Giật mình

Thời mới cưới là thời kỳ êm đềm nhất của đôi uyên ương trong “truyện dài nhiều tập” khi bước vào cuộc sống lứa đôi đầy thăng trầm của hai con người khác phái. Tình yêu còn mới, ngoại cảnh cũng mới, con cái chưa có, hai người toàn tâm toàn ý dành thời gian và tình cảm cho nhau. Có lẽ đó là lúc phụ nữ đẹp nhất, dịu dàng và duyên dáng nhất. Khi có một hai đứa con rồi, tình mẫu tử khiến cho các bà mẹ quan tâm đến con cái nhiều hơn; con là trung tâm của cuộc sống, chồng trở thành nhân vật thứ hai; rồi tháng tháng năm năm, sống với nhau lâu ngày có khi vợ lại đâm ra “lờn mặt”, ngoại hình ngày càng xuề xòa, nói năng nhiều lúc vụt chạc, chuyện gia đình có khi bé nhưng xé ra cho to, rồi dần dà “tăng tốc” lên ở cấp độ đe nẹt, xài xể, hù dọa, “treo giò”,… đủ thứ chiêu để hành hạ chồng.

HẠNH PHÚC TỰA NHƯ NẤU ĂN

Một trong những yếu tố làm cho gia đình dễ rạn nứt là những cuộc đối thoại “nảy lửa” giữa hai bên hoặc những cuộc độc thoại triền miên trong lòng mỗi người mà không ai chịu nói ra, lâu ngày thành căn bệnh mãn tính khó chữa. “Lời nói không mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, không phải đã là vợ chồng rồi thì nói năng thế nào cũng được, nói lúc nào cũng xong mà phải biết lựa lời, lựa lúc nói, nói làm sao cho “con kiến trong lỗ cũng phải chui ra” thì mới là cao thủ; nhiều lúc bụng dạ không có ác ý nhưng người nói cố tình cường điệu để đạt cho được mục đích nên cũng sinh ra nhiều mâu thuẫn.

Cần tăng cường nhiều biện pháp để tránh bớt các cuộc cãi vã. Để khuyên răn lúc vợ chồng cãi nhau, ông bà ta thường bảo “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa”…

Những lúc vợ chồng lục đục, người vợ bản lĩnh thường kiệm lời, không tranh cãi lúc dầu sôi lửa bỏng, lúc mà người đàn ông muốn chứng tỏ mình là nhân vật quan trọng số một trong nhà, nhưng thói thường chẳng những vợ không bớt lời mà muốn nói cho hơn, cho hả, cho phần thắng phải thuộc về mình, không biết tùy cơ ứng biến, giống như người nội trợ vụng về; đáng lẽ miếng thịt mềm thì dùng con dao mỏng, bén để xắt, miếng xương to thì dùng dao bầu, dao phai chặt mới đứt, món nào cần cho nhiều đường, món nào cần nêm ít muối… vì mỗi món có cách nấu khác nhau với độ lửa khác nhau… Đằng này, người vợ thường dùng “dao to búa lớn” cho việc cỏn con, thường nói những câu mặn chát cho những câu chuyện thường ngày, rồi có khi lại ngọt ngào quá trớn cho những lúc không cần thiết…

Vì vậy, thời kỳ “ván đã đóng thuyền”, sóng gió trong gia đình thường nổi lên, tâm trạng người chồng nhiều lúc không được bình yên khi gần vợ. Tâm lý “đối đầu” thay cho “đối thoại” ngầm nảy sinh, “sóng ngầm” bắt đầu dậy lên trong lòng người đàn ông, nếu tình trạng kéo dài nhiều “tập” mà không được cải thiện thì họ toan tính điều gì có trời mới biết. Đã vậy, vợ cứ vô tâm, vô tình đẩy chồng tới đường cùng để chồng độc thoại với nội tâm đầy bức bối, rồi một ngày nào đó giọt nước tràn ly, giật mình hối hận cũng không có cách gì hốt lại được.

Nhiều cặp vợ chồng lẽ ra được sống bình yên hạnh phúc bên nhau vì mâu thuẫn giữa hai người không có vấn đề gì trầm trọng, nhưng người vợ không khéo khôn để lèo lái con thuyền cập bến an toàn mà vô tình lái ra giữa biển khơi để cho gia đình chịu giông tố ngả nghiêng rồi đi đến tan vỡ. Nói như vậy, các bà sẽ cho là không công bằng vì chuyện gia đình là chuyện của hai người, không thể nào đổ lỗi cho một bên, nhưng người vợ luôn đóng vai trò của một “đạo diễn”, là người quan trọng giữ lửa cho gia đình nên ông bà ta căn dặn: “Trách người một, trách ta mười. Bởi ta bạc trước, cho người tệ sau”.

Người viết bài này đã từng chứng kiến: Có cặp vợ chồng từ quê lên tỉnh lập nghiệp, tính tình hai người đều chân chất hiền lành, ngày ngày cặm cụi làm ăn buôn bán, chị vợ khôn lanh giỏi giang hơn chồng nên lúc nào cũng nói năng mạnh bạo, có khi chì chiết chồng như kẻ ăn người làm, còn người chồng thì cần kiệm, chăm chỉ siêng năng, tuy không chủ động trong công việc nhưng là cánh tay đắc lực cho vợ.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sự nghiệp ngày càng phát đạt, vợ càng trở nên gia chủ, coi thường chồng, nghĩ rằng người đó đã thuộc quyền sở hữu của mình, anh ta không thể nào vứt bỏ gia đình đó để theo ai nên những khi tức giận thường thách thức “Kiếm ai thì kiếm đi cho rảnh mắt” hoặc “Sống không được thì ly dị cho xong”. Những câu nói đầy thách thức luôn vang lên bên tai, thế rồi anh chồng âm thầm có bồ, lần nhất bị vợ bắt gặp thì “tan hàng”, lần hai vợ đòi ra tòa, chồng do dự buồn rầu một thời gian rồi cũng phải ký tên. Thật ra đối với chồng, đó chỉ là những nhân tình nhân ngãi qua đường, giải quyết lúc buồn bã cô đơn chứ không phải tri âm tri kỷ gì để say đắm thiết tha, nhưng người vợ luôn quyết rằng: “Anh ta là con người bạc bẽo chẳng ra gì, người như vậy mà còn xài chỗ nào được”.

Sau khi cầm giấy ly hôn trong tay, hả hê được vài hôm, rồi có những chiều nhìn căn nhà quạnh quẽ, vắng trước vắng sau, miếng cơm tẻ nhạt trong miệng, công việc nặng nề giờ đây một mình cáng đáng, nửa đêm thức giấc quờ tay thấy bên cạnh trống vắng, vợ bỗng giật mình choàng dậy, nhìn quanh quất căn phòng bấy lâu ấm áp hương nồng, nước mắt lại tuôn trào.

Trong cảnh tĩnh mịch đêm khuya, cô chợt giật mình nhận ra cuộc sống yên bình, hạnh phúc gia đình, hơi ấm quen thuộc của người thân yêu giờ đây đã thực sự biến mất. Quá đỗi bàng hoàng, vợ cảm thấy chết điếng trong lòng nhưng không biết tỏ cùng ai, không biết làm sao để cứu vãn một sự việc đã rồi. Nhiều lúc chị khát khao, phải chi anh ấy quay lại chị sẽ bỏ qua tất cả, sẽ sửa đổi, miễn sao trong nhà còn có anh đi về…

HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH QUÝ HƠN VÀNG BẠC

Có câu ca dao: “Hai đứa mình giống thể cây cau / Anh bẹ, em bẹ nương nhau sống đời”, lại có câu hát quen thuộc “… Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, bẹ cau còn biết nương nhau để sống, sỏi đá cũng cần có nhau huống chi là con người. Ngẫm cho kỹ, đời con người, thành công vẻ vang nhất, quý giá nhất không tiền bạc nào mua được đó là hạnh phúc gia đình, là tình cảm bạn bè, họ hàng,… Thử nghĩ, một người sống trên đống vàng mà gia đình tan nát, cõi lòng băng giá cô đơn thì cuộc sống còn ý nghĩa gì?

Muốn có mái ấm gia đình hạnh phúc phải có sự vun vén của cả hai bên và những thành viên khác trong gia đình. Người chồng dù hào hoa thế nào, năm thê bảy thiếp ra sao, rốt cuộc rồi cũng không đạt được hạnh phúc là bao nếu không muốn nói là quá nhiêu khê, phiền toái. “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm”, vợ càng nhiều các mối quan hệ càng phức tạp, bên này giằng bên kia xé; người đàn ông không được sự kính trọng của xã hội, gia đình, bè bạn, và phải luôn “diễn kịch” với mọi người, nói năng không trung thực, tâm trạng luôn ở thế “đối đầu”, luôn có mặc cảm tội lỗi (nếu còn lương tâm).

“Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon”, râu tôm nấu với ruột bầu mà ăn vẫn thấy ngon, tâm sinh lý con người nó lạ kỳ như vậy, khi đã đồng tâm hiệp ý rồi, dở cũng thành hay, xấu cũng thành đẹp, méo cũng thành tròn. Bữa cơm “hạnh phúc” phải do hai vợ chồng cùng nấu rồi cùng thưởng thức với nhau, gia giảm “lửa” như thế nào để giữ cho mái ấm luôn nồng cháy, đó là nghệ thuật của cả hai vợ chồng, mà người vợ là người luôn khôn khéo trong việc giữ lửa.

KIM THANH