LTS. Trần Hồng Châu (GS-TS Nguyễn Khắc Hoạch) sinh năm 1921, xuất thân trong một gia đình nhà Nho ở Hưng Yên, học Luật tại Hà Nội, bắt đầu viết văn làm thơ từ đầu thập niên 1940, cộng tác với các báo Gió Mới và Tiền Phong, từng đi dạy học (1946) và tham gia kháng chiến ở Khu Ba (1947-1948)… Ông từng giảng dạy tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn… rồi làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nam Illinois, Mỹ (1970-1974). Ông mất tại California năm 2003… Năm 1945, khi qua tuổi 20, tại Hà Nội, Trần Hồng Châu gặp Cách mạng và trong cảm xúc dâng trào, ông đã viết Gặp gỡ độc lập, bài tùy bút đã được giới thiệu trên báo Gió Mới, số Xuân Bính Tuất, năm 1946.
THÁNG TÁM
Tôi lấy tờ giấy đẹp nhất ra để ghi ngày khởi nghĩa. Hành vi ấy tuy vậy còn thiếu trịnh trọng và thành kính. Vì người xưa, vào trường hợp này, đã tẩy trần bằng nước ngũ vị và đốt trầm hương trước khi đến ngồi bên án viết.
Có một cái gì đưa vút lên cao rồi tràn lan như sóng biển trong hai từ: “Khởi nghĩa”. Ôi, cao siêu, dáng điệu một dân tộc vui tươi bừng trỗi dậy. Có ai giúp tôi ghi lại niềm rung động nhỏ bé của mình trong rung động to lớn của giống nòi?
Thăng Long yêu dấu của chúng ta hôm nay là cô dâu mới khoác áo nhung màu huyết dụ. Rừng cờ đỏ nổi lên, chói lọi ánh sao vàng, như tâm hồn người Hà Nội.
Những dãy nhà nhỏ bé như bị nứt tung vì áp lực của lớp lớp biển người. Họ đi từng đoàn, mắt đầy ánh sáng, tay giơ lên trời xanh bộc lộ niềm vui chung. Râu xồm xoàm, da xạm đen nay trắng như trứng gà bóc, mặt căng lên vì quả quyết, đó là người chiến sĩ mà ngày khởi nghĩa từ trên ngàn về hay từ trong nhà giam của phát xít Nhật ra.

Hàng rào sắt phủ Khâm Sai không ngăn nổi ý chí quần chúng. Đứng trong hàng ngũ, tôi say sưa nhớ đến Paris Công xã, Vũ Xương và Tháng Mười ở Petrograd. Và sực nhớ đến người bạn cùng phòng trong nhà lao của hiến binh Nhật. Người chiến sĩ này, trước khi đập đầu tự vẫn (nhưng may anh vẫn còn sống) đã hô to ba lần: “Cách Mạng thành công!”. Giờ phút này có lẽ anh là người hạnh phúc nhất trần gian.
Gặp gỡ độc lập – Tái tạo trong độc lập…
Sức chuyển vận lịch sử quá nhanh làm vụn vỡ đời sống cũ. Cho nên đã dựng lên một bầu không khí mới.
Sự đổi thay khởi đầu theo bề mặt.
Một hình thức sống mới được tung ra: Sống tập đoàn để tranh đấu. Đối phương phải e dè vì thấy hàng ngũ ta xen chặt cũng như ý nguyện ta đã kết thành một. Tôi lắng nghe tiếng chặt tre vang dậy sau lũy cây xanh và tiếng búa rèn dao trong những túp lều. Biểu tình! Biểu tình! Có một vẻ đẹp hồn nhiên trong bước chân vung đại đang gõ nhịp của người dân quê đi đòi quyền sống.
Có một âm điệu thiêng liêng trong bài hành khúc ca giục giã lên đường. Không khí ngân lên vì âm hưởng những ngôn từ mới: chiến khu, giải phóng, đồng chí, chấp hành… Một số chữ đẹp, giản dị, nghe lạnh lùng, sắc cạnh như tiếng búa nện xuống đe tuy vẫn không kém phần truyền cảm.
Âm thanh mới gợi màu sắc và hình dáng mới. Được ưa chuộng hiện giờ là màu ka-ki lá úa (rừng xanh), màu nâu và màu đỏ tươi (núi đỏ). Có ai lượng được số vải đỏ nằm trong những tủ thợ may sau ngày khởi nghĩa? Về hình dạng thì phức tạp hơn: cổ giầy cao hẳn lên thành ủng, vành mũ cói mỗi ngày một rộng trong khi ấy quần chun hẹp lại.
Sự đổi thay này ta nhận thấy cả ở một số phụ nữ đường Hàm Long và Hàng Đào, Hàng Ngang mà mớ tóc mây bỗng dưng co lên và giấu mình trong chiếc mũ nồi đội lệch một cách duyên dáng.

Người dân Hà Nội ở ngã tư Hàng Bông với cờ đỏ sao vàng và hoa
nôn nao chờ đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô. Ảnh TL.
Phố phường nhan nhản người độc lập: Mặt hớn hở, ngực vươn ra đón gió mới, bước đi mạnh bạo vì tin là đang nện gót trên đất nước của chính mình. Người độc lập đi giữa những phố đầy cáo thị và truyền đơn đủ màu, bắt gặp những người “đội sếp” nhã nhặn một cách không ngờ, và hay đến hiệu sách tìm những tác phẩm về chính trị và quân sự.
Nhịp tiến hóa xã hội làm nảy nở những ước mơ và sở thích mới: rất nhiều những đôi giầy bám bụi nện gót trên đường phố vắng bóng lũ trẻ “đánh giày, đánh mũ” bị ế hàng, vì trai Hà Thành đã bắt đầu yêu bụi và không thích thắt cà-vạt hoa hòe.
Gặp một anh bạn thân. Mọi khi thì anh vùi đầu trong từng chồng án lệ Dalloz khổng lồ hay nằn nì mượn cho được tập thơ Henrich Heine. Hôm nay, anh đánh đốp vào mặt tôi bằng một câu: “Mình mới mua được khẩu Mauser, đạn 7-75. Tuyệt lắm! Mai đến xem nhé!”.
Trong đầu các thiếu nữ, tất nhiên cũng có cách mạng. Chuỗi ước mơ cổ điển tan thành mây khói và người con gái mười tám hiện đang vuốt ve trong tâm tư những hình dáng đơn sơ nhưng khỏe đẹp lạ lùng!
Tiếng súng làm rung chuyển cả hệ thống tư tưởng của người trẻ tuổi ấy. Bạn hắn đã có người “sám hối”, lại có người đang ra sức “diệt cái Tôi cũ”. Theo thói thường hắn vẫn thận trọng vì tin rằng kéo dòng tư duy sang một lối khác phải là công việc của thời gian. Và thai nghén một hệ thống tư tưởng mới, ít ra phải chín tháng mười ngày. Nhưng hắn đã thấy khang khác làm sao ấy! Đã có triệu chứng mới!
Nhịp sống thời đại quá nhanh không cho phép ngồi im để suy tưởng, để chiếu kính hiển vi vào những nguyên tử nhỏ nhất của tâm tư. Mới có mấy tháng mà lâu đài cũ đã um tùm cỏ hoang! Tuy vậy, hắn vẫn cảm thấy một phân chia dằn vặt trong cái Tôi: Một nửa phăng phăng nhảy sang đất mới, còn một nửa thì tự nhủ: “Chờ cơn bão táp xong ta sơn son thiếp vàng lại nhà cũ để ở”. Hai bên hằn học, giằng co nhau làm hắn đau buốt cả đến thể xác. Và đành thúc thủ như anh chồng nhu nhược ngồi nghe hai bà vợ tức tưởi cãi nhau.
Nhưng thời gian qua… chắc hắn sẽ quả quyết bước lên một con đường nào đó…
THÁNG CHÍN
Một phương diện quân Trung Hoa đang theo dọc sông Hồng đổ về xuôi…
Mũ lưỡi trai và ủng sắt Nhật Bản mờ dần trong trí. Hôm nay chỉ độc thấy những đôi hài sảo còn vương bụi Hồ Nam và Quý Châu cùng những chuỗi cười nói líu lo như tiếng chim rừng trên đường vào Tây Thục…
Đồng thời, đoàn tàu bay hai thân nhả xuống bãi Gia Lâm một tốp lính, mắt xanh màu nước biển Cựu Kim Sơn…
THÁNG MƯỜI
Thời đại đã tạo nên một kiểu mẫu người đẹp như đúc bằng vàng khối. Tôi muốn nói đến những thanh niên chiến sĩ trong bộ đội, du kích lúc giặc Pháp khởi hấn ở Sài Gòn.
Con tàu xuyên Việt hôm ấy chở máu nóng và căm hờn vì mấy trăm người trẻ tuổi rời chiến khu Đông Triều hướng về phương Nam. Lòng tôi reo vui vì chí lớn kia đã có mục đích phụng sự, nhưng cũng thắt lại khi nghe bài ca Chiến sĩ một đi không trở về!
Vẫn những nét mặt cương quyết, những tấm thân đầy nhựa mạnh, vô cùng lẫm liệt trong bộ áo trận giản dị, dù tôi gặp họ ở Hồng Gai, Cát Bà hay Thái Nguyên. Họ hẹn nhau ở đây: Địa chủ, lao động, vô sản, trí thức cùng thân ái đứng trong một mặt trận, cùng dâng cho Tổ quốc mái tóc còn xanh và lòng yêu nước nồng nhiệt.
Người chiến sĩ Việt Nam tự do! Anh trẻ và oai hùng như một thiên thần!

Những đứa trẻ vui mừng bắt tay chào đón các anh bộ đội Cụ Hồ. Ảnh TL.
Súng nổ mạnh ở phương Nam. Chúng ta đã tự vượt. Có em nhỏ bị đạn giặc, được quốc kỳ bọc lấy thây non. Có người nữ chiến sĩ mô tả niềm say sưa lúc bóp cò súng và đường rơi quả lựu đạn đẹp như một điệu thơ Đường. Và từng nhóm dân quê hăng hái vác đòn gánh, gậy tầm vông, thuổng, cuốc ra “băm xác quân thù”…
Miền Nam: Cái lò thử thách ý chí một dân tộc. Nhưng cả khối hăm nhăm triệu dân đã vùng dậy đồng thanh kêu: “Chúng ta quyết san bằng ngọn núi xâm lược thành bình địa”.
THÁNG MƯỜI MỘT
Không khí kinh thành có vẻ nặng nề. Một vài chiếc máy phóng thanh đưa ra những lời tranh luận giận dữ hoặc mai mỉa. Đường đi của báo chí và truyền đơn không duy nhất. Nhiều cuộc bút chiến gây hoang mang và chia rẽ trong quần chúng. Người Hà Nội đêm đi qua những phố vắng hoặc bước lên xe điện bỗng nhiên rùng mình khi nghe thấy pháo nổ kề bên.
Không khí nặng nề tràn qua những bức tường mỏng vào trong các gia đình. Hôm nay, anh chị với tôi ăn cơm, có rau muống xanh, đậu vàng và cà chua đỏ. Tôi lóa mắt hay sao mà bỗng dưng anh mặc áo vàng còn chị thì đỏ rực cả người lên, màu sắc thức ăn hay màu sắc chính trị? Chỉ biết rằng anh với chị, hai người bạn thân, dạo này thường tránh gặp nhau, mà động nói chuyện là đâm gắt gỏng, giận dỗi. Còn bên hàng xóm có hai bố con, mỗi người mua một tờ báo riêng và cãi nhau suốt ngày…
THÁNG CHẠP (1945) VÀ THÁNG GIÊNG (1946)
Phong vũ biểu tụt xuống mấy độ. Khí hậu chính trị oi nồng đến cực điểm, toàn dân đang hồi hộp lo ngại thì đột nhiên dây đàn chùng hẳn lại.
Công trường Nhà hát Lớn hôm nay – mồng Một Tết Dương lịch – rừng cờ, rừng người, lời cầu nguyện đoàn kết và tiếng hoan hô dậy trời…
Như trong địa hạt vật lý, những động lực quốc tế sau một hồi đối đầu, cọ sát đã đến chỗ thăng bằng. Chịu ảnh hưởng toàn cầu chúng ta tất nhiên cũng được thở không khí mát mẻ hơn. Và trong các gia đình, bữa cơm Tết Dương lịch có lẽ cũng ngon hơn ngày thường nhiều.
Đứng trên bao lơn Nhà hát Lớn, tôi đã hình dung được ý niệm đại chúng và cảm thông với sức sống của người Việt. Dãy phố Tràng Tiền chạy xa tắp gợi một viễn cảnh đẹp về tương lai. Đó là chân dung một dân tộc đang quả quyết đi về phía ánh sáng. Ý chí toàn dân phải vượt qua hết các trở lực và chúng ta sẽ tìm thấy đường sống. Xuân Bính Tuất đồng nghĩa với huy hoàng vì đã chiến đấu. Bình minh Bính Tuất là bình minh của dân tộc.
Chúng ta hãy đốt thêm lửa tin tưởng và chờ ngày Xuân Độc Lập đầu tiên trên đất Việt.