Giếng làng tôi

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc tỉnh Quảng Trị. Dù sau này tôi đã sống và làm việc ở nhiều vùng miền khác nhau, được uống và tưới tắm nhiều dòng nước khác nhau nhưng tôi chẳng thể nào quên được vị ngọt ngào mát trong của dòng nước từ giếng làng tôi thuở ấy.

Cái vị ngọt của đất, cái tinh hoa của trời, đã ngấm vào từng thớ thịt màu da, ngấm vào sâu thẳm tâm hồn mỗi con người để rồi dù có đi đâu thì những người con quê tôi vẫn giữ được chất giọng mộc mạc và bản tính thật thà, chịu thương, chịu khó.

Giếng làng tôi nằm ở đầu làng, nơi có một gốc si mọc ra từ một mô đất và cũng là nơi bắt đầu của một dải ruộng lúa chạy dọc theo sườn đồi. Ngày ấy, cái giếng làng tôi là nơi tụ họp của mọi người trong làng vào mỗi buổi chiều. Là nơi con gái trong làng ra ngồi giặt áo. Cái giếng là nơi các bác, các chú ghé vào rửa ráy sau khi từ đồng về, là nơi các mẹ, các chị gánh nước về nhà, cũng là nơi mấy đứa trẻ cởi truồng la hét, đùa vui cùng dòng nước mát lạnh múc lên từ giếng. Những câu chuyện vui buồn từ làng trên xóm dưới đều truyền tai nhau bên cái giếng làng. Và cũng có khi, những mối tình trong vắt của trai gái làng tôi cũng bắt nguồn từ đây, nơi có nguồn nước mát ngọt này.

Sông Hiếu Quảng Trị

Tất cả các giếng vùng lân cận hiếm nơi có được mạch nước ngầm nhiều và trong như ở giếng làng tôi. Các cụ đời trước truyền lại cho con cháu câu chuyện về cái giếng làng tôi như sau:

Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, nơi đây người dân sống chủ yếu bằng rau màu. Đất đai cằn cỗi vì thiếu nước nên đời sống vô cùng đói kém. Có một năm, hạn hán kéo dài người dân ngửa mặt lên trời chờ đợi, nhưng đã mấy tháng ròng trời vẫn nắng nóng như thiêu như đốt, rau màu ngày một khô cằn. Người dân trong vùng đã đào nhiều nơi khác nhau nhưng chưa tìm ra nguồn nước để cứu nguy. Nguy cơ chết đói, chết khát đã cận kề, các lão làng bàn nhau lập đền thờ để cúng Thần linh mong sự phù hộ của Người. Thần linh báo mộng: "Ta sẽ phái một vị Thần đến cứu giúp. Nơi vị Thần để lại dấu chân là nơi có nước. Hãy cho trai tráng trong làng đào lên".

Và thật diệu kỳ, hai dấu chân mà vị Thần để lại ở hai làng kề nhau đã được đào lên. Lập tức những dòng nước mạch từ dưới lòng đất tuôn trào. Người ta lấy đá xếp xung quanh mạch nước ngầm để bảo vệ. Hai cái giếng đã hình thành từ ấy. Cái giếng làng tôi có năm dòng phun lên từ lòng đất cách đều nhau xếp thành hình ngôi sao nên người làng gọi là giếng Lỗ Sao. Cái giếng còn lại của làng bên thì gọi là giếng Chùa vì nó ở gần ngôi Chùa của làng.

Hai cái giếng này đã cứu cho người dân trong vùng qua cơn khát. Cũng lấy làm lạ, sau ngày ấy, trời lại mang mưa đi khắp nơi, một vùng đất bằng phẳng gần hai cái giếng đã hình thành ruộng đồng. Từ đó, người dân quê tôi ngoài trồng rau màu còn có nơi để cấy lúa nước. Đời sống nhân dân ngày một no ấm. Sau này nhớ ơn vị Thần này, người dân đã lập đền thờ để hằng năm hương khói.

Dù ông nội đã kể cho tôi nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng lắng tai nghe chăm chú như lần đầu vậy. Cái giọng chân chất của ông khi kể chuyện làm cho tôi nhớ mãi. Cái giếng làng tôi vẫn còn nguyên những hòn đá ngày xưa ấy. Tháng ngày đã phủ lên đá những lớp rong rêu cũ kỹ, khi nhìn xuống chỉ thấy một màu xanh ngắt. Dù có những năm hạn hán kéo dài nhưng giếng làng tôi vẫn quanh năm mát trong và mực nước vẫn không hề thay đổi.

Dòng nước mát ngọt từ cái giếng làng này đã tắm táp tuổi thơ lấm lem bùn đất của tôi và nuôi tôi khôn lớn. Rồi tôi cất bước ra đi, lòng vẫn không nguôi nhớ về cái giếng làng tôi ngày ấy, nhớ về câu chuyện truyền thuyết thuở xa xưa. Câu chuyện đã nhắc tôi luôn nhớ về cội nguồn của mình, một vùng quê Miền Trung nghèo khó.

Năm trước, tôi về thăm lại quê hương sau mấy năm xa cách. Khi đi qua cái giếng làng chợt thấy bâng khuâng. Cái giếng làng tôi không còn nữa. Tôi hỏi ba tôi sao không dùng nước giếng làng nữa. Ba tôi trả lời bằng cái giọng luyến tiếc: Bây giờ đổi mới, người ta dùng máy khoan, khoan trong vườn nhà mình để dùng cho tiện, nhà nào may thì khoan chừng 5 mét, nhà nào không may như nhà tôi thì cũng 10- 12 mét mới có nước, tuy nhiên giếng nhà nào cũng chỉ đủ dùng trong nhà, khi có giỗ chạp lại phải kéo dây xin nước hàng xóm. Có khi bí quá, ba tôi ra giếng làng để gánh nhưng mạch nước mấy năm gần đây tự nhiên bé dần, rồi chẳng ai dùng tới giếng làng nữa. Sau đó mấy năm, nơi đây biến thành ao nuôi cá của một hộ gia đình. Còn bây giờ thì gần như bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Làng

Tôi ngồi bên bờ ao, nơi gốc si ngày xưa tỏa bóng mà tưởng như trong lòng có dòng nước giếng trong veo chảy tràn qua, mát lạnh đến tê tái. Gốc si không còn nữa! Ba tôi giải thích với cái giọng trầm buồn, mấy năm gần đây, mấy tay chơi cây cảnh ở đâu tràn về quê tôi nhiều vô kể. Họ lùng sục khắp bờ ao, chùa chiền, thôn xóm... Sau một đêm, gốc si mấy chục năm tuổi ở bờ giếng xưa biến mất, để lại một bờ đất sạt lở, năm nay cỏ dại đã phủ kín. Nhìn kỹ thì tôi mới biết được nơi mà nó đã từng tồn tại. Sự lưu luyến, sự mất mát đang dâng lên, lớn dần trong lòng tôi....

Ôi cái giếng làng tôi! Chẳng biết vị Thần ngày xưa có biết được chuyện này, và Người có tiếc công sức đã bỏ ra đi tìm nguồn nước?

Giá như cái giếng làng tôi vẫn còn thì hay biết mấy! Tôi sẽ kể cho con tôi nghe câu chuyện về nguốn gốc cái giếng làng tôi bắt đầu bằng câu: Ngày ấy, đã lâu lắm rồi...

Và... Bây giờ, người dân làng tôi có ai còn nhớ đến câu chuyện xa xưa về cái giếng làng, một trầm tích mà thiên nhiên ban tặng?

Châu Hoài Thanh