Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25-11-1913 trong một gia đình trung lưu ở làng Đô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ sống ở quê, Đoàn Văn Cừ đã được cha mẹ cho tiếp thu nguồn văn học Hán - Nôm và văn chương Pháp ngữ. Nhưng cha mẹ mất sớm nên Đoàn Văn Cừ khá lận đận trên con đường lập thân, lập nghiệp: hết đi dạy học trở thành anh giáo làng, rồi tham gia phong trào công nhân ở Nhà máy sợi Nam Định…, thời kỳ này thơ của Đoàn Văn Cừ đã rải rác xuất hiện trên báo Ngày Nay của nhóm Tự lực Văn đoàn và đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy.
Sau Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ tham gia nhiều công tác khác nhau: Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khóa đầu tiên (1946-1948). Cuối năm 1948, ông đi bộ đội đảm nhiệm việc tuyên truyền địch vận. Hòa bình lập lại, ông làm biên tập viên ở NXB Phổ Thông. Khi về quê sinh sống, ông là đại biểu Mặt trận Tổ quốc huyện, rồi làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh… Nhưng làm gì, ở đâu thì duyên nợ bút mực vẫn thường trực trong ông. Hầu hết các bài thơ của Đoàn Văn Cừ đều tràn ngập sắc màu. Những bài thơ “như họa” ấy là những bức tranh sinh động về phong cảnh, tình cảm, vẻ đẹp của làng quê, dù bài thơ đó viết trước hay sau Cách mạng tháng Tám, rồi viết sau ngày đất nước được thống nhất, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Qua rất nhiều bài thơ, người đọc nhận thấy những vướng bận trong đời thường, những tiêu cực ngoài xã hội… không lọt được vào thơ Đoàn Văn Cừ. Ông nhìn đời bằng cặp mắt tươi non, ngợi ca hết mực… Tất cả đã tạo nên một giọng thơ riêng, một “đặc sản” Đoàn Văn Cừ. Gần 60 năm sáng tác, ông để lại gần một chục tập thơ các loại, trong đó có rất nhiều bài có sức sống lâu bền cùng năm tháng, đọc lên là nhận ra ngay “chất” Đoàn Văn Cừ, như Chợ tết (1939), Đường về quê mẹ (1942), Lá thư xuân (1957), Mùa xuân (1966), Thư gửi con (1971), Về quê mẹ (1981)… những bài thơ này được coi là tiêu biểu của loại thơ tả thực, đậm đà phong vị, phong cảnh làng quê… Với những cống hiến cả đời cho văn chương, Đoàn Văn Cừ đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.
***
Với lòng kính trọng một nhà thơ thuộc lớp tiền chiến, một bậc huynh trưởng trong làng thơ cả nước, đầu năm nay tôi và nhà thơ Phạm Trọng Thanh trở về thăm địa danh “Đường Vàng – Sông Ngọc” – nơi neo giữ hồn thơ, hồn người của Đoàn Văn Cừ. Làng Đô Quan quê ông giờ khác xưa nhiều lắm: một vùng nông thôn mới với nhà ngói, nhà tầng san sát, đồng ruộng đã mang dáng cánh đồng mẫu lớn. Con đường liên xã từ thị trấn Cổ Lễ vào, giờ bê tông trải phẳng lì, đủ chỗ cho hai xe ô tô tránh nhau… Nhưng cũng từ con đường ấy bước vào mươi bước chân, ta đã lạc vào khuôn viên của nhà ông, một không gian xanh yên tĩnh với bóng nhãn bóng hồng xiêm che rợp cả một góc sân gạch, lại có cả hương thầm thoảng đưa từ những khóm hồng hoa nở rực rỡ…, tất cả đều do ông trồng và chăm sóc… Đón chúng tôi tại ngôi nhà ngói làm từ 30-40 năm trước, là một bà cụ dáng người nhỏ nhắn, cũ kỹ, bên cạnh một chú chó con cứ quanh quẩn dưới chân. Người phụ nữ 96 tuổi ấy chính là cụ Nguyễn Thị Miều – vợ nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Gặp chúng tôi, cụ vui lắm, cụ bảo: “Đã lâu lắm mới có bạn văn chương của ông tôi tới thăm!”.
Chúng tôi trân trọng đặt lên bàn thờ tập sách Nhà thơ Việt Nam hiện đại – Nam Định do nhà thơ Đoàn Mạnh Phương và nhà thơ Phạm Trọng Thanh góp nhiều công sức biên soạn và xuất bản. Trong tập sách, phần về nhà thơ Đoàn Văn Cừ chiếm 13 trang trong tổng số gần 400 trang giới thiệu về 42 nhà thơ Việt Nam – quê hương Nam Định. Đứng ở góc nào trong phòng thờ cũng bắt gặp ánh mắt như mỉm cười từ bức ảnh của nhà thơ trên bàn thờ nghi ngút khói hương.
Tuổi cao sức yếu nhưng trí nhớ của cụ Miều còn tốt lắm, nhất là khi khơi đúng mạch nỗi lòng của cụ đối với người chồng “chung thủy, thật thà, tốt bụng”. Rồi cụ kể vanh vách: ông đi bộ đội chống Pháp năm nào, các con theo bước cha đi đánh Mỹ năm nào, bị thương ở chiến trường nào, bây giờ sinh sống ở đâu, điều kiện sức khỏe, kinh tế ra sao… Cụ bảo: “Các con cháu không muốn để tôi ở nhà một mình, mà muốn đón lên ở cho có bà có cháu. Nhưng nếu tôi đi thì lấy ai ngày ngày ngắt hoa hồng dâng lên bàn thờ, ai thay chén nước sạch và thắp hương cho ông tôi được. Thế là con cháu cũng chiều ý mẹ ý bà”.
Câu chuyện cuối cùng lại trở về với thơ Đoàn Văn Cừ. Tôi hỏi vui: “Cả đời thơ, cụ ông có tặng riêng cho cụ bà bài thơ nào không?”. Câu trả lời bật ra rất nhanh: “Có chứ, đó bà bài thơ Gái quê ông viết năm 1941 để tặng riêng tôi khi chúng tôi mới yêu nhau”. (Sau này làm tuyển tập, Đoàn Văn Cừ đổi thành “Hương đồng gió nội – tặng M.”). Nội dung và hình ảnh của bài thơ chính là tôi đấy…”. Rồi cụ thong thả đọc cả bài thơ đó: “Tôi yêu cô gái xứ quê/ Ngày ngày đội chiếc nón mê ra đồng/ Cho trâu ăn cỏ vừa xong/ Về nhà cô lại ra sông vớt bèo/ Làm ăn chăm chỉ sớm chiều/ Thái khoai nấu cám mọi điều đảm đang/ Đồng quê cô ở thênh thang/ Ngựa xe cô chẳng mơ màng đế đô/ Hỡi cô có biết nhà thơ/ Bấy lâu vẫn ước cùng cô bạn lòng/ Mùa xuân đi đón nắng hồng/ Mùa hè tìm ổi, tìm bòng chín thơm/ Mùa thu đi kín nước nguồn/ Mùa đông nghe tiếng chim luồn trong cây”.
Cụ Miều còn mở lòng kể với chúng tôi về mối tình đặc biệt của hai cụ, cụ bảo: “Chúng tôi yêu nhau khi mới 15-17 tuổi cơ, nhưng mãi hơn chục năm sau chúng tôi mới được về sống bên nhau. Số là khi biết chúng tôi có tình ý với nhau thì đôi bên gia đình ngăn cản, nào là không môn đăng hộ đối, nào là bố mẹ anh mất sớm lấy ai lo cho anh… Thời xưa cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó, đố ai dám trái ý các cụ. Thế là anh đi lấy vợ, tôi đi lấy chồng, mối tình đầu đành chôn chặt trong lòng, nhưng vẫn nhớ về nhau. Khoảng mấy năm sau khi sinh được cháu gái Đoàn Thị Thanh, thì không may vợ ông mất, rồi người chồng của tôi cũng bị bạo bệnh mà qua đời. Trời xui đất khiến thế nào, sau khi hết tang, chúng tôi rổ rá cạp lại với nhau. Tình yêu, tình vợ chồng càng thêm mặn nồng. Ông đi chiến đấu, công tác xa nhà mấy chục năm, một mình tôi nuôi đàn con nhỏ cả con chung và con riêng của chồng tới 5 đứa, lo cho chúng ăn học, đi đây đi đó, rồi dựng vợ gả chồng khắp lượt. Những năm cuối đời vợ chồng già được sống yên ấm bên nhau, nào ngờ ông lặng lẽ bỏ tôi lại một mình, theo cánh hạc bay về trời mãi mãi…”.
Để xua tan không khí trầm lắng ấy, tôi hỏi cụ Miều: “Hồi trẻ ông có còn tặng thơ cho ai nữa không?” - “Có đấy, nhưng ông bảo ai mến thơ ông thì ông tặng, còn chuyện nọ chuyện kia thì không có, cả đời sống với ông tôi biết rõ lắm”. Cụ Miều còn nói vui: “Trong thơ ông viết “Nguyện sống bên em đến bạc đầu”, thế mà khi đã 90 rồi, tóc ông vẫn còn xanh lắm”.
***
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là thế đó, cứ bình lặng sống, bình lặng dâng hiến cho đời, bon chen kèn cựa chỉ là một thứ phù du, bọt bèo. Mối tình của ông bà tuy trắc trở ban đầu nhưng cái kết hợp lý và có hậu, ít ai gặp phải và có được. Phải chăng đến những năm tháng cuối đời này, “nguyên mẫu của nhà thơ” mới bộc bạch, mới trải lòng mình ra với mọi người, âu cũng là để vợi đi nỗi nhớ thương mà bà dành cho ông – nhà thơ Đoàn Văn Cừ yêu quý của chúng ta.