Giáo dục bắt buộc theo hiến pháp có thể “thương mại hóa” hay “xã hội hóa”?!

Không chỉ Việt Nam quy định miễn phí giáo dục ở cấp tiểu học (đến lớp 6) mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã có chính sách cưỡng bách giáo dục cho trẻ em dưới 15 tuổi, xem đó là quyền lợi của lớp trẻ mà nhà nước phải có trách nhiệm gánh vác để nâng cao dân trí, tiền đề tạo ra nguồn nhân lực đạt chuẩn trong việc phát triển đất nước. Quyền được đi học, khám chữa bệnh của lứa tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách và thể chất quan trọng này liệu có nên “thương mại hóa” - một khuynh hướng đang được cổ vũ hiện nay ở nước ta - dưới mô hình “xã hội hóa” hay “quốc tế hóa” khá lạ lùng mà một trong những biểu hiện của nó là “tăng học phí”, “trường tiểu học quốc tế”, “dân lập”… đang rộ lên trong mấy năm gần đây.

Hiến pháp của nước ta quy định rất rõ ràng rằng Giáo dục đến cấp tiểu học là trách nhiệm của nhà nước, được “miễn phí hoàn toàn”. Điều này không phải là một chủ trương xa lạ hay mới mẻ gì.Từ khi Nước Việt Nam “mới” ra đời năm 1945, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã từng bước hình thành và ngay cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, thế hệ đang ở tuổi đi học vẫn được nhà nước và xã hội quan tâm chăm sóc tương đối đầy đủ.

Ngày nay, việc phân chia lớp giỏi, dở, tạo đẳng cấp sai biệt giữa các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở vô tình đã tạo ra một ý thức sai lệch và phân biệt ngay từ tuổi thơ của các cháu, cách đối xử bất công giữa các em với nhau, là nguyên nhân của những tệ nạn như chạy trường, chạy lớp, chạy điểm và chạy “thành tích” một cách vô lý và để lại hậu quả xấu lâu dài.

Tương tự như nhiều nước phát triển khác, tại Nhật Bản, các em tuổi từ mẫu giáo đến trung học cơ sở (lớp 9) bất kỳ ai cũng có thể hưởng chế độ học tập miễn phí hoàn toàn, và còn được cung cấp buổi ăn trưa (miễn hay thu phí tùy nơi và trường hợp) theo chế độ dinh dưỡng phù hợp để phát triển thể chất và cả sách giáo khoa cần thiết!

Một con số đáng nêu ở đây là chỉ có dưới 1% số trường tiểu học và 4% trung học cơ sở là dân lập do các tổ chức tôn giáo, nước ngoài hay thiện nguyện tổ chức và những trường này vẫn được Ủy ban Giáo dục của tỉnh, thành phố… hỗ trợ về kinh phí để đảm bảo chất lượng giảng dạy ngang nhau, không hề có sự phân biệt đối xử giữa người học trường công và kẻ học trường tư, chính quyền địa phương có quyền phạt tù những phụ huynh cố tình cản trở hay ngăn chặn việc học của con em mình.

Số em tựu trường cấp phổ thông cơ sở đạt trên 99% trừ người tàn tật, dị dạng bẩm sinh thì hưởng quy chế giáo dục đặc biệt. Lương và phụ cấp của giáo viên được nhà nước chi trả ½ và ngân sách địa phương lo phần còn lại, với mức chuẩn là phải cao hơn ngạch công chức cùng cấp.

Tất nhiên, trong quá trình hoàn thiện một chế độ giáo dục hợp thời, bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, Nhật Bản cũng như các nước khác luôn bắt buộc phải “xem lại” các chính sách giáo dục hiện có nếu không nói là cải cách liên tục để đáp ứng tối ưu nhu cầu về nhân lực trong những thập niên tới cũng như khắc phục những tệ nạn trong xã hội thanh thiếu niên đang diễn ra không kém gay gắt như hiện tượng bỏ học, chọc ghẹo phải bỏ lớp, tự vẫn hay bệnh Hikkomori (núp trong phòng riêng, sợ tiếp xúc)… không kể các hội chứng về vi tính, điện thoại cầm tay, blog trên internet ngày càng tăng gia với tốc độ chóng mặt.

Mặt khác, khách quan chúng ta có thể hiểu điều này qua việc nhiều con em của các gia đình “di tản” ở các nước đều được học hành, thậm chí còn được hưởng chế độ đặc biệt như được kèm học tiếng để có thể hội nhập và theo đuổi các bạn cùng lứa, tỷ lệ thành công trong việc học của con em người Việt sinh sống nước sở tại là những thí dụ cụ thể nhất. Có phải vì họ “xem trọng người Việt đến đây sinh sống”? Không phải, mà đó là quyền lợi của mọi trẻ em trước tuổi trưởng thành được xã hội nước đó quy định.

Ở Tp.HCM hay Hà Nội, hiện tượng cha mẹ “chạy” cho con em không phải là ít vì lo âu cho tương lai cho con mình. Các em học sinh thì tối tăm mặt mũi, ngoài phần học ở trường lớp, còn học thêm với thầy cô tại nhà (hay tại lớp), rồi còn “tranh thủ” học thêm vi tính, tiếng Anh, học đàn… đến choáng ngợp.

Sự phân cấp giàu nghèo càng rõ nét khi các cháu xin vào trường “quốc tế” trong khi nội dung học tập thì hầu như bỏ ngỏ cho nước ngoài (hay người Việt đứng liên doanh) không hề có sự chỉ đạo và quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng ngoài việc xét duyệt giấy phép lập trường!

Giáo dục “cưỡng bách” vô hình trung trở thành những “sản phẩm” thương mại trọn gói mà không cần đăng ký chất lượng, chẳng rõ thành phần giáo viên “pha chế”, “nguyên liệu” giáo trình, “nhào nặn” ở trường lớp… ra sao. Nay lại tăng học phí ở những trường công lập với những biện bạch như “không đủ tiền trả lương đầy đủ” cho thầy cô, vì “ngân sách hạn chế, phải tăng học phí mới đảm bảo chất lượng”… nhưng liệu điều đó có phải “nhà nước” đang làm ngơ trách nhiệm tối hậu của mình, trút trách nhiệm lên đầu phụ huynh học sinh, những người nghèo, công nhân hay nông dân lam lũ với cuộc sống chật vật.

Tư duy “thương mại hóa” hay “xã hội hóa” giáo dục ở tiểu học ra đời trong sự phản đối của nhiều người trong cũng như ngoài ngành giáo dục, những ai tâm huyết và lo lắng cho nền giáo dục nước nhà trước một điều mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi, đi ngược lại xu thế phát triển, rằng càng phát triển nhân dân càng được hưởng lợi (phúc lợi xã hội) nhiều chứ không phải ngày càng gánh chịu nặng nề hơn những chi phí lẽ ra nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm từ ngân sách như giáo dục, y tế, giao thông công cộng…

Hiện nay giáo dục cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở kèm theo biết bao nhiêu “đóng góp” đủ thứ phí không thành văn cho nhà trường (cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…) chẳng theo luật nhưng là một cái “lệ” thực tế trong cuộc sống thì liệu giáo dục cấp cao hơn (cao đẳng, đại học…) sẽ còn được” thương mại hóa” đến đâu khi cung không đủ cầu (?) và được nhà nước (bộ giáo dục) ủng hộ tối đa trong khi giáo dục ở những cấp này đang trở thành những món hàng kinh doanh béo bở, siêu lợi nhuận không thể khiếu nại, với đầu vào và đầu ra không đạt “chuẩn” (dù là chuẩn cấp thấp) như chúng ta đã thấy hiện trạng về giáo dục ở 25 trường đại học mới được thành lập ở các địa phương trong năm 2006.

Hiện tượng sinh viên tốt nghiệp, phải đổi nghề hay học lại khá phổ biến, một sinh viên có thể có rất nhiều bằng cấp, theo đuổi hai đại học một lúc nhưng khi tốt nghiệp không tìm ra việc làm thích hợp là những thực tế đau xót.

Về thực trạng giáo dục và việc tăng chi phí ở cấp đại học, chúng tôi sẽ xin tiếp tục ở một bài khác, tuy nhiên lời phát biểu gần đây của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân rất ấn tượng, rằng: “Tăng học phí là một đột phá trong tài chính cho giáo dục đại học, thay vì trả học phí thấp theo mức thu nhập hiện tại của quốc gia và người dân thì chúng ta phải trả học phí ở mức đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội…” (trả lời phỏng vấn của VTC, ngày 10/10/2007) là một quan điểm cần được trao đổi thêm để làm sáng tỏ vấn đề “tăng học phí” và tìm hiểu mối liên quan giữa “học phí” với chất lượng đào tạo một cách khoa học hơn.

HỒNG LÊ THỌ