* Chào Julian. Vẫn mạnh chứ?
- Tôi vẫn mạnh. Cảm ơn anh. Nhưng không hiểu sao tôi thường nhận thấy là phần đông các nhà báo đều muốn trông thấy tôi buồn rầu và ủ rũ khi bị truy bức như thế này. Làm như là họ muốn tôi đóng cho thật hệt cái vai trò của tôi trong một vở kịch có tính cách răn đe: bất cứ ai mà dám cả gan vuốt râu của cọp Mỹ là sẽ tàn đời. Thật phi lý quá. Nhóm WikiLeaks chúng tôi đã “quậy tung” một nước có tham vọng đế quốc. Trong khuôn khổ cuộc tranh đấu của chúng tôi, chúng tôi đã thắng đối phương về mọi mặt. Hiện nay, nước Mỹ vì không đánh thẳng vào chúng tôi được nên đã dùng những ngón đòn ngầm khá độc hại để trả thù. Nhưng chúng tôi cũng vẫn thắng vì những ngón vặt ấy không làm chúng tôi lùi bước.
* Anh đã nghĩ ra được cách nào để rời khỏi nơi này chưa?
- Có thiếu gì cách để đi khỏi nơi đây, nhưng tôi không chú tâm đến điều này vì đó không phải là vấn đề chính yếu. Nếu tôi ra khỏi nơi đây thì việc gì sẽ xảy ra? Tôi không phải là người duy nhất bị đặt trong tầm ngắm của Mỹ. Đối với tôi, cái việc vào lánh nạn ở đây là một phần của một kế hoạch rộng lớn hơn. Không phải tình cờ mà tôi đến gõ cửa Tòa đại sứ Ecuador. Động thái này của tôi là một bước nằm trong một chiến lược đã trù liệu trước.
* Chúng ta hãy thử quay trở về dạo trước, xét lại mọi thứ ngay từ chỗ đã bắt đầu và cố tìm một ý nghĩa triết học cho những hành động của anh. Theo anh, những người đã khai sinh ra Internet có bao giờ xem Internet là một cái gì không tưởng không?
- Trong những năm đầu tiên của thập niên 1990 tôi đã từng góp một tay vào sự phát triển của Internet ở Úc và tôi nhận thấy là những tay hacker tiên khởi của lúc bấy giờ đều có một ít “không tưởng” trong đầu. Sự không tưởng về tri thức (utopia of the knowledge). Chúng tôi cảm thấy đang có trách nhiệm thi hành một sứ mạng: thiết lập một hệ thống thông tin để giúp toàn thể nhân loại có một phương tiện quảng bá và chia sẻ những tri thức. Hồi ấy chính cái vai trò độc tôn của những phương tiện truyền thông đại chúng trong cách hướng dẫn dư luận quần chúng và sự có mặt tràn lan của nạn bóp méo thông tin đã thúc đẩy chúng tôi phải làm một cái gì ngăn chặn. Nhưng mạng Internet hồi ấy còn phân tán, còn manh mún và rất nghèo nàn về mặt thông tin. Mãi đến cuối những năm 1990 nó mới mở mang thêm cho chúng tôi có thể hy vọng sắp đạt được mục tiêu mơ ước. Về mặt tự do thông tin, những năm ấy là những năm vàng son của mạng Internet. Nhưng đến những năm 2000 cục diện đã bắt đầu thay đổi. Nhiều khuôn mặt mới bắt đầu xuất hiện. Nhiều công ty tư nhân lớn (như Google, Facebook, PayPal v.v…) chen vào để nắm quyền điều khiển sự phát triển của Internet. Và những máy móc, những dụng cụ rất tối tân, rất hiệu nghiệm để kiểm soát thông tin cũng lần lượt tiếp theo nhau có mặt trên thị trường. Đến lúc ấy chúng tôi mới thấy rõ là cái không tưởng của chúng tôi khi chạm mặt với thực tại đã sụp đổ hoàn toàn.

* Và các anh đã xem sự ra đời của Internet như một hiện tượng có tính chất chính trị. Vì sao?
- Phần đông mọi người đều nghĩ rằng mạng Internet là một kỹ thuật(1) rất thực dụng để gửi cho nhau những thông tin và truy cập các website. Nghĩa là một phương tiện truyền tin liên lạc. Nhưng về mặt chính trị thì nó không đơn thuần là một dụng cụ chỉ dùng vào công việc thông tin liên lạc. Những người lướt mạng(2) thường đòi hỏi được có tất cả những thông tin mà họ muốn có và không ai có quyền ngăn trở họ. Chính vì vậy mà những đường lối kiểm duyệt theo lối cổ lỗ sĩ ngày xưa không còn có thể dùng được để kiểm soát Internet. Anh hãy xem trường hợp của Ben Ali ở Tunisia, của Kadhafi ở Libya, những nước ấy đã phải vất vả hết sức nhưng vẫn không sao bịt miệng được Internet. Ngoài ra, những tay lướt mạng còn muốn đi xuyên qua biên giới của các nước, còn muốn được tự do tiếp nhận và trao đổi thông tin, còn muốn phá bỏ các hàng rào quan thuế. Cái hiện tượng ấy có một sức mạnh ghê gớm, khó có thể ngăn chặn được. Tại sao? Bởi vì ngày nay Internet đã trở thành hệ thần kinh của tất cả những xã hội của chúng ta. Có thể nói là nó phân thân, tách ra và trở thành một hệ thống dân chủ đại diện cho tất cả mọi người, trở thành một không gian tranh luận tập thể, tạo ra những mối tương tác thường xuyên.
* Như thế thì bản chất của những cuộc đấu tranh chính trị sẽ thay đổi ra sao?
- Chúng ta hãy lấy Lầu Năm Góc của Mỹ ra làm thí dụ. Trong số những người ra vào chỗ ấy để làm việc, có thể cũng có những người có một lòng tin mãnh liệt vào những gì gọi là đạo đức, là luân lý. Nếu họ phát hiện một vụ tham nhũng hoặc một vụ tra tấn tù binh bất hợp pháp thì có thể là họ sẽ muốn đưa những thông tin ấy ra ngoài. Ngăn cấm không để cho những nhân viên đang làm việc cho mình tiết lộ những xì căng đan mà mình đang che giấu là một việc rất khó khăn đối với Lầu Năm Góc và Nhà nước Mỹ. Những chuyện như thế không phải là những chuyện đến bây giờ mới xảy ra mà đã có từ lâu. Internet chỉ là một phương tiện đưa chúng ta bước vào một kỷ nguyên mà những thông tin nắm một vai trò rất lớn trong các cuộc đấu tranh chính trị bằng cách tung ra nhanh chóng và cùng lúc tung ra ở khắp nơi những thông tin nhạy cảm. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng quên điều này: nhà cầm quyền Mỹ lúc nào cũng hiện diện sừng sững đấy, không thể dùng cây đũa thần của kỹ thuật số để triệt tiêu nó được. Họ bao giờ cũng được độc quyền sử dụng lối bạo động hợp pháp và những cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục gây ra những cái chết có thật chứ không phải “ảo” một tí nào.
* Chúng ta hãy đề cập đến bộ mặt không mấy “hay ho” của Internet là người ta có thể dùng Internet để kiểm soát mọi thứ và mọi người. Hiện nay sự kiểm soát ấy đã tinh vi đến đâu và bành trướng ra sao?
- Rất là giản dị: mọi hành động của anh trên Internet, những trang web mà anh truy cập, những thư từ thông tin mà anh phát đi đều được thu và trữ lại trong các bộ nhớ. Người ta cũng làm hệt như thế đối với những gì anh làm trên cái smartphone (điện thoại thông minh) của anh và tuyệt vời hơn nữa là người ta còn có thể “định vị” anh, biết anh đang ở nơi đâu nữa. Trong những năm 2000, số lượng những tin tức trao đổi giữa các cá nhân bị thu và bị trữ lại trong các bộ nhớ đã tăng lên, không phải theo cấp số cộng, cũng không phải theo cấp số nhân mà là theo cấp số tỉ tỉ. Bộ Ngoại giao Mỹ khi phải ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện đã phải thú nhận là mỗi ngày đã thu và trữ lại đến 1,6 tỉ thông tin.
* Tháng 4-2010, trong một buổi thuyết trình tại Đại học Berkeley (Mỹ), anh đã thông báo cho sinh viên một tin vui và một tin không vui. Vui là: không ai có thì giờ đâu mà lục tìm trong đống thông tin lưu trữ khổng lồ ấy. Không vui là: lúc nào chúng ta cũng bị theo dõi, canh chừng. Hiện nay anh có còn bi quan như vậy nữa không?
- Tôi vẫn còn bi quan và cái bi quan ấy đã tăng một cách rõ rệt. Bởi vì bây giờ những dụng cụ để theo dõi, để kiểm soát đều rất tối tân, rất tinh xảo. Đối với một cá nhân nào đấy bây giờ người ta có thể theo dõi và thiết lập rất nhanh, trong tích tắc, một bản đồ ghi rõ tất cả những người đã tiếp xúc với cá nhân ấy qua Internet hay qua điện thoại. Người ta cũng có thể phát hiện gần như tức khắc những động thái vượt ra ngoài khuôn khổ bình thường của một người nào đấy, thí dụ người ấy muốn tìm một loại thông tin đặc biệt, muốn dùng điện thoại để thực hiện những cuộc nói chuyện xuyên biên giới. Nhưng ở Mỹ người ta không chịu dừng ở đấy. Do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ không có khả năng phát triển những dụng cụ theo dõi đã có sẵn của mình, nên họ nhờ đến những nhà thầu dịch vụ tư nhân. Những nhà thầu này có thể đảm nhận hàng lô hàng lốc công việc đáng kinh ngạc mà các Spyfiles do WikiLeaks tung lên mạng(3) trước đây đã tiết lộ. Thí dụ nhà thầu của công ty VAStech đặt cơ sở ở Nam Phi đã đưa ra một giá cạnh tranh, chỉ tính tiền công thu và lưu trữ trong bộ nhớ những cuộc điện thoại của 100 triệu người trong thời gian 1 năm là 10 triệu đôla. Công ty Vupen Security của Pháp chuyên bán những loại vi rút dùng để xâm nhập các máy tính và máy điện thoại di động (kể cả những iPhone sử dụng phần mềm Android) v.v… Tôi sẽ đưa ra thí dụ khác để cho anh thấy sự lo ngại của tôi không phải là vu vơ: Trong địa hạt quân sự, vào năm 2003 quân đội Anh đã trắc nghiệm những kỹ thuật theo dõi qua điện thoại để “định vị” những địch quân được coi là mục tiêu phải tiêu diệt trong các cuộc hành quân. Hồi ấy (2003) mỗi lần người ta chỉ định vị được vài mươi địch quân thôi. Nhưng hiện nay thì anh có thể tấn công tiêu diệt cả một thành phố vài nghìn dân cư qua cách định vị số dân cư này trên màn hình vi tính.
* Trong quyển Những quyền tự do của chúng ta đang bị đe dọa(4) xuất bản gần đây anh có khuyên những ai sử dụng Internet nên nhờ đến phương pháp mật mã để ngăn ngừa việc bị theo dõi và kiểm soát. Nhưng anh liệu xem những kẻ sử dụng Internet thuộc hạng “mèng mèng” như tôi đây chẳng hạn sẽ có đủ sức để bảo vệ những dữ liệu cá nhân của mình không?
- Một người thuộc hạng “mèng mèng” như anh nói, mỗi lần sử dụng Internet, đâu có biết rằng mình đang sử dụng những dụng cụ có tính chất mật mã. Khi anh dùng password (mật khẩu) để đăng ký trên website Amazon hay trên website ngân hàng của anh thì ở đằng sau cái log-in ấy là cả một nền khoa học kỹ thuật mật mã rất phức tạp có tên là HTTPS. Khi anh truy cập một webiste, chẳng hạn website của cơ quan CIA của Mỹ, làm sao anh có thể biết đấy chắc chắn đúng là website của cơ quan CIA? Nhỡ đấy là một website giả mạo để lừa anh thì sao? Những internet navigator như Firefox chẳng hạn đều có những chìa khóa, những chứng chỉ mật mã được thu sẵn dành cho khoảng 60 công ty tư nhân để các công ty này cung cấp chìa khóa mật mã của tất cả những website khác cho những người sử dụng. Trên lý thuyết thì mọi công việc này đều vận hành một cách hoàn hảo. Nhưng trên thực tế thì có một vài công ty trong số 60 công ty nói trên làm ăn không được đàng hoàng, có những thủ đoạn bất chính, cung cấp những chứng chỉ giả mạo hoặc dùng những chìa khóa mật mã bị đánh cắp để tạo ra những chứng chỉ giả mạo. Nói tóm lại, lối dùng những chứng chỉ mật mã có những sai sót rất là tai hại. Chính vì thế mà tôi đang cố thực hiện một dự án độc đáo. Một dự án có liên quan đến địa hạt mật mã.
Không như một số người vẫn tưởng, Internet không phải là một cái gì “ảo” và “phi vật thể”. Nó phải nhờ vào một hệ thống gồm những cáp quang, những router (bộ định tuyến) và những trạm lưu trữ dữ liệu thì mới có thể vận hành. Cả một hạ tầng cơ sở rộng lớn ấy đều nằm trong bàn tay kiểm soát của những công ty Mỹ. Ngoài ra, do được nắm quyền phân phối những domain name (tên miền) và những địa chỉ IP (địa chỉ giao thức Internet) nên người Mỹ đã lập một website nằm dưới quyền quản trị của một tổ chức có tên là ICANN(5). Tổ chức ICANN có khả năng xóa bỏ các địa chỉ web theo ý muốn riêng và những công ty Mỹ hiện đang nắm quyền kiểm soát các cáp quang có thể chặn lại để thu và cất giữ những thông tin đang được truyền qua hệ thống cáp quang ấy. Thành thử chúng ta đang đứng trước một câu hỏi: làm thế nào những người sử dụng Internet có thể ở trong thế chủ động trong không gian Internet nếu họ không có quyền kiểm soát hệ thống cáp quang và những hệ thống tham chiếu khác?
* Nhưng dự án ấy, anh sẽ thực hiện như thế nào?
- Tôi xin đưa ra một thí dụ cụ thể. Chẳng hạn có một người nào đấy đến gặp anh, cho anh biết là hắn đang có trong tay một tài liệu bí mật, một bảng kê khai tất cả những thứ có trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được cập nhật đến ngày 1-1-2013. Hắn muốn đưa cho anh tài liệu ấy. Lúc bấy giờ trong đầu anh nảy ra hai mối nghi ngờ. Thứ nhất: Làm thế nào để biết đó là bản kê khai “chính hiệu” (authentique)? Thứ hai: Nếu hắn chuyển tài liệu ấy cho anh qua Internet thì nhỡ có một kẻ thứ ba nào đấy chặn lại, bôi sửa một số nội dung và tiếp tục gửi nó cho anh thì sao? Dự án phương pháp mật mã của tôi có thể gỡ bỏ cho anh hai mối nghi ngờ ấy vì nó tạo ra được một chữ ký bằng mật mã để đảm bảo đấy là một tài liệu không bị làm giả, không lừa dối anh. Dự án này sẽ nằm trong đường hướng phát triển của WikiLeaks. Ở giai đoạn đầu chúng ta chống lại việc các chính phủ trên thế giới lúc nào cũng muốn chặn giữ các thông tin. Chúng ta phải tìm cách vô hiệu hóa quyền lưu trữ những thông tin có liên quan đến tri thức của những công ty dịch vụ tư nhân: Trong tình trạng hiện thời chỉ cần Mỹ ra lệnh một tiếng là từng mảng lớn của tri thức nhân loại có thể bị xóa sạch trên Internet. Chúng ta phải chống lại sự việc này và làm thế nào để có thể đưa lên Internet những thông tin không thể bị tẩy xóa, không thể bị giả mạo, không thể bị sửa đổi bởi những thế lực của công quyền hay tư nhân.
* Đối với WikiLeaks vị thế của anh như thế nào? Anh có nắm quyền điều khiển WikiLeaks hay không?
- Đối với cá nhân tôi WikiLeaks là một con tàu chiến đang bị địch quân bắn phá. Trong một tổ chức như WikiLeaks mọi người đều nắm giữ những vai trò thiết yếu. Dù ở vị trí nào, mỗi cá nhân đều có thể có ích cho tập thể. Tôi chỉ là người phát ngôn của WikiLeaks thôi. Tôi không dám so sánh tôi với những hạng vĩ nhân theo nghĩa của Hegel. Tôi chỉ biết tôi là một tên bướng bỉnh và cứng cổ. Nhưng để không nói nhiều về trường hợp của riêng tôi, tôi muốn anh nghĩ đến sự can đảm của Bradley Manning(6), sự can đảm của một con người dám sống và dám hy sinh cho những điều tin tưởng của mình.
* Anh có nghĩ rằng sự tiết lộ của WikiLeaks trên Internet có thể gây ra nguy hiểm nặng nề cho một số người nào đấy hay không?
- Tôi không nghĩ như anh nói. Vì ngay đến chính phủ Mỹ cũng từ chối khẳng định sẽ có ai đấy bị nguy hiểm bởi những điều tiết lộ của chúng tôi.
* Anh tưởng tượng thế nào về tình cảnh của chính anh trong khoảng từ nay đến 10 năm sắp tới?
- Tình cảnh của bản thân tôi không có gì để nói trước cả vì nó phụ thuộc vào tình hình trên thế giới. Nếu thế giới tiến triển đúng hướng, nếu cộng đồng quốc tế tỏ ra yêu chuộng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, nếu ai ai cũng đều tin rằng những quyết định ở cấp độ nhà nước nên được rọi sáng và công bố rộng rãi để mọi người được thấy rõ và đóng góp ý kiến thì những việc mà tôi đã làm, đang làm và sẽ làm sẽ được đánh giá lại theo hướng tích cực. Mọi người sẽ hoan nghênh vai trò của WikiLeaks trong việc WikiLeaks tố cáo những tội ác chiến tranh diễn ra ở Irak hay ở Afghanistan, hay trong việc WikiLeaks gây ra xì căng đan Cablegate dẫn đến sự nở rộ của Mùa xuân A Rập. Bởi vì nhờ có WikiLeaks tung lên mạng những bức điện ngoại giao của Mỹ mà những nhà độc tài ở Trung Đông như Moubarak, như Ben Ali, như Kadhafi mới bị đổ nhào. Nhưng nếu thế giới tiến triển theo hướng ngược lại, dùng sức mạnh quân sự, sức mạnh của vũ khí hạt nhân để kiểm soát và trói buộc con người thì chắc chắn tôi sẽ bị giam giữ ở một nơi nào đấy. Điều ấy không phải chỉ do ở riêng tôi mà còn do ở nhiều người khác.
(Theo tạp chí Philosophy, Pháp)
_____
(1) Ở đây danh từ kỹ thuật không dịch được hết nghĩa của từ technology.
(2) Tạm dịch từ internant.
(3) Spyfiles là một dự án đã được WikiLeaks thực hiện được nửa chừng, tiết lộ 287 tập quảng cáo của những công ty tin học tư nhân đang hoạt động ở 25 nước trên thế giới, rao bán những kỹ thuật theo dõi, dò tìm
siêu hạng.
(4) Bản dịch tiếng Pháp: Menace sur nos libertés của NXB Robert Laffont (Pháp).
(5) Tên viết tắt của Internet Corporation for Assigned Numbers and Names.
(6) Người lính Mỹ đã chuyển cho WikiLeaks 250.000 bức điện tối mật của Mỹ hồi tháng 5-2010.