Góp ý sửa đổi Hiến pháp

1. Xác định rõ sự khác nhau giữa Hiến pháp và Luật

Hiến pháp là Bộ luật cơ bản của đất nước, là Khế ước xã hội giữa nhân dân và bộ phận cầm quyền, nó là bộ luật lâu dài của đất nước do Quốc hội là cơ quan lập hiến xây dựng và đưa ra toàn dân phúc quyết. Luật là những quy định cụ thể của Quốc hội ban hành trên cơ sở đề nghị của các cơ quan hành pháp, có thể bổ sung thay đổi hằng năm. Hiến pháp quy định tính chất của Luật, Luật là nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, không được phép trái với Hiến pháp.

Những nội dung giới hạn của những điều khoản của Hiến pháp phải được chính Hiến pháp quy định, không được giao quyền cho Pháp luật hạn chế những quy định của Hiến pháp; vì không có văn bản nào được phép cao hơn Hiến pháp, có quyền uốn nắn, thay đổi, bổ sung… những nội dung của Hiến pháp. Những pháp lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị… của các cơ quan nhà nước (và cả của các cơ quan Đảng như Nghị quyết Bộ Chính trị) đều không được trái với Hiến pháp. Trái với Hiến pháp là phạm tội vi hiến, một tội nặng vào bậc nhất.

Cho nên, các điều khoản không được ghi chung là “Theo Hiến pháp và luật định”, chỉ cần ghi “Theo Hiến pháp quy định” là đủ.

Không được ghi “trừ trường hợp có luật định” hoặc “theo quy định của pháp luật”. Ghi như vậy sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan luật pháp ban hành những điều khoản trái với Hiến pháp, vi phạm Hiến pháp.

2. Tăng cường hơn nữa việc bảo vệ Hiến pháp

a) Dự thảo mới đã có một bước chuyển cơ bản: Lập Hội đồng Hiến pháp (Chương X). Rất hoan nghênh. Nhưng xếp chung Hội đồng Hiến pháp với Hội đồng Bầu cử, và Ủy ban Kiểm toán Nhà nước (Chương X) là không đúng.

Hội đồng Bầu cử chỉ là một cơ quan hành chính, lo việc tổ chức mỗi kỳ bầu cử Quốc hội; Ủy ban Kiểm toán Nhà nước chỉ là một cơ quan chuyên môn kỹ thuật giúp công tác quản lý của Chính phủ. Hai cơ quan này tuy rất quan trọng nhưng không thể xếp ngang với Hội đồng Hiến pháp.

Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chính trị, hết sức quan trọng, có vị trí rất cao trong hệ thống tổ chức chính trị của đất nước. Nó phải có vị trí và quyền lực tương đương với Tòa án Hiến pháp ở một số nước.

Cho nên kiến nghị:

- Dành riêng 1 chương để nói về Hội đồng Hiến pháp. Nói cụ thể thêm về: Nhiệm vụ và quyền hạn (nhất là quyền hạn); Thành phần Hội đồng, lựa chọn, bầu cử như thế nào; Bộ máy, cách làm việc, quan hệ với các cơ quan khác như: Thường vụ Quốc hội, Tòa án tối cao, Trung ương Đảng.      

- Có một điều riêng nói về: Tội vi hiến. Ai có quyền buộc tội, ai có quyền xử án, xử tội như thế nào.

b) Về Điều 4 “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Điều này cùng với Điều 74 “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam” có thống nhất với nhau không? hay mâu thuẫn nhau, loại bỏ nhau? Trong Hiến pháp, là văn bản pháp quy quan trọng nhất của đất nước, sao lại để tồn tại hai điều có nội dung pháp lý loại trừ nhau như thế? Giải thích như thế nào?
Mặt khác, cần luật pháp hóa quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4). Để đề phòng những việc lạm quyền, lấn sân, vi phạm pháp luật, thậm chí làm trái Hiến pháp của các cơ quan Đảng (từ trung ương đến cơ sở), cần có một điều khoản: Xây dựng Luật về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với mọi mặt hoạt động của đất nước. Điều bổ sung này sẽ tăng thêm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong toàn dân, củng cố vững chắc thêm Điều 4, tạo điều kiện cho các cơ quan Đảng làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.

3. Về Chương I: Chế độ chính trị

- Điều 2: Sửa “tầng lớp trí thức” bằng “đội ngũ trí thức”. Sự thay đổi thuật ngữ này có ý nghĩa gì? Như thế là xem trọng hơn hay xem nhẹ hơn, đề cao hơn hay hạ thấp hơn? Trong lý luận về giai cấp, hai từ ngữ tầng lớpđội ngũ được định nghĩa khác nhau như thế nào? Tại sao cần phải sửa?

- Tại sao không nói gì đến tầng lớp doanh nhân? Từ Hiến pháp 1992 (Đổi mới, cơ chế thị trường định hướng XHCN), trong nước ta đã hình thành tầng lớp doanh nhân, đã đóng góp lớn cho kinh tế phát triển và sẽ còn có vị trí quan trọng trong tương lai lâu dài. Tại sao không nhắc tới?

- Vai trò của Công đoàn vẫn được xem trọng như cũ (Điều 10). Do quan niệm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nên Hiến pháp ghi vai trò của Công đoàn riêng biệt. Nhưng thực tiễn mấy chục năm qua (đánh Pháp, đánh Mỹ và kiến thiết đất nước), Công đoàn không làm được vai trò gì hơn các đoàn thể như Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ… Cho nên đề nghị: bỏ điều khoản riêng về Công đoàn, ghi chung vào mục các Tổ chức quần chúng.

4. Về Quyền của người dân

- Dự thảo đã đưa “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ Chương V lên Chương II, như vậy là hợp lý.

- Các quyền cơ bản của người dân được ghi từ Điều 15 đến Điều 52, dù rằng cách viết khá tản mạn và sắp xếp thiếu tập trung, nhưng cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản.

Tuy nhiên, trong những năm qua đã xảy ra khá phổ biến những trường hợp xâm phạm quyền tự do của công dân (đã được Hiến pháp quy định) rất trắng trợn của các cơ quan quyền lực, như: bắt người không có quyết định của cơ quan trách nhiệm, bắt xong đưa đi đâu gia đình không được biết; tự tiện xông vào nhà khám xét, tịch thu đồ đạc, tịch thu máy tính, điện thoại; toà án xử không công khai, không cho công chúng tham dự; các quy định về tố tụng bị vi phạm trắng trợn, không cho tranh biện tại phiên tòa xử… Điều đó ai cũng biết, ai cũng than phiền và chịu đựng, không nghĩ rằng những việc lộng quyền đó là “vi phạm Hiến pháp”. Hiến pháp lần này phải viết sao cho loại trừ được những sự vi phạm quyền tự do dân chủ của người dân và hạn chế răn đe các cơ quan quyền lực vi phạm Hiến pháp và Luật pháp.

- Do đó, xin kiến nghị:

a) Vấn đề giới hạn quyền dân chủ. Ai cũng hiểu rằng: Quyền tự do của công dân bao giờ cũng phải có giới hạn: Giới hạn bởi lợi ích đất nước, bởi lợi ích cộng đồng, bởi lợi ích của công dân khác, giới hạn của phong tục tập quán. Mặt khác, mọi người dân đều phải tuân thủ pháp luật, đó là quy định của Hiến pháp, không cần nhắc đi nhắc lại. Nội dung này cần được ghi chung vào một điều khoản là đủ, không cần cứ mỗi khoản ghi quyền công dân lại phải kềm một câu hạn chế “theo luật định”. Ghi như vây sẽ tạo điều kiệncho các cơ quan quyền lực làm sai Hiến pháp.

b) Cần bổ sung rõ ràng thêm các quyền sau đây:

- Không ai bị bắt mà không có quyết định của Tòa án (Điều 71 cũ có ghi, Dự thảo lần này không ghi).

- Không ai bị giữ quá 12 giờ đồng hồ tại các cơ quan quyền lực nếu không có quyết định của Tòa án.

- Không  ai bị khám nhà, tư trang vật dụng, không ai bị thu giữ đồ dùng tài sản cá nhân, bị mở thư tín cá nhân mà không có quyết định của Tòa án.

- Gia đình người bị bắt giữ có quyền được thông báo rõ lý do người thân bị bắt giữ, bị đưa đi đâu, có quyền gửi thư và nhận thư.

- Các vụ tòa án xét xử về kinh tế, xã hội, dân sự đều phải xử công khai, không được phép xử bí mật, trừ những vụ án lên quan đến an ninh quốc gia.

- Những người bị Cơ quan công quyền bắt giam không đúng, những người bị Tòa án xử tội oan, được cơ quan có trách nhiệm công bố không phạm tội và được bồi thường những thiệt hại vật chất và tinh thần:

- Công dân có quyền có việc làm (Điều 55 và 56 cũ có ghi, nhưng Dự thảo mới không có), và được bảo đảm các chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là một quyền rất quan trọng của người dân, cần bổ sung đầy đủ hơn.

- Bổ sung Điều 21 (mới): Mọi người có quyền sống. Vì không có ý nghĩa, nên thay vào bằng Quyền có việc làm.

- Điều 30 (mới): Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Cần thêm: Công dân có quyền và có nghĩa vụ biểu quyết khi...

- Điều 46 (mới) về môi trường. Đề nghị ghi thêm: Các cá nhân và tổ chức làm xâm hại môi trường sống sẽ bị pháp luật trừng trị.

- Cần bổ sung thêm một điều mới: Tất cả các chủ trương, chính sách, luật pháp, quy định… liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và đời sống của người dân đều phải được công bố công khai và minh bạch.

Những nội dung ấy cần được ghi vào Hiến pháp, không thể chỉ ghi trong các luật cụ thể (mà người dân không ai biết rõ), và không kèm theo cái đuôi hạn chế “theo quy định của Pháp luật”.

Như vậy, đề nghị sắp xếp lại các điều khoản trong Chương II này, viết lại cho mạch lạc và hợp lý hơn.

c) Những nội dung cần thiết để tránh sự lộng hành của Công an, của Tòa án, của Viện Kiểm sát… cần được bổ sung một cách hợp lý vào các điều thuộc các chương sau nói về các cơ quan quyền lực, để khắc phục tình trạng xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do dân chủ của người dân đã được Hiến pháp quy định (như hiện nay).

Riêng đối với ngành Công an (ngoài Điều 72 ở Chương IV) là ngành  lâu nay có khá nhiều vi phạm quyền công dân, cần có thêm những điều khoản hạn chế, cấm đoán và trừng trị những hành vi vi phạm Hiến pháp, vi phạm Luật pháp, phải công khai minh bạch những hoạt động bắt bớ, giam người. Đây phải là những quy định của Hiến pháp, không phải là những luật cụ thể.

5. Về chính sách đất đai 

Điều 57 và 58 mới đã sửa đổi Điều 17 và 18 cũ, nhưng nội dung cơ bản về chính sách đất đai không thay đổi. Quan điểm cơ bản của ta là “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” nhưng trong mấy chục năm qua, cụ thể hóa quan điểm đó bằng những chính sách đất đai đã bộc lộ nhiều nhược điểm rất cơ bản: lúng túng về đường lối lý luận, lúng túng trong định nghĩa quyền sử dụng của người có ruộng đất, mâu thuẫn trong các chính sách cụ thể, bất hợp lý trong cách định giá đền bù… Tình hình đó kéo dài trong cơ chế thị trường làm thất thoát to lớn tài nguyên quốc gia, tạo điều kiện cho bọn quan lại tham nhũng hợp pháp hóa việc cướp đất tràn lan một cách trắng trợn, nông dân bị mất đất ra thành phố bổ sung vào đội quân thất nghiệp, bị lưu manh hóa; nông dân bị đàn áp, đi khiếu nại tràn lan, đưa đến nhiều vụ rối loạn xã hội lớn (Thái Bình, Yên Lãng, Văn Giang…).

Rõ ràng chính sách đất đai hiện nay là không ổn. Cần có một thay đổi cơ bản trong chính sách đất đai, cần công nhận quyền sở hữu đất đai của người nông dân, thì mới đưa được nông thôn tiến lên, mới giữ được ổn định chính trị trong xã hội, mới tạo nền móng cơ bản cho đất nước nông nghiệp chúng ta tiến lên công nghiệp và hiện đại.

Đây là một vấn đề rất lớn và rất quan trọng trên con đường tiến lên của đất nước ta. Đề nghị các cơ quan lý luận của Đảng, các chuyên gia chính trị và kinh tế nghiên cứu để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của quan điểm Sở hữu toàn dân, đưa vào thành một nội dung quan trọng của Hiến pháp mới năm 2013 thì mới tạo được một biến chuyển cơ bản của đất nước (như Hiến pháp 1992 đã chính thức công nhận quyền sở hữu tài sản và quyền kinh doanh làm giàu chân chính, cho nên đã tạo được chuyển biến cơ bản của nước ta sau Đổi mới).

Tôi cho rằng: Chính sách đất đai mới thay thế các chính sách hiện hành phải là một nội dung cơ bản của Sửa đổi Hiến pháp lần này.

6. Tại sao lần này cần sửa đổi Hiến pháp?

Đất nước ta đã 4 lần có Hiến pháp mới trong thời gian 57 năm (từ 1945 đến 1992). Sửa đổi Hiến pháp như vậy là quá nhanh so với quy luật chung với nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với nước ta, đó đều là rất cần thiết do yêu cầu mới của các biến chuyển giai đoạn cách mạng:

- Hiến pháp năm 1946, Cách mạng tháng Tám thành công, xây dựng nước Việt Nam độc lập và chế độ dân chủ cộng hoà;

- Hiến pháp năm 1959, chiến thắng thực dân Pháp, hòa bình, đất nước bị chia cắt, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam.

- Hiến pháp năm 1980, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc.

- Hiến pháp năm 1992, Đổi mới, chống quan liêu bao cấp, công nhận quyền sở hữu tư nhân, xây dựng cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Rõ ràng là giai đoạn cách mạng mới đòi hỏi phải có hiến pháp mới.

Lần này, 21 năm sau Hiến pháp 1992, không có biến đổi về chính trị, không có một chuyển biến giai đoạn cách mạng lớn như 4 lần trước, nhưng vẫn rất cần xây dựng một Hiến pháp mới. Vậy Hiến pháp mới năm 2013 phải tập trung vào nội dung gì? Tại sao lần này không có những thay đổi lớn về giai đoạn cách mạng mà vẫn cần sửa đổi Hiến pháp, và chủ trương Sửa đổi Hiến pháp được cán bộ, đảng viên và toàn dân đồng tình ủng hộ?

Theo tôi: Nội dung chủ yếu của lần sửa đổi Hiến pháp này là 3 điểm lớn sau đây, là 3 điều rất bức xúc hiện nay của toàn dân và đất nước:

Một là, Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của người dân, thực hiện những nguyện vọng chân chính của người dân khi làm Cách mạng tháng Tám và xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những nguyện vọng thiêng liêng đã được Bác Hồ đưa vào Hiến pháp năm 1946.

Hai là, Đề cao việc thực thi và bảo vệ Hiến pháp, đề phòng, răn đe và trừng trị những hành vi xuyên tạc, làm trái và vi phạm Hiến pháp.

Ba là, Sửa đổi chính sách đất đai, trao quyền sử dụng đất cho người dân.

Ba nội dung ấy là ý nghĩa, là lý do cơ bản của cuộc sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Sửa đổi Hiến pháp lần này không phải là chỉ thay đổi một vài nội dung, sửa đổi một vài điều khoản, mà là xây dựng một Hiến pháp mới thực sự có những thay đổi lớn lao so với Hiến pháp hiện hành, cho nên phải tiến hành thận trọng, tranh thủ được nhiều ý kiến. Và cuối cùng cần đưa ra cho toàn dân phúc quyết(1).

 

--------------------

* Nguyên Vụ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Bộ Giáo dục và Đào tạo, 65 tuổi Đảng (H.V.)

(1) Xin cung cấp một ít tư liệu:

- Hoa Kỳ, trong 200 năm (1791-1992), sửa Hiến pháp 27 lần.

- Đức, trong 40 năm (1951-1990), sửa 38 lần: 14 lần sửa 1 điều, 8 lần sửa 1 điểm, 4 lần sửa 1 câu, số lần còn lại sửa cả đoạn.

- Việt Nam: 3 lần sửa đều là xây dựng lại Hiến pháp mới, không phải là chỉnh sửa một vài điều.  Lần này, 2013, cũng thế. Cho nên không đơn giản là Quốc hội thông qua, mà cần toàn dân phúc quyết.

Lúc xây dựng Hiến pháp mới, Hội đồng Lập hiến của Nam Phi đã thực hiện hơn 1.000 cuộc hội thảo, hơn 95.000 người tham gia, nhận 2 triệu thư kiến nghị trên tổng số 46 triệu người. Sau khi sửa lại lần 2, lại đưa ra thảo luận, đã nhận được 250.000 ý kiến đóng góp.

Phan Hoàng Mạnh