Giáo sư Đinh Gia Khánh giữa đời thường*

Trong cuộc sống thường ngày, Giáo sư Đinh Gia Khánh thể hiện sự hòa hợp giữa lối sống dân gian giản dị, chan hòa với những đổi mới hiện đại hóa mà ông hiểu biết, ghi nhận. Thời kỳ làm trợ giảng ở Trường Đại học Tổng hợp, ông thường mặc đại cán, nước da trắng, khuôn mặt đẹp, lại mặc áo dạ tím nên ông là một điểm sáng giữa các thầy giáo cao tuổi. Sau này trong chiến tranh, ít thấy ông mặc âu phục hoặc quần áo có tính chất nghi lễ mà thường ăn vận xuềnh xoàng. Người nhà cho biết, ông ăn uống cũng giản dị, thích tôm cá cua ốc. Tôi chứng thực điều này. Một lần gặp ông ở đầu phố Hòa Mã, có một hàng bún nổi tiếng, trong đó có món bún ốc, ốc luộc. Tôi mời ông vào thưởng thức và hỏi: “Anh thích ăn món gì?”. Ông trả lời: “Ốc mít luộc”. Nhà hàng bưng ra một bát to ốc mít luộc, những con ốc màu vàng sẫm và đen bốc khói. Ông vui vẻ bảo: “Mình thích ăn cái này, giòn, thơm, ngon miệng”. Ông không phải là một giáo sư cao đạo, không để ý đến chuyện hằng ngày mà cũng chú ý đến những chuyện đời thường. Trong một lần ông và một vài thầy giáo đến ngủ tại 19 Lê Thánh Tông để chờ chuyến xe nhà trường đưa đến chỗ sơ tán từ lúc 3, 4 giờ sáng. Ông và chúng tôi đều ngủ ở giảng đường 1, trên những chiếc bàn dài. Ông băn khoăn và bảo: “Mình có món thức ăn đã chuẩn bị sẵn làm lương thực trên sơ tán”. Nói rồi ông mở ra một gói thịt to, thịt lợn rán tẩm gia vị bốc mùi thơm khắp phòng. Ông mở và đặt trên bàn thầy giáo cho khỏi bị hấp hơi. Ông hỏi: “Ở đây có chuột không?”. Tôi bảo: “Chỉ có bàn và ghế, chuột vào đây làm gì, anh yên tâm”. Ông lại hỏi: “Ở đây có mèo không?”. Chuyện ấy không thể biết vì mèo thường lang thang, đánh hơi thấy mùi thịt thơm, có thể nó bò vào. Ông đóng chặt cửa, nhìn lên trần nhà, ở chỗ trần cao có hai lỗ thông hơi. Ông tỏ ý ngần ngại nhưng rồi đoán định mèo cũng không thể nào trèo qua và chui vào cái lỗ ấy để vào phòng.

Trong cuộc sống ông thường đem lại niềm vui cho mọi người. Ông khích lệ những người yếu kém. Ông tìm cách hòa giải những mâu thuẫn. Tôi quý ông về sự năng động trong khoa học, về những tri thức kết hợp được những giá trị của văn học dân tộc trong xu hướng hiện đại hóa. Ông cũng quan tâm đến tôi. Trong một lần bầu giáo sư, tôi và ông Phan Cự Đệ đều dự kiến được bầu làm giáo sư cùng với ông Bùi Văn Nguyên. Thầy Hoàng Xuân Nhị nói với tôi: “Đồng chí Đức về nói với Bùi Văn Nguyên, ủng hộ hai đồng chí là xong”. Ông Nguyên là phó giáo sư nhưng cũng được mời tham dự Hội đồng. Ông Nguyên chỉ bảo: “Các ông còn trẻ, để rồi xem xem”. Đợt ấy ông Bùi Văn Nguyên trúng giáo sư, tôi và ông Đệ đều thiếu một phiếu. Đi họp về, Giáo sư Đinh Gia Khánh gặp tôi. Ông vỗ vai và bảo: “Tưởng là thuận nhưng khó, thiếu một phiếu, Hà Minh Đức chỉ là phó dài”. Tôi cảm ơn ông và buồn cười. Ông không muốn gieo nỗi buồn cho người khác.

Năm 2000, trong cuộc họp bầu Giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi cũng ở trong Hội đồng cùng ông. Ông nhận lời phản biện cho những công trình của tôi gồm ba cuốn: Thơ và một số vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại; Mác Ăngghen, Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ; Nam Cao đời văn và tác phẩm. Ông đặc biệt khen cuốn Mác Ăngghen, Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ. Ông bảo tôi: “Mình tưởng ông sao chép vì là vấn đề khó, nhưng cuốn sách hay, có kiến giải riêng”. Kết quả bầu cử, tôi thiếu 0,25 khi làm tròn lên 12 phiếu, được xem là điểm chuẩn. Giáo sư Chu Tuấn Nhạ đề nghị là vớt tôi vì thực chất số phiếu là đủ. Nhưng không may năm ấy, số người thiếu 0,25 ở các hội đồng là 4 người và ông Phạm Gia Khiêm nói là không thể vớt một số lượng đông như thế. Giáo sư Đinh Gia Khánh lại khích lệ tôi: “Ông còn sức, thua trận này ta bày trận khác”. Tôi cảm ơn ông. Mười năm sau tôi mới được đánh giá phù hợp với khả năng của mình. 

 

--------------------

(*) Bài trích

GS-NGND Hà Minh Đức