Trước thềm năm mới 2015, chợt nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam vị tân đại sứ Mỹ trình quốc thư, rồi nói bằng tiếng Việt lơ lớ để chứng minh rằng mình là “cố nhân” đối với dải đất hình chữ S bên biển Đông đang dậy sóng này, tôi cũng bỗng nhớ tới “cố nhân” - cũng là một người Mỹ mà tôi đã gặp từ gần… nửa thế kỷ trước!
“Cố nhân” Mỹ mà tôi gặp là một… tù binh. Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ, nhắc lại chuyện đánh nhau “ngày xưa” có … lạc điệu không nhỉ? Câu trả lời có lẽ tùy thuộc điểm nhìn. Thì mới đây thôi, một quan chức sang thăm Mỹ, chẳng đã mang theo quà tặng là bức ảnh chụp nơi phi công Mỹ bị bắt đó sao! Hẳn là có những “ngụ ý” chi đó mà không phải “phó thường dân” nào cũng hiểu ra. Còn tôi kể chuyện ngày xưa, chỉ là để chia sẻ một kỷ niệm có thể gọi là… vui vui trên những con đường ra mặt trận. Nói đến “con đường” vì tôi từng là “lính” giao thông, những năm chiến tranh ác liệt nhất đã sống và chiến đấu trên đất lửa Quảng Bình, trên tuyến 12A lên đèo Mụ Giạ nổi tiếng, gần chục năm “mang tiếng” là luôn đối đầu với bom đạn Mỹ; nhưng khác với những người lính ở chiến trường, vào trận là “mặt giáp mặt” với Mỹ, chúng tôi suốt năm suốt tháng chỉ lăn lộn quanh những hố bom, những nhịp cầu đổ, những bến phà đầy thủy lôi, còn địch thì cứ bay tít trên trời, chẳng bao giờ thấy mặt chúng. Vì thế, có dịp “giáp mặt Mỹ” là thích lắm; với tôi, chỉ có một lần duy nhất.
Trước khi được “giáp mặt Mỹ”, tôi kể qua một trong các lần trượt cơ hội gặp phi công Mỹ. Xin được trích nguyên văn nhật ký, cứ để y những từ “thằng Mỹ” với “băm vằm Giônxơn”…, để thấy được không khí thời đó.
Trích Nhật ký ngày 20-9-1965:
“Ngày 17-9, lại từ La Trọng ra Tân Đức để cắm tuyến mới. Ở đây, lúc cầu Tân Đức mới bị đánh sập, một đường tránh tạm được mở vội qua vùng đồi sim mua, nhiều đoạn không hợp lý, lại đã lầy lội, xe đi rất vất vả… Trong mấy ngày cắm tuyến mới ở Tân Đức, chiều 19-9 được xem không lực Huê Kỳ “biểu diễn” suốt 4 giờ liền. Nguyên do là một phản lực F-105 bị trận địa pháo ở Lộc Yên bắn rơi. Tên trung tá nhảy dù trúng chỗ có bộ đội; lập tức chúng gọi trực thăng đến cứu. Thật đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” - các đồng chí bộ đội chờ cho trực thăng xuống thấp mới bắn; trực thăng rơi, tóm thêm một thiếu úy, một bác sĩ và một thợ máy. Một công nhân Đội Cầu 6 đang thi công cầu tạm Lộc Yên cho goòng qua, đi xem phi công Mỹ về kể lại vậy. Bốn tên béo ị nhốt 4 nhà, được chăm sóc chu đáo, cho ăn thịt lợn, gà, sữa…”.
Đó là cảnh trên đường Trường Sơn - nay gọi là “đường Hồ Chí Minh”, đoạn giáp giới HàTĩnh và Quảng Bình. Còn dưới đây là cảnh vùng đồi phía Tây Đồng Hới, giữa thời kỳ “ném bom hạn chế”, Quảng Bình càng hứng nhiều bom đạn Mỹ.
Trích Nhật ký ngày 16-5-1968:
“Hôm qua, lần đầu, thấy tận mắt một thằng Mỹ bằng xương bằng thịt. Trưa đi họp Ban thi đua về, nghe nói có Mỹ ở gần, mấy anh em rủ đi. Rất đông người vào ra cái nhàcó thằng Mỹ – nhà một người dân thị xã Đồng Hới sơ tán gần Văn phòng Ty. Lúc mình sang, nghe tiếng người chủ - một ông già còn khỏe mạnh, da nâu sẫm, chòm râu cằm đen nhánh - cụ hỏi vọng lên gian trên:“Đã phải cho nó ăn sữa chưa, để tôi nấu nước?”. Người y sĩ đi theo tên Mỹ bảo là chưa cần và giải thích việc cụ đang bằm rau nấu cho nó ăn - sẽ nấu nhừ như nấu cháo lợn; đó là kiểu nó thích ăn, chứ không phải cụ đối xử tệ với nó. Một lát, cụ lên ngồi ở ghế, hai đứa cháu nhỏ đứng bên cạnh. Bố hai bé là con trai ông cụ, bị chết trong trận Mỹ đánh Đồng Hới lần đầu tiên (tháng 2-1965). Ba năm rồi, nên cụ nhắc chuyện cũ không ngậm ngùi nữa. Sự độ lượng, khoan hồng của cụ thật đáng kính nể.
Thằng Mỹ tên là Prútpơ, lính thủy đánh bộ, quê ở Sicagô, bô ́mẹ làm ruộng; nhà chỉ có hai chị em. Tháng 7 tới, hắn mới được 20 tuổi, sang Việt Nam từ tháng 12-1967. Hắn bị thương nặng ở bắp chân trái và tay trái; chỉ là binh nhất, không hiểu sao mình tốn công sức, xương máu nữa để đưa hắn ra. Bắt được hắn ở Cồn Tiên (Quảng Trị), 4 người gánh hắn ra Vĩnh Linh thì hai đồng chí bộ đội bị bom bi chết! Còn hai người theo nó ra đến đây bằng ô tô.
Hắn được đặt nằm trên cái giường, trước bàn thờ, có màn che hẳn hoi. Chuyển hắn ra đến đây đã mất 8 ngày. Chân trái hắn kẹp hai thanh gỗ dài từ hông xuống, tay cuốn băng và nẹp gấp theo hình tay co. Hắn ở trần vì nóng quá, chỉ che “con cu” bằng miếng vải mỏng. Lúc mới đến, tưởng hắn gần chết, vì ra máu nhiều, da bọc xương, trắng nhợt. Còn sống được là nhờ tiêm huyết thanh và ăn đường sữa. Người xung quanh quá đông càng nóng. Đồng chí y sĩ mượn nón một cô gái quạt cho nó. Một cô bảo: “Nóng hắn chứ nóng gì mình”. Một cô khác cãi lại: “Chẳng thà hắn chết rồi, chứ đã cứu thì cứu cho nó sống”. Hai cô gái đó, một cô người bờ nam Bến Hải, một cô người bờ bắc Bến Hải. Gia đình cả hai cô đều cóngười thân bị bom đạn Mỹgiết chết. Được quạt mát, hắn mở mắt và nói lời cảm ơn. Một lát, hắn đưa cánh tay không bị thương cầm lấy nón quạt. Người Mỹchưa làm động tác này lần nào nên thoạt đầu hắn đập vành nón vào mặt; hắn quạt được mấy cái rồi bỏ ra. Anh y sĩ lại quạt cho nó. Thái độ anh y sĩ đối với nó khá hiền lành vui vẻ. Có thể hắn là một thằng lính tiến bộ, sẽ có lợi cho tuyên truyền của ta.
Nhìn hắn nằm thảm hại, bốc mùi hôi khó thở, cứ muốn làm sao đưa nguyên tình trạng thế về Hoa Thịnh Đốn thì chắc nhân dân Mỹsẽ tìm bắt Giônxơn mà băm vằm! Chỉ vì Giônxơn mà những thanh niên Mỹđẹp trai mới như thế.
Một anh dân quân vào góp ý với đồng chí y sĩ rằng không nên cho người xem lại gần vì cóthể có người căm thù nó quá, sẽ đập nó chết. Không ngờ câu nói hợp lý đó lại bị hai bà già phản đối với giọng khá gay gắt. Hai bà cho anh dân quân khinh bà già không hiểu gì. Một bà nói: “Tui cũng thù hắn lắm như gặp hắn giữa trận thì tui đâm, tui vằm nó, nhưng bây giờ nó bị thương rồi, tui quý công lao anh em đưa nó về đây…”. Thế đấy! Lòng người dân Việt Nam cao thượng biết mấy.
Đồng chí y sĩ đi với nó người gầy, còn trẻ, da hơi tái như mới sốt rét dậy. Anh quê Đông Anh (Hà Nội), vào hoạt động biệt động ở Huế từ 1963, đã làm đủ việc, cuối cùng học y sĩ. Sau cuộc Tổng tấn công 68, bị lộ, nên phải ra. Đến Vĩnh Linh an dưỡng được mười ngày, quân y sĩ không có, nên anh phải đưa thằng Mỹ đi…”.
* * *
Chuyện chỉ có vậy thôi! Kể lại để thấy trên con đường đi tới Xuân 1975, bên cạnh những chiến dịch quy mô, những trận đánh bi tráng, đã có những cảnh đời như thế. Chuyện nhỏ thôi, nhưng cũng đủ chứng tỏ cường quốc có vũ khí hiện đại nhất thế giới, nhiều đôla nhất thế giới đã không khuất phục được dân ta; vậy thì nay cớ gì phải sợai, khi Việt Nam sẵn sàng làm bạn với cả thế giới! Và một người dân bình thường cũng biết cư xử độ lượng, hòa hiếu với kẻ-thù-trực-tiếp như thế cũng chứng tỏ Việt Nam chỉ muốn được sống trong an bình, chẳng hề muốn “gây chuyện” với ai. Nhưng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”, hình ảnh 4 viên phi công bị bắt ở gần ga Lộc Yên và viên lính thủy đánh bộ thân tàn ma dại ngày nào sẽ là sự cảnh báo đối với mọi kẻ xâm lược.
Gần nửa thế kỷ đã qua từ ngày đó! Không biết là chàng lính thủy đánh bộ, quê ở Sicagô hồi đó có ra đến các trại giam ở miền Bắc an toàn không? Chợt nghĩ: Nếu Prútpơ không bị chết vì chính bom đạn Mỹ trên đường đến trại giam thì nay cũng đã là một ông già gần bảy chục tuổi và biết đâu, tôi sẽ có dịp gặp lại “cố nhân”!