Cuộc đời GS Tạ Quang Bửu là một tấm gương sáng chói cho nhiều thế hệ sau về nhân cách, về đạo đức. Một trí thức được đào tạo từ các trường Đại học nổi tiếng ở Pháp, Anh; một cán bộ cao cấp ở ngành giáo dục, nhưng gia đình ông vẫn sống hết sức thanh bạch, chỉ nghĩ đến cái chung mà chưa bao giờ thu vén cho cá nhân mình. Tạp chí Hồn Việt đã tiếp xúc với vợ và các con ông. Qua hồi ức của người thân, chúng ta có thể hình dung được ông, một nhân cách lớn của người trí thức cách mạng…
PV: Thưa bà, có phải nhân duyên của bà và GS Tạ Quang Bửu là cuộc hội ngộ của hai tâm hồn đồng điệu, đồng chí…?
Bà Hoàng Kim Oanh: Tôi gặp ông Bửu năm 1942, ở núi Bạch Mã. Khi ấy ông Bửu và tôi đều là hướng đạo sinh. Chúng tôi bắt đầu yêu nhau và cuối năm 1942 thì cưới nhau.
Suốt thời gian sau khi cưới là thời kỳ chiến tranh, mỗi người một nơi nên chúng tôi xa nhau suốt. Tôi đi bộ đội, ở chiến trường. Ông ấy là cán bộ cấp cao, thứ trưởng trong quân đội.
PV: Lúc còn sống, GS. Tạ Quang Bửu nổi tiếng là một quan chức có phong cách sống rất giản dị?
Bà Hoàng Kim Oanh: Ông Bửu ăn uống rất giản dị, không thích những thứ cao lương mỹ vị, không bia rượu, thuốc lá. Món ăn ông ấy thích nhất là cá bống kho tiêu, canh mướp đắng với thịt, theo cách tôi vẫn làm. Đồ dùng, bàn ghế, tủ sách… của ông ấy từ những ngày còn sống như thế nào tôi vẫn giữ nguyên, không mua sắm thêm thứ gì. Giá sách của ông, sau khi ông ấy mất, tôi dồn lại còn 6 giá, ngày trước phòng làm việc 40m2 chứa 16 cái giá sách. Lúc nào ông ấy cũng đọc sách.
PV: GS. Tạ Quang Bửu có phải là người cha nghiêm khắc?
Bà Hoàng Kim Oanh: Ông Bửu cứ làm việc, đối xử với con cái một cách chân tình, không bao giờ ra lệnh hay bắt buộc. Nhưng những gì ông làm chúng đều tự hiểu. Có lần, ông Bửu được một nhà bác học người Pháp tặng một số tiền lớn, mấy trăm ngàn đôla, nhưng không cho gia đình sử dụng chút nào mà dùng số tiền ấy lập ra một phòng thí nghiệm về nhiệt lạnh và mua sắm đầy đủ những trang thiết bị, máy móc, dụng cụ cần thiết cho trường Đại học Tổng hợp. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình cực kỳ thiếu thốn và khó khăn.
Anh Tạ Quang Vinh: Tôi còn nhớ, có những lần bạn bè Việt kiều tặng những bộ sách quý, mở ra thấy giá sách 100-120 đôla một quyển, thực sự số tiền như thế ngày ấy lớn đến mức không thể tưởng tượng được. Mỗi lẫn được nhiều sách quý như thế, bố tôi lại chất đầy lên ô tô mang tới biếu Thư viện Khoa học Trung ương.
PV: Được biết GS Bửu có ba con trai đi bộ đội, trong khi con cái của các cán bộ cấp cao thời đó thường đi ra nước ngoài học?
Anh Tạ Quang Vinh: Chúng tôi có bốn anh em trai thì ba nguời đi bộ đội. Riêng anh cả Tạ Quốc Quang, do gãy tay nên không được vào bộ đội không quân, sau đó anh đi học ở Đức một thời gian.
Ngày ấy, nếu chúng tôi muốn du học nước ngoài cũng không phải là việc khó khăn. Hơn nữa, khi đã vào bộ đội, chiến đấu ở những chiến trường ác liệt như Quảng Trị, muốn về Hà Nội hay vùng nào đó, bố tôi có thể lo liệu một cách dễ dàng. Nhưng không, chúng tôi vẫn cứ tự lực hoàn thành tất cả những nhiệm vụ được giao. Bản thân bố tôi cũng không bao giờ can thiệp đến công việc của chúng tôi. Như có lần chú Nghĩa chuẩn bị đi Nam, bố tôi cũng chỉ lấy danh nghĩa là người nhà lên thăm.

Tướng Pháp Delthei, trái, và ông Tạ Quang Bửu
kí hiệp định Geneva tháng 7, 1954
Bố là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước nhưng bản thân mấy anh em chúng tôi không ai dựa vào địa vị và chức vụ của bố cả. Chúng tôi cũng là những người lính từ binh nhì đi lên.
PV: Anh và những anh em trong gia đình thừa hưởng được từ người cha phong cách làm việc như thế nào?
Anh Tạ Quang Vinh: Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi chỉ nhớ nhất hình ảnh của bố tôi lúc nào cũng đeo kính, cứ sáng sáng cầm mấy cuốn sách lên ô tô đi đến cơ quan, chiều về ăn cơm xong lại vào phòng đọc sách, ghi ghi chép chép. Lúc ăn cơm vẫn đọc sách, món gì để trước mặt thì gắp món đó, hoàn toàn không có sự chú ý. Tôi thấy giữa bố con tôi có khoảng cách nhưng cũng rất thân tình. Tôi tiếp xúc với bố rất ít, lúc nào cũng thấy bố làm việc, và hiểu rằng đó là những việc rất quan trọng nên mấy anh em không dám làm điều gì không tốt để ảnh hưởng tới bố mẹ.
Chị Tạ Tuyết Mai: Bố tôi sống thanh bạch, không bao giờ tư lợi. Khi ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chúng tôi vẫn sống kham khổ. Tôi vẫn nhớ là anh Vinh mặc lại quần áo thừa của anh Quang, đi học thì không có cặp, dùng cái áo mưa gấp lại thành túi để đựng sách vở. Mẹ tôi nhận bóc lạc xuất khẩu, sau đó chọn hạt lép, hạt kẹ để kiếm thêm một hai hào. Mẹ tôi còn nhận may quần đùi cho bộ đội với giá 2 hào một chiếc vào ban đêm, còn ban ngày vẫn đi làm trong quân đội.
PV: Hiện nay sự gian lận, mất trật tự trong thi cử đang là một vấn nạn của xã hội. Ngày trước, GS Tạ Quang Bửu đã coi trọng sự nghiêm túc trong thi tuyển Đại học?
Bà Hoàng kim Oanh: Ông Bửu hiền lành rất tốt tính. Nhưng trong khoa học, thi cử lại rất nguyên tắc, nghiêm khắc, không bao giờ nhân nhượng. Không ai có thể nhờ được, dù là xin nửa điểm. Nhìn bề ngoài của ông rất hiền, đi đứng bao giờ cũng nhường người khác, nói chuyện cũng không bao giờ nói trước, không bao giờ cắt lời ai cả. Nhìn cung cách bên ngoài không ai nghĩ ông là Bộ trưởng, vì ông sống với anh em rất thoải mái. Thậm chí khi nói chuyện với con cái cũng có những trao đổi rất dân chủ như bạn bè…

Bà Hoàng Kim Oanh và con trai thứ ba Tạ Quang Vinh.
Anh Tạ Quang Vinh: Thời kỳ đầu khi ông được giao nhiệm vụ ra đề thi Đại học, tất cả các con phải đi ở chỗ khác. Ông có chiếc cặp màu vàng, khi ra đề xong nhét tất cả vào đó, để gối ở đầu giường. Khi bố tôi soạn đề thi xong, ông cùng tôi lập tức đi giao cho người phát đề thi, tại nhà in trường Đại học Bách khoa, in xong phân phát ngay đến các tỉnh xa bằng máy bay trực thăng. Hoạt động đó có cảnh vệ, công an, bộ đội quản lý rất nghiêm túc. Suốt những năm đó hầu như rất hiếm những chuyện sai sót chứ không nói gì đến chuyện gian lận trong thi cử.
PV: Gia đình ta gắn bó thân thiết với các vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước. Đối với bà, kỷ niệm nào là sâu sắc nhất?
Bà Hoàng Kim Oanh: Những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ, anh Đồng (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đối với gia đình tôi hết sức quý giá. Chúng tôi có 6 người con, Tạ Quỳnh Dao, Tạ Quốc Quang, Tạ Quang Vinh, Tạ Quang Chính, Tạ Quang Nghĩa, Tạ Tuyết Mai. Tên những đứa con trai của chúng tôi đều là do Bác Hồ đặt cho. Tên bốn người con trai là Quang – Vinh – Chính – Nghĩa là sự ưu ái của Bác dành cho gia đình.
Khi tôi bị chấn thương nặng, phải nằm điều trị dài ngày, Bác rất thương, mỗi lần đi đâu về, có cái gì quý như mấy lạng mì chính Bác cũng dành cho tôi ăn chữa bệnh. Khi tôi khỏe hơn một chút, Bác rất hay đến thăm. Những lần có thời gian, Bác đều ở lại ăn cơm với gia đình. Tự tay tôi nấu mời Bác những món ăn giản dị.
Anh Tạ Quang Vinh: Tôi nhớ hôm đó là ngày 2/9, bố tôi đi họp, lúc về trong chiếc mũ quân phục đựng đầy bánh kẹo. Bố tôi nói đó là Bác Hồ gửi cho và còn nói: “Lại đây Bác cho. Chú Bửu đông con, nhà lại nghèo...”.
Lúc Bác mất, dù không được phép nhưng tôi vẫn cứ trốn đơn vị để về viếng Bác. Lúc bố tôi biết tôi phạm kỷ luật quân đội, ông cũng không nặng lời mà chỉ nói để tôi hiểu là làm như thế không được, là sai.
PV: Thưa bà, có phải GS đã làm việc miệt mài đến những giây phút cuối cùng và lúc ra đi còn nhiều điều trăn trở?
Bà Hoàng Kim Oanh: Đến bây giờ tôi có 8 đứa chắt, các con tôi không có điều kiện để theo nghiệp của ông Bửu, chỉ có đứa cháu ngoại hiện là Tiến sĩ Toán - Tin đang công tác ở nước ngoài.
Ngày 23/7/1986 là sinh nhật của ông Bửu. Gia đình tôi không có thói quen tổ chức sinh nhật, nhưng năm đó con cháu đến rất đông để chúc mừng ông. Khi nói chuyện ông Bửu có nói với những đứa cháu rằng ngày sinh của ông trùng với ngày Phạm Tuân bay vào vũ trụ; ông còn nói ngày ông ra đời có sao Chổi, năm nay lại có sao Chổi nữa. Nói xong, ông để các cháu ở lại phòng khách, một mình vào phòng làm việc như thường lệ.
Ngày 21/8, khi nhà tôi đã rất yếu, anh Đồng đến bệnh viện thăm nhưng không dám vào. Anh Đồng đứng ngoài rưng rưng nghẹn ngào. Sau đấy lấy khăn mùi soa lau nước mắt và nói với các con tôi rằng: “Các cháu sau này phải anh dũng như bố, phải sống và làm việc như bố”.

Vợ chồng GS Tạ Quang Bửu năm 1968 tại vườn hoa nhà Quốc hội.
Anh Tạ Quang Vinh: Khi tôi đang là sĩ quan, tôi được về Hà Nội, gần bố hơn, thời kỳ ấy bố tôi bắt đầu viết sách. Bố tôi nói: “Bố nhiều tuổi rồi, những gì bố viết chỉ là viết tắt, anh em nào yêu thích sẽ viết lại cho đầy đủ”. Nhưng những gì ông viết là cái sườn chi tiết, tôi thấy rất nhiều vấn đề trong đó như sinh học, địa lý, môi trường, kể cả những chuyện về các đập thuỷ điện… Một lần ở Thác Bà, ông nói với tôi, chỗ bố con mình đứng ở đây sẽ ngập nước, có nước sẽ có thủy điện…
Trong sổ tay của bố tôi từ đầu năm 1986 có ghi là những ngày cuối cùng, dường như ông cũng tiên đoán được phần nào về số mệnh của mình. Trước khi đi cấp cứu, ông có ghi rằng mấy ngày hôm nay cảm giác trong người có sự xáo trộn rất lớn. Những ngày cuối cùng của mình, bố tôi còn nhiều điều trăn trở nhưng có lẽ cái day dứt cuối cùng là dành cho mẹ tôi. Ông nói với chúng tôi: “Suốt cuộc đời bố chưa làm được gì cho mẹ, mà chỉ có mẹ phục vụ bố. Bố chưa thực hiện được mong muốn là đưa mẹ con đi thăm các nước châu Âu, nơi bố đã từng sống”.
Trong thời gian cuối đời, ông có tập hợp một số bạn bè thân thiết, cùng chung tay viết một cuốn sách mà ông gọi là “Chiến lược con người” nhưng đến nay bản thảo đã bị thất lạc không hiểu do sơ suất nào. Khi bố tôi mất, trong bài thơ viếng của nhà thơ Khương Hữu Dụng, bạn học của bố tôi có nhắc đến cuốn sách này.
Bố tôi đã sống một cuộc đời thanh bạch, hiền hậu, nhân từ, say mê khoa học, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Ông thực sự là con người rất đáng kính phục.
PV: Xin cám ơn gia đình về cuộc trò chuyện quý báu này.