú thích của người dịch).

Già Phan lược dịch