Năm Giáp Dần (1314) vua Trần Anh Tông nhường ngôi cho thái tử Mạnh rồi lên làm Thái thượng hoàng, về ở phủ Thiên Trường.
Thái tử Mạnh lên ngôi tức là vua Trần Minh Tông (1314-1329). Ngài là ông vua nhân hậu, biết thương dân, nhưng thiếu sáng suốt nên đã giết oan nhạc phụ là Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn[1], một vị lão tướng từng lập nhiều chiến công từ thời kháng Nguyên đến chinh phạt Chiêm Thành.
Trần Quốc Chẩn là thân sinh của hoàng hậu. Hoàng hậu sống với vua đã lâu mà không sinh được hoàng nam. Triều thần bấy giờ chia làm hai phe: phe của Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) và Trần Khắc Chung muốn giảm bớt thế lực của phe Trần Quốc Chẩn nên tâu vua xin lập hoàng tử Vượng là con của bà hoàng phi Lê Thị làm thái tử. Còn phe của Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn thì xin vua chờ cho hoàng hậu sinh hoàng nam rồi hãy lập thái tử. Vua Minh Tông phân vân chưa quyết.
Giữa lúc hai bên còn đang dằng co thì Văn Hiến hầu cho tên Trần Phẫu[2] là gia thần của Trần Quốc Chẩn một trăm lạng vàng và xui nó tố cáo Trần Quốc Chẩn âm mưu làm phản. Vua Minh Tông không cho tra xét thực hư, sai bắt Quốc Chẩn đem giam ở chùa Tư Phúc. Trần Khắc Chung lại tâu vua xin trừ Quốc Chẩn đi, lấy cớ rằng “bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Minh Tông nghe theo, cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, để cho chết đói.
Hoàng hậu đến thăm cha, không thể mang thức ăn vào được, chỉ lấy áo nhúng nước rồi mặc vào, đến nơi vắt nước ra cho cha uống để đỡ khát. Quốc Chẩn uống xong thì chết.
“Về sau, người vợ lẽ của Trần Phẫu ghen nhau với vợ cả, đi tố cáo chuyện Trần Phẫu nhận vàng và vu cáo cho Trần Quốc Chẩn nên mọi việc sáng tỏ. Bấy giờ triều đình và dân chúng mới hiểu được nỗi oan của bậc trung thần.

Chùa Phổ Minh, thôn Tức Mạc, TP Nam Định,
quê hương của các vua Trần.
Ngục quan Lê Duy là người trung trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị kết án lăng trì (tùng xẻo) nhưng chưa kịp hành hình thì gia thần của Thiệu Võ là con của Quốc Chẩn đã ăn sống hết thịt của nó. Văn Hiến hầu vì là người của hoàng tộc nên được miễn tội chết, chỉ bị giáng xuống làm dân thường, xóa tên trong sổ hoàng tộc”[3].
Vua Minh Tông rõ chuyện ấy, lấy làm ân hận lắm, nhưng việc đã lỡ rồi, không thể nào cứu vãn được, chỉ còn biết làm thơ để tự trách mình:
Dạ vũ
Thu khí hòa đăng thất thự minh,
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh.
Tự tri tam thập niên tiền thác,
Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.


Dịch nghĩa:
Hơi thu và ánh đèn mờ đi trước ánh ban mai,
Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn.
Tự biết sai lầm của ta ba mươi năm trước,
Đành ôm sầu ngồi nghe mưa rơi.
Vũ Minh Am dịch thơ:
Mưa đêm
Hừng sáng, đèn nhòa, nhạt khí thu,
Ngoài song tàu chuối tiễn đêm mờ.
Ba mươi năm trước ta lầm lỗi,
Ôm nỗi hận sầu lắng tiếng mưa.
Bài thơ này có lẽ được làm vào khoảng năm 1356, nhân dịp vua Minh Tông (lúc bấy giờ đã trở thành Thái thượng hoàng) về thăm đền thờ Trần Quốc Chẩn ở huyện Chí Linh. Mùa xuân năm sau ông từ trần.

Tượng vua Trần Minh Tông ở Đền Trần.
Trước đó khá lâu, năm Ất Tỵ (1329) vua Minh Tông đã nhường ngôi cho thái tử Vượng, con bà hoàng phi Lê Thị. Thái tử Vượng lên ngôi tức là vua Trần Hiến Tông (1329-1341). Nhà Trần bắt đầu suy yếu.
1 | Cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi là Trần Quốc Chân, nhưng cuốn Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Trần Quốc Chẩn. |
2 | Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Trần Phẫu. Cuốn Việt Nam sử lược ghi là Trần Nhạc. |
3 | Theo Đại Việt sử ký toàn thư. |